Tại sao các công ty công nghệ tốn tiền cho AI trong game?

Huyền thoại ★

  

Khi nhắc đến trí tuệ nhân tạo (AI) chúng ta sẽ dễ dàng hình dung đến một trong hai hình ảnh thực tế: Trợ lý ảo trên điện thoại/máy tính hay các phần mềm trò chơi chuyên nghiệp. Năm vừa rồi chúng ta chứng kiến sự thất bại của con người trước máy móc ở trò chơi Dota 2, đánh dấu một cột mốc mới của sự phát triển trí tuệ nhân tạo. AI đã thích nghi từ các hệ trò chơi đóng kín (cờ vây, cờ vua, poker…) sang hệ thống phức tạp hơn là các trò chơi chiến thuật thời gian thực. Trong khi việc tạo ra những trí tuệ nhân tạo phục vụ công việc (Siri dev của Apple, TensorFlow và DeepMind của Google, API của  Microsoft…) vẫn đang phát triển và cần nhiều nhân lực vật lực thì có những công ty hay tổ chức vẫn đầu tư nhiều tiền của vào trí thông minh nhân tạo trong thế giới game. Thậm chí Alpha Go còn trả 20.000 đô cho mỗi ván thua, vậy các nhà phát triển AI suy nghĩ gì khi đầu tư vào lĩnh vực này?

OpenAI, người đã đánh bại Dendi (top player thế giới) trong trò chơi Dota 2 là một dự án phi lợi nhuận hàng triệu đô, được lập trình cơ bản với những người không có chút hiểu biết gì về Dota 2. Thay vào đó họ sử dụng một phương pháp gọi là “học sâu”, trí tuệ nhân tạo sẽ tự chơi với bản thân mình hàng triệu triệu lần để tự rút ra kinh nghiệm. Chúng ta hãy so sánh thời gian tập luyện của AI và của các game thủ chuyên nghiệp. Với những game thủ ở đẳng cấp thế giới họ cần 8 đến 10 tiếng tập luyện mỗi ngày, 6 ngày 1 tuần và trong nhiều năm. Trong khi đó OpenAI chỉ cần chạy dữ liệu trong chưa đến 20 ngày. Điều đó thể hiện trí tuệ nhân tạo có thể bắt kịp khả năng của con người nhanh đến chừng nào.

Một trong những lí do các nhà phát triển AI dành nhiều thời gian cho lĩnh vực game là bởi tính đặc thù của công nghệ AI cũng như yếu tố đáp ứng trong ngành game. Ở trong phần lớn công nghệ phát triển AI, chúng ta cần một tập mẫu thông tin để AI tự học hỏi trong đó. Tập mẫu này cần phải đủ lớn để bao trùm vấn đề, đủ kín để không phát sinh lỗi và trên hết phải luôn được cập nhật liên tục. Các nhà phát triển nhận thấy thế giới trò chơi có đầy đủ những yếu tố này. Một kho dữ liệu khổng lồ gồm trăm nghìn bản mẫu mỗi ngày là tất cả những gì họ mong đợi. Không như các bài toán thực tế ngoài đời gặp nhiều khó khăn trong vấn đề lấy mẫu, các nhà phát triển AI giờ đây có thể tập trung vào công việc chính của mình là lập trình. Thế giới game là một trong những nơi thử nghiệm hiệu quả nhất của các phương pháp phát triển AI hiện giờ.

Chúng ta cũng nhận thấy rằng đầu tư trí tuệ nhân tạo vào thế giới game có thể gây tiếng vang lớn. Ngành công nghiệp game là một ngành công nghiệp khổng lồ với hàng tỉ người dùng toàn cầu. Đây là nơi thích hợp để thông báo về thành quả nghiên cứu của mình. Bạn có thể phải tự bỏ ra hàng triệu đô để chế tạo AI “vô địch” một trò chơi rồi sau đó ung dung thu lời mời cộng tác từ khắp nơi. Dự án Alpha Go tuy tốn đến cả triệu đô nhưng chỉ là một phần trong dự án phát triển Google DeepMind lớn hơn. Có thể coi bỏ ra triệu đô làm Alpha Go là cách marketing hữu hiệu cho DeepMind. Giả sử DeepMind bỏ từng đó tiền ra làm một ứng dụng AI cho hệ thống đèn đường hay xe hơi thì chắc chẳng ai nhớ đến. Đây còn là bài toán marketing điển hình: Với ít vốn đầu tư nhất hãy làm cho nhiều người biết đến sản phẩm nhất.

Một lí do khác có thể kể tới là tiềm năng của thị trường game. Hãy lấy ví dụ về bản quyền của AI trong trò poker. Theo một thông báo chính thức thì bản quyền này đang được bán cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ cờ bạc và cá độ. Điều đấy cho thấy tiềm năng của thị trường này. Có thể chúng ta vẫn quen với tư duy rằng mọi thứ đều miễn phí. Tuy nhiên những thứ miễn phí đều có giới hạn của nó. Với một thị trường khổng lồ như ngành công nghiệp game thì rõ ràng tiềm năng phải vô cùng. Một chút cải tiến về lối chơi hay một phiên bản đặc biệt của trò chơi sẽ khiến dân tình phát cuồng và nhà phát triển tha hồ hốt bạc. Hãy nhớ về cơn sốt “gà ảo” của những năm 2000. Sẽ ra sao nếu ở tương lai gần bạn nuôi “gà” trong kết nối toàn cầu và “gà” của bạn liên tục học hỏi và thông minh theo thời gian? Sớm hay muộn thôi chúng ta sẽ có những người bạn có trí thông minh nhân tạo này.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện