Chào mừng các đồng dâ chí đã quay trở lại chuyên mục tìm hiểu lịch sử Mass Effect. Hôm nay, chúng ta lại tiếp tục ngược dòng thời gian về trước cả khi xảy ra First Contact War, để xem điều gì đã khiến cho mấy ông Turian phải nhảy ngược lên khi loài người đang dự tính kích hoạt Relay 314. Welcome to Rachni War!
I. TỔNG QUAN
Rachni War là một chuỗi các xung đột quân sự kéo dài 300 năm, xảy ra trong thời kì đầu Liên minh Ngân hà. Khi đó, Salarian, trong một chuyến thám hiểm vũ trụ, đã kích hoạt một cổng Mass Relay hướng tới Thiên hà của Rachni, một giống loài hiếu chiến, thông minh, với số lượng gần như vô tận. Sự việc này dẫn tới vô số hệ luỵ và đã thay đổi vũ trụ đã biết trong Mass Effect mãi mãi.
II. RACHNI
Rachni là một loài giống côn trùng, với một con Rachni Chúa thống trị tất cả, sinh ra tất cả những con khác trong đàn. Chúng giao tiếp bằng Wifi và Bluetooth thần giao cách cảm và… xì hơi. Hơi của Rachni có chứa các hợp chất hoá học hoạt động tương tự như mệnh lệnh và đều được các con dưới chấp hành tuyệt đối. Có nhiều loại Rachni, mỗi loại mang một nhiệm vụ riêng. Để dễ hình dung, ta có thể tưởng tượng nó là một phiên bản lai hoàn hảo giữa sự hung hăng và tính tổ chức của kiến, cộng với khả năng sống dai, khó chết như gián. Còn về trí tuệ? Chúng tự xây dựng được phi thuyền FTL (Faster Than Light – Nhanh hơn tốc độ ánh sáng) và sử dụng Mass Relay. Một lũ gián xây dựng phi thuyền không gian và sử dụng Cổng dịch chuyển tức thời – hẳn là các nhà Côn trùng học rất thích điều này.
Vào khoảng đâu đó năm 68.000 Trước Công nguyên (TCN), khi loài người còn chưa biết mặc quần, Prothean – một trong những sinh vật phát triển nhất vũ trụ đã nô nức kéo nhau đi làm kinh tế mới. Phát hiện ra Rachni sở hữ khả năng sinh sản không giới hạn và cực kì thiện chiến, Prothean đã biến chúng thành vũ khí sống sử dụng cho công cuộc bình định bạo loạn và thuộc địa hoá hành tinh. Mấy anh Prothean chỉ cần thả vài em Rachni Chúa xuống hành tinh cứng đầu nào đó và sau vài tháng là … bùm, mọi thứ sẵn sàng cho việc ngư, tiều, canh, mục.
Đáng tiếc là Rachni thông minh hơn vẻ bề ngoài cục súc của chúng. Chúng tiến hoá, tiếp thu, học hỏi và cuối cùng, nổi loạn. Prothean đã mất khoảng 200 hành tinh để xoá sổ Rachni. Nhưng sự thật là không có quyển sổ nào bị xoá cả, một lượng nhỏ Rachni Chúa đã sống sót và ẩn nấp sâu dưới bề mặt hành tinh Suen của hệ Maskim Xul, chờ đợi thời cơ để trỗi dậy. Trong lúc Rachni đang núp lùm thì một thế lực khác, to lớn hơn (cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), đã quét sạch sự sống khỏi vũ trụ, bao gồm cả Prothean. Thế lực khủng khiếp đó sau này được biết đến với cái tên Thần chết – The Reaper.
Năm 01 Sau Công nguyên, khi Caesar đang bận đánh nhau tại Châu Âu, Khổng Tử đang vuốt râu nói đạo lý tại Trung Quốc, và con dân Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 1, thì các các nền văn minh khác đã bay vèo vèo bằng tàu vũ trụ và hăm hở lên đường khai hoang thông qua các Mass Relay. Trong một ngày đẹp trời và phong độ lên cao, những gã Salarian ham học hỏi đã vô tình kích hoạt Mass Relay dẫn tới Hệ sao Maskim Xul – nơi Rachni đang thống trị. Với vị thế số 2 hùng mạnh trong Liên minh Ngân hà mới thành lập, Salarian dễ dàng…bị làm gỏi bởi Rachni, và tất cả phương tiện của Salarian bị tịch thu về phục vụ nghiên cứu. Dựa vào những thiết bị thu được từ Salarian, Rachni đã thành công trong việc chế tạo tàu không gian FTL để đi bón hành cho phần còn lại của Vũ trụ.
Citadel – Đại bản doanh của Hội đồng Liên ngân hà (Gọi tắt là Citadel), quá hốt trước tình cảnh chọc đúng ổ kiến lửa, kêu gọi đình chiến và giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Nhưng vấn đề là không biết đối thoại với ai, vì chỉ huy duy nhất là Rachni Queen – chui rúc dưới hành tinh Sael đầy chất độc chết người, và em Queen này cũng không biết nói, khiến mọi nỗ lực liên lạc đều thất bại. “Thì ra mày chọn cái chết” Citadel nói. Lệnh tổng động viên ra trận được ban bố, cả thiên hà nô nức kéo nhau đi diệt bọ, nhưng niềm hưng phấn nhanh chóng chuyển thành nỗi kinh hoàng khi Rachni lần lượt đè bẹp tất cả quân đội Liên ngân hà bằng số lượng áp đảo của mình.
