Gunpla, thú vui hít nhựa

Khách mới

  

Nếu nói về robot, chắc nhiều người sẽ nhớ về những series như Power Ranger (Năm anh em siêu nhân) hay Dũng sĩ Hesman của bác Hùng Lân. Nhưng có một series mecha có lẽ chỉ một bộ phận nhỏ mới biết, đó là Gundam. Cũng đúng thôi, vì series mecha này khác hoàn toàn so với mô-típ đánh nhau, biến lớn, rồi lại đánh nhau cho đến khi… hết tập. Từ khi bắt đầu khởi chiếu từ năm 1979, series Gundam đã tự định hình một cốt truyện liền mạch, với nội dung đan xen lẫn nhau, phức tạp và phù hợp với lứa tuổi trưởng thành hơn là các em thiếu nhi.

Box art của những kit Gunpla đầu tiên

Cũng có thể vì lý do đó, những món đồ chơi ăn theo series này lại phức tạp hơn các món đồ chơi khác khi ta mua về phải… tự ráp chúng từ những mảnh nhỏ. Bộ Gunpla đầu tiên được Bandai phát hành năm 1980, lúc đó chỉ có giá 300 Yên. Đây có thể nói là một dòng đồ chơi khá đặc biệt so với thời điểm ra mắt, vì tất cả các sản phẩm đồ chơi ăn theo Mecha lúc đó hầu hết là mô hình ráp sẵn. Đã hơn 30 năm kể từ khi bộ Gunpla (mà dân chơi hay gọi là “kit”) ra đời, Gunpla đã trở thành một thú chơi gây nghiện và tốn nhiều công sức. Để kích động và lôi kéo thêm nhiều người sa vào con đường hít nhựa nhưng dễ nghiện không kém gì hít bóng này, trong bài viết này mình sẽ giới thiệu cơ bản, nhập môn về Gunpla cho người mới chơi.

Giới thiệu và phân loại các Gunpla

Về cơ bản “Gunpla” = “Gundam” + “Plastic”, nói đơn giản tức là các mô hình Gundam bằng nhựa (nhưng cũng có các mẫu của Zaku, Gouf… là những mẫu của phe phản diện). Gunpla khác với các model hay figure ở chỗ, người chơi phải cắt các mảnh nhựa ra khỏi vỉ (hay còn gọi là runner) và ráp lại thành mô hình hoàn chỉnh theo sách hướng dẫn đi kèm. Tùy vào mô hình, số lượng mảnh (part) có thể đơn giản từ vài chục cho đến hàng trăm, hoặc nghìn part. Chưa kể nhiều người chơi còn dán decal custom, sơn, weathering (làm cho mô hình cũ đi hay bị hư hại như ngoài đời thật), làm sa bàn, gắn LED… Do đó, có thể nói thú chơi này có thể phù hợp với trẻ nhỏ, nhưng cũng thu hút kha khá trẻ già (như mình, lol).

Nhìn kĩ lại đi, đây là Gunpla chứ không phải là cảnh cắt ra từ anime đâu

Về cơ bản, tất cả các loại Gunpla được sản xuất bởi Bandai (trừ những trường hợp bên thứ ba làm, hoặc hàng fake, bootleg). Các kit Gunpla được chủ yếu phân thành 4 loại, tùy vào kích thước, độ khó và giá tiền của nó, gồm:

  • Super Deformed (SD): Mô hình chibi của các Gundam, cao khoảng 8cm.
  • High Grade (HG): Có tỉ lệ 1/144 (khoảng 13cm), là loại cơ bản nhất, rẻ tiền và nhiều chủng loại nhất.
  • Real Grade (RG): Cũng có tỉ lệ 1/144, nhưng chi tiết và khó hơn rất nhiều so với HG và thường có khung xương (inner frame) ở bên trong.
  • Master Grade (MG): Tỉ lệ 1/100 (khoảng 18cm), chi tiết, có khung xương, số lượng part nhiều hơn, có kèm cả decal chi tiết và giá cũng chát tương ứng.
  • Perfect Grade (PG): Tỉ lệ 1/60 (khoảng 30cm), cao, to, đen, hôi, cực kì chi tiết, và là ước mơ của các modeler nghèo vì giá cũng khoảng vài triệu đồng.

So sánh kích thước thực tế của Gunpla

Các dòng kit cũng được phân theo bộ anime tương ứng, ví dụ mã HG00 là các kit từ series film Gundam 00, hay HGUC là từ timeline Universal Century. Mục đích là để các fan dễ tìm kiếm các kit thuộc bộ anime ưa thích của mình.

Ngoài ra còn có các dòng khác như Megasize (size 1/48 – siêu to siêu khổng lồ), Reborn 1/100 (kích thước như MG nhưng chi tiết như HG), Hi-Res (khung xương được ráp sẵn, chỉ việc lắp giáp ngoài vào), Ver-Ka (là các kit được Hajime Katoki, là một nhà thiết kế mô hình Mecha nổi tiếng từ những năm 90s, thiết kế lại từ các bản Gundam gốc)… Sau này Gundam cũng có các dòng figure như Metal Build, Robot Spirit… Có bạn sẽ hỏi là muốn chơi con tỉ lệ 1/1, cao 20 mét giống trong anime cho nó gấu. Vâng, Bandai cũng đã cho ra đời 2 con Gundam tỉ lệ 1/1 là RX-78 và Unicorn và thậm chí còn … biến hình được. Hiện Unicorn 1/1 đang được trưng bày ở trước DiverCity Tokyo Plaza, nơi có trung tâm bán lẻ Gunpla lớn nhất Nhật Bản.

1/1 và có Led luôn nhé, nhưng ko có RGB

Bandai còn tiếp tục hút máu dân chơi bằng “Premium Bandai” (hay P-Bandai). Về cơ bản đó là những mẫu Gunpla có chút chỉnh sửa về màu sắc, thêm phụ kiện hay có khác biệt về giáp ngoài, nhưng giá của chúng phải đắt đỏ hơn gấp nhiều lần bản gốc và thường chỉ bán số lượng ít tại Nhật Bản. P-Bandai được nhận diện rất dễ vì vỏ hộp thường chỉ in bằng duy nhất… 2 màu, thay vì in đủ màu sắc bắt mắt như những bản thường. Gundam còn có những phiên bản đặc biệt như các bản kit collab với các thương hiệu như hãng máy bay ANA, chuỗi siêu thị 7-Eleven, hãng thời trang Uniqlo… thậm chí là cả với mì ramen hay bang nhạc nổi tiếng Linkin Park. Nhiều bản trong này đã trở thành hàng limited và được rao bán với giá trên trời trên Ebay, Amazon.

HGUC Unicorn ver ANA, vỏ và decal màu kim loại, giá khoảng 220$ trên Amazon

Vậy thì đối với người mới bắt đầu chơi, bạn nên mua những kit nào?

Kit đầu tiên mình có là con SD Sengoku được vợ mua cho ở hiệu sách (và đến giờ vợ mình vẫn hối tiếc vì đã trực tiếp đưa mình vào con đường nghiện ngập, lol). Đối với người chơi mới, SD và HG là những dòng bạn nên nghiên cứu trước vì số lượng part ít, cấu tạo đơn giản, không tốn nhiều thời gian để làm, và rẻ tiền. Thật sự mình không khuyến khích các bạn chưa có kinh nghiệm lắp ráp mô mình chơi thử MG hay RG đầu tiên, vì nó rất chi tiết, tốn nhiều thời gian, dễ nản và nếu không khéo tay có nguy cơ hỏng cả một bộ kit đắt tiền.

Một kit HG cơ bản với chi phí tầm khoảng 300 nghìn và mất khoảng 30 phút đến 1 tiếng để ráp xong là một bài tutorial phù hợp nhất với newbie. Nếu bạn đã xem các anime Gundam thì bạn chỉ việc lựa chọn những mẫu Gunpla mình thích từ các anime đó. Còn nếu bạn chưa biết tí gì về Gundam, bạn có thể lựa chọn một số mẫu cơ bản và dễ chơi như HGUC RX-78 revive (hay được gọi là Gundam cụ tổ), HGBF GM-GM hay HGIBO Bartatos Lupus. Các mẫu trên đều được đánh giá cao, biên độ cử động tốt, dễ ráp nhưng vẫn rất chắc chắn.

HGIBO Barbatos Lupus

Như mình cũng đã nói, Gunpla cũng có hàng fake, bootleg. Nhưng bạn yên tâm là nếu mua nguyên bộ trên đó có logo Bandai thì 99% là hàng xịn. Hàng bootleg của những hãng nhái từ Trung Quốc như Daban,TT-Hongly hay MMK thường là copy 100% từ Bandai, hoặc là thiết kế lại, thêm thắt trông chi tiết hầm hố, bắt mắt hơn. Tuy nhiên chất lượng vẫn không thể nào bằng Bandai được, khớp cứng, nhựa giòn và rất dễ gây nản và rage quit. Nên mình khuyên các bạn nên bắt đầu từ hàng Bandai trước.

Vậy mua một kit về rồi thì phải làm gì?

Đương nhiên là phải chuẩn bị công cụ để làm Gunpla rồi. Về cơ bản nhất, bạn chỉ cần một cái kềm cắt là đủ để hoàn thiện một chú Gunpla, nhưng để hoàn thiện 100% thì cần nhiều thứ hơn thế. Sau đây là các bước và các dụng cụ cơ bản để hoàn thiện một bộ Gunpla:

Một bộ tool cơ bản gồm kềm cắt, dao mô hình, nhíp, cây tách part và dũa

– Vì các bộ phận được đúc trên từng vỉ runner nên việc đầu tiên bạn phải làm là cắt part ra khỏi runner trước. Bạn có thể cầm tay bẻ hoặc là sử dụng… kềm Nghĩa. Nhưng như vậy sẽ có nguy cơ cắt lẹm, hoặc bộ phận bị gãy, hư hỏng. Mình khuyên là bạn nên mua một cây kềm Xuron hoặc Plato giá khoảng 70k. Kềm này dành cho người mới chơi, rẻ tiền, bền nhưng cũng đủ để cắt mà không hỏng part.

Cắt cẩn thận đừng cắt nhầm vào part nhé


– Sau khi cắt part, phần nhựa ở chỗ cắt sẽ còn sót lại những phần nhựa thừa gọi là nub, hay dân dã hơn gọi là “ghẻ”. Nếu bạn là newbie hoặc không quá cầu kì thì không cần phải xử lý nub mà cứ ráp chay thôi. Còn nếu muốn xử lý kĩ cho thật đẹp thì phải kết hợp nhiều dụng cụ như dao mô mình, giấy mài…

– Ráp part theo như sách hướng dẫn đi kèm trong kit. Sách hầu hết bằng tiếng Nhật, nhưng bạn chỉ cần xem hình là cũng đủ hiểu rồi vì mỗi part sẽ được đánh số, nên nếu cần tìm part A5, bạn chỉ cần tìm runner A và part số 5. Việc ráp chỉ cần dùng tay thôi, các part sẽ khớp với nhau và hoàn toàn không cần dùng keo. Nhưng bạn phải cẩn thận, kiên trì và đừng dùng lực nhiều quá vì có thể làm gãy part. Nếu muốn bạn có thể dán luôn những mảnh sticker đi kèm với kit.

– Ráp xong xong bạn sẽ thấy con Gunpla mình làm hơi trơ trọi, thiếu sức sống, nhìn chẳng giống cái hình trên hộp tí nào. Đương nhiên rồi, vì đây mới là nửa chặng đường thôi. Đầu tiên là bạn phải kẻ lằn (panel lining) cho chú Gunpla của mình. Mình khuyên bạn khi mua cây kìm cắt thì mua luôn một cây Gundam Marker (50k). Trên giáp Gunpla sẽ có những rãnh nhỏ, bạn chỉ việc tô lên rãnh đó và dùng tăm bông hoặc tẩy xóa bớt vết nhem đi, bạn sẽ thấy kết quả khác hẳn. Thậm chí có nhiều modeler còn thấy ít panel line quá nên… khắc thêm cho nó đỡ trống.

Before and after, nhìn đơn giản nhưng tốn công lắm đấy

– Còn nếu bạn muốn hardcore hơn nữa thì có thể weathering để nó trông như đã trải qua cuộc chiến, custom bằng cách kết hợp với part của kit khác hoặc các bộ resin, mod thêm đèn led cho lung linh, sơn lại màu khác, sơn coating bảo vệ,… như nhân vật Tatsuya Yuuki trong Gundam Build Fighter đã nói “Gunpla is freedom”, những chú Gunpla sẽ là một tờ giấy trắng để các modeler có thể thỏa sức sáng tạo theo cách mình muốn.

Bước cuối cùng là gắn chú Gunpla mới hoàn thiện lên base (thường không kèm trong kit, bạn phải mua thêm khoảng tầm 50-100k), pose chú ở nhiều tư thế chiến đấu khác nhau, chụp thật nhiều bức ảnh để đăng Facebook rồi trưng ở một nơi thiệt đẹp. Còn nếu sau đó bạn bắt đầu lướt web, đọc review để tìm kit tiếp theo, thì chúc mừng bạn, bạn đã bắt đầu nghiện nhựa rồi đấy.


Anyway, happy building!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly