Lâu nay, tôi đã tự hỏi mình rằng: “Thế nào là một bộ truyện, một bộ phim hoạt hình hay?”. Dựa vào những yếu tố nào mà mọi người có thể quyết định được cái nào hay, cái nào dở? Dựa vào cốt truyện? Tạo hình nhân vật? Hay xem hợp mắt với từng người? Tôi cũng không biết nữa vì chính tôi cũng đang tìm câu trả lời trong lúc ngồi viết bài này.
Quay ngược lại dòng thời gian một chút, vào những năm 2007, khi tôi chỉ mới 7 tuổi, lần đầu được tiếp xúc với truyện tranh chắc cũng chính là một trong những kí ức tươi đẹp nhất của tôi. Gọi là lần đầu tiên thì cũng không hẳn vì tôi cũng không chắc đó có phải là lần đầu mình được đọc truyện hay không. Hôm ấy vẫn như chiều mọi ngày, tôi đang nằm dài chờ mẹ đi làm về, nhưng lạ thay, khác với mọi ngày, mẹ tôi lại mang về rất nhiều truyện tranh, mà đặc biệt toàn là truyện mới được buộc ở trong một cái túi bóng màu xanh. Mẹ tôi cũng là một người rất thích đọc truyện (nhưng lại là truyện chữ), nên chắc hẳn lúc đó mẹ cũng muốn khơi dậy phần nào thói ham sách trong con người tôi từ lúc bé. Khỏi phải nói, tôi chỉ muốn được nhai ngấu nghiến từng hình ảnh, từng con chữ. Trên tay cầm quyển Thần Đồng Đất Việt, tôi đọc đến độ thâu đêm suốt sáng, khi ăn cơm trên tay vẫn cầm truyện mà vừa ăn vừa đọc. Nhưng với vốn từ bập bẹ của bọn trẻ con lớp 1, tôi chỉ hiểu được phần nào nội dung của bộ truyện.
Lớn hơn một chút, tủ sách nhà tôi lại đầy ắp thêm những quyển sách đầy tranh hơn. Nào là Đôrêmon, Ninja loạn thị, Bác sĩ quái dị Black Jack, Conan,… Tôi đọc rất nhiều từ hồi còn bé, đọc theo kiểu đúng như bọn trẻ con ngày nay mê mẩn cái điện thoại hay máy tính bảng như nào ấy. Mân mê, đọc đi đọc lại hàng trăm lần (không nói quá chút nào nếu nói về Đôrêmon). Rồi khi nhà tôi bắt đầu lắp cáp tivi, tôi lại được mở mang tầm mắt khi được xem các bộ phim hoạt hình hay anime của Disney mua bản quyền. Vậy, tại sao tôi lại ham mê chúng đến thế nhỉ? Tại vì chúng đưa tôi vào một thế giới kì ảo mà ngoài đời không đâu có chăng? Một phần cũng là vậy nhưng nghĩ lại thì đó cũng không phải là lý do chính. Vậy tại sao? Tại sao? Nghĩ mệt đầu quá… Thôi thì tôi sẽ đứng dậy pha một cốc cà phê hòa tan uống cho tỉnh táo đầu óc vậy. Hẹn gặp lại mọi người sau 3 phút nữa!
Cà phê đã pha xong, máy tính đã bật lên, cửa phòng đã khóa, tôi đeo tai nghe vào và thưởng thức những giai điệu nhẹ nhàng trên kênh stream nhạc Lofi ưa thích Chilled Cow. Nhắm mắt lại, đột nhiên tôi lại nhớ về một câu hỏi mà tôi hỏi mẹ lúc xưa. Tôi hỏi rằng tại sao bộ phim, bộ truyện này lại kết thúc như vậy? Tại sao nó không có tập mới? Tập cuối của Đôrêmon đâu???… Rồi đột nhiên tôi lại thấy bâng khuâng vì những câu hỏi đó. Mỗi khi xem xong hay đọc xong một bộ phim hoạt hình hay một bộ truyện, trong đầu một đứa sống nội tâm như tôi lại xuất hiện rất nhiều cảm xúc khác nhau. Đóng lại những trang cuối cùng của 45 tập truyện ngắn Đôrêmon, hay là Naruto,… đâu chính là điều mà tôi tìm kiếm trên những trang giấy đó? Cái cảm giác xuất hiện trong tôi lúc đó là sao? Lúc này, đột nhiên tôi mới nhận ra rằng, một bộ truyện, một bộ phim hoạt hình, ranh giới giữa sự hay, dở của chúng đều nằm ở kết thúc!
Theo như tôi tìm hiểu được thì “Khi bạn xem phim, các khung cảnh và nhân vật mang tính hiện thực rất cao khiến bộ não của chúng ta bối rối trong việc phân biệt giữa đời sống tưởng tượng trong phim và đời sống hiện thực. Đặc biệt, khi bộ phim rất hấp dẫn, bạn sẽ càng trở nên tập trung hơn và vì thế ranh giới mong manh giữa phim và đời thực tạm thời bị xóa nhòa.” – trích từ bản dịch của Xuân Dung trên trang dkn.tv.
Theo như bài dịch ở trên thì có vẻ như những cảm xúc khó xác định đó của tôi xuất hiện khi tôi có sự đồng cảm với những nhân vật trong truyện tranh hay trong phim hoạt hình. Dường như, khi đã gắn bó với những nhân vật kì ảo đó, dù chỉ là trong 1 tiếng 30 phút (thời lượng của một bộ phim hoạt hình cơ bản ngày xưa tôi xem trên Disney) hay một khoảng thời gian nhỏ trong một ngày bỏ ra để đọc truyện thì giữa tôi và các nhân vật dường như đã có một sự liên kết vô hình nào đó được tạo ra. Những cảm xúc, tâm tư tình cảm của họ dường như tôi cũng đã cảm nhận được một chút gì đó, dù nhiều hay ít, và kết thúc của nó chính là một chất xúc tác, kích thích khiến những cảm xúc đó đến độ cao trào.
Vậy suy cho cùng, kết thúc của một bộ truyện/bộ phim theo tôi mới chính là thứ giúp ta quyết định rằng nó hay, hay là dở. Tất nhiên cũng phải nhờ một phần nào đó của cốt truyện chính hay các tuyến nhân vật mà tác giả, đạo diễn đã xây dựng chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào cái kết bởi ngày này có quá nhiều truyện tranh/phim hoạt hình xuất hiện trên thị trường mà nội dung của nó đã thực sự tệ hại thì làm sao đủ sức níu khiến độc/khán giả theo dõi đến hết được. Nhưng dù một bộ truyện hay phim có làm tốt ở khâu nhân vật và cốt truyện thế nào đi chăng nữa mà kết thúc của nó lại như đuôi chuột thì dường như mọi cảm xúc trong tôi đối với chúng bỗng nhiên cảm giác như bị vùi dập thê thảm và biến mất hẳn. Như bộ truyện The Promised Neverland đang rất hot hiện nay chẳng hạn.
Cách để xây dựng một kết thúc hay có vẻ như là một việc rất khó khăn cho người sáng tác vì họ phải cố gắng vừa làm sao cho kết thúc nó không quá dở, vừa làm sao cho chiều lòng được người xem, người đọc khi chúng khép lại. Nào, giờ hãy cùng liệt qua một vài cái kết mà tôi thấy cực kì, cực kì ấn tượng và thảo mãn nhất khi xem/đọc một bộ truyện hay phim hoạt hình.
Kết thúc viên mãn:
Ừ thì đây chắc hẳn là một dạng kết thúc cơ bản nhất mà người sáng tác có thể sử dụng để giảm rủi ro và làm hài lòng đa số người xem.
Naruto
Sau khi đánh bại được mẹ thỏ ngọc Kaguya, các nhân vật phản diện chính ngộ ra chân lý và an tâm ra đi thanh thản, tiếp đến là một màn đập nhau thừa sống thiếu chết của hai anh bạn chí cốt mà độc giả đã đoán ngay từ đầu. Cả Nả và Sặc đều mất đi một cánh tay nhưng cuối cùng cả hai đều mỉm cười hạnh phúc với nhau. Naruto thì lên làm Hokage (thực ra thì lúc này chưa làm), Sasuke được xóa bỏ mọi lỗi lầm rồi đi phiêu bạt khắp nơi cùng với lời hứa trở về bên con mắm tóc hồng. Một kết thúc đơn giản và thỏa đáng khi tác giả đã xây dựng một kết cấu truyện tốt rồi thì tôi cũng không đòi hỏi nhiều gì hơn. Đây là một bộ truyện hay, đối với cá nhân tôi là thế, kệ cho những ai nói rằng Naruto sau arc Pain phá làng là chất lượng truyện đi xuống, cá nhân tôi vẫn dành tình yêu của mình về anh chàng Ninja tóc vàng năm ấy.
Tokyo Ghoul, Dragon Ball, Bleach,…
Có rất nhiều những kết thúc như vậy. Nhưng có vẻ như Dragon Ball hay Naruto vẫn chưa kết thúc vì chúng vẫn đang tiếp tục những phần tiếp theo. Mặc nhiên, tôi lại cảm thấy trống rỗng một cách vô hồn khi đọc/xem những phần sau đó vì tôi cảm thấy chúng đang bị vắt sữa một cách hơi quá đáng khi mà phần truyện đầu của nó đều đã làm quá tốt, những gì tác giả muốn truyền đạt đều đã hoàn thiện rồi. Cuộc hành trình của những nhân vật đó đã khép lại với tôi thật sự rồi, đã quá viên mãn rồi, tôi thích để ngọn lửa tình yêu với chúng cứ cháy âm ỉ trong con người tôi hơn. Để sau này, mỗi khi có ai đó, bạn bè hay con cái tương lai của tôi hỏi lại tôi về những bộ manga huyền thoại đó, tôi sẽ rất vui lòng mà kể một cách hoan hỉ cho họ nghe về chúng, chứ không phải những câu hỏi như tập mới Boruto, Dragonball Super như thế nào?
Kết thúc buồn:
Death Note
Khi mới đầu đọc truyện, tôi cũng vô cùng bất ngờ khi nhân vật chính lại là một tên giết người hàng loạt hung ác, dường như ai cũng biết trước được rằng tác giả sẽ cho Light thua cuộc trong cuộc đấu trí với thám tử L. Nhưng không, điều làm nên cái hay của bộ truyện này ở chỗ ta sẽ không biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong truyện, đến cả chính Takeshi Obata, họa sĩ đảm nhiệm việc vẽ lại truyện Death Note từ nguyên bản gốc của tác giả Ohba khi trả lời phỏng vấn rằng đến chính ông cũng không biết rằng Ohba lại cho L (nhân vật tôi thích nhất truyện) chết giữa chừng. Near với Mello như những đứa con của L, góp phần đẩy mạch truyện lên cao trào khi chúng tiếp tục theo vụ án Kira đến cùng, thừa kế những di sản của vị thám tử giỏi nhất thế giới đó.
Kết thúc của truyện thực sự, tôi không có lời nào để diễn tả được hết độ hay với bi kịch của cái kết này. L chết, Mello chết, tên sát nhân giết người hung bạo nhất trong lịch sử cũng chết. Cuối cùng, Near – người thừa kế thực sự của L đã chiến thắng. Ôi, tôi vẫn rùng mình khi nghĩ lại về cái kết đó. Vừa thỏa lòng cho cả hai bên fan của Light hay L, vừa lột tả được cái ranh giới giữa thiện và ác trong thế giới này. Từng nét mặt, từng cử chỉ, từng cảm xúc của Light hay Near, tổ điều tra Nhật Bản đã được họa sĩ Takeshi Obata miêu tả một cách chân thật và không thể nào hoàn hảo hơn. Cái kết khiến tôi ám ảnh đến độ hơn 2 tuần sau vẫn mở truyện ra đọc đi đọc lại nó. Light đã chết thảm như thế nào, L, Mello đã hy sinh để đạt được những gì, thế nào là công lý, thiện ác? Đây chắc hẳn chính là bộ manga hay nhất mà tôi từng đọc trong 15 năm tiếp xúc với truyện tranh. Để có thể nói về Death Note thì chắc tôi ngồi nguyên một ngày cũng không nói hết sự yêu thích của tôi cho bộ truyện đó mất.
Kết thúc mở:
Spirited Away:
Đây là một bộ phim có ý nghĩa khá đặc biệt đối với tôi nên xin phép được viết tản mạn một tí =))
Giờ thì chuyển sang phim hoạt hình thôi nhỉ.
Lần đầu tôi xem Spirited Away, hay còn gọi là vùng đất linh hồn, nếu tôi nhớ không nhầm thì là vào năm tôi học lớp 4 hay lớp 5 gì đó. Lúc ấy tôi còn vô cùng hồn nhiên và trong sáng, không như bọn trẻ con thời đại ngày nay, bé tí đã đòi quan hệ với mẫu thân người khác. Tôi nhìn thế giới lúc đó khác lắm, đặc biệt là khi xem vùng đất linh hồn. Thật là một trải nghiệm, một thế giới mới lạ, khác xa với tất cả những bộ truyện/phim hoạt hình mà tôi đã từng xem trước đây. Nói thật là lúc ấy tôi bị choáng ngợp quá khi tiếp xúc với một loạt những hình ảnh, lượng thông tin khổng lồ đối với một đứa trẻ nên tôi cũng không cảm thấy nó được hay lắm. Chỉ biết rằng đó là một trải nghiệm vô cùng mới lạ đối với tôi và tôi đã vô cùng rùng mình khi chứng kiến cảnh bố mẹ Chihiro biến thành heo, hay cảnh vô diện nuốt chửng mọi thứ xung quanh nó.
Mới đây, sau khi đột nhiên thấy được một người lạ nào đó stream lậu phim Vùng Đất Linh Hồn trên Group Facebook Voz – Việt Nam đầu hàng công nghệ diễn đàn, những cảm xúc khi xưa đột ngột trở lại bên trong tôi. Vẫn còn đó sự choáng ngợp năm xưa, nhưng giờ đây còn là cả một sự phấn khích tột độ.
Tôi đã đọc biết bao nhiêu những bài review về phim, và hầu như bài nào cũng nói một phần về sự đa ý nghĩa, những hình ảnh ẩn dụ của phim. Nhưng dường như có lý do nào đấy khiến cho tôi không muốn nhìn nhận bộ phim theo một chiều hướng phân tích quá chuyên sâu, đào bới về nó. Dưới góc nhìn của tôi, cốt truyện lại vô cùng đơn giản. Cô bé Chihiro bỗng nhiên bị kẹt lại thế giới linh hồn, nhờ có sự giúp đỡ của rồng thần Haku, ông nhện Kamajii, Lin,… Chihiro đã trải qua biết bao nhiêu nguy hiểm, nhớ lại mối liên kết đặc biệt giữa mình với thần sông Kohaku năm xưa, giải thoát cho bố mẹ của mình và trở về được nhân giới.
Giờ nghĩ lại mới hiểu được rằng tại sao mà Spirited Away lại thắng giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất năm 2003 và tại sao tôi lại thấy vô cùng choáng ngợp trước những hình ảnh của phim hồi còn bé. Khối lượng nhân vật không quá đồ sộ nhưng ấn tượng mà họ tạo ra thì quả thực là quá lớn, dù chỉ là một vị thần nào đó xuất hiện trong khung hình một vài giây thôi. Những gam màu đậm đà, không khí nhộn nhịp của nhà tắm xa hoa,… Tôi thật không muốn rời mắt khỏi màn hình máy tính một giây nào để có thể thưởng thức trọn vẹn một cách đầy đủ cái đẹp của phim. Và quan trọng hết nhất chính là độ ngầu với đẹp trai của anh chàng rồng thần Kohaku, nếu tôi không phải là con trai thì chắc hẳn tôi đã “đổ” một nhân vật không hề có thật này rồi.
Khi xem đến đoạn kết của phim, giờ đây tôi có thể khẳng định luôn rằng: “Spirited Away” là bộ phim hoạt hình mà tôi muốn được xem lúc sắp chết. Chihiro rồi cũng sẽ phải rời khỏi vùng đất linh hồn, cô bé từ từ buông tay Kohaku ra với một lời hứa rằng cả hai sẽ gặp lại nhau ở nhân giới. Lòng tôi đến muốn trĩu nặng khi phải chứng kiến khung cảnh từ biệt của hai người đó. Cảm xúc đầu đời mà người ta gọi là “yêu” đều chớm nở ở cả đôi bên. Khi Chihiro định quay đầu lại để nhìn Haku một lần cuối, chắc hẳn đây cũng chính mong muốn của bao người xem lẫn cả Chihiro lúc ấy, nhưng không! Cô bé lại nhớ tới lời dặn của Haku rằng tuyệt đối không được nhìn lại. Hạ quyết tâm, cô cùng bố mẹ của mình bước ra khỏi ranh giới giữa thế giới linh hồn và vùng đất của con người.
Đến đây, rất nhiều những câu hỏi được đặt ra trong đầu người người xem. Liệu Chihiro và Haku có thể gặp lại nhau không trong khi vốn dĩ đôi bên lại thuộc về hai thế giới khác biệt nhau. Một bên là người, một bên là thần… Tại sao Haku lại bảo Chihiro không được quay đầu nhìn lại trong khi bố mẹ Chihiro hoàn toàn có thể nhìn lại vùng đất linh hồn một cách bình thường? Tại vì Haku không muốn Chihiro, không muốn cô bé nhìn thấy cảnh anh khóc vì biết rằng mình và cô bé sẽ chẳng bao giờ có thể gặp lại nhau chăng?… Chúng ta đều không ai biết được điều đó, vậy nên chúng ta sẽ phải tự vẽ ra đoạn kết còn đang dở dang mà chúng ta mong muốn. Đó chính là điểm tuyệt vời nhất của bộ phim, một câu chuyện về tình yêu, lòng can đảm đẹp đẽ, lung linh và huyền ảo hơn bất cứ câu chuyện nào mà tôi từng biết.
Monster
Nghe qua cái tên thôi thì người đọc sẽ tưởng rằng đây là một bộ truyện về hành trình đi tìm diệt quái vật của một vị anh hùng cứu thế nào đó nhưng lại không phải vậy. Monster nói về một vị bác sĩ phẫu thuật thiên tài tên là Tenma đã vô tình cứu sống một bé trai tên Johan – kẻ sát nhân giết người hàng loạt – một con quái vật thực sự bị mọi người kinh hãi. Để rồi Tenma phải lên đường đi giải quyết, chấm dứt sinh mạng mà mình đã ban tặng năm xưa cho con quái vật đó.
Sinh mạng của con người là bình đẳng, lý tưởng sống được ngộ ra của bác sĩ Tenma từ khi cứu Johan lúc đầu truyện, giờ đây lại bị đáp trả phũ phàng lại bởi chính Johan ở cuối truyện: “Con người chỉ bình đẳng thật sự khi chết đi”. Johan bị bắn vào đầu như năm xưa rồi chính bác sĩ Tenma lại phải một lần nữa phẫu thuật cứu sống con quái vật. Nằm trên giường bệnh Johan kể lại cho bác sĩ Tenma những ký ức khi xưa mà cậu thấy và hỏi lại rằng: “Rốt cuộc ai mới là người bị bỏ rơi thực sự? Là tôi hay là em gái tôi?”. Bác sĩ Tenma kinh hoàng tột độ, bừng tỉnh và nhận ra rằng cuộc đối thoại với Johan chỉ do anh tự tưởng tượng ra, Johan thật sự vẫn còn đang hôn mê bất tỉnh kể từ lúc bị bắn lần thứ hai. Anh gửi lời chào tạm biệt với Johan và rời đi, để lại sau đó là một giường bệnh trống rỗng, Johan đã biến mất từ bao giờ… Một cái kết ám ảnh tột độ không khác bộ Death Note mà tôi nói ở trên. Liệu ai mới là con quái vật thực sự trong thế giới này?
Johan chỉ là một sản phẩm được tạo ra từ những con quái vật đó, thực chất cậu ta còn chính là người bị hại. Quái vật ở đây có phải là chính con người không? Johan sau khi biết được tên thật của mình từ bác sĩ Tenma thì đã cải tà quy chính, biến mất khỏi xã hội loài người hay tay lại tiếp tục nhuốm máu. Hay thậm chí rằng Johan thực sự đã chết trong cuộc phẫu thuật lần hai đó, Johan trong đầu bác sĩ Tenma chẳng qua chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng được tạo ra bởi mặc cảm tội lỗi của ông khi đã quyết định không tha thứ cho anh trong cuộc phẫu thuật đó. Điểm hay của Monster cũng chính là việc tạo dựng được một cái kết đúng chất gọi là “kết thúc mở” đó.
Không có kết thúc:
Đôrêmon
Ai đã từng biết đến truyện tranh mà chưa từng đọc qua Đôrêmon? Nhà nhà biết Đôrêmon, người người biết Đôrêmon, câu chuyện về một chú mèo máy đến từ tương lai có đủ mọi phép lạ trong chiếc túi thần kì không đáy luôn giúp đỡ cậu bạn vô dụng Nobita bất cứ khi nào cậu gặp khó khăn, trắc trở.
Đôrêmon đối với tôi là một cái gì đó thần thánh lắm. Không chỉ là kí ức tuổi thơ, bộ truyện đã nuôi dưỡng, hình thành nên một phần nào đó tính cách, tâm hồn con người tôi, dạy cho tôi về những bài học đầu đời về cuộc sống. Bộ truyện tưởng chừng như chỉ dành cho trẻ con nhưng lạ kỳ thay, cho dù đã bắt đầu bước sang độ tuổi nhìn thế giới bằng một màu đen rồi mà tôi vẫn cực kì cảm thấy thích thú khi nhìn lại vào mỗi trang truyện để tìm về tuổi thơ. Ở mỗi độ tuổi, chúng ta đều sẽ nhìn nhận một thứ gì đó theo góc độ khác nhau. Đôrêmon cũng vậy, nếu hồi bé tôi đọc Đôrêmon chỉ nhằm mục đích giải trí thì giờ đây, tôi đọc là để ngẫm. Chẳng phải tất cả những món bảo bối nằm trong chiếc túi đó đều là những ước muốn không tưởng của loài người ư? Rồi cả thể chế độc tài trong chương Nobita xây dựng vương quốc của riêng mình. Sự phụ thuộc quá nhiều của con người vào máy móc, công nghệ dẫn đến việc thế giới tương lai gần như không còn một cái cây xanh nào nữa. Tội phạm thời gian,…
Tất cả lòng tham của con người chính là hình tượng những món bảo bối nằm trong chiếc túi không đáy rộng vô tận. Những hình ảnh ẩn dụ tượng trưng đầy nghệ thuật đều được tác giả khéo léo ngấm ngầm đặt vào từng chương truyện. Một bộ truyện đầy ắp những vấn đề phức tạp của cuộc sống nhưng ngay cả trẻ con đọc cũng hiểu được. Bay bổng, hồn nhiên, vui tươi, trong sáng nhưng cũng vô cùng đáng suy ngẫm.
Đôrêmon không hề có kết thúc, bộ truyện vẫn đang bỏ ngỏ với 45 tập truyện ngắn, 24 tập truyện dài, bởi tác giả Fujiko F. Fujio đã giã từ cõi đời này vào năm 1996. Chính vì Đôrêmon không hề có kết thúc nên nó mới để lại trong lòng độc giả một cảm giác khó tả khi đọc xong bộ truyện. Bịn rịn, tiếc nuối, khao khát được đọc thêm nữa,… Tôi nói có lầm chỗ nào không? Đôrêmon không có kết thúc không có nghĩa rằng đây là một bộ truyện dang dở bởi cuộc sống của những nhân vật trong truyện vẫn đang tiếp diễn, những chuyến phiêu lưu mới vẫn sẽ còn được mở ra. Tuy vậy, chú mèo máy đến từ tương lai đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình, tạo dựng được những tuổi thơ ngập tràn tiếng cười, những tuổi thơ cháy bỏng đến bất diệt. Đôrêmon sẽ không bao giờ bị lãng quên bởi cậu ta luôn tồn tại trong kí ức, tâm hồn trẻ thơ trong mỗi chúng ta.
Kết thúc của chính bài viết này
Chà, giờ nói sao ta? Thực ra đến đây bài viết này đã kết thúc rồi nhưng tôi vẫn muốn viết một đoạn kết thật hay, đúng như tiêu chí của bài viết rằng kết thúc phải thật hay mới tạo được ấn tượng mạnh cho người đọc. Tự nhiên giờ lại không nghĩ ra chữ nào để có thể hoàn thành bài viết này một cách hoành tráng nhất nữa. Chắc các tác giả truyện tranh hay đạo diễn cũng có tâm trạng này giống tôi khi viết về kết thúc cho tác phẩm của họ. Tôi chỉ có thể nói rằng bài viết này viết theo cảm nghĩ chủ quan của chính tôi, nó không phải là một bài phân tích, đánh giá chuyên sâu gì cả nên cũng sẽ không tránh khỏi sai sót hay bất đồng quan điểm.
Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được chia sẻ với mọi người về niềm đam mê đọc truyện nho nhỏ này của tôi. Cuối cùng, xin gửi lời chào quyết thắng tới tất cả những ai đang đọc bài viết này. Nếu mọi người có cùng đam mê này giống tôi thì ngại gì mà không viết bài cảm nhận gửi lên chính trang HSBT này (không phải tôi pr hay gì đâu), chắc chắn tôi sẽ đón đọc chúng, hứa luôn đấy!
~ “Anh hứa!” ~ trích câu nói của Haku trong đoạn kết của Spirited Away =)).
tuyệt vời, mặc dù cơ bản là chưa thỏa câu hỏi đề ra lắm nhưng mà tuyệt vời :3