Những game dành cho người không phải game thủ

Khách mới

  

Chào các bạn. Đầu bài viết xin nói rõ với các bạn là tui không phải game thủ. Game thủ là những người chơi game để tìm kiếm sự thử thách, và tận hưởng cảm giác thỏa mãn sau khi vượt qua chúng. Còn tui thì ngược lại. Tui rất dễ nản khi chơi game, vì nhiều nguyên nhân khác nhau: một con boss đánh hoài không thắng; một màn chơi khó chơi mãi không qua; game nặng yếu tố cày cuốc; bị hành bởi những người chơi có kỹ năng cao hơn… Ngay cả cơ thể cũng chống lại tui với căn bệnh simulator sickness quái ác.

Tất cả những điều đó làm tui rất cực khi tìm game để giải trí. Tui nhờ thằng bạn tư vấn game thì nó bảo: “Mày muốn chiến thắng nhưng lại không muốn trải qua thử thách? Vậy thì đừng chơi game!”. Tui ngẫm lại lời nó thì thấy cũng đúng, nhưng, chẳng phải vì đời thực đầy thử thách khiến người ta mệt mỏi, nên họ mới tìm đến game để xả stress đó sao? Nếu vào game lại gặp thử thách nữa, thì cuộc sống có khác gì địa ngục?

Xin đừng nói với tui rằng: “Chơi đi chơi lại nhiều lần sẽ thắng!”, hay “Chơi nhiều sẽ giỏi!”. Những lời động viên đó chỉ phù hợp với các bạn học sinh, sinh viên có nhiều thời gian rảnh. Còn với những người đã đi làm như chúng tui, có được một giờ đồng hồ chơi game mỗi ngày đã là quý hơn vàng. Làm sao có thể cày cuốc, tryhard hay xem replay của bản thân để rút kinh nghiệm với khoản thời gian ít ỏi đó?

Cho nên tui mới lập ra list game dưới đây nhằm giúp những người như tui không phải mất quá nhiều thời gian để tìm ra một tựa game phù hợp với mình. Rất tiếc là trong list sẽ không có các game góc nhìn người thứ nhất và người thứ ba, vì bản thân tui cũng bị simulator sickness, nên không thể chơi được. Vì thế tui sẽ không giới thiệu bừa để tránh gây tranh cãi.

Stardew Valley

Một siêu phẩm nhận được đánh giá Overwhelmingly Positive trên Steam. Eric “ConcernedApe” Barone, cha đẻ của nó, đã bỏ ra bốn năm làm việc MỘT MÌNH, đảm nhận mọi công việc từ lập trình, thiết kế đồ họa đến soạn soundtrack.

Stardew Valley không chỉ cuốn hút người chơi bởi đồ họa pixel đẹp một cách tinh tế và giản dị, mà còn mang lại cho họ sự thư giãn với gameplay không hề có một chút yếu tố cạnh tranh nào, cho dù bạn chơi một mình hay chơi chung với người khác. Quan trọng nhất, game không hề có boss hay những màn chơi platformer khó nhai, lũ quái vật trong khu mỏ bỏ hoang của game cũng yếu như sên. Bạn có thể thoải mái chơi game mà không lo bị ức chế.

Nói thật lòng, tui đã vui đến phát khóc khi tìm thấy tựa game này trên Steam, hệt như tìm thấy một người bạn tri âm. Từ khi chơi Stardew Valley, tui đã sống vui vẻ, lạc quan hơn, ít gắt gỏng hơn. Trò chơi đã mang lại cho tui sự bình yên trong tâm hồn.

Plants vs. Zombies GOTY Edition

Tựa game đã đưa PopCap Games đến với thời hoàng kim của họ. Nhiều người bảo rằng đây là game cho con nít vì nó quá dễ, nhưng chính vì đó mà nó mới trở thành một tựa game mà ai cũng có thể chơi và có thể thắng.

Ngoài lối chơi vô cùng đơn giản, tựa game này còn hay ở chỗ là độ khó của nó hết sức vừa phải: Không quá khó (ngay cả các cháu mẫu giáo cũng có thể phá đảo) nhưng cũng không quá dễ (làm người chơi nhanh chán). Hầu hết các màn chỉ cần chơi một lần là qua ngay. Những nội dung khác như Zen Garden hay các minigame đầy sáng tạo cũng góp phần giữ người chơi ở lại lâu hơn sau khi họ phá đảo game.

Nếu các bạn muốn chơi thì tui khuyên hãy chọn phiên bản cho PC phát hành trên Steam để có trải nghiệm đầy đủ nhất. Từ khi EA mua lại PopCap Games thì phiên bản miễn phí trên các nền tảng di động đã trở thành công cụ moi tiền game thủ một cách trắng trợn. Để sở hữu hết tất cả nội dung của phiên bản di động thì bạn phải chi nhiều tiền hơn hàng chục lần so với mức giá 70k của phiên bản PC.

Papers, Please

Thêm một tựa game được đánh giá Overwhelmingly Positive trên Steam và cũng được phát triển chỉ bởi một người. Về gameplay, công việc chính của người chơi là đối chiếu, kiểm tra chéo hộ chiếu và các giấy tờ liên quan của những người muốn nhập cảnh vào đất nước Arstotzka của mình. Nếu các thông tin đều hợp lệ và chính xác, người chơi sẽ đóng dấu APPROVED vào hộ chiếu để cho phép nhập cảnh, và ngược lại, đóng dấu DENIED để từ chối. Tiền công sẽ được phát sau ngày làm việc, và tự động bị trừ đi để trả các hóa đơn của gia đình bạn. Nếu bạn không kiếm đủ tiền và để tất cả thành viên trong gia đình qua đời, gameover. Nhưng đó chỉ là một trong 20 cái kết của game đang chờ bạn khám phá.

Lúc mới xem qua screenshot trên Steam, tui cũng không định bỏ ra 120k cho một tựa game “nhìn có vẻ chán”. Nhưng sau khi mua được game trong Summer Sale, tui đã bị nghiện ngay từ những giờ chơi đầu tiên. Tất nhiên là game có Easy Mode (nếu không tui đã không thêm nó vào list này) cộng cho bạn 20 credit tiền công mỗi ngày, và cung cấp cho bạn một công cụ hỗ trợ đối chiếu và kiểm tra chéo gọi là INSPECTION MODE, nên bạn sẽ không phải nản lòng trước khối lượng công việc ngày càng tăng đâu.

Knights of Pen and Paper 2

Nhắc đến Paradox Interactive là người ta thường nhớ ngay tới những tựa game chiến thuật siêu hack não, có khả năng vắt cạn chất xám của người chơi. Điều đó đôi khi khiến người ta quên mất dòng game Knights of Pen and Paper của hãng, với hai phần đều được đánh giá Very Positive trên Steam.

Những ai đam mê boardgame Dungeons & Dragons chắc chắn sẽ rất thích Knights of Pen and Paper 2. Có thể nói đây là trò chơi bám sát khái niệm RPG nguyên thủy nhất, khi mô phỏng gần như y chang lối chơi của Dungeons & Dragons, chỉ khác là mọi thứ diễn ra trên màn hình, còn bạn vừa là người chơi, vừa là Game Master. Bên cạnh đó, game cũng kết hợp những yếu tố của RPG hiện đại như kinh nghiệm và cấp độ, chế tạo trang bị và các loại thuốc phép…

Tui nghĩ các bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một tựa game RPG nào cho phép bạn tự do quyết định số lượng quái vật mà bạn sẽ giao chiến như trong game này. Chính vì tính năng này mà game trở nên dễ hơn khá nhiều, mặc dù lối đánh theo lượt của nó giống hệt JRPG (mà chiến đấu trong JRPG cần tính toán kinh khủng như thế nào thì các bạn biết rồi đó).

Nhiều người nói rằng họ thích Knights of Pen and Paper +1 Edition hơn, nhưng tui vẫn cho rằng Knights of Pen and Paper 2 là phần hay nhất của dòng game này. Các nhân vật, chủng tộc và class được cân bằng khá tốt, không có tình trạng một nhân vật bá đạo gánh cả team như phần trước, đồng thời giảm tính cày cuốc đi khá nhiều. Nếu có khuyết điểm nào thì đó là DLC Here Be Dragons của game khá ngắn, địa điểm và quái vật mới không nhiều, ngoài ra nó cũng yêu cầu cày cuốc vô cùng ác liệt. Một lưu ý nữa là đừng chọn phiên bản miễn phí (Free Edition) của game. Với giá bán vật phẩm đắt hơn hàng nghìn lần và độ khó tăng cao, bạn sẽ phải cày cuốc tới cuối đời mới có thể phá đảo.


Platypus

Đây chính là tuổi thơ của tui trên con PSP của ông anh họ. Khi Sony khai tử PSP thì tui đã tưởng là sẽ không bao giờ gặp lại tựa game này nữa, cho nên khỏi phải nói tui đã bất ngờ và sung sướng như thế nào khi thấy lại nó trên Steam. Tui đã đưa nó vào Library và chơi ngay lập tức để ôn lại kỷ niệm.

