Thời nay người ta bàn về nữ quyền ở khắp nơi, chả bù cho thời xưa khi mà phụ nữ không có quyền lên tiếng, dù là về nhu cầu cơ bản của chính họ. Tuy nhiên vẫn có một thứ quyền mà phụ nữ vĩnh viễn làm chủ, đó là “làm mẹ”. Ý tôi ở đây không phải chuyện khả năng sinh đẻ, ý tôi là về cách mà phụ nữ làm mẹ.
Phụ nữ làm mẹ như thế nào? Hy sinh? Rộng lượng? Sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm của con? Có thể. Nhưng tôi lại nhìn thấy một điểm khác hơn, đó là “bảo vệ”. Đúng vậy, không phải đàn ông, mà chính phụ nữ mới thể hiện sự “bảo vệ” này ở mức cao nhất. Phụ nữ – họ, bảo vệ những gì mà họ yêu thương một cách tuyệt đối như một con sư tử bảo vệ lãnh thổ của mình.
Có điều, phụ nữ thường thể hiện điều này theo nhiều cách khác nhau: có quyết liệt, có cố chấp, có mạnh mẽ, có dịu dàng… khiến người ta nhầm lẫn rằng họ đang chịu đựng, bi lụy hay bùng nổ. Kỳ thực, phụ nữ sử dụng cảm xúc để dẫn dắt lý trí của mình đi đúng mục đích, trong khi đàn ông chẳng thể làm ngược lại, nếu có thì cũng chỉ là đè nén mà thôi.
Hôm nay là ngày tám tháng ba, được thế giới chọn là ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi sẽ không chối rằng tôi là một đứa không có gấu, nghĩa là tôi không hẹn hò hay đi ăn các kiểu vào hôm nay. Nhưng tôi vẫn còn một chú gấu to bự hơn, đã bảo vệ tôi từ lúc tôi còn là tế bào. Phải đó, tôi có gấu mẹ (siu dễ thương).
Thật tình thì vào mấy dịp lễ thế này tôi cũng không biết phải tặng quà gì cho mẹ hết, vì mẹ tôi nấu ăn ngon nên nếu không lười thì bà từ chối ăn ngoài đường. Tặng đồ lưu niệm thì nhà đầy đồ không có chỗ trưng bày, còn nhớ hồi nhỏ tôi đi cắt giấy tập xong vẽ trang trí một tí rồi nhờ ba dùng máy may đạp cho vài đường chỉ, kết thành một cuốn sổ tay bé bé, rồi đem sổ đó tặng cho mẹ (bây giờ bà vẫn còn giữ trong ngăn tủ, cả xấp luôn đấy). Nhắc đến ba thì ông ấy đã mất hơn mười năm rồi, để lại mẹ tôi vắng người tri kỉ, dù vậy bà luôn nói rằng có tôi là đủ, hơn nữa cuộc sống gia đình ai đã trải qua thì chắc chắn không muốn quay lại nữa. Ừm, mẹ tôi có tư tưởng của một free woman – tự do là hạnh phúc.
Và trong buổi tối thứ ba nhàn rỗi này, tôi xem lại vài phim ngắn của Pixar rồi quyết định viết một cảm nhận ngắn về “Bao” – một short film năm 2018 của hãng.