III. KROGAN
Chiến sự căng thẳng ngày một leo thang, sau gần một thế kỷ bắn giết trong một cuộc chiến tiêu hao vô số sinh mạng và tài nguyên, Rachni đang dần thắng thế trên mọi mặt trận. Và lúc này, chính lúc này, tội đồ Salarian, vốn thích cầm pipette và hôn hít kính hiển vi hơn là súng ống, đề cao “tri thức là sức mạnh”, đã tìm ra giải pháp để khắc chế Rachni –Krogan.
Krogan, Krogan, Krogan. Một giống loài đơn giản, thích dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, to lớn và cục súc, dẻo dai và chết chóc, có vẻ như là một lựa chọn hoàn hảo. Khoảng 2000 năm trước khi tiếp xúc với Salarian (2000 TCN), các tộc trưởng Krogan đã có sở thích dùng “nấm” hỏi thăm nhau vô tội vạ, biến Tuchanka – hành tinh của Krogan, thành một Chernobyl phiên bản mở rộng. Nhưng sau tất cả, thay vì diệt vong thì anh bạn Krogan đã tiến hoá. Chúng dần dần miễn nhiễm với mọi loại chất độc, phóng xạ, kèm theo một cơ thể trâu bò, phục hồi nhanh. Và hơn hết, cực kỳ mắn đẻ.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của một đội quân thích đánh đấm, Salarian đã quyết định biến Krogan thành lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống lại Rachni. Salarian tiến hành chuyển giao các công nghệ hiện đại, tạo điều kiện để Krogan tái định cư tại một hành tinh khác với điều kiện sống lý tưởng hơn, tất cả chỉ để đổi lại cái gật đầu của Krogan trong việc tham chiến. Dĩ nhiên Krogan đồng ý, vì dù sao bụp vào mặt nhau cũng là sở thích của chúng.
IV. EXTERMINATUS – HUỶ DIỆT
Krogan tham chiến nhanh chóng làm thay đổi cán cân chiến sự. Với khả năng mắn đẻ, trưởng thành nhanh và thiện chiến, Krogan dần dần chiếm lại ưu thế trước Rachni. Cuối cùng, Krogan đã áp sát hành tinh mẹ – Suen và đưa tối hậu thư cho Rachni Chúa đề nghị đầu hàng vô điều kiện. Rachni từ chối, và những nông dân Krogan tiến hành trồng “nấm” toàn bộ thành phố, hang ổ và trên bề mặt Suen, biến cả hành tinh thành vùng đất chết . Vào năm 300 SCN, Rachni bị tuyên bố tuyệt chủng. Tuy nhiên, Citadel vẫn lưu lại một Trạm quan trắc để giám sát Suen, đề phòng bị móc lốp một lần nữa.
V. NGUYÊN NHÂN
Không một ai thực sự biết nguyên do Rachni lại máu chó và thích đồ sát như vậy. Tất cả lý giải sau này đều là giả thuyết, có 02 thuyết âm mưu (có vẻ) rõ ràng hơn cả, gồm:
- Rachni bị tẩy não và điều khiển bởi The Reaper. Trong Mass Effect 3, người chơi có cơ hội chém gió cùng với Rachni Queen tại Noveria, khi đó Rachni Queen cho biết bản thân không hề biết tại sao đàn của mình lại đi cà khịa khắp thiên hà. Khi Queen chưa nở và còn ở trong trứng, Queen nghe thấy rất nhiều “Lời thì thầm” xúi giục. Lúc này người chơi có thể quyết định cứu Rachni Queen hoặc không. Nếu giải thoát Rachni Queen, người chơi sẽ có thể đọc được báo cáo của Asari trên hành tinh Illium rằng có phát hiện Rachni, tuy nhiên chúng không hề hung hăng và thù địch. Điều này ngầm khẳng định rằng, Rachni là một giống loài ưa màu tím, thích sự thuỷ chung và yêu hoà bình do dòng đời xô đẩy mới trở nên xa ngã
- Rachni bị tẩy não và điều khiển bởi Leviathan. Ngắn gọn, Leviathan là giống loài cổ xưa nhất từng biết tới, chính Leviathan tạo ra The Reaper toàn năng. Và dĩ nhiên là bị chính The Reaper lật đổ cả một triều đại và khiến Leviathan phải đi trốn biệt xứ. Dr. Garret Bryson (trong DLC Leviathan của Mass Effect 3) cho rằng Leviathan muốn tạo ra một lực lượng đủ khả năng đối kháng lại The Reaper.
V. HẬU QUẢ
1. Đối với các nền văn minh ngân hà
Hậu quả để lại khá là nặng nề. Một cơ số các hành tinh thuộc địa bị xoá sổ, thiệt hại nhân mạng và tài nguyên để trang trải chiến phí của các chủng loài là không thể đo đếm. Sau sự kiện này, Citadel đã phải ban hành luật cấm kích hoạt các Mass Relay mới trước khi có sự thẩm tra và đánh giá, để tránh lịch sử bị lặp lại một lần nữa.
2. Đối với Krogan
Bất hạnh của cả thiên hà lại là may mắn của Krogan. “Từ ấy Krogan bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim”, được Salarian khai sáng về công nghệ, được cả một hành tinh mới làm chỗ định cư cho cả giống loài, và hơn hết, số lượng Krogan từ trên bờ diệt chủng đã trở về mức cực thịnh. Tuy nhiên, “Nhàn cư vi bất thiện”, với một giống loài đam mê đấm vào mặt nhau và thích trồng “nấm” như Krogan, hoà bình là một cái gì đó khá là buồn chán. Việc này (lại) tiếp tục dẫn đến một cuộc chiến dai dẳng về sau…