Một tựa game về Slenderman mà trước đây tôi thích

Khách mới

  

Sau khi chơi xong FNAF (chính xác hơn là nản rồi xóa game), tôi tiếp tục đi tìm những tựa game khác, vẫn thuộc đề tài kinh dị, tuy nhiên phần lớn trong số chúng đều là những tựa game miễn phí trên GameJolt và không để lại cho tôi nhiều ấn tượng.

Tôi tìm được trò chơi này một cách khá ngẫu hứng: lên Google, gõ cụm từ “Horror Game”, và thêm “Slender” phía sau. Tựa game đầu tiên tôi tìm thấy, nếu tôi nhớ không nhầm, là Slender: The Eight Pages, nhưng tôi lại hoàn thành nó sau, bởi thực sự tôi không hiểu nổi mục đích của trò chơi (collect all 8 pages, hồi đó tôi cũng không đủ kiên nhẫn với bất cứ tựa game nào không đưa tôi cái chỉ dẫn cụ thể). Tôi down tựa game đó về, không mong đợi gì nhiều từ nó vì trong đầu tôi khi ấy chỉ có FNAF và Outlast là hay.

Và tôi khá bất ngờ với những gì mà tựa game mang lại. Với tôi hồi đó nó hay tới mức khiến một đứa lười hoàn thành game như tôi phải ngồi dán mắt vào màn hình máy tính từ đầu game tới cuối game, hoàn thành xong xuôi rồi tôi vẫn mang máy tính lên trường chơi cùng thằng bạn, và thậm chí là copy game vào USB và mang lên phòng tin nhà trường (và hỏng luôn cái USB sau khi cắm đi cắm lại vào gần chục cái máy tính).

Slender: The Arrival – đó là tên của trò chơi mà theo bản thân tôi là trò chơi đáng nhớ nhất trong suốt năm lớp 7 mà tôi được trải nghiệm.

Nhưng sau ba năm, tôi quay trở lại, và những trải nghiệm đó không còn được như xưa.

MỘT CỐT TRUYỆN KHÔNG HAY, CŨNG CHẲNG DỞ

Bạn vào vai Lauren trên đường đi thăm Kate – bạn của cô, người vừa mất đi mẹ và đang bán đi căn nhà của mình. Sau khi Lauren tới nhà của bạn, cô phát hiện ra Kate đã bị tấn công vào đêm hôm trước, với những “điều khác lạ” như mở đầu của 7749 câu chuyện kinh dị mà bạn có thể tìm được đâu đó trên internet: cửa không khóa, chủ nhà không biết đi đâu, điện thoại mất sóng, đồ đạc bừa bộn như thể vừa có đánh nhau, một vài cái note được vứt bừa ở chỗ xó xỉnh nào đó với mục đích hoặc cung cấp thông tin về cốt truyện, hoặc cảnh báo với nhân vật chính là đi về đi chuyện này không có vui đâu, hoặc với mấy ông completionists thì là phải nhặt hết không thì ăn không ngon ngủ không yên. À quên trước đó cái xe ô tô của nhân vật chính còn bị hỏng ở giữa đường do bị cây đổ vào nữa, đen đến vậy thì tôi cũng chịu rồi. Và sau khi nghe thấy tiếng hét thất thanh của ai đó từ phía rừng, nhân vật chính IQ vô cực của chúng ta quyết định dấn thân đi kiếm tìm sự thật, trên tay là cây đèn pin và chiếc camera (cô bạn này đi quay thử thách 24h hay đi tìm người bạn bị mất tích???).

Xuyên suốt cuộc hành trình, người chơi sẽ từ từ tìm ra sự thật phía sau sự biến mất của Kate, về người bạn qua thư của Kate tên Carl Ross, hay về Charlie Matheson Jr. – một đứa trẻ bị mất tích – phần lớn thông qua những đoạn note được đặt rải rác khắp các màn chơi. Riêng trong chương 3 mang tên “Flashback”, người chơi được trải qua kí ức của Charlie khi tìm được con gấu bông của cậu bé, đồng thời là màn chơi phụ mang tên “Memories”, cũng như tìm được hai cuộn băng giải đáp số phận của Kate và Carl, lần lượt ứng với hai màn chơi phụ khác là “Escape” và “Homestead”.

Nhìn chung, cốt truyện của Slender: The Arrival không có nhiều điểm nhấn, không đáng nhớ, không tới cái mức quên luôn sau 10 phút hoàn thành game nhưng nhìn chung không để lại ấn tượng – chí ít với một đứa như tôi – như những tựa game kinh dị mà về sau tôi được trải nghiệm như Amnesia: The Dark Descent, Outlast, hay SOMA. Một tựa game kinh dị về Slenderman là rất có tiềm năng, khi nó có thể khai thác nhiều khía cạnh mà ta chưa thấy ở những câu chuyện creepypasta.

Tuy nhiên việc hợp tác với đội ngũ kịch bản của Marble Hornets (một series video trên Youtube lấy cảm hứng từ Slenderman), dù giúp game có được cái chất kì bí của những câu chuyện urban legends, nhưng đồng thời khiến cốt truyện game trở nên quá bình thường, thậm chí có thể nói là không đáng để bận tâm. Động cơ của Slenderman là chưa thực sự rõ ràng, hắn ta chỉ đơn giản là một thế lực siêu nhiên toàn năng muốn chơi đùa với nạn nhân của hắn thay vì giải quyết thẳng tay ngay từ đầu. Well, dù sao game cũng đưa ra cho chúng ta một lí do cũng khá là chính đáng về việc tại sau Laura phải bước tiếp chứ không thể chạy trốn: NOT EVEN A BUG IN THIS GAME WILL SAVE YOU FROM ME.

Vietsub: Mày không thoát được đâu con trai to be continued

Thời lượng của game với tôi là hơi ngắn: lần đầu tôi chơi tôi có thể hoàn thành game trong khoảng tiếng rưỡi, và tới lần gần đây nhất, dù đã cố gắng thu thập mọi items trong game, cùng với việc đi bộ ngao du loanh quanh thưởng thức cảnh đẹp tới chán chê mê mỏi, tôi cũng chỉ mất gần hai tiếng rưỡi.

Thôi thì move on tới phần đáng bàn nhất của game: GAMEPLAY.

GAMEPLAY CĂNG THẲNG, NHƯNG LẶP LẠI VÀ THIẾU SÁNG TẠO

Trong game bạn sẽ dành phần lớn thời gian vừa chơi mèo vờn chuột với Slenderman trong khi cố gắng hoàn thành một nhiệm vụ nào đó như nhặt 8 mảnh giấy ở chương 1 (thực sự tôi không hiểu nổi cái ông kẹ cao kều mặc vest kia có nỗi ám ảnh gì với mấy tờ giấy, nhưng rõ ràng đây là mấy tờ nháp không hơn không kém), bật máy phát ở chương prologue và 2, hay thu thập một số item khác ở một số chương còn lại. Cảm giác game đem lại cho người chơi những phút đầu tiên là cực kì căng thẳng, khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ vừa phải chạy trốn khỏi kẻ địch, nhất là trong chương 2 mang tên “Into The Abyss”, khi Lauren không phải chỉ đối phó với một, mà là hai kẻ thù: Slenderman, cùng với Chaser – một proxy (proxy là những người nằm dưới sự ảnh hưởng hay kiểm soát của Slenderman).

Ai đó giải thích tác dụng của mấy tờ giấy với chứ tôi là tôi không hiểu

Tuy nhiên, cảm giác căng thẳng khi bị rượt đuổi, hay giật thót tim khi Slender nhảy ra jumpscare (tất nhiên là đi kèm cái tiếng nhiễu camera ở phần background kì dị nhưng cũng khá đặc trưng) sẽ dần biến mất khi bạn chết quá nhiều tới nỗi trơ lì với jumpscare (điều mà đã xảy ra tương tự khi tôi chơi FNAF), hoặc tới playthrough thứ 2 (nếu bạn lựa chọn không động chạm gì tới Hardcore Mode), bởi những nhiệm vụ trong game quá sức đơn giản. Và cũng lại giống như FNAF, dù có thêm cái lọ bớt cái chai thì gameplay của nó vẫn vậy, vẫn lặp lại và thiếu đi sự sáng tạo. Amnesia: A Machine For Pig, một tựa game được sản xuất bởi The Chinese Room – một nhà phát được biết đến với những tựa game walking simulator như Dear Esther hay Everybody’s Gone to the Rapture – cái tựa game khiến fan của The Dark Descent chửi lên chửi xuống vì sự thiếu vắng về mặt gameplay, vẫn còn nhiều gameplay hơn Slender: The Arrival.

Game cho bạn cây đèn pin để giúp bạn tìm đường trong bóng tối, với hai cơ chế là chiếu rộng và chiếu tập trung, một điều mà bản thân tôi khá thích, nhất là việc chiếu tập trung thẳng vào mặt của Chaser sẽ khiến nó “đứng hình” lại, giúp người chơi có thêm thời gian chạy trốn. Tuy nhiên, khi nhắc tới camera, từ duy nhất tôi có thể diễn tả ở đây là THẤT VỌNG. Dành cho những ai chưa biết, một đặc điểm của Slenderman là sẽ làm nhiễu sóng các thiết bị điện tử. Và ở trong Slender: The Arrival, mục đích duy nhất của chiếc camera là báo hiệu cho người chơi rằng Slenderman đang ở gần, hết. Mà thực sự gọi là camera thì hơi quá, nó chỉ đơn giản là một cái HUD mà nhà phát triển lười biếng cho vào cho có đúng tinh thần của một tựa game về Slender thì đúng hơn. Ừ thì nó có thể zoom in để có thể quan sát kẻ thù từ xa, nhưng rõ ràng chức năng đó cũng chẳng hữu dụng lắm. Nhất là ở mấy khu vực có cảnh đẹp, tôi tắt luôn cái HUD camera kia để tận hưởng cảnh một cách tốt nhất.