Điều mà tui ấn tượng nhất ở tựa game này chính là đồ họa “đất nặn” của nó. Từng mô hình trong game đểu rất ngộ nghĩnh và gây ấn tượng mạnh. Sẽ có những người không thích phong cách đồ họa móp méo, thô kệch như thế này, nhưng cá nhân tui cho rằng nó rất hay, và mấy đứa nhóc nhà tui cũng mê tít, thậm chí còn lấy đất nặn phục chế lại các mô hình trong game và bán cho tui để làm thành “Collector Edition”.

Ngoài đồ họa ra, gameplay cũng rất hợp ý tui: Shoot ‘Em Up màn hình ngang, không có Bullet Hell, boss dễ ăn (Easy Mode, tất nhiên). Game cho phép điều khiển bằng chuột nên việc né đạn rất dễ dàng, không gây ức chế. Phần âm thanh cũng được làm khá tốt, gợi nhớ tới các máy game thùng hồi xưa. Nếu bạn thích Shoot ‘Em Up nhưng lại ngại Bullet Hell thì tựa game này là một lựa chọn đáng cân nhắc.

Terraria

Một tượng đài của thể loại game sandbox, được đánh giá Overwhelmingly Positive trên Steam. Thực lòng mà nói, tui đã đắn đo khá nhiều khi quyết định đưa tựa game này vào list, vì hai lý do: Thứ nhất, nó có boss; Thứ hai, nó không có Easy Mode (Chỉ có Normal và Expert). Nhưng cuối cùng tựa game vẫn được góp mặt trong này vì tui không thể phủ nhận sức hấp dẫn của nó.

Giống như Stardew Valley, đây là một game không có kết thúc. Bạn có thể chơi nó cả đời và truyền lại cho con cháu chơi tiếp. Về lối chơi, có thể nói đây là Minecraft 2D. Bạn phá hủy môi trường để lấy vật liệu, xây dựng nơi trú ẩn, chế tạo vũ khí, công cụ, các loại thuốc… Mục tiêu cuối cùng của bạn là hạ gục con boss và tiến sang thế giới khác. Nhưng nói thật tui cũng chưa thấy mặt con boss bao giờ. Thế giới của game quá rộng và có quá nhiều thứ để khám phá đến mức tui không còn thời gian cho việc đi tìm và đánh boss nữa. Bạn hoàn toàn có thể bỏ mặc con boss và sống cả đời trên mặt đất, biến mặt đất thành ngôi nhà của bạn (theo đúng nghĩa đen) mà không cần đụng tới cái cuốc chim.


Quái vật trong game gây damage khá cao, dù đó là slime, zombie hay mấy con mắt biết bay. Ban đầu tui cũng rất bực với bọn này, nhưng sau khi dựng được căn nhà đầu tiên thì cuộc sống của tui dễ dàng hơn rất nhiều. Tui chỉ việc mở cửa, giết một con quái vật, rút vào nhà, đóng cửa lại và hả hê nhìn lũ còn lại cào cửa một cách bất lực. Vì thế, hãy yên tâm là bạn sẽ không ăn hành đâu.

Tóm lại, dù bạn quyết định làm người mặt đất hay người lòng đất thì hãy nhớ kỹ quy tắc sinh tồn tối thượng này: xây nhà trước đã, rồi làm gì thì làm. Và bạn sẽ thấy Terraria cực kỳ xứng đáng với 120k của bạn.

Nhắc nhỏ: Bạn nào thích gameplay của Terraria nhưng lại ưa bối cảnh phiêu lưu trong vũ trụ thì nên chơi Starbound của Chucklefish. Đồ họa và lối chơi cũng tương tự, có điều giá chát hơn (165k).

Dòng game Kingdom Rush

Bản đồ của Kingdom Rush

Kingdom Rush: Frontiers

Kingdom Rush: Origins

Có lẽ tui không cần phải nói nhiều về dòng game này nữa. Cả ba phần đều được đánh giá Overwhelmingly Positive trên Steam là minh chứng rõ ràng cho sức hút của nó.

Tui đã phá đảo cả ba phần ở mức độ khó Casual (chẳng có gì đáng tự hào) trên cả hai phiên bản PC và di động. Từ đó, tui có thể khẳng định rằng đây là dòng game thủ thành hay thứ hai mọi thời đại, sau Plants vs. Zombies GOTY Edition. Gameplay đơn giản dễ tiếp cận, ba mức độ khó (Casual/Normal/Veteran) phù hợp với mọi đối tượng game thủ, và trên hết là đồ họa hoạt hình đẹp vô song. Bạn có thể không thích tower defense, nhưng bạn chắc chắn không thể ghét dòng game Kingdom Rush được.

Nếu bạn hỏi tui nên chọn phiên bản PC hay di động thì tui sẽ trả lời là PC. Giá cao hơn gấp mười lần phiên bản di động, nhưng bù lại bạn sẽ có toàn bộ hero. Trên di động thì phải mở khóa hero bằng tiền thật, nếu bạn muốn có mọi hero để thử nghiệm các chiến thuật khác nhau thì phải chi một khoản gấp mấy lần giá game trên PC. Bạn cũng có bản đồ đẹp hơn nếu mua phiên bản PC.

Qua trải nghiệm, tui nhận thấy một điều – dù không chắc chắn lắm – là phiên bản di động có vẻ khó hơn một chút so với PC để buộc bạn mua các vật phẩm phụ trợ trong cửa hàng bằng lượng kim cương ít ỏi kiếm được sau mỗi màn (cửa hàng này không hề tồn tại trong phiên bản PC). Nếu chơi độ khó Casual thì không sao, nhưng từ Normal trở lên thì bạn hoặc là phải cày kim cương, hoặc là bỏ tiền thật ra mua kim cương để sắm các vật phẩm phụ trợ thì mới qua màn nổi. Lựa chọn như thế nào là tùy bạn, nhưng với một dòng game mà mỗi màn chơi đều kéo dài từ 10 đến 20 phút thì việc cày kim cương rất dễ gây nản đấy.

Dòng game Chicken Invaders

Tui sẽ không đăng bức hình minh họa nào cho trò chơi cuối cùng trong list này. Vì… ai có chơi game mà lại không biết đến Chicken Invaders chứ?

Ra đời trước cả khi một ông béo nào đó phát minh ra hơi nước, dòng game này đã gắn bó với tuổi thơ của tui, và trở thành chuẩn mực để tui chọn chơi những tựa game Shoot ‘Em Up có góc nhìn từ trên xuống, cũng như Platypus là chuẩn mực của riêng tui đối với Shoot ‘Em Up màn hình ngang vậy.

Chicken Invaders thuộc loại dễ chơi dễ thắng, không có Bullet Hell, điều khiển bằng chuột. Hình ảnh trong game nhiều lần khiến tui nhớ đến hai loạt phim bất hủ về vũ trụ là Star Wars và Star Trek. Âm thanh cũng vô cùng vui nhộn, nhất là tiếng kêu của mấy con gà khi chúng bị bắn chết.

Đây cũng là một trong số ít những dòng game (có thể là duy nhất) mà tui có thể phá đảo ở mức độ khó Veteran. Trừ việc làm cho bọn gà khó chết hơn, game không hề tăng số lượng đạn mà bọn chúng rải ra, hay tăng tốc độ bay của chúng mà vẫn giữ nguyên như mức độ khó Rookie. Vậy nên, chỉ cần di chuyển cẩn thận (một việc hết sức dễ dàng nếu bạn dùng chuột) là bạn có thể phá đảo game.

Chicken Invaders là một dòng game huyền thoại, có tính giải trí cực cao dù bạn thuộc loại game thủ nào. Cho nên lời khuyên của tui là: nếu bạn đã chơi rồi, thỉnh thoảng hãy chơi lại lần nữa; còn nếu bạn chưa chơi thì hãy chơi ngay và luôn. Tin tui đi, bạn sẽ không bao giờ có thể chán dòng game này đâu.

Phần kết

Đây là bài viết đầu tiên của tui tại quán bia này, vậy mà nó đã dài gần 3000 từ. Lúc đầu tui đã định chia nó ra làm hai phần nhưng cuối cùng lại thôi. Vì tui muốn chia sẻ với những người chơi game (không phải game thủ nhé) “muốn chiến thắng nhưng lại không muốn trải qua thử thách”, những người chơi game chỉ để cho vui như tui một list game đầy đủ nhất.

Cá nhân tui cho rằng: khi chơi game, nếu không thắng thì chẳng có gì vui cả. Nếu xác định là “chơi cho vui” thì hãy chơi những tựa game mà bạn có thể chiến thắng một cách dễ dàng. Đã từng có người nói tui háo thắng mà ngại khó, nói tui hèn nhát, thậm chí nói tui không xứng đáng là game thủ. Nhưng tui mặc kệ, từ trước tới nay tui chưa từng tự nhận mình là game thủ, và tui hoàn toàn hài lòng với cái Library của mình.

Hiện tui vẫn đang miệt mài tìm kiếm những tựa game phù hợp với tiêu chuẩn của mình trên Steam. Đợi sau khi tìm được kha khá, tui sẽ lại viết một bài để giới thiệu chúng đến những người giống mình.

Cuối cùng, xin cảm ơn các bạn đã đọc bài của tui.

phuongduy

Khách mới

  

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly