Total War: Shogun 2, thanh kiếm quý ẩn trong bóng tối

Khách mới

  

Total War: Shogun 2 là một tựa game chiến thuật được giới thiệu vào năm 2011 và có thêm hai DLC vào năm 2012 là Rise of Samurai và Fall of Samurai do Creation Ambessy (CA) thiết kế và SEGA là đơn vị chủ quản.

Shogun 2 lấy bối cảnh vào thế kỷ 16, khi nước Nhật bị chia cắt bởi các đại gia tộc nắm giữ binh lực hùng mạnh. Tham gia vào game, người chơi sẽ lãnh đạo một gia tộc (clan) tùy chọn và có nhiệm vụ là dẫn dắt gia tộc của mình đến vinh quang, thống nhất nước Nhật thành một và trở thành Shogun (Chinh di đại tướng quân) tối cao.

Nói thêm một chút thì Total War là một huyền thoại trong thể loại game chiến thuật từ xưa đến nay trên khắp các hệ máy và Total War: Shogun 2 chính là đỉnh cao của nó.

Tóm gọn: Một game offline chiến thuật AAA đã được Việt hóa.
Yêu cầu để chơi: Một dàn máy trung bình và một cái não có rất nhiều nếp nhăn.

Thoạt đầu, Shogun 2 có lối chơi tương đối phức tạp và có vẻ rối rắm nhưng chỉ cần mất khoảng từ một đến ba hay bốn giờ chơi để nắm vững phần cơ bản thì người chơi sẽ nhanh chóng đắm chìm vào thế giới rực rỡ và hoành tráng của Shogun 2.

Cách chơi của game được chia ra làm ba hướng chính: Chinh chiến, ngoại giao và nhập vai.

Chinh chiến là phần khiến người chơi phấn khích và rạo rực nhất khi cho phép họ trực tiếp trở thành tướng quân để điều khiển các lộ binh sĩ của mình trên chiến trường. Game sẽ rất thực tế, chẳng bao giờ mà người chơi có thể thấy cảnh bách nhân địch hay vạn nhân địch như dòng game Dynasty Warriors nức tiếng. Mà thay vào đó, sức mạnh của một cánh quân sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tài chỉ huy cầm quân của người chơi, chất lượng của binh sĩ dưới trướng, yếu tố thời tiết,… Đặc biệt, các hoạt ảnh chuyển động trong game đều được CA làm cực kỳ chi tiết và chân thực, ví dụ như khi một samurai đối đầu với một samurai khác, nếu zoom cận cảnh, bạn sẽ thấy từng đường gươm nhát chém đều thể hiện sự tỉ mẫn của đội ngũ design hòng đẩy trò chơi lên đến đỉnh cao của sự chân thực (realistic) trong thế giới game. Có thể nói, mỗi một trận chiến trong game đều sẽ mang lại cảm giác rực rỡ và hào nhoáng như một cảnh cut scene trong một bộ phim trên màn ảnh nhưng điểm khác biệt là người chơi sẽ vừa là đạo diễn, diễn viên, lẫn khán giả.

Ngoại giao là phần hay nhất và cũng là phần xoắn não nhất của game, khi mà các gia tộc lúc nào cũng vừa kìm hãm vừa nhăm nhe kề kiếm vào cổ nhau thì kẻ khéo léo làm chủ ván cờ chính trị nhất sẽ chính là kẻ có được thiên hạ. Việc ngoại giao khôn khéo là yếu tố bắt buộc để giúp người chơi có thể yên tâm nuôi binh hùng tướng mạnh cũng như tránh việc để bản thân rơi vào cảnh tứ bề thọ địch. Nói đơn giản thì phần chơi này cũng giống như việc đánh cờ vậy, mỗi một liên minh được đề xướng, mỗi một cái bắt tay hay lật bàn đều đem lại những cái giá khác nhau, mang đến những hậu quả khôn lường và việc của người chơi là tính toán xem nước đi nào mới đem về lợi ích lớn nhất cho bản thân cũng như dồn ép các gia tộc đối địch vào bước đường cùng.

Kể cả ở chế độ dễ nhất trong game, AI của trò chơi cũng rất tinh vi trong việc khiến tế bào nơ ron của người chơi phải chết lên chết xuống khi liên tục đưa ra các nước đi thâm hiểm hòng ép người chơi phải nhượng bộ hay thậm chí là bỏ cuộc. Vậy nên việc vận dụng trôi chảy các ngón đòn ngoại giao như cống nạp, hứa hôn để thắt chặt tình hữu nghị đến những màn chơi bẩn như cử người ám sát, ra lệnh chặn đường giao thương, khống chế các tuyến đường kinh tế, kích động dân chúng bạo loạn hay mua chuộc tướng lĩnh,… đều sẽ khiến người chơi cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế của trò chơi.

