Vào một tối mưa tầm tã không đi đâu được, đang chán mà không biết làm gì nên nằm lướt youtube xem có gì hay ho không thì tình cờ tôi xem được một video gameplay về Super Smash Bros Ultimate.
Vốn là fan của các series game Mario, Pokemon, Legend of Zelda, Final Fantasy… từ trước tới giờ nên khi thấy các nhân vật yêu thích của mình hội tụ lại trong một tựa game thì tôi cảm thấy thích kinh khủng luôn, ai mà ngờ được có ngày cầm Cloud Strife không phải đi bem nhau với Sephiroth mà để đi “cà khịa” với Mario, Link, Mega Man và vô vàn “người nổi tiếng” khác cơ chứ, cảm giác nó đã gì đâu :).
Sau một thời gian tìm hiểu thêm thông tin trên mạng và youtube thì trong thâm tâm tôi đã đi đến quyết định là “mình phải chơi game này cho bằng được” và để trải nghiệm một cách tốt nhất thì không còn cách nào khác ngoài việc “rước” một em Nintendo Switch về cả.
Thế là bắt đầu công cuộc đi khảo giá xem Switch nó bao tiền, tưởng cũng rẻ ai ngờ giá cả máy và game rơi vào tầm gần 9 củ, coi như là đi tong gần tháng lương mà “đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai” nên cứ xách xe đi mua thôi dù khả năng cao là ăn mì tôm cả tháng.
Lúc trả tiền xót xa bao nhiêu thì sau khi bắt đầu chơi game được một lúc, ấn tượng ban đầu mang lại rất mãnh liệt, đến mức muốn đi bán lại game cho cửa hàng ngay lập tức o_O.
Coi người ta chơi thấy hay là thế nhưng đến lúc tận tay chơi thử mới thấy, game rất loạn, cảm giác đúng kiểu “tôi là ai và đây là đâu” vậy. Nhất là khi chơi map nhiều người, nhân vật thì bay nhảy tùm lum, hiệu ứng bom đạn ở khắp nơi còn nhân vật của mình thì không biết đang đứng ở cái xó xỉnh nào nữa.
Thế nhưng một khi đã quen với hệ thống chiến đấu của game rồi thì lại khác, càng đông nhân vật càng tốt, mình anh cân cả thế giới luôn.
Mình đang “lạc trôi” đến đâu rồi?
Adventure Mode: World of Light là chế độ đầu tiên tôi chơi khi mới vào game, có thể xem như đây là phần chơi theo cốt truyện của game vậy. Mô típ game thì cũng đơn giản thôi, tất cả các nhân vật trong thế giới game đã bị một thế lực siêu nhiên tước mất cơ thể và biến thành tà ác, ngoại trừ Kirby là may mắn trốn thoát. Và cuộc hành trình theo chân Kirby cho cả đám ăn hành bắt đầu.
Tuy nói vậy nhưng mỗi khi giải thoát cho một nhân vật thì có thể chọn nhân vật đó để chiến đấu, điều này khá là thú vị, ngoài việc đỡ nhàm do đánh hoài một nhân vật (chủ yếu là do tôi không khoái Kirby cho lắm, nhìn chả ngầu gì cả :D) còn giúp làm quen với lối đánh của các nhân vật khác từ đó chọn ra tướng “tủ” để luyện, sau này còn mang đi đánh lộn với thiên hạ nữa chứ.
Trên chuyến hành trình giải cứu thế giới của “Kirby và những người bạn”, sẽ thật là thiếu sót lớn nếu không nói tới các “spirit”, đây là nhân tố chính giúp bạn có thể chiến thắng cái mode này đó và nó cũng dính dáng đến các chế độ khác một chút nữa.
Spirit có hai dạng chính là Primaries (nói cho dễ hình dung thì đây giống như là trang bị gắn lên char để tăng sức chiến đấu vậy) và Support (dạng spirit hỗ trợ có nhiều hiệu ứng khác nhau như tăng dame, hồi máu, kháng gió, kháng độc, nhảy cao hay thậm chí là có thể giúp bạn có thể tung ra Ulti hai lần liên tục).
Các spirit này vô cùng hữu dụng khi muốn vượt qua các thử thách trong game, mỗi trận đánh sẽ có những yếu tố bất lợi khác nhau để “nerf’ người chơi nên việc lựa chọn spirit hợp lý trước khi vào trận sẽ góp phần không nhỏ tạo nên chiến thắng cho bạn. Thử tưởng tượng đang mải mê tung skill thì cả cái map lộn ngược lại từ dưới lên trên, các chuyển động thì bị đảo chiều hay có các cơn gió nhẹ đủ sức thổi bạn bay hết nguyên cả cái map, đứng còn không vững thì đánh đấm cái nỗi gì.
