Nói nhỏ với nhau thế này, ước mơ thời thơ ấu non dại của tui là sẽ trở thành những thứ này: hiệp sĩ giương kiếm chém rồng cứu công chúa xinh đẹp cỡ như Bạch Tuyết, một nhà thám hiểm bá đạo chu du thiên hạ tìm những di tích cổ như Indiana Jones, và một chàng cao bồi săn tiền thưởng đơn độc bắt giữ tội phạm do xem Lucky Luke. Và xét ra thì tui đã thực hiện được những ước mơ đó chính từ video game, nhưng đa phần chỉ là hiệp sĩ hoặc nhà thám hiểm mà thôi; nhưng rồi năm 2019-2020 tui đã được toại nguyện khi trở thành một cao bồi, à không phải gọi là một gã ngoài vòng pháp luật tìm cách sinh tồn và xoay chuyển số phận trong thời đại mới với Red Dead Redemption 2.
Red Dead Redemption 2 (RDR2) có lẽ là một trong những tựa game mà thật lòng tui đã không trông mong gì mấy sẽ có cơ hội được đụng tay vào, vì tui còn chẳng có PlayStation 4, chưa tính khi RDR ra mắt trên PlayStation 3 tui cũng chẳng có cơ hội để trải nghiệm. Kinh nghiệm đầu tiên của tui với RDR2 là năm 2018 tui qua nhà bạn ở Melbourne và chơi được khoảng 3 tiếng hơn. Nhưng rồi may mắn sao tui mượn được cả một con PS4 Pro và RDR2 bản Ultimate Edition, cảm ơn người bạn đấy đã giúp đỡ nhiều. Và sau một tháng trải nghiệm tìm tòi, tui xem như hoàn thành RDR2 (chưa 100% vì chưa câu hết legendary fish và vài thứ lặt vặt) để có thể đánh giá rằng nó thật sự là một tựa game tuyệt vời, xứng đáng cạnh tranh GOTY 2018 – và không đoạt giải cũng xứng đáng nốt, vì nó không hề hoàn hảo.
*Note: Tui sẽ cố không spoil quá nhiều, và sẽ đánh dấu những đoạn đó cho những ai chưa trải nghiệm game.
**Note 2: This is between you and me, Nemo Nobody. Thanks for the images btw.
Đánh giá chung – Có sức hút riêng, nhưng không hề hoàn hảo
Về mặt gameplay thì có thể nói RDR2 với riêng tui là một game… khá khó để đánh giá là nó có một thế giới mở tốt hay không, cả về cơ chế chiến đấu cũng khiến tui có một chút gãi đầu với cái cách nó giới thiệu và rồi thay đổi một chút theo một cách khá quái lạ.
Đầu tiên là về thế giới mở của RDR2, tui xin tóm gọn là cả ba bang New Hannover, West Elizabeth và Leymone (Sau bổ sung thêm New Austin) rất đẹp, khá đa dạng về mặt địa hình như bình nguyên rộng bạt ngàn, các khu vực chiến trường Nội chiến xưa ở khu vực đồng bằng, các trảng đất dọc bờ sông, khu vực rừng núi hoang sơ, hoang mạc nóng bức và cả một thành phố hiện đại như Saint Denis… Nói chung về mặt thị giác, gần như tất cả các địa thế và thời tiết thì từng bang đều thể hiện đầy đủ như thể là một điểm mạnh, và đồng thời điểm yếu cũng lộ ra mồn một đó là cả thế giới này… đẹp nhưng vô hồn vì nó khá trống trải về mặt khám phá – một lỗi cố hữu của gần như tất cả các game thế giới mở/sandbox của Rockstar (cái đầy nhất có lẽ cũng chỉ là Bully do phạm vi nó khá nhỏ), dù tui xin thừa nhận RDR2 đã có cố gắng hơn.
Đã vậy, game này lại gần như không cho sử dụng fast travel như thể là một cơ chế chính, vì nếu không biết cách thì có khi cả game phải cuốc bộ/cưỡi ngựa chạy vòng vòng, thế nên việc di chuyển từ A sang B để nhận nhiệm vụ đôi khi đúng nghĩa cực hình (đến mức phải có challenge chạy từ trấn này sang trấn kia trong bao lâu để kích thích việc đi lại).
Nhưng nếu nói mọi thứ trống trải hoàn toàn thì lại không đúng, nếu không muốn nói là có rất nhiều việc để làm theo một nghĩa nào đó – đến mức mệt mỏi luôn là khác. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn thường chỉ quanh đi quẩn lại ở việc săn bắn hái lượm và tìm collectable. Nói đúng hơn, những việc đó nó nghiêng về theo kiểu dễ làm cho người chơi bị đánh lạc hướng thì đúng hơn là sẽ chủ đích muốn làm thật sự. Ví dụ: Muốn craft đồ phải săn da thú 3 sao, đôi khi trên đường vô tình bạn sẽ thấy một con gì đó (thỏ chẳng hạn) 3 sao và sẽ quên luôn cả nhiệm vụ chính để đi săn con thú đó cho bằng được – mà muốn làm vậy thì phải sử dụng vũ khí lẫn đạn dược cho đúng loại. Dần nó sẽ hình thành một thói quen mỗi khi thấy thú, tệ hơn là khi chủ đích muốn tìm con thú nào đó thì nó sẽ đúng nghĩa trở thành cực hình vì chẳng thể tìm ra con thú phù hợp.
Đồng thời, sẽ có challenge cho những việc tương tự như vậy để đạt achievement, như săn legendary animals hay đi câu legendary fish hoặc đi hái hoa… Về mặt lợi, việc này sẽ giúp bạn luyện tập để quen tay điều khiển nhiều khả năng của Arthur Morgan. Các tuyến nhiệm vụ (cả chính lẫn phụ) của RDR2 khoảng 2 chap đầu game sẽ cho bạn trải nghiệm hết gần như toàn bộ những cơ chế mà game có và sau đó nó sẽ thả cho bạn đi tự do hơn để luyện tập cho quen. Về mặt hại, nó sẽ trở nên nhàm chán quá nhanh hoặc sẽ phải “cuốc ngựa” quá lâu để tương tác được cái gì đó (trừ phi tự nghĩ ra trò để làm ngay từ đầu).
Thế nên nếu bạn không quá quan tâm lắm về việc trở thành completionist với mong muốn hoàn thành game 100%, thì bạn sẽ chẳng màng đến chuyện này bao nhiêu và thế giới lại trống rỗng – trừ khi bạn cần lấy thịt để tiếp tế cho Arthur vì nếu chỉ cần vậy thì săn thú kiểu nào mà không được. Thật ra, hoạt động làm tui bị đánh lạc hướng nhất thậm chí không phải hoàn toàn là săn bắn mà là… đi sưu tầm ngựa (nghiện nặng là khác). Và chỉ nói về mặt cá nhân thì tui không thật sự có vấn đề với cách làm thế giới mở này của RDR2, vì tui cũng thích dạo chơi ngắm cảnh rượt thú hái hoa bắt bướm nã chim.
Thêm nữa, vốn dĩ thế giới mở của Rockstar đa phần có chút “khuyến khích sáng tạo” cho người chơi tự bày trò trong giới hạn cơ chế game thì nhiều hơn là có hoạt động sẵn nên tui có phần đồng ý với cách này (nghĩ như Saint Row 3 và 4 rải rất nhiều hoạt động nhưng đều một màu dễ gây chán). Đồng thời, thế giới mở của RDR2 cũng có những điểm mạnh khác mà tui sẽ bàn sau bên dưới.
Thời gian chính của cả game bạn sẽ được bước vào một trải nghiệm “mô phỏng cao bồi” thật sự… Không, nói đúng hơn là bạn đang sống một cuộc đời khác – cuộc đời rong ruổi của gã ngoài vòng pháp luật Arthur Morgan. Và khi tui nói sống… là sống thật đấy, vì bạn phải thực hiện những hành động hết sức thường nhật để chăm sóc Arthur như thể nuôi một con gà ảo tamagotchi ấy (oh goddamn it, nhớ tuổi thơ quá…). Nói sương sương bao gồm: cho Arthur ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ đúng giấc, khi đi bụi quá lâu phải ghé về nền văn minh đi tắm để sống như một con người thật sự… Heck, đến cả chiến mã cũng cần ăn uống chải chuốt vuốt ve, súng ống còn phải được lau chùi tra dầu kỹ lưỡng không để thấm nước kẻo nó hư hỏng; lập trại, đốt lửa, mua đồ nghề pha cà phê; kiếm tiền bằng cách cướp nhà băng, bắt tội phạm… bla bla bla…
Tui từng đọc một comment trên Youtube nói rằng chơi RDR2 giống như bạn đang làm một công việc toàn thời gian, và tui đồng ý hai tay. Trong suốt một tháng chơi RDR2, tui như bù đầu bù cổ (mỗi khi bật game lên) để nhớ à phải làm thế này phải thế kia và giữ Arthur ở tình trạng ổn nhất… cho đến khi câu chuyện không cho phép bạn làm vậy nữa. Thế nên, cũng như bao công việc, dần dà mọi thứ sẽ lặp đi lặp lại đến nhàm chán và trở thành một gánh nặng, nếu bạn không thật sự vô cùng hứng thú thì cảm thấy chán sớm là chuyện khá dĩ nhiên.
Về mặt kỹ năng nhân vật thì nếu bạn chơi GTA rồi có lẽ bạn cũng sẽ không ngạc nhiên cái cách lên level cho sức bền hay máu của Arthur nếu bạn nghĩ mọi thứ cứ theo kiểu “làm riết lên tay”, như chạy nhiều bơi nhiều sẽ tăng sức bền chẳng hạn, thế nên việc lang thang săn bắn làm đủ trò trong thế giới khá trống kể trên cũng là một dạng grinding/luyện level cho nhân vật.
Về mặt chiến đấu, RDR2 có một trải nghiệm bắn súng cao bồi khá là đã tay dù không thật sự mượt – cái này sẽ nói sau, đặc biệt là với hệ thống Dead Eye giúp ngưng đọng thời gian để Arthur có thể thi triển khả năng thiện xạ siêu đẳng, kết hợp với cover-base làm mọi thứ rất giống với các bộ phim cao bồi cổ điển – đặc biệt là lâu lâu sẽ có những màn đấu súng 1 vs 1 khá ngầu (lẫn bựa). Nhưng về mặt súng ống tui sẽ có phân tích sâu khi nói về điểm yếu của game.
Thế nhưng hệ thống Dead Eye này lại có bước phát triển khá quái lạ. Cụ thể, ban đầu Dead Eye sẽ theo kiểu bạn cứ lia tâm súng vào nó sẽ tag hết số lượng đạn một cách tự động, bạn phải luyện tập lia tâm súng thật nhanh (trong chế độ slow motion) vào nhiều người cùng một lúc, bạn sẽ phải chịu quen như vậy suốt khoảng… 5 tiếng là ít, và rồi mãi đến ở nhiệm vụ cùng John và đồng đội chặn đoàn tàu thì Dead Eye sẽ được “nâng cấp” và cho chúng ta được manual tag, hay tag tự do để bắn theo ý mình…
Với cá nhân tui thì cái progression này của Dead Eye thật sự nó khá là đần, đại loại nó bắt bạn phải luyện tập một kỹ năng trong khoảng 10-20% đầu game (thậm chí 30% tính theo lượng hoàn thành game, tùy theo việc bạn chạy nhảy bao lâu hay chỉ chăm chăm làm nhiệm vụ chính), và rồi sau đó lại phải luyện tập một kỹ năng khác được sử dụng đến… hết toàn bộ game. Và nó không hề được mở khóa theo tiến độ của chính nhân vật/người chơi, mà là unlock theo diễn tiến của câu chuyện.
Âm nhạc của RDR2 thì tui sẽ không bàn về nó, mà tui muốn bạn hãy tự nghe và cảm nhận… Có thể không hiểu văn cảnh game để cảm các soundtrack tốt hơn, nhưng tui có thể nói rằng âm nhạc làm quá tốt trong việc kể ra câu chuyện về hành trình của Arthur Morgan cũng như tả được về giai đoạn cuối của những kẻ ngoài vòng pháp luật trong thời đại mới ở miền viễn tây Hoa Kỳ.
***Note 3: Từ đây bắt đầu có spoiler vì tui sẽ đi sâu vào vài chi tiết có liên quan đến cốt truyện.
Điểm yếu của game
Animation chi tiết đến phiền toái
Đây chính là điều đầu tiên tui để ý ở RDR2, và tui cực kỳ mâu thuẫn về nó. Thế này, việc tạo immersion/khả năng hòa nhập vào trong thế giới của game và hành động của nhân vật thật sự là một điều đáng để nể phục, RDR2 thật sự cũng đã thành công… Nhưng thành công một cách quá đáng vì animation của nhân vật trong game – trong gần như tất cả hành động – đều thật đến quá đáng. Cơ bản là… mọi thứ chậm rì. Nào là xuống ngựa nên dắt dây cột lại, lột da thú thấy rõ cả quá trình cắt da kéo ra, lục soát tủ là kéo từng hộc mở từng cửa đúng nghĩa. Nó thậm chí làm chậm cả nhịp game đặc biệt là khi Arthur phải lục soát xác lính hoặc những vật dụng để loot.
Thật là phiền phức và hồi hộp, đến nỗi ngồi nhìn đống animation này suốt cả trăm tiếng mòn mỏi cũng là một dạng cực hình. Trời ơi, chơi game vốn dĩ là để trốn đời vì những thứ nó… “đời” quá rồi, bây giờ đến cả trong đây cũng bắt làm mấy chuyện thường nhật y xì đúc ngoài đời là sao!? Đây là lí do vì sao khi chơi game chúng ta đã chấp nhận một thứ gọi là “hình ảnh đại diện” cho hành động của nhân vật trong game (ví dụ trị thương thì quẹt quẹt mấy cái như Far Cry), chứ không hẳn là… gần như mọi việc đều thật đến thế này.
Về mặt lợi thì cũng luyện tính kiên nhẫn, cho người chơi đúng nghĩa đặt mình vào từng hành động và tâm tư của nhân vật, thế nhưng cũng vừa vừa thôi chứ. Không biết bao lần tui cũng phải ngồi than thở “Hơi quá rồi đó nha” hoặc “Trời ơi, lẹ lên!”.
Sự lặp lại trong tình tiết game
Tui sẽ chỉ tóm tắt vài phân cảnh như sau là đủ để nói tui bực mình thế nào về cách game làm diễn tiến tình tiết câu chuyện lần này:
- Băng Van der Linde đến Valentine (và cả Strawberry trong một lúc), làm những việc liên quan ở đó, xong có một vụ đấu súng quy mô toàn thị trấn, bị truy nã gắt gao và cả băng phải cuốn gói phắn gấp.
- Băng Vander Linde đến Rhodes, làm những việc liên quan ở đó, xong có một vụ đấu súng quy mô toàn thị trấn, bị truy nã gắt gao và cả băng phải cuốn gói phắn gấp.
- Băng Vander Linde đến thành phố Saint Denis, làm những việc liên quan ở đó, xong có một vụ đấu súng quy mô toàn thành phố, bị truy nã gắt gao và cả băng phải cuốn gói phắn gấp.
Và cách giải quyết việc bị truy nã: trả tiền bounty là xong. Lại chạy tung tăng về khu đó như thường. Oh c’mon!
Súng ống – đạn dược
Đây là một thứ mà cá nhân tui cảm thấy nó… dư thừa thì hơn là một điểm yếu thật sự. Thế này, ngoại trừ việc mỗi loại súng có loại đạn riêng, mỗi loại đạn đó cò chia ra như đạn thường, đạn nổ, đạn split point, express và linh tinh thứ (cung tên cũng có loại riêng nhưng xét ra cái đó hợp lý hơn đạn). Và mỗi loại đạn sẽ có số lượng damage khác nhau, và khi mua súng cũng có lượng damage khác nhau luôn. Công bằng mà nói nó chả làm đa dạng game thêm bao nhiêu (trừ cung tên, again), có lẽ đạn nổ mới là cái đa dạng cần thiết nhất còn những loại kia có đổi hay không thì cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều.
Thậm chí sự đa dạng về súng – bao gồm súng revolver, súng bán tự động, súng hơi, repeater, shotgun, rifle – bạn có mua phiên bản nâng cấp hay không thì cũng chả quan trọng, làm cho có nhiều súng như chỉ là để xem vẻ ngoài là nhiều còn những chỉ số của súng chẳng đáng kể lắm vì progression của game này thật sự là dễ (ít nhất với game ở cấp độ normal thì tui thấy vậy, tui mong điểm này tui sai). Còn nếu bạn có tính muốn sưu tầm súng thì… tận hưởng nhé.
Chapter 5: Guarma
Thiệt tình đến giờ tui vẫn còn tự hỏi cái chap đó là sao vậy! Vì không muốn spoil quá nhiều nên tui sẽ không kể rõ… Nhưng với cách sử dụng tình huống để làm bước chuyển mình trong tâm lý của các nhân vật, Rockstar đã hoàn toàn có thể làm một cách khác chứ không cần phải quăng cả một khu vực và vài ba nhân vật đáng quên vào chỉ để làm nền cho một Chapter 6 rất cảm xúc về sau. Tui không hề nói chapter này tệ, nó chỉ là quá quái đản và chả hợp tone với cả game thôi.
Điểm mạnh
Side quest và random event là một cơ chế vui
Đây có lẽ chính là điều tui thích nhất nhì cả game. Như đã nói, dẫu cho về mặt bằng chung thế giới RDR2 khá trống, nhưng khi đã thật sự có chuyện để làm thì chúng lại khá vui. Về mặt side quest, Arthur có thể sẽ gặp toàn… thành phần quái đản gì đâu lẫn những tương tác khá hay, và những side quest đó sẽ cho những kết quả liên quan đến điểm honor của Arthur. Honor trong RDR2 sẽ ảnh hưởng đến kết thúc của game, và nó sẽ tăng hay giảm dựa trên hành động của Arthur trong game – làm một tên cướp có quả tim vàng, tốt thôi; cho Arthur thành một tên khốn, chúc may mắn khi bị ức chế với cái kết. Hơn nữa là những sidequest này cũng có những câu chuyện riêng về chính nó, nhiều cái khá wholesome là khác.
Ngoài sidequest ra thì còn có random event – những điều sẽ xuất hiện rải rác bất chợt xuyên suốt bản đồ. Tui cực thích mấy cái này vì nó giúp thể hiện môi trường và không khí của game khá hay. Ví dụ như lâu lâu sẽ thấy những tên cướp đang lục đục chia của (vài tên còn định nổ bom két sắt và hậu đậu để bom nổ bản thân sấp mặt và ta ngư ông đắc lợi); có những tên tù trốn ngục mà nếu mình giúp đỡ chúng sẽ chỉ cho mình nơi để đi cướp như để tạ ơn – đồng thời còn mở ra side quest nếu có; những người qua đường bị cướp và ta có thể giúp đỡ hoặc chính ta bị dụ vào bẫy và bị cướp; có người thách đấu Arthur đua ngựa; có người gặp nạn mà nếu cứu họ sau này về thị trấn họ sẽ cho mình mua free một món đồ v.v…
Bài học rút ra ở đây: Đừng làm một thằng khốn, làm người tốt luôn có hậu về sau. Đây mới thật sự là thứ kích thích tui muốn phải đi trải nghiệm và khám phá vì biết đâu vô tình trên đường đời gặp chuyện gì đó thú vị thì sao, cứ fast travel riết là bỏ lỡ hết cả đống thứ. Cái này có vẻ là hoàn toàn cá nhân, nhưng nếu đi hoài thấy nhàm chán chỉ muốn làm main quest thôi thì… chơi game thế giới mở làm gì chứ?
Kể chuyện bằng môi trường khá hay
Như đã nói thì random event cũng có tác dụng kể chuyện và miêu tả môi trường thời đó, nhưng có những thứ lại làm việc đó còn tốt hơn. Lại quay về chủ đề bản đồ trống rỗng, kể cả trừ ra việc săn bắn hái lượm như đã miêu tả, đây cũng không hoàn toàn là sự thật vì rải rác các bản đồ là những cột mốc kể chuyện môi trường khá hay, càng làm tăng thêm độ dày về lore của thế giới RDR2.
Ví dụ như ở Scarlett Meadows sẽ có một khu nông trại bị bỏ hoang, trước trại sẽ có một xác người cầm dao tự sát và có một bức thư nói về việc ngoại tình với một gã nào đó; bên trong căn nhà của nông trại là hai vợ chồng bị giết chết. Từ đó thôi cũng có thể suy ra cả một câu chuyện diễn ra ở khu vực này. Chính vì vậy mà muốn đi lang thang để gặp random event là một, mà muốn đi hết từng tấc đất để khám phá hết những điều như vậy là hai.
Note: Còn nhớ khi tui biết về câu chuyện cô con gái lão chủ trang trại Emerald cũng thuộc chủ đề thế này mà tui đã quay lại đó, đập lão một trận rồi trói kéo lê cho đã tức.
Thậm chí đến cả một trong những chi tiết quan trọng nhất trong cả thế giới RDR là Vụ thảm sát Blackwater cũng chỉ được nhắc đến theo cách ẩn ý, và chỉ có việc đào sâu vào từng câu nói, từng dòng nhật ký thì ta mới tạm thời xâu chuỗi được mọi thứ.
ARTHUR *FUDGING* MORGAN
Trong bài về những nhân vật nam chính tui yêu thích nhất, tui đã nói rằng Arthur Morgan (với giọng lồng tiếng xuất sắc của Roger Clark) là nhân vật chính xuất sắc nhất mà Rockstar đã từng tạo ra, và tui vẫn giữ nguyên ý kiến đó. Cả câu chuyện của RDR2 thật sự là cả một hành trình để chúng ta có thể nhận diện rồi cùng trải qua sự thay đổi dần của Arthur từ một kẻ cục súc trở thành một kẻ bất lực muốn thoát khỏi đời sống giang hồ nhưng bất thành. Tính cách của Arthur – một gã hài hước mỉa mai nhưng không hề cay nghiệt, nếu không muốn nói là khá dễ mến để ta có thể đồng cảm với anh hơn sau tất cả những gì đã cùng nhau trải qua.
Đặc biệt, chính những side quest ở chapter cuối mới thật sự cho chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về Arthur, kể cả có là high honor hay low honor, và đó mới chính là hành trình chuộc lỗi thật sự của nhân vật này. Đặc biệt, những tình huống xảy ra, những chuyển biến tâm lý của Arthur nói riêng (và nhiều nhân vật xung quanh nói chung) diễn ra rất tự nhiên không có tính ép buộc thường thấy trong việc xây dựng nhân vật chính – theo kiểu “này đây là nhân vật chính đó hãy xem anh ta tốt và bá đạo như thế nào nè”, và đây là một điều rất đáng khen ngợi trong cách xây dựng nhân vật. Oh Arthur!
Câu chuyện của game và việc xây dựng các nhân vật khác
Không chỉ Arthur, mà gần như tất cả các nhân vật khác cũng có sự phát triển nhân vật của riêng mình. Từng nhân vật, kể cả các nhân vật không có quá nhiều đất diễn như Ông Pearson, Molly, Mary-Beth đều có những khoảnh khắc và trường đoạn để thể hiện được cá tính riêng và vai trò của mình trong băng Van de Linde, khiến chúng ta không thể nào thật sự quên họ đi được mà hoàn toàn quan tâm cả băng nhóm, cả gia đình của mình. Những nhân vật thứ chính và phụ có ảnh hưởng lớn đến cốt truyện thì tất cả đều từ tròn vai cho đến tỏa sáng rực rỡ, đặc biệt là Dutch Van der Linde, Micah, Saddie Adler và John Marston – nhân vật chính của RDR đầu tiên.
- Dám nói ngoại trừ Arthur, Sadie chính là nhân vật có sự phát triển tuyệt vời nhất cả game, và đây chính là “nữ quyền” được thể hiện đúng đắn và không quá lố, hay ít nhất theo ý tui là vậy. Một phụ nữ mất cả gia đình và gia sản, cứ ngỡ là một bà nội trợ hiền lành đau khổ thì hóa ra lại là… kẻ chiến đấu dũng mãnh nhất cả băng và về sau còn trở thành một tay săn tiền thưởng khét tiếng, từ mất đi tất cả mà có được tất cả theo một nghĩa khác. Quá ngầu!
- John Marston ở RDR2 là một nhân vật hoàn toàn khác biệt với John mà những ai đã chơi RDR đã từng thấy, nhưng chính trong câu chuyện cũng thể hiện rõ vì sao John lại trở nên như vậy, những hạt giống được ngầm gửi vào vài phân đoạn, chưa kể là sự ảnh hưởng của Arthur lên John đã khiến cho những gì xảy ra ở RDR còn mang đậm chất bi kịch hơn.
- Về Dutch thì chỉ xin nói, “*BEEP* your goddamn plan”. Còn Micah thì… MICAHHHHHH!!!!!!
Câu chuyện của RDR2 tuy không thật sự quá tuyệt vời, thậm chí như đã nói là có những chi tiết lặp đi lặp lại, thế nhưng nếu xét ra thì từng chapter lại là những… mùa phim dài tập đậm chất cao bồi viễn tây rất thu hút. Nó thể hiện được sự lỗi thời của những hệ tư tưởng đã cũ, sự điên loạn dần dà của Dutch, hành trình chuộc tội của Arthur và khởi đầu mới cho John Marston.
Dẫu là một prequel – phần tiền truyện, tức là nó bị vướng vào một hạn chế đó là người ta đã biết trước kết quả của nhiều thứ được kể ở phần này, thế nhưng RDR2 cũng đã làm khá tốt khi giải thích sự tan rã của băng Van der Linde dẫn đến việc John phải săn lại anh em cũ của mình ở RDR, thêm nữa là có một số hint “lợi dụng” việc mình là tiền truyện làm cho người chơi phải dâng cảm xúc rất mạnh mẽ (và ức chế). Cụ thể, cảnh John Marston cầu hôn Abigail Roberts – cảnh ấy dễ thương bao nhiêu, kết cục của cặp ấy bi thương bấy nhiêu.
Tựu trung, RDR2 là một game không hề hoàn hảo, nếu không muốn nói nó có một vẻ hào nhoáng hoành tráng, thế nhưng nội lực thì lại không thật sự đủ. Có những điều về mặt gameplay kể ra nghe thì có vẻ hay và thu hút, thế nhưng cách thực hiện thì vẫn tồn tại những vấn đề không hề xa lạ với một game Rockstars. Tuy vậy, công bằng mà đánh giá mọi thứ có tệ không? Không hẳn, nó hơi uổng thì đúng hơn.
Bỏ qua những lỗi lớn nhỏ, RDR2 vẫn là một tựa game thế giới mở đáng trải nghiệm với câu chuyện và nhân vật được phát triển từ ổn cho đến rất hay, thế giới có nhiều thứ chờ được khám phá, những trò vui mà có lẽ chỉ bạn mới có thể nghĩ ra và chia sẻ với mọi người. Suy cho cùng, ngẫm lại thì được làm cao bồi một lần trong đời thì ai mà không thích chứ?