Quay trở lại với job chính của tôi, hôm nay tôi tiếp tục mang đến cho các bạn một con hàng cực độc từ kỉ nguyên của chiếc máy Sega Saturn.
Deep Fear
- Ngày phát hành: 30/06/1998 (điều này khiến cho game phải chịu một sức ép khá là lớn khi mà Resident Evil 2 đang thống trị cả dòng Survivor Horror trong nguyên cả năm 1998)
- Hãng phát hành: SEGA
- Hãng phát triển: SEGA AM7, System Sacom cùng SIMS và ISCO
- Hệ máy: Sega Saturn (từng có tin đồn về việc thực hiện bản port cho Sega Dreamcast song chúng ta vẫn chưa bao giờ được thấy)
Deep Fear không phải là một trong những tựa Survivor Horror xuất sắc nhất nhưng nó xứng đáng là một phần của quá khứ huy hoàng. Đây cũng hiếm hoi là một trong những tựa game cuối cùng phát triển cho hệ máy Sega Saturn trước khi nó bị khai tử và Dreamcast lên ngôi. Sega cũng muốn được lấn sân sang thể loại Survival Horror sau thành công của Resident Evil từ năm 1996 và thế là dự án phát triển Deep Fear đã nhanh chóng được khởi động. Và Rieko Kodama khét tiếng (Phoenix Rie là nghệ danh của cô) – một trong những hình ảnh “nữ tiên phong” của những nhà phát triển game, cô gái vàng của làng JRPG – SEGA một thời. Cô là một trong những nhà sản xuất chính của game (cho những ai chưa biết đến cô, cô là một trong những họa sĩ thiết kế đại tài nhất của SEGA, phần lớn các thiết kế chính trong những huyền thoại như Phantasy Star, Altered Beast, Sonic The Hedgehog, Magic Knight Rayearth, Mystic Defender… đều có sự đóng góp của cô. Ngoài ra cô tham gia sản xuất cả những huyền thoại đình đám khác như Skies Of Arcadia hay 7th Dragon).
Cái ý tưởng chính của game đó là nếu như chúng ta đã quen sống sót trong một thành phố đầy dịch bệnh, một thị trấn ma quái hay kể cả là một pháo đài bay khổng lồ, một trạm vũ trụ hay căn cứ Bắc Cực thì lần này, chúng ta mang theo cái tâm lý nơm nớp đó xuống với lòng đại dương (relax, it’s not Bioshock). Chỉ đạo sản xuất bởi Hiroyuki Maruhama (người mà chúng ta thường xuyên phán xét sau cú fail đầy nghiệt ngã của Dino Crisis 3) và họa sĩ thiết kế chính là Yasushi Nirasawa (cái tên không quá xa lạ cho những ai mê Kamen Rider series).
Gameplay
Trò chơi đưa người chơi theo chân anh chàng John Mayor – một cựu đặc nhiệm NAVY SEALS nay đã tham gia vào tổ chức E.R.S (Emergency Rescue Service) xuống dưới một cơ sở của quân đội ở sâu thẳm dưới đại dương. Nơi mà anh làm nhiệm vụ thường ngày như là một cứu hộ viên bình thường cho đến khi một “sự cố” nào đó xảy ra, con người đang từ bình thường bỗng trở nên trải qua những cơn đột biến mạnh và biến họ thành những sinh vật dạng thể sống thích nghi và bắt đầu tấn công những người khác. John lại bị kẹt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và buộc phải cùng những lực lượng còn lại tại đây tham gia chống trả quái vật và cố vén màn những bí ẩn bất bình thường trên. Vì là không gian của những cơ sở ngầm, cộng thêm hệ thống phức tạp của chúng trong điều kiện đại dương nên Oxi trở thành một tài nguyên khá là thiết yếu. Mỗi khi bước vào một căn phòng thì điều đầu tiên bạn luôn phải kiểm tra đó là hệ thống Oxi, nếu như Oxi đang ở mức quá thấp và sắp cạn thì bạn sẽ phải ngay lập tức tìm kiếm các bộ “điều khí” để cân bằng lại áp suất và đưa mức Oxi trở về giới hạn an toàn. Nếu như Oxi cạn kiệt mà bạn không còn cách nào khác hoặc không có máy thở thì bạn có thể sử dụng những quả lựu đạn Oxi (cho phép tạo ra một lượng Oxi trung bình đủ để sử dụng cho một môi trường nhất định).
