Những người con trưởng thành không còn cha mẹ

Khách quen

  

Doraemon: Tớ thấy thật tội nghiệp cho người lớn cậu nhỉ?

Nobita: Tại sao?

Doraemon: Vì chẳng có ai lớn hơn mình cả. Chẳng có ai chiều chuộng, cũng chẳng có ai mắng mỏ mình.

Cuộc nói chuyện này mình đọc trong một tập nào đấy của quyển Doraemon tiếng Anh. Mình đã cố lục lại xem đoạn thoại này ở tập nào trong bộ truyện. Lục mấy năm luôn mà không ra. Nên ngẫm lại cũng thấy hay hay. Cái gì đi qua trong đời một lần lại là thứ quý giá hơn tất thảy. Mình vẫn nhớ như in tình tiết gần cuối truyện. Đại loại là buổi tối ấy ông Nobi về nhà trong bộ dạng say xỉn, xong mắng mỏ tất cả mọi người. Mà Nobita bị lôi ra mắng mỏ nên cậu tức lắm. Mình không nhớ điều gì đã đẩy Doraemon và Nobita gọi người bà từ cỗ máy thời gian về nữa. À, hình như chuỗi khó chịu của ông Nobi xảy ra liên tiếp trong mấy ngày nên Doraemon mới tìm cách giải nguồn cơn giận của ông bố. Thế là họ quyết định đưa ông bố vào căn phòng của bà nội Nobita. Lúc này ông Nobi mới gục đầu vào lòng mẹ khóc nức nở, kể về những ngày gần đây bị sếp hành tới hành lui khiến ông mệt mỏi thế nào, sau đó ngủ thiếp vào lòng mẹ. Hai đứa trẻ để ông ngủ đến sáng một lúc lâu, trên đường dạo chơi trên những đám mây Mèo Máy mới nói với cậu nhóc Nobita thế này.

Ý tưởng về việc viết câu chuyện này đã có từ rất lâu. Đó là đầu hồi năm 5, bà ngoại mình mất. Trong khi dì Hai và mẹ mình ở Sài Gòn thì hầu hết gia đình mẹ ở lại Đà Lạt. Lúc mới đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng, trong đầu mình mới loé lên đoạn truyện này. Lúc cậu mình đọc điếu văn mà mọi người cùng viết, đến đoạn kể về việc cả đời bà dạy các con về sự lạc quan, hài hước, không hiểu sao mình lại khóc. Những lúc hiếm hoi về thăm bà, bà ngoại luôn cùng mẹ, cậu và các dì đánh tiến lên, nấu mì Quảng nói chuyện rôm rả. Ở cái không khí lạnh của Đà Lạt, tối nào mọi người cũng tụ họp bên nhau vài tiếng vào dịp Tết hay cuối tuần hè, nói chuyện này chuyện kia cắn hạt dưa rồi cười. Bà ngoại có những câu vè hay, trò chơi hài hước mà sau này mới thấy họ hàng nhà mình ai cũng là vựa muối dù sống vùng núi. Sau khi bà bị té gãy xương đùi, mất trí nhớ một thời gian phải về sống với cậu dì. Thế là bà lại từ từ tập viết, tập nói chuyện và tập nhớ mọi người. Từ đó mâm cơm của nhà cậu luôn có bà ngồi đó. Mà năm hai lúc về thăm bà, không hiểu sao bà không nói được sõi, lại ngồi gắp cho mình miếng cá cuối cùng vào chén. Giờ bà không còn nữa rồi.

Mẹ mình lên Sài Gòn từ năm 18 tuổi, dạng trốn nhà học đại học vì ông ngoại không cho. Tính mẹ vốn độc lập, cứng rắn nên mình chưa bao giờ thấy mẹ thể hiện tình cảm quá dạt dào với bà ngoại, thậm chí chuyện khó khăn lắm cũng hiếm khi kể bà nghe. Hồi còn trẻ, mẹ chăm chỉ bươn chải để khi ra trường có đồng lương đầu tiên gửi về cho nhà. Nên dần lớn mình có phần giống mẹ ở điều ấy. Chỉ có một lần Tết lúc mình học năm 3 đại học, mẹ con mình lên Tà Nung chơi gặp bà ngoại, xong mẹ thấy bà hồng hào như nàng Bạch Tuyết, rồi khen “Trời ơi sao mẹ đẹp quá vậy” rồi thơm má, chụp hình với bà. Các cậu các dì cũng rất hay giỡn với bà, khen bà là người đẹp. Mỗi lần vậy thấy vui lắm. Bà đi rồi, còn ai ngồi để nghe mọi người giỡn xong đọc mấy bài vè “đâm bang” nữa? Còn ai để mọi người vui đùa sau một ngày một tuần bận rộn, toan tính, mệt mỏi?

Hồi nhỏ mình vô tư lắm, chẳng quan tâm gì đến ba mẹ. Ba mẹ dự lễ này nọ còn không muốn chụp hình chung. Học hành thì sợ họp phụ huynh không muốn bị quản thúc. Nhưng giờ càng lớn, ở trong môi trường mà bạn bè ganh đua nhau vì cái điểm cái nhiệm sở, rồi những mối quan hệ đứt gánh giữa đường không biết chữ ngờ, lúc này mình lại cần bố mẹ. Có những lần vì lười, lấy lý do trực qua đêm để ra quán cafe học qua đêm, nằm ở ghế sofa cảm thấy khó ngủ. Xong leo lên sân thượng tự nhiên khóc nghĩ không biết bố mẹ ở nhà thế nào, mình thức cả đêm mà chả làm nên cơm cháo gì. Rồi lo sợ về tương lai, ra trường làm gì, sợ cảnh ba mẹ nuôi tiếp, phải ăn bám. Sau đó không dám nói dối nữa, vì sợ đêm có chuyện gì không thể về nhà nữa, ba mẹ ôm nhau khóc. Thấy ba mẹ càng ngày càng già đi, vẫn lo cho thằng em sắp lên cấp ba mà sợ. Xong lại nhớ lại cảnh bà ngoại mất, rồi rưng rưng. Giờ còn đi học đó, có đi làm thì cũng là part-time, về nhà kể chuyện tỉ tê cho mẹ nghe, lâu lâu cãi lại mẹ. Rồi sau này ra dọn riêng thời gian đó được bao lâu, phải tự bơi một mình, rồi những lúc tinh thần xuống đến vực có dám về nhà không.

Năm nay đánh dấu một điều quan trọng với mình: rằng mình đã dự không biết bao nhiêu đám tang của ba những người bạn. Thường khi mình kể cho mẹ, mẹ hỏi các bạn ra trường đi làm chưa, rồi bảo vậy cũng được, ba bạn cũng yên tâm an nghỉ. Khi viếng mình không thấy bạn bè khóc, mọi người cũng tỏ ra tạm ổn, nhưng về lâu mọi người đau lắm. Cái đau nó cứ ngấm dần ngấm dần, âm ỉ đợi những hôm bất lực, mệt mỏi mới nhói lên. Ba mẹ đâu rồi? Con cần lời khuyên, con cần những lúc cãi nhau. Nhưng có còn nữa đâu. Những đứa trẻ đang tuổi trưởng thành mất cha mẹ còn đáng thương hơn cả những đứa nhỏ mồ côi, vì chúng phải gồng lên cứng rắn, vừa làm cha mẹ của chính mình, vừa phải lo cho gia đình nữa. Không còn ai hỗ trợ về tinh thần mà chính họ nhiều lúc chỉ biết dựa vào bản thân thôi.

Bởi có thêm một tập trước đó của Doraemon, ở đoạn đầu Nobita đang ăn đột ngột khóc. Xong bà mẹ chạy đi tìm thằng bé, rồi cậu gục đầu vào lòng mẹ khóc nức nở. Doraemon hỏi sao khóc, cậu bảo “Nhiều lúc tớ chỉ muốn làm nũng thôi mà”. Làm con nít thì không có gì, chỉ toàn chơi, học bay nhảy, nên lâu lâu thèm khát sự quan tâm. Còn những người đang lớn kia, bủa vây bởi những thứ khiến họ có ngàn lý do để làm nũng, có còn ai để họ gục đầu vào nữa?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Quân - 21.05.2021

    Tự nhiên nhớ bài “Trốn tìm” của Đen Vâu, cách bạn viết luôn đem lại cảm xúc và hoài niệm về tuổi thơ gần giống như tuổi thơ của mình (dù ko cùng tình tiết). Mà coi một hồi mới nhớ hồi 1 năm trước mình cũng comment vào bài viết của bạn về Yotsuba, cũng với những cảm xúc tựa tựa như vậy. Thích quá, cụng ly nào!