Anh em mê game bóng đá chắc hẳn đều đã thử qua PES 6 với bản Patch đội tuyển Việt Nam nhỉ. Cảm giác phấn khích tuyệt vời khi chơi PES 6 không khó hiểu vì PES 6 được xem là phiên bản xuất sắc nhất của series PES, cực kì xuất sắc, xuất sắc tới mức dù đã cực kì lỗi thời thì vẫn có một cộng đồng ở Việt Nam tiếp tục đá online trên đấy. Trong các phiên bản PES sau, chỉ có PES 13 là xuất sắc ngang bằng và PES 17 có thể xem như gần chạm tới đẳng cấp của PES 6. Konami đương nhiên biết điều đấy nên để nối tiếp sau hai phiên bản PES 18 và 19 không mấy nổi bật (thực ra bản 19 tương đối ổn, tuy nhiên vẫn không quá đột phá), họ đã cho ra mắt phiên bản PES 20 với nhiều thay đổi để giúp tựa game này cạnh tranh tốt hơn với đối thủ FIFA.
Trước hết…
PES, dù đã không còn nổi tiếng ở nước ta như xưa khi mà nhiều bạn trẻ 10x thậm chí còn chẳng biết đến, tuy nhiên vẫn có cộng đồng khá đông người quan tâm đến và đương nhiên là sẽ có nhiều bài đánh giá. Tuy nhiên các bài đánh giá đấy được viết khi game còn Demo, hay thậm chí nhiều trang chơi trò ‘Cầm đèn chạy trước ô tô’, viết một bài ‘đánh giá’ game trước khi ra mắt luôn. Vì thế nên mình mới viết một bài đánh giá riêng, sau khi cày bừa Master League trong hai tháng dịch bệnh này, nên đã thấm thía được gần đủ thứ PES 2020 mang lại cho người chơi.
Trước hết mình có một số lưu ý sau:
- Bài viết mang nặng tính chủ quan, có thể một số điều làm các tay to trong làng PES cảm thấy đau mắt khi đọc, vui lòng thông cảm.
- Bài viết không bàn nhiều về các yếu tố như bản quyền, face cầu thủ, cắt cảnh (cutscene) hay các yếu tố thay đổi được, tuy nhiên vẫn sẽ lướt qua.
- Bài viết này tập trung đánh giá đồ họa và gameplay (gameplay là bao gồm cả hệ thống của game như chế độ Master League, Become A Legend,… chứ không chỉ là gameplay trong trận đấu).
- Mình không đánh giá phần chơi online (myClub) vì năm nay, tuy có các Event mới như Matchday nhưng nhìn chung vẫn chưa hấp dẫn, đã chơi qua nhưng nói chung là không hay, nên mình không đi sâu vào nó.
Bắt đầu từ cái tên
Bản PES năm nay có một cái tên rõ dài: eFootball PES 2020. Nhiều người có thể thấy thích kiểu đặt tên này, vừa giữ được chữ ‘PES’ vừa có thêm ‘eFootball’ mang hơi hướng ESport, nghe tương đối là ngầu. Nhưng nhìn kĩ lại xem, nếu viết cụ thể ra thì tên đầy đủ của game sẽ là: eFootball Pro Evolution Soccer 2020. Vừa có ‘Football’ lại vừa có ‘Soccer’, không hiểu Konami nghĩ kiểu gì để ‘đẻ’ ra cái tên như thế. Thực ra cụm từ ‘eFootball’ đã tồn tại từ trước khi các giải ESport của PES trước đó có tên là ‘eFootball.Pro’, trong PES 19 còn có cả sân bóng ‘eFootball.Pro Arena’. Biết là Konami đặt tên thế để phát triển hơn mảng Esport của game (nhằm hái ra nhiều tiền hơn), tuy nhiên nhét cả cụm vào tên game thì theo mình nghĩ, không hay chút nào!
Các yếu tố bên lề
Như mình đã viết bên trên, mình sẽ lướt qua về các yếu tố bên lề của game như bản quyền giải đấu,… Trước hết là bản quyền giải đấu, năm nay không khác năm trước là bao. Vẫn bị cuỗm mất hai giải C1 và C2 (Champions League và Europa League nếu bạn không biết cách gọi