Movement vẫn còn cơ chế tank control truyền thống nhưng có bổ sung tính năng di chuyển tự do (cần analog) cho phép bạn thoải mái hơn nếu như không quen với kiểu di chuyển xoay hướng. Ngoài ra game cho phép tính năng vừa di chuyển vừa chiến đấu thay vì giống với các game survivor horror thời đó là ngắm bắn khiến bạn phải cố định, hệ thống vũ khí chưa hẳn là đa dạng nhưng bù lại, game có hệ thống consumables và grenade khá độc, bạn thậm chí có thể sử dụng chúng nhanh chóng theo thời gian thực (vì tay cầm của Sega Saturn là 6 nút nên họ thiết kế cả chức năng set key tắt cho item và quick use luôn). Nhược điểm mà tôi sớm thấy ở gameplay đó là yếu tố sinh tồn dường như không được đảm bảo mạnh mẽ và dường như game đi theo một phong cách hành động phần nhiều hơn. Một tiêu chuẩn của thể loại survivor horror nói chung luôn là yếu tố đạn dược, items được đặt ở trạng thái khan hiếm khiến cho bạn luôn phải cân nhắc đắn đo nhiều thì với Deep Fear, bạn có hẳn những storage nơi cho phép bạn restock lại đầy đủ đạn dược vũ khí nhanh chóng, hay các phòng có chứa các bộ med cho phép bạn lấy tùy ý đến mức tối đa các bình xịt chữa thương. Thành ra là bạn không phải cảm thấy quá khó khăn hay áp lực gì trong game kể cả là khi đấu trùm hay vào những pha combat nguy hiểm. Với những mechanic hay kể cả combat, game đáng lý ra đã có thể trở nên khó nhằn hơn nếu như họ cân nhắc lại yếu tố sinh tồn và hệ thống item, restock trong game (có vẻ như Cold Fear về sau cũng vay mượn một vài hệ thống từ Deep Fear nhưng cái sáng suốt là họ đã cân bằng lại chúng trong gameplay và tránh những cái hạt sạn mà Deep Fear đã mắc phải).
Ngoài ra tương đương với các dòng survivor horror đương thời, game cung cấp cả những hệ thống giải đố và mechanic riêng, đôi khi tạo sức ép lên người chơi về cả vấn đề Oxi cũng như thời gian, góc camera đôi khi còn vướng víu và cản trở, vì bạn sẽ phiêu lưu xuyên suốt các ngõ ngách và hành lang, những ngã rẽ mà với cấu hình của máy Saturn khi đó thì việc chuyển góc camera cũng có thể bị chậm một chút.
Đồ họa
Vì làm cho máy Sega Saturn nên cũng không có đòi hỏi gì nhiều. Một điểm nhấn chính đó là so với các game survivor horror cùng thời thì game sử dụng nhiều cut scene và cinematics hơn thay vì chỉ dựng cảnh hội thoại là chính (và chất lượng cut scene thì vẫn khá tốt, cảm tưởng như kiểu họ dành nhiều thời gian để thiết kế phần này hơn là so với đồ họa tổng quan trong gameplay). Dĩ nhiên thì có một số người đánh giá là lẽ ra họ nên làm game cho PS hay Nintendo 64 bởi dù cấu hình của Sega Saturn có mạnh hơn so với hai hệ kia thế nhưng engine đồ họa của Sega lúc đó thì vẫn chưa tiến bộ hẳn. Như bạn thấy thì model polygon của Deep Fear so với các game cùng thời thì chất lượng có vẻ vẫn chỉ ngang bằng chứ chưa hơn được là bao (có lẽ họ đã nên thật sự cân nhắc việc làm game cho Dreamcast vì đằng nào SEGA cũng khai tử máy Saturn cực sớm vào thời điểm đó).
Âm thanh
Được soạn nhạc bởi Kenji Kawai, chắc các bạn sẽ quen hơn với ông qua loạt anime kiêm trò chơi điện tử Higurashi khét tiếng. Chất nhạc OST đậm đà và đầy hoang mang, một thần thái không bao giờ có thể thiếu trong game kinh dị. Giá như họ chịu thiết kế game tốt hơn và loại bỏ bớt các yếu tố hành động quá đà thì đi kèm với những bản sountrack tuyệt vời như thế này sẽ còn tốt hơn. Chưa kể đến phần voice acting của game là cực kì xuất sắc, thay cho cái chất lượng voice tầm trung thời đó. Một vài gương mặt mà bạn sớm nhận ra ví dụ như anh chàng Monty DiPietro kinh điển (Gado The Lion từ Bloody Roar), Wayne Doster (Zero trong MegaMan X4), Shingo Hiromori (Mobile Suit Gundam series)…
Và đây, tôi sẽ lại để nó ở đây:
Đánh giá chung
Vì sau khi end xong game tôi vẫn có cảm giác hụt hẫng một chút, không spoil cốt truyện đâu nhé vì khi đi theo cái mạch game thì dường như thời lượng gameplay là vừa đủ còn những đoạn cut-scene, cinematics ấn tượng nếu như bạn chịu khó đừng skip chúng. Vì là game cổ nên có vẻ như họ không làm phần subtitles, nghĩa là với mỗi một đoạn hội thoại in game hay cut scene thì bạn sẽ đều phải vểnh tai lên nghe. Cốt truyện của game mạch lạc, tuy không quá rối não nhưng cũng không phải là đơn giản bởi như tôi đã nói rồi đấy, không có subtitles và bạn sẽ phải tự dựa vào vốn ngoại ngữ của bản thân. Ngoài ra hệ thống files và documents trong game cũng sẽ rải rác khá rộng, cho phép bạn khám phá cả lore chung lẫn một vài thông tin bên lề. Nếu bạn vẫn ưa thích những tựa game thuộc dòng survivor horror kinh điển thì chắc chắn Deep Fear là sự lựa chọn dành cho bạn.