Logitech, một cái tên không hề xa lạ với dân văn phòng với những sản phẩm tầm phổ thông cho đến sản phẩm có yêu cầu rất cao và đã chiếm được bộ lòng và tim cật (chưa kể thận) của dân gamer. Về sản phẩm dành cho gamer với thương hiệu con Logitech G thì chuột gaming của hãng được đánh giá rất cao và hiện tại có thể nói là đang đi đầu trong lĩnh vực chuột không dây với con flagship G903 (và bây giờ là G Pro Wireless). Nhưng sản phẩm nào mới mua thì rất xịn, nhưng thời gian không chừa thứ gì cả, cả với con G903 của mình cũng vậy.
Lần đầu gặp nhau
Đó là một mùa đông chưa lạnh lắm vào năm 2017. Chính xác là ngày 24/11/2017, thời điểm các công ty, cửa hàng đang thi nhau giảm giá vào dịp Black Friday. Lúc đó ở nhà mình đang dùng chuột DareU S100, được hãng retail đổi từ con SteelSeries Rival 95 vì hết hàng mới để đổi bảo hành. Mình thì lại không thích con DareU, phần vì form, và cũng phần vì software/driver phải “ăn cắp” từ chuột Ozone M50 nên nhân dịp giảm giá đi mua chuột mới luôn.
Đến cửa hàng, đầu tiên mình thử con chuột G703, do chưa có hàng nên lấy tạm G403 có dây để tham khảo, cảm giác phần dưới của chuột nhô lên nên mình không ưng ý lắm. Đến lúc mình thử G900 để tham khảo tạm có nên mua G903 không thì ôi cha mẹ ơi cầm nó phê quá. Bất chấp tất cả, mình “rạch bụng con lợn” và tiêu gần hết tiền tiết kiệm vào con G903. Con chuột có giá là 3.800.000đ (chưa giảm 10% sale Black Friday) – một cái giá khá là chát chúa cho một con chuột gaming. Sản phẩm được bảo hành 1 đổi 1 trong 2 năm.
Sơ qua một chút về form chuột thì G903 là con chuột dạng đối xứng (Ambidextrous) và có một cái dáng hầm hố, đồng nghiệp còn bảo trông nó giống cái Batmobile. Chuột có nút phụ ở phía hông (side buttons) vừa có bên trái và phải (phụ kiện có sẵn lắp thêm), cộng thêm cái dáng Ambidextrous thì đây là một ngôi sao lấp lánh hiếm hoi với những người thuận tay trái.
Con lăn của chuột có hai chế độ (giống G502), chuyển đổi qua lại bằng cái nút ở ngay phía dưới. Một chế độ cuộn theo từng khấc như bao con chuột khác, và một chế độ cuộn kiểu bánh xe ô tô xoay đều vậy. Cuộn từng khấc khá ổn nhưng hơi ồn một chút, chút thôi so với những chuột khác, cũng không có vấn đề gì lắm. Còn cuộn bánh xe ô tô thì thích hợp trong việc lướt web, văn bản vì nó nhạy, nhẹ và nó cứ xoay tít vậy, nhưng nó cũng khá là nhạy nên thi thoảng nếu mà chuột cầm không cố định, cuộn chuột sẽ lăn và làm mình bị mất tập trung.
Con lăn “bất tử” từ G502 được đem ra làm meme.
Về trải nghiệm chơi game của mình thì 3 tháng đầu sử dụng nó là một thảm hoạ theo nghĩa đen. Chuột được quảng cáo là trải nghiệm không dây nhanh như có dây vậy, và nó đã thể hiện được đúng như kỳ vọng. Với trọng lượng 110-111g (chưa cho con tạ vào) thì với cái tay mình đã quen chuột nhẹ (Rival 95 nặng 92g) thì đây chắc là một cực hình luôn. Lúc đó mình đang tryhard CS:GO và tụt rank thảm hại từ Nova 3 cho tới Silver Elite. Suýt nữa thì mình đã hối hận về quyết định bỏ hơn 3 củ mua con chuột này. Tuy nhiên, sau 3 tháng sử dụng thì mình đã làm quen được với con chuột và dần lấy lại được phong độ.
Sau một năm bên nhau
Ở thời điểm mình viết bài viết này thì mình đã dùng được khoảng 1 năm 1 tháng hơn, cũng trải qua nhiều cảm xúc thăng trầm với nó. Mình thấy:
- Build của con chuột tốt phết, có một lần mình xuống dưới nhà và lúc lên thì thấy chuột đang nằm dưới sàn do hoàng thượng nghịch, rơi từ độ cao 0.8m mà chuột vẫn ngon lành.
- Thiết kế chuột có vùng lõm, nên sẽ hơi khó để lau bụi, đặc biệt là chỗ switch chuột lại không kín nữa nên chắc chỉ có cách mổ chuột để vệ sinh, bay luôn cả bảo hành.
- Trọng lượng 110-111g, “khá nhẹ” cho với một con chuột gaming không dây, nhưng sẽ mất thời gian để làm quen. Cá biệt, mình quen với con chuột rồi, nhưng vẫn thích cầm chuột nhẹ hơn, đặc biệt khi chơi Getting Over It, vì xoay chuột dễ hơn.
- Ở bên cạnh con lăn có hai nút dùng con lăn click để kéo nội dung cửa sổ văn bản/web sang ngang, mình tận dụng hai nút này để bind nút chơi game thấy nó cũng khá là tiện. Chuột có nhiều nút nên nếu ai sử dụng những phần mềm kiểu productivity thì có thể tận dụng được các nút trên chuột.
- Về click chuột, click nhạy hơn so với chuột Zowie, bấm cũng nhẹ hơn, phù hợp với thể loại game MOBA, FPS. Nhưng không hiểu quyết định của hãng Logitech thế nào, mình thấy switch Omron 50 triệu click bấm trong chuột chất lượng khá là kém. Mình đã phải đi bảo hành tới 2 lần trong 1 năm đầu sử dụng vì vấn đề double click. Hiện tượng cũng khá là dị: nếu mình click kiểu mổ cò thì bình thường, nhưng mà cứ click kiểu tap tap, thể nào cũng bị double click. Sau Tết dương lịch mình cũng chuẩn bị đem chuột đi bảo hành lần 3 vì lỗi double click luôn. Lướt qua reddit thấy cũng nhiều ông kêu gào vì hiện tượng double click, có ông bảo hành tới 4 lần mà vẫn còn bị hiện tượng đó.
- Về chính sách bảo hành: Mình thấy nhà phân phối Digiworld bảo hành chuột hơn lâu, thời gian mình chờ đợi cũng phải tầm 5-8 ngày làm việc. Hồi trước còn dán tem bảo hành lên chuột trông mất thẩm mĩ lắm, giờ thì chính sách cho phép tháo tem để bảo đảm tính thẩm mĩ rồi.
Kết luận
Sau hơn 1 năm dùng, mình thấy chuột G903 xứng đáng là flagship một thời (nghe sâu xa nhưng mới có 1 năm chứ mấy há há – 2017). Chuột hội tụ đủ yếu tố về kĩ thuật: chất lượng build tốt so với đối thủ, công nghệ không dây tiên phong đáng tin cậy như chuột có dây, thời lượng pin cũng rất bá cháy (32 tiếng không LED, polling rate 1000ms), trọng lượng vừa phải. Nhưng tất nhiên, không sản phẩm nào là hoàn hảo. Với chất lượng switch không tốt, việc phải đổi bảo hành nhiều và chờ cũng làm phần nào giảm độ sung sướng trong trải nghiệm của mình.
Có nên mua không? Mình vẫn sẽ cho là có… à đợi đã.
Với sự xuất hiện của G Pro Wireless, flagship mới của Logitech G, tập trung hơn vào trải nghiệm của game thủ, so sánh với G903 thì mình thấy mỗi ông sẽ hơn thua nhau ở điểm nào đó:
- Về hình dáng: Nhìn qua sẽ hơi giống Zowie FK1, chưa trải nghiệm được G Pro Wireless nên mình chưa thể đi sâu hơn được.
- Về nút bấm: G Pro Wireless không có con lăn “bất tử” như G903, và hình như cũng không có 2 nút click con lăn chuột sang hai bên luôn. Nút chỉnh DPI được đặt ở dưới thay vì ở trên như G903. Được cái nút bên hông có thể cho bao nhiêu tuỳ ý (max là 4), thay vì một bên hông full 2 nút hoặc là không có nút nào như G903.
- Về pin: với việc thay thế sensor PWM3366 của G903 sang HERO 16K hãng tự “trồng” có hiệu năng tương đương nhưng ăn ít điện hơn rất nhiều. 49 tiếng có LED, 63 tiếng không LED – gấp đôi so với G903 (24 tiếng có LED, 32 tiếng không LED). Cả 2 đều tương thích với pad sạc Powerplay.
- Về trọng lượng: với trọng lượng chỉ có 80g so với 110g của G903, là cả một sự khác biệt lớn!
Đó là về sự khác biệt, còn mức giá thì đều chát chúa như nhau, cũng tầm 3.500.000đ. Nhưng có một cái thiệt, đó là hiện tại G Pro Wireless đang phân phối độc quyền trên Tiki nên chỉ có thể mua hàng new từ đó, còn G903 vẫn sẵn hàng ở các cửa hàng bán đồ máy tính/gaming gear. Ồ, và switch G Pro Wireless cũng “đểu” như G903 vậy. G903 có nhiều tính năng cho tác vụ văn phòng, G Pro Wireless tập trung vào gaming nhiều hơn.
Hy vọng bài viết này có thể nói lên được nỗi lòng của những người đã và đang trải nghiệm G903 và cũng giúp những người đang có ý định mua chuột này sẽ có thêm một ý kiến khác để cân nhắc khi có ý định mua.
P/S: Năm 2018 đi qua, 2019 sẽ đến. Chúc các bạn đọc HSBT, chúc anh Đăng và các “Hiệp sĩ” có một năm mới nhiều thành công và kiếm được nhiều cốc bia!
Đọc mà thấy ham quá.Trước giờ toàn dùng chuột net không à
Chuột ngon, ddang dùng đc khoảng nửa năm thì bị lỗi double click. Dự tính ngay mai đi làm về ra best buy đổi :3
Mình cũng gặp trường hợp bị double click , tham khảo 1 số bài viết thì có một số ý kiến nói rằng do chuột bị tĩnh điện gì gì đó , mình có làm thử theo hướng dẫn của 1 số bài để khắc phục bằng cách tháo module sạc của chuột , tắt chuột và click 2 chuột liên tục trong vòng 30s để hết tĩnh điện đi , nhưng giải pháp này không tối ưu , xài 1 thời gian nữa vẫn bị double click lại .
Quá chán nản mình bỏ luôn cái pad PowerPlay ra , không xài nữa , chỉ xài bề mặt bàn văn phòng thì không thấy hiện tượng double click xảy ra nữa !