Mà số lượng spirit trong game cũng khá là nhiều, hơn 1300 cái đủ các thể loại luôn, để kiếm hết thì cũng khá là mệt mỏi nhưng khi nhìn từng ô từng ô trong list sáng lên, dần dần lấp đầy các chỗ trống thì tự nhiên có cảm giác vui vui trong lòng (chắc ai có thói quen sưu tập Pokedex khi chơi Pokemon sẽ hiểu cảm giác này).
Không chỉ có thế, hệ thống nhân vật trong game cũng rất chi là nhiều luôn, mới chỉ nhìn qua cái ảnh đại diện thôi đã thấy thích rồi. Tất cả đều đến từ các series đình đám khác như Mario, Mega Man, Castle Vania, Animal Crossing, Sonic… thậm chí còn có cả Ice Climbers, Pac Man với Duck Hunt trong game bắn vịt trên điện tử bốn nút ngày xưa nữa (không hiểu sao cũng được nhét vô một game đánh đấm như thế này không biết). Đội hình “all star” này đủ làm phấn khích bất cứ game thủ nào lần đầu trải nghiệm và tôi cũng không ngoại lệ.
Chơi hết từng này cũng khá mệt đây
Một điều nữa tôi khá là thích khi chơi tựa game này là hệ thống chiến đấu trong game rất chi là đơn giản, chỉ mỗi việc kết hợp hai nút A, B với các phím điều hướng là có thể chiến ngon lành rồi. Không giống như các game đối kháng khác phải vô training rồi học một mớ combo dài cả cây số, luyện đến mòn cả tay cầm rồi mà vào combat vẫn lúc được lúc không. Ngay cả với chiêu Ulti (trong game gọi là Final Smash) cũng chỉ gói gọn lại trong một nút bấm, việc còn lại chỉ là canh sao cho chuẩn mà thôi.
Tại tuy là thể loại đối kháng nhưng không đơn thuần chỉ là hai thằng lao vào nhau đánh cho đến khi chết thì thôi, game có một cơ chế khác khá độc đáo là đánh cho đối thủ văng ra ngoài màn hình là được. Cá nhân tôi thích kiểu đánh này hơn vì nó rất là vui và thằng bị đánh bay ra ngoài thì thường khá là cay :)).
Do không có những combo dài hơi (thực ra là có mà không thực hiện nổi vì trình còn quá gà :v) nên chiến thuật “hit and run” cộng thêm “núp lùm cắn trộm” là phương án tối ưu và được tôi áp dụng triệt để. Mỗi trận đấu đều có rất nhiều item hỗ trợ từ các loại “hàng nóng” giắt lưng như súng, bom, tên lửa… đến các loại “hàng lạnh” đút túi như kiếm, lưỡi hái, lightsaber… cộng thêm một mớ đồ “tào lao bí đao”: hoa, chổi, vỏ chuối… vân vân và mây mây. Thế nên việc phải làm là chạy loanh quanh khắp map, nhặt đồ rồi lựa chỗ nào đang đánh nhau ác liệt thì chọi vô (ưu tiên các chế phẩm có thể gây nổ), hên thì cũng ăn hôi được kha khá mạng mỗi tội hơi vô liêm sỉ một tí =)).
Tôi thì có mấy thằng bạn từ hồi bé, từ nhỏ anh em đã cùng chung chí hướng toàn cúp học thêm để đi chơi game với nhau nên rất là thân. Giờ lớn rồi nhưng cái niềm đam mê về game của mấy đứa bọn tôi vẫn không thay đổi, có trò nào hay ho là lại rủ nhau chơi chung.
Cổ nhân có câu:
“Uống bia phải có bạn hiền,
Chơi game phải có đồng bọn mới vui.”
Vậy nên mua game được ba bảy hai mốt ngày là kiếm dịp cả đám tụ tập chơi game xong ăn nhậu. Phải nói là cái game này khi chơi cùng bạn bè thì thôi rồi, cười muốn banh nóc luôn, mức độ “lầy lội” cũng tăng lên đáng kể. Do số lượng tay cầm không đủ cho tất cả (có 6 mạng mà chỉ có 4 cái joy con) nên cả đám chơi theo kiểu “thua ra đập vào”, hai đứa bét bảng nhường chỗ cho hai đứa ngồi hóng, từ đó dẫn đến những tràng cười không hồi kết. Giống như những ngày xưa bé tranh nhau từng mạng khi chơi điện tử băng vậy, thật là hoài niệm.
Chơi game cùng bạn bè bằng những nhân vật quen thuộc đã gắn bó từ bé, đối với tôi cảm giác đó giống như mình được sống lại tuổi thơ một lần nữa vậy và tôi rất trân trọng điều đó. Hi vọng bạn cũng sẽ tìm được những khoảnh khắc khó quên khi trải nghiệm tựa game này.