Thông tin kỹ thuật về phim thì các bạn có thể đọc được một cách đầy đủ trên Wiki nên tôi chỉ giới thiệu sơ lược:
- Định dạng: 3D
- Thời lượng: hơn 7 phút
- Nhân vật chính: người mẹ
- Nhân vật phụ: bánh bao và con trai, ông ba, cô bạn gái của con trai
- Nhân vật quần chúng: bà chủ tiệm bánh, hai cậu bé đá bóng, mọi người ở công viên, ông chú ngủ gục trên xe buýt, chó…
- Nội dung chính: vì phim rất ngắn nên nếu được, bạn hãy xem phim trước khi đọc tiếp (nếu bạn đã xem rồi thì cũng cứ đọc tiếp)
Trước tiên, tôi xin nói một chút về bối cảnh phim, đó là một gia đình người Hoa tại Canada, và gia đình tôi thì cũng na ná vậy (nhưng mà ở Việt Nam, còn tôi là con lai F1 :))). Thứ hai, tại sao tôi cho rằng “bánh bao và con trai” chỉ là nhân vật phụ? Là vì tôi bị lay động bởi tình cảm của người mẹ hơn là cái bánh bao – mà thực ra chỉ là hình ảnh hoán dụ cho người con trai. Xin nói thêm là tôi thích ăn bánh bao lắm =]].
Nếu bạn cũng là người gốc Hoa, bạn sẽ cảm thấy thân thuộc với tất cả cảnh quay trong phim: nội thất trong nhà, chiếc ti-vi hộp, đồ sứ trang trí, tấm giấy đỏ chữ Phúc, nút thắt cát tường, đèn lồng đỏ treo ngoài phố, tấm lịch Thần Tài chỗ bà bán bánh, chiếc mũ nửa đầu của người mẹ, mọi người tập Thái Cực Quyền ở công viên… Bên cạnh đó cũng có nhiều chi tiết mang văn hóa phương Tây: cờ lá phong đính trên tủ lạnh, đèn ngủ kiểu Âu, ghế bành, vân vân. Nhờ ảnh hưởng từ mẹ nên tâm hồn tôi cũng có hơi hướng ẩm thực, tôi đặc biệt thích phân cảnh nhà bếp có chiếc kệ nhỏ xếp đầy các lọ thủy tinh chứa gia vị, hãy pause để xem kĩ, bạn sẽ thấy mỗi lọ là một loại gia vị riêng, rất chân thực.
Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ lúc đôi vợ chồng còn trẻ, họ có một đứa con trai – mà thời điểm của bộ phim là lúc người con trai đó đã lớn. Chúng ta ghim đoạn này ở đây, đoạn tiếp theo là sự nhân cách hóa chiếc bánh bao do chính người mẹ làm ra (bạn hiểu ý tôi rồi đấy).
Sau khi chồng đi làm, người mẹ cảm thấy ngôi nhà trở nên hiu quạnh, rồi bà ăn nốt cái bánh bao cuối cùng và cái bánh bao la lên khiến bà hoảng hốt nhả nó ra ngay lập tức. Chiếc bánh lăn về lại xửng hấp với mắt miệng nhăn nhó, rồi nó hắt xì thành cái mũi, gồng ra hai cánh tay, rồi cả thân mình, trở thành một bé bánh bao đáng yêu kháu khỉnh. Người mẹ kinh ngạc bế bé lên với nụ cười trìu mến, bà nâng niu và bắt đầu nuôi bé lớn.
Quá trình nuôi bé lớn thì tôi không kể chi tiết, chỉ có một điểm quan trọng phải nhắc tới là tiệm bán bánh: chủ tiệm là một bà cụ, trong tủ kính đa phần là bánh Tây (trông ngon lắm mọi người ạ =]]), cả hai mẹ con thường đến mua bánh ở đây và hay ăn cùng nhau trên xe buýt.
Như một đứa trẻ, bánh bao bắt đầu lớn và hết bám mẹ, bé muốn cùng bạn chơi đá banh, hội hè, rồi còn quen bạn gái. Uầy, người ta hay gọi là tuổi mới lớn, tuổi tự lập, là khi chim non muốn rời tổ, là quy luật tự nhiên. Giữa những thay đổi ấy, hai mẹ con lắm lúc cũng hục hặc và khi đứa con cứng đầu, người mẹ chọn lùi một bước nhưng đứa con vẫn lơ luôn.
Thật sự, cảnh người mẹ nấu cả một bữa cơm thịnh soạn để dỗ dành bé bánh bao làm tôi hồi tưởng lúc mình còn chưa tới mười bảy tuổi. Thời ấy tôi hay nổi đóa vì đủ chuyện linh tinh mà chỉ ra vẻ hậm hực chứ không dám quậy tưng bừng, gấu mẹ (siu dễ thương) của tôi vẫn luôn để ý, nếu không nấu thì bà sẽ dẫn tôi đi ăn món gì mà tôi thích, vì mẹ nhường quyền dạy con cho ba nên đôi khi mẹ chỉ làm vậy thôi chứ không khuyên nhủ gì cả. Song tính tôi mà giận thì chỉ có đợi nó “nguội” rồi tôi tự tìm cách giải quyết chứ ăn ngon vẫn không giúp được gì, nhưng trong cơn giận âm ĩ đó tôi còn cảm nhận được một luồng gió mát dịu mà mẹ thổi đến cho tôi theo cách bà ấy có thể làm tốt nhất.
Cảnh cuối của bánh bao là khi bé dẫn bạn gái về nhà và xách va-li muốn cùng người yêu “riêng sống đời hạnh phúc”, người mẹ quá choáng và đau đớn trước quyết định ấy nên hết sức ngăn cản. Cuối cùng bà túm lấy bánh bao và nuốt vào bụng – làm cái việc mà đáng lẽ bà phải thực hiện ngay từ đầu, nhưng khi giật mình nhận ra mình đã mất bánh bao mãi mãi, bà bật khóc và suy sụp nằm lăn trong phòng. Đoạn này làm tôi nhớ tới câu nói ngày xưa của bà ngoại mỗi khi hai cậu của tôi gây sự ngoài đường: “Nếu biết tụi bây như vậy thì tao thà đẻ cái trứng, chiên ăn cho rồi!”. Đấy là do mẹ tôi kể sau khi tôi đã qua tuổi hai mươi, tôi nghe xong (như bao người khác) thì tôi cũng cười nhưng trong lòng lại cảm thấy đắng.
Có thể hiểu rằng hành động nuốt bánh bao là sự đoạn tuyệt, khi người con quyết tâm ra đi, giữa hai mẹ con đã xảy ra tranh cãi kịch liệt, những lời lẽ lúc đó tổn thương cả hai vô cùng sâu sắc và có thể người con đã nói rằng sẽ không bao giờ quay về nữa. Đạo diễn miêu tả cảnh này rất hay, không cần bất kì lời thoại nào vẫn khiến người xem hiểu được mức độ nghiêm trọng của cuộc cãi vã. Đến đây là hết phần nhân cách hóa chiếc bánh bao.
Trở lại đoạn ghim phía trên, người con trai ấy sau khi đi chơi cùng bạn gái thì trở về, với vẻ hối lỗi. Bạn sẽ nhận ra bộ đồ mà người con trai mặc khi xuất hiện ở cửa phòng của người mẹ cũng chính là bộ đồ mà bé bánh bao mặc khi cãi vã cùng bà ấy, tức cả hai là một. Người mẹ lúc nhận ra con trai đã về thì vừa mừng vừa giận, bà vừa ngồi dậy đã nằm xuống, đưa lưng về phía con. Ông ba ở ngoài thì “trợ lực” bằng cách đẩy con vào phòng rồi đóng cửa, ý là “mày không xin lỗi mẹ đàng hoàng thì biết tay ba mày đấy”. Trong phòng tối om, người con bèn bật đèn ngủ, để hộp bánh (mua chỗ tiệm bán bánh quen thuộc) lên giường, người mẹ hé mắt nhìn thấy.
Nói gì nữa bây giờ? Có lẽ không chỉ là xin lỗi, người con muốn thanh minh với mẹ về quyết định ra riêng của mình, song cậu lại không biết nên bắt đầu từ đâu, chỉ thở dài. Thì tình yêu mà, cái gọi là đôi lứa ấy vẫn luôn khiến người trẻ vốn táo bạo và ngông cuồng phải phát điên, để về sau đành ngậm ngùi những vết đau không tài nào quên được.