Slenderman, kẻ thù chính của game, được thiết kế khá tốt, với khả năng teleport đầy quen thuộc, làm nhiễu camera, hay đôi khi là nhảy thẳng vào trước mặt người chơi; tuy nhiên những điểm yếu về mặt cốt truyện đã ngăn cản Slender trở thành một ác nhân đáng nhớ. Chaser lại đem cho tôi cảm giác khá khó chịu: chạy cực nhanh, và chiếu đèn pin của nó đôi khi cũng không thể cứu vãn tình thế. Trong màn 2 tôi bị Game Over bởi Chaser là chính thôi chứ Slender chẳng làm gì được tôi mấy cả. Thiết kế màn chơi không được có gì đặc sắc, riêng có phần chơi “Homestead” là xuất sắc hơn cả, khi Carl Ross phải dành phần lớn thời gian lang thang giữa chốn đồng không mông quạnh, làm nổi bật sự bất lực của người chơi.

Nhìn yên bình vậy thôi chứ màn này cực căng thẳng

Hardcore Mode là chế độ đáng để thử qua; ở chế độ đó, Slender và proxy trở nên hung hăng hơn, đèn pin chỉ có thể chiếu sáng trong một thời gian nhất định trong mỗi màn chơi, nhân vật sẽ nhanh mất sức hơn, và ở một số màn chơi như chương 2 bạn sẽ phải thu thập tất cả các bình gas trước khi khởi động máy phát điện, nhịp game từ đó được đẩy lên cao hơn, thậm chí lần chơi Hardcore gần nhất tôi phải đứng dậy uống nước 1 – 2 lần để lấy lại bình tĩnh.

PHẦN NGHE ĐƯỢC LÀM RẤT TỐT, PHẦN NHÌN ỔN

Tôi sẽ không tiếc lời khen ngợi phần âm thanh của tựa game, bởi Blue Isle Studios đã làm quá tốt. Phần âm thanh được đầu tư cực trau chuốt, từ phần nhạc nền nhẹ nhàng nhưng mang lại cho người chơi sự lo lắng, bất an, cho tới âm thanh của tiếng cửa đóng mở cửa, tiếng nhiễu của camera, hay tiếng thét của proxy. Phần đồ họa ở một số màn chơi như nửa đầu màn đầu, màn thứ 3 và màn “Homestead” khá ấn tượng, nhưng vì Laura phần lớn sẽ dành thời gian chui rúc vào mấy chỗ xó xỉnh tối tăm nào cùng cây đèn pin trong khi đang bận chơi đuổi bắt cùng Slender, trong những lần chơi đầu tôi đã không để ý nhiều lắm tới phần nhìn của game. Chưa kể tựa game được tối ưu không tốt lắm: máy mới của tôi Core i3, 4G RAM, nhưng không thể chạy game ở High Setting. Dù sao thì tôi vẫn có thể chơi Fullscreen; máy cũ của tôi chỉ có thể chạy ở Low Setting và để màn hình 800×600.


TỔNG KẾT

Slender: The Arrival là một tựa game có tiềm năng, nhưng những tiềm năng của nó bị giết chết bởi một cốt truyện không hề đáng nhớ, cùng với gameplay thiếu đi sự đa dạng cần thiết để lôi cuốn người chơi. Dù sao, nếu bạn đơn giản chỉ muốn chơi một tựa game đem lại cho bạn cảm giác căng thẳng, hồi hộp khi bị rượt đuổi, đây vẫn sẽ là một tựa game đáng để thử qua.

TRƯỚC KHI KẾT THÚC BÀI VIẾT

Vì tôi viết bài cảm nhận này khi tiêu chuẩn về game của tôi đã cao hơn nhiều, thế nên có lẽ tôi đã hơi khắt khe khi nhận xét Slender: The Arrival, hay thậm chí là đối với FNAF. Nếu là tôi của ba năm về trước, tôi sẽ chẳng quan tâm tới cốt truyện hay hay dở, thời lượng chơi ngắn, hay gameplay lặp lại và thiếu sáng tạo, tôi sẽ chỉ đơn giản tận hưởng những gì mà game đem lại cho tôi. Tôi đã lớn, và có lẽ sẽ không thể tận hưởng game như những ngày đầu được nữa.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện