Nidhogg là một trò chơi mang tôi trở về cái thời xa xăm trong những mộng mơ thời thơ ấu. Nơi mà tôi mòn mỏi chờ đợi tiếng chuông reo ra chơi, lao thật nhanh vào sân giác đấu, gác kiếm gỗ lên vai, ngậm cỏ lau, chỉ tay vào chúng nhân như thể muốn hỏi: Ai là kiếm sĩ mạnh nhất cõi này?
Và trong nhiều năm kế tiếp, khi trên đầu có hai thứ tóc, khi tôi “con đàn cháu đống”, tôi sẽ lại lôi Nidhogg ra, ngồi trên chiếc đi văng sờn cũ, mua đôi vại bia và rủ vài ông bạn già chơi lại trò chơi này.
Tua nhanh thước phim cuộc đời một chút, khi tử thần ghé thăm, tôi sẽ lưu bản cài trò chơi này cùng một số trò indie khác của mình vào trong một cái hộp nhỏ nhắn. Chôn ở sau vườn, làm một bức di chúc rằng “Sau này đứa con cháu nào tự vỗ ngực mình là một gamer chân chính thì theo tấm bản đồ này, lấy xẻng và đào lên kho báu” tôi dành tặng chúng nó. Khi chúng nó cầm vào bản cài này, chúng tôi kết nối với nhau qua năm tháng, chia sẻ nỗi niềm của game thủ dù cuộc đời chông chênh, sóng gió.
Điều đầu tiên mà tôi yêu mến ở trò chơi này là sự đồng cảm. Nidhogg là một “anh chàng” khá giống tôi. Bạn biết đấy, người ta hiếm khi nào lên Steam hoặc một trang tải game nào đó để chọn một trò chơi có cái tên quái lạ và ấn tượng về đồ họa ban đầu vào dạng “đồ cổ” như Nidhogg. Nhưng một khoảnh khắc của vận mệnh, khi bạn không quay lưng đi và đồng ý dành chút thời gian bé xíu của mình cho việc mở lòng, ôm ấp nó, Nidhogg cho thấy vẻ đẹp sáng tạo sắc bén và sự sâu sắc ẩn sâu đáng kinh ngạc.
Giờ thì để hiểu Nidhogg, hãy chuyển nhanh sang màn chào hỏi.
Cốt truyện nhé? Không! Bạn có thể lên mạng và Gu Gô một lúc về tên trò chơi này. Trong vài cú click chuột tiếp theo, bạn tìm được thông tin về thần thoại Bắc Âu với những truyền thuyết hư cấu về một con rồng có chế độ ăn kiêng và món chính “thanh tịnh” của nó là rễ Cây Thế Giới Yggdrasil. Con rồng đó tên là Nidhogg. Nếu bạn thắng trò chơi này lần đầu tiên, nên chăng bạn sẽ phân vân giữa tạo hình của một con giun to béo hồng hào với thường thức của bạn về một con rồng. Nếu bạn không phải là một thằng đàn bà lắm chuyện, hãy nghe lời khuyên của tôi: Dẹp m* chuyện này đi! Việc quá quan tâm đến một cốt truyện cuốn hút hay không chỉ phá hủy ý nghĩa thuần khiết của trò chơi này mà thôi.
Thay vì làm một nhà Google-học nhàm chán, bạn chỉ cần biết đây là một trận chiến trung cổ. Nơi các kiếm sĩ cầm kiếm ba cạnh (épeé) và cố gắng tước đoạt mạng sống của đối phương trong một cuộc chạy đua vô tiền khoáng hậu mà thôi. Đứng trước sân chơi của giết chóc, bạo lực, thắng thua, câu hỏi khôn ngoan nhất cần đặt ra vào lúc này là tìm hiểu cách mà cuộc chơi vận hành! Trước khi bắt đầu tiếp bài review này, tôi cần “phanh nhẹ” để nói rằng tôi không phải là dân chuyên trong dòng game đối kháng và nếu bạn ghét sự không chuyên, vui lòng góp ý nhưng đừng chửi rủa.
Những trò chơi đối kháng luôn là nỗi đau của tôi khi còn bé. Vào thời gian đó, người ta trao vương miện cho những game mà cho đến ngày nay trở thành bất hủ trong dòng đối kháng như Mortal Kombat hay Street Fighter. Một đứa trẻ chẳng thể nhớ nổi một combo nào hết, thậm chí nếu có nhớ được thì đôi tay nhỏ bé, run lẩy bẩy vụng về của tôi chỉ giỏi trong việc ấn loạn xì ngầu. Khi người ta nhìn tôi chơi, không ai muốn mất tiền hay thích xem một bao cát di động trình diễn cả. Nidhogg hiểu điều đó. Trò chơi này có cách tiếp cận về mặt thao tác khác hơn nhưng không đánh mất vẻ đẹp của dòng game đối kháng. Thay vì trải rộng nút tương tác, Nidhogg tích hợp mọi thứ lại. Cụ thể hơn: Có 4 nút điều hướng cơ bản (trái, phải, trên, dưới) kèm hai nút tấn công và nhảy. Có 3 vị trí đưa tư thế kiếm: Cao, trung bình và thấp. Ấn tổ hợp cúi người và tấn công sẽ thành đá vuốt, ấn nhảy + tấn công cho ra kỹ thuật leap (bổ nhào), giữ tư thế cao và ấn tấn công sẽ thực hiện kỹ thuật phi kiếm cục súc… Điểm tinh tế của Niddhogg là mọi thứ đều được tích hợp và bạn không phải học thuộc lòng bảng combo như bảng cửu chương lớp 1. Kỹ thuật trong Nidhogg cũng ít nên bạn cũng đỡ tốn công đi cà khịa các đối thủ khắp nơi để rèn luyện phong cách chiến đấu của riêng mình.
Các thiết kế cơ học trong Nidhogg rất dễ dàng cho người chơi mới nhập cuộc. Nhưng đừng chủ quan vì nó rất khó để thành thạo. Với tư cách là một trò chơi đối kháng tốt, Nidhogg sở hữu một hệ thống kiểm soát chiến đấu cực tốt. Mọi động tác chiến đấu đều có thể bị phản đòn (counter). Vì thế mà chiến thắng phải đánh đổi, trả giá rất lớn bằng phản xạ thần kinh, thao tác tay và khả năng “đọc vị” nước đi của đối thủ. Ví dụ: Khi đối thủ sử dụng phi cước, giơ cao kiếm lên hoặc khi đối thủ roll ra đằng sau bạn, hạ thấp kiếm xuống.
Nền tảng luật chơi của Nidhogg một phần dựa trên môn thể thao đấu kiếm. Đâm trúng hoặc đâm xuyên cổ là chết luôn chứ không hề có thanh máu dài dằng dặc hay hệ thống “nộ” gì hết. Bản chất của trò chơi này nằm trong 1/1000 giây giữa khoảnh khắc của sinh và tử. Vì vậy mà mỗi chiến thắng đều đáng giá vì nó là kết quả hun đúc của kỹ năng và khả năng tính toán chiến thuật của người chơi. Nhưng điều đó rõ ràng là chưa đủ. Hãy quay lại với bài phân tích về game Titan Souls của tôi. Khi điểm đến là dừng, mọi trải nghiệm chiến thắng của người chơi trở nên mông lung và mập mờ giữa hai khái niệm “canh bạc may mắn” và “kỹ năng chiến thuật”. Nidhogg thấm thía điều đó và nó không vấp phải vết xe đổ như Titan Souls. Vì cái chết trong trò chơi này không phải kết thúc. Nó chỉ là khởi đầu cho một cuộc đấu dài hơi hơn rất nhiều khi mà hai bên phải giành giật nhau từng inch khoảng cách. Nidhogg châm lửa đốt cháy cuộc chơi thêm một lần nữa, biến nó trở thành một trò mèo vờn chuột dai dẳng và đặc biệt thú vị khi Tom và Jerry có thể đổi vị trí cho nhau trong một khoảnh khắc bất lợi nào đó mà thôi. Thêm một điều đặc biệt là tính bất ngờ trong việc thiết kế việc hồi sinh làm bạn hiếm khi nào căn ke đối thủ hồi sinh lúc nào
Những bất lợi đó có thể là sự sơ sẩy trong kỹ thuật chiến đấu, hoặc cũng có thể đơn giản là do địa hình. Mặc dù người ta phàn nàn rất nhiều về số lượng địa hình chiến đấu mà Nidhogg sở hữu nhưng làm ơn suy nghĩ lại vì có hai kiểu phàn nàn. Một là phàn nàn vì nó quá tệ, hai là phàn nàn vì nó rất có tiềm năng nhưng lại không phát triển tiếp. Nidhogg nằm ở kiểu phàn nàn thứ hai. Dù rằng Nidhogg có một thiết kế không tệ về khoản cơ chế chiến đấu nhưng ta không thể phủ nhận việc nó không đa dạng và đông đảo như các game đối kháng kỳ cựu như MKB hay SF. Vì vậy phải có cách khác để nâng tầm trải nghiệm chiến đấu trong Nidhogg lên. Và môi trường chiến đấu là câu trả lời xuất sắc. Mặc dù chỉ có 4 cảnh, nhưng trải nghiệm chiến đấu trong Nidhogg luôn được giữ tươi mới với những gờ, khe, đèn chùm, cửa, rặng cỏ cao, sương mù, v.v.v… được thiết kế cho những pha so kiếm căng thẳng nhất có thể.
Ví dụ cụ thể hơn: Với các khu vực cỏ cao, việc tấn công trở thành một chiếu bạc may rủi hoặc sự thần sầu trong việc cảm nhận sát khí và phán đoán hành động đối thủ. Hay một cảnh khác với hành lang dài hẹp, việc nhảy nhót tung tăng hay dùng phi kiếm trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Cũng chính vì Nidhogg sở hữu các môi trường chiến đấu khác nhau, nó làm phân hóa cách chơi và chiến thuật mà người chơi sử dụng. Một trò chơi tốt là trò chơi để bạn cá nhân hóa lối chơi chứ không gò ép nó.
Ví dụ: Thằng Sơn bạn tôi là một thằng rất hăng máu chiến đấu. Nó luôn cẩn thận quan sát, nhử đòn và phản đòn, tìm cơ hội sơ hở để làm thịt đối thủ. Thằng em họ tôi thì lại có style “chơi bời” khá dị, nó luôn rình rập ở xa và chọn dịp để phi kiếm vào đối thủ. Nếu không mất mạng, thằng cu lao vào đấu tay đôi nhanh chóng. Phong cách chơi của tôi thì khá pussỳ. Khi có được mạng đầu tiên và có chỉ dẫn mũi tên, tôi lợi dụng tối đa địa hình để ẩn nấp, chạy thoát khỏi đối phương và chỉ chọn chiến đấu khi bị dồn vào đường cùng.
Như bạn thấy đấy, Nidhogg là một sự hòa quyện tuyệt vời của nhiều tầng thiết kế sáng tạo làm ra chiều sâu rất lớn cho trò chơi. Nó sở hữu sự bùng nổ của những dòng adrenalin gào xé trong huyết quản khi chiến đấu nhưng vẫn giữ được sự gay cấn, giằng co của luật chơi. Một món quà kết tinh cực phẩm của kỹ năng và chiến thuật.
Đừng quên những mảnh ghép cuối cùng cho một trò chơi hay: Đồ họa, âm nhạc và âm thanh. Nidhogg sở hữu phong cách nghệ thuật pixel lofi mang hơi hướng retro dăm ba chục năm trước. Việc dùng màu sắc của Nidhogg rất tào bạo. Tôi luôn có cảm giác khát máu khi nhìn những tia máu vàng và cam phun tung tóe lên không trung và thấm đẫm vào nền đất lạnh lẽo. Điều thông minh hơn cả của Messhof là cách chọn đồ họa cho trò chơi. Nếu bạn không đủ tiềm lực và khả năng cho một cuộc cách mạng về đồ họa trong thời đại này, hãy trở về phong cách hoài cổ và cách điệu.
Đối ứng với 4 khung cảnh chính của Nidhogg cũng là 4 bản nhạc điện tử của Daedelus. Bắt tai, dài và độc đáo. Kết hợp tất cả yếu tố trên, ta có một trò chơi mang cái tên dị hợm nhưng phong cách thượng đẳng. Thực ra sẽ có rất nhiều người không đồng ý với điều đó. Có người sẽ nói nó chỉ đơn giản là một sản phẩm indie cùi mía với đồ họa kiểu “cổ lỗ sĩ” như ông già tôi. Nhưng hãy một lần nữa đào sâu vào bản chất cốt tủy của trò chơi này, cái thứ thành công mà tôi nghĩ không gì đánh đổ được, dù cho hình ảnh của nó không mượt mà, đồ họa thì kiểu phải dùng Viagra và âm nhạc hết trend. Đó là cảm giác của SÂU KHẤU! Không phải cho mỗi những người thi đấu với nhau, mà là cho bất kỳ ai đang xem nó. Khi Nidhogg được bật lên và tôi chơi cùng những người bạn, tôi có cảm giác say mê lạ kỳ, cái cảm giác của những người tình nguyện nắm tay nhau, hòa vào nhau như đang khiêu vũ, di chuyển có cá tính nhưng không đánh mất vẻ đẹp bạo lực, máu me và kịch tính với những nốt trầm bổng khó đoán. Một couch game thành công khi tất cả chúng ta đều vui vẻ với nó.
MỘT SỐ PHẦN CHƠI CẦN CHÚ Ý:
1. Phần chơi đơn: Thực ra bản chất của phần chơi đơn về cơ bản là bản mở rộng của phần hướng dẫn cách chơi. Điều này là dễ hiểu khi Niddhogg có phần tutorial khá sơ sài. Vượt qua 12 đối thủ trong phần chơi đơn không khó. AI được thiết kế khá dễ đoán, cùi mía. Nhưng đừng xỉ vả trò chơi. Điểm sáng thực sự của nó là một couch game.
2. Phần chơi co-op offline: Tôi chỉ muốn nói rằng khi tôi già đi, tôi muốn tự xây cho mình một ngôi nhà nhỏ xinh. Phòng khách của tôi sẽ có một chiếc đi văng đẹp đẽ và tôi muốn chơi trò này với bạn đời của mình rồi giới thiệu nó cho con cháu chúng tôi. Trò chơi này tiện ở chỗ bạn có thể chơi nó vào lúc giải lao được (mất cỡ 5 – 15 phút), hoặc có thể lâu hơn rất nhiều.
3. Phần chơi co-op online: Phần này hơi tệ theo như đánh giá của bạn tôi. Tôi thì xài crack nên không chơi co-op online được, chỉ rủ bạn cuối tuần làm vài ván game thôi. Độ trễ và lag của Niddhogg là một vấn đề lớn ở đây.
Bài viết đến đây là hết!