Ngay khi người con cảm thấy bất lực muốn đứng lên thì một bàn tay vịn cậu lại, ừ, chính là mẹ đấy. Mẹ giận thì đương nhiên giận, nhưng bỏ con thì không thể nào. Hai mẹ con cùng ăn bánh và cùng khóc, lời lẽ trở nên thừa thãi vào lúc này, bởi giữa mẹ và con luôn luôn có sợi dây liên kết mà tất cả ngôn từ đều không thể với đến.
Phim mở màn bằng cảnh người mẹ làm bánh bao và cũng kết thúc bằng cảnh tương tự, nhưng là của cả nhà. Xem tới đây thì tôi hiểu rằng mọi vấn đề đều được giải quyết êm đẹp, mặc dù bạn gái của cậu trai là một cô gái tóc vàng, rất Tây, rất thời thượng, song cô đã được gia đình bạn trai chấp nhận. Ông ba thì vẫn cứ dán mắt vào ti-vi (nhưng không phải là ba không biết gì hết đâu nhé), người mẹ đang hướng dẫn cho con trai cùng cô bạn gái nặn bánh bao và cô gái tỏ ra khéo tay hơn hẳn bạn trai mình. Một chút ngạc nhiên nho nhỏ như thế đó, kết thúc một câu chuyện bình dị rất đời thường nhưng cũng rất ấm áp và đáng suy ngẫm, không chỉ giữa mẹ và con mà mỗi người chúng ta cũng đều như thế.
Phần nhạc của phim vừa nhịp nhàng vừa êm dịu, với việc phối thêm các nhạc cụ truyền thống như sáo và đàn tranh đã tạo nên giai điệu mang âm hưởng Trung Hoa không lẫn vào đâu được, âm thanh lồng tiếng cũng rất trong và rõ ràng. Lúc bé bánh bao la ầm lên và bắt đầu khóc khi bị mẹ nhả lại vào xửng ấy, những tiếng động nho nhỏ với từng động tác “mọc” mũi rồi tay chân, vừa khớp vừa dễ thương.
Các hoạt ảnh của phim diễn tả sự mềm mại của bột ủ, bề mặt “hơi rỗ” của bánh hấp, lông tơ mịn của trái đào, sự đàn hồi của da… Cảnh người mẹ làm bữa ăn thịnh soạn cũng rất ấn tượng, vì phim được dựng theo lối hoạt hình chứ không phải cố gắng tả thực, mọi thứ trong phim nhìn như đồ chơi song sống động không kém gì cảnh thật. Điểm này đã làm tôi đói trong lúc xem phim :)).
Xuyên suốt short film, cảm xúc và tình cảm của người mẹ là mạch truyện chính, bà không phải anh hùng, không có năng lực siêu nhiên, bà chăm sóc con mình như bao người mẹ bình thường khác. Bà cũng là phụ nữ, có các tâm tư cảm xúc của phụ nữ: mừng, sợ, giận, thương… và dỗi. Bà yêu gia đình mình, chồng và con trai, có bạn bè cùng tập Thái Cực Quyền, có người quen trong chợ gần nhà, và có cả một cô con dâu tương lai như bao người mẹ có con trai khác. Bạn nói một người mẹ như vậy có vĩ đại không? Tôi nói rằng: Có. Bởi vì việc mang thai một đứa con và nuôi nó lớn đã đủ vĩ đại rồi, suy cho cùng, tất cả vĩ nhân hay thiên tài đều được mang đến thế giới này bởi một người mẹ đó thôi.
Viết bởi TUI
P.S: Do viết trễ nên đăng không đúng ngày, các chị em phái đẹp (nếu có xem) thì hãy bỏ qua cho sự “lỡ làng” của tui nghen!