Nhập vai lại là một yếu tố khác khiến trò chơi thêm phần độc đáo hơn của Shogun 2. Việc cộng điểm (point skills) hợp lý trong mục Art of War (Binh pháp tôn tử) sẽ quyết định xem hướng phát triển của gia tộc như thế nào. Cụ thể, nếu người chơi muốn đẩy nhanh tiến độ chinh phục bờ cõi thì có thể đổ hết điểm vào cột võ lực nhằm tăng khả năng chiến đấu của binh sĩ, việc này sẽ khiến đoàn quân của người chơi trở nên thiện chiến trên mặt trận nhưng bù lại việc bỏ hoang cột trí lực sẽ khiến cho nền kinh tế của gia tộc tăng trưởng chậm chạp, dễ dẫn đến hậu quả lớn nhất có thể xảy ra là tiền trong ngân khố không theo kịp tốc độ phát triển của quân đội, không có đủ tiền nuôi quân. Vậy nên tùy theo tình hình mà người chơi phải cân nhắc ưu tiên phát triển trí lực hay võ lực để mang lại hiệu quả lớn nhất cho gia tộc. Bên cạnh đó, việc cộng điểm cho các tướng quân (General) cũng sẽ quyết định yếu tố thắng lợi trực tiếp trên chiến trường, một tướng quân 6 sao sẽ có giá trị lớn hơn rất nhiều khi được đem ra so sánh so với 3 tướng quân 2 sao. Tuy rằng bảng skills là hoàn toàn giống nhau giữa các tướng quân thế nhưng chính việc cộng điểm ra sao lại khiến cho giá trị của một vị tướng trở nên khác biệt. Tương tự, việc cộng điểm cho các Agent (đặc vụ) cũng là một công việc thú vị khác, các Ninja chuyên về ám sát và thâm nhập sẽ có khả năng hành thích người khác rất cao nhưng cũng dễ bị các Matsuke (cảnh sát chìm) tóm cổ và hạ sát, cứ như vậy, các Matsuke lại dễ dàng bị quy phục bởi các Monk (sư thầy) và các monk lại rất yếu đuối trước lưỡi gươm bóng tối của các Ninja.

Nhìn chung, trò chơi tuần thủ chặt chẽ quy tắc: kéo – búa – bao, không có thứ gì mạnh tuyệt đối, cũng không có thứ gì yếu tuyệt đối, mọi thứ đều tương quan hỗ trợ cũng như triệt tiêu lẫn nhau, điểm khác biệt duy nhất là cách vận dụng của người chơi.

Ưu điểm của Shogun 2 là khiến người chơi được tự thân trải nghiệm gánh nặng và sức mạnh của một bậc quân chủ khi tham gia vào ván cờ chinh phục thiên hạ thế nhưng vô hình chung thì cũng chính điều đó lại trở thành nhược điểm khi gameplay của trò chơi về tổng thể là khá phức tạp vậy nên đòi hỏi player phải bỏ công sức ra tìm tòi mới có thể chơi cũng như cảm nhận hết được nét đẹp của trò chơi. Chính “khó khăn” từ ngay bước đầu tiên để chơi game đã làm nản lòng không ít những game thủ mỏng manh vốn đã quen được cưng chiều bởi các nhà phát hành dễ dãi hệ quả là khiến cho Total War nói chung và Shogun 2 nói riêng trở thành tựa game ít nổi tiếng với những người không quen thuộc dòng game chiến thuật.

Không giống như những tựa game khác chỉ hăm hở chạy theo vẻ bề ngoài hào nhoáng bóng bẩy với các đồ họa vượt bậc thuộc trào lưu next generation game hay sở hữu những nhân vật chính đầy quyền năng với vẻ ngoài ngầu lòi mang trên lưng mình quá khứ tang hoang đang trên đường đâm cái này giết cái kia để cứu lấy thế giới. Total War: Shogun 2 chỉ đơn giản là cho phép người chơi trải nghiệm một phần dòng chảy lịch sử của nhân loại theo cách tiệm cận hết mức có thể dưới góc nhìn của những người đã gầy dựng nên thời đại và được lưu danh sử sách. Có lẽ chính vì thế mà những giá trị của trò chơi đã vươn lên cao hơn và xa hơn những gì mà một trò chơi có thể làm được.

Nếu phải so sánh thì bản thân Total War: Shogun 2 cũng giống như một thanh Katana tuyệt hảo được người nghệ nhân tỉ mẩn hun đúc rèn giũa suốt mười năm ròng, tiếp đó những gì sắc bén và tinh túy nhất của nó liền được tra vào bao và được bảo vệ bởi một lớp vỏ kiếm có tên là “Khó chơi” hòng ngăn cách nó với những game thủ bình thường khác. Sau đó nó được đặt ngay ngắn ở một góc khuất sáng, thản nhiên phớt lờ những thứ thông thường và miễn cưỡng chỉ để chờ đợi được chinh phục dưới tay những người khác biệt nhất.

Shiro Okami

Khách mới

  

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • An - 30.12.2023

    Bài viết hay. Game này chuẩn game AAA, cứ mỗi 5 năm chơi lại 1 lần vẫn chưa đã.