Lưu ý: Spoiler nhẹ
Nếu bạn chưa chơi tựa game này và có ý định chơi, có thể không nên đọc, nhưng nếu bạn không có ý định chơi, bạn có thể đọc thử, tất nhiên tôi vẫn chưa spoil hết các tình tiết của game.
What Remains of Edith Finch – tựa game đạt giải Best Narrative năm nay, thú thật là tôi chưa nghe đến bao giờ. Nhưng để xem rốt cuộc nó hay đến đâu mà lại đạt giải, tôi đã tải về và chơi hết (khá ngắn, chỉ mất khoảng 3-4 tiếng là có thể hoàn thành game). Và cảm nhận của tôi sau khi chơi xong là, tựa game này khá là… kỳ lạ.
Vì sao kỳ lạ? Đầu tiên bàn đến gameplay, từ đầu đến cuối, chúng ta điều khiển các nhân vật trong câu chuyện của riêng họ, đọc những dòng text trên màn hình kết hợp với hành động của các nhân vật, với tôi khá là lạ vì tôi không chơi nhiều game dạng thế này.
Thứ hai, đồ họa và âm nhạc, ấn tượng đầu tiên là nó khá là “cổ tích”, nhưng bối cảnh ở mỗi câu chuyện của mỗi nhân vật lại mang đến những cảm giác khác nhau, vui tươi có, tăm tối có, hỗn loạn có, mệt mỏi có, và kinh dị một chút cũng có luôn. Studio đã khá tài tình khi thể hiện tông màu của từng câu chuyện với đồ họa khá đặc biệt của họ. Âm nhạc nói chung khá dễ nghe, êm dịu, không quá nặng cũng không quá bay bổng.
Cuối cùng, thứ quan trọng nhất – cốt truyện. Chúng ta vào vai Edith Finch, người cuối cùng của dòng họ Finch còn sống. Sau cái chết của mẹ cô – Dawn Finch. Cô trở về căn nhà cũ của dòng họ Finch theo lời mẹ cô, để tìm hiểu về cái gọi là “lời nguyền của căn nhà”. Bởi vì suốt các thế hệ của nhà Finch từ thời cụ tổ Odin Finch, có rất nhiều các thành viên của nhà Finch chết một cách bất đắc kỳ tử, và tất cả “dường như” đều là do tai nạn. Tai nạn? Sự trùng hợp đến kỳ dị? Xui xẻo? Hay là do “lời nguyền của căn nhà”? Dù đó là gì thì cũng đã có rất nhiều người nhà Finch chết, già có, trẻ có, thậm chí một đứa bé 1 tuổi cũng chết vì “tai nạn”. Theo chân Edith Finch, chúng ta lần lượt khám phá căn nhà của dòng họ Finch, chúng ta tìm những kỷ vật ghi chép lại những gì đã xảy ra với các thành viên ấy, cốt là để tìm ra sự thật về “lời nguyền”. Từ người xa xưa nhất là cụ tổ Odin Finch đến những người anh trai của Edith là Lewis – chết và Milton – mất tích, Edith biết được sự thật về cái chết của họ hàng cô – điều mà mẹ cô không hề (hay không muốn?) nhắc đến.
Và đến cuối cùng, câu chuyện cuối cùng – là của chính Edith. Chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng từ đầu đến cuối, chúng ta đang đọc câu chuyện của Edith, những lời cuối cùng của Edith (là chết hay mất tích giống anh trai Milton? Nếu là chết thì do nguyên nhân gì đây?). Kết game là một mớ các bí ẩn vẫn chưa được giải đáp trọn vẹn: Edith đã chết, nếu vậy, tại sao cô còn để lại được nhật ký của mình? Nếu là mất tích, thì tại sao? Liệu “lời nguyền của căn nhà” là có thật hay không? Cuối cùng: Nhân vật chính là ai đây? Đoạn kết game là cảnh một cậu bé cầm quyển nhật ký của Edith đứng trước bia mộ (hay bia tưởng niệm) của cô, cậu bé đó là ai? Thật sự tôi không thể trả lời.
Cách xây dựng và khai thác câu chuyện của game thật sự rất ấn tượng, nó rất cuốn hút, và rất… kỳ lạ. Thật sự tôi không biết diễn tả cảm giác của mình như thế nào nữa, có lẽ “tò mò” là từ đúng nhất. Kết game mở, khiến người chơi tò mò, chúng ta muốn biết thêm, muốn sự thật được giải đáp, những hỡi ôi, mọi thứ chỉ như màn sương mờ ảo, càng đi càng thấy lạc lối, có lẽ đó cũng là chủ ý của studio chăng?
Đánh giá cuối cùng: 8/10. Có lẽ tôi đã phần nào hiểu được lý do tại sao tựa game này lại đoạt giải Best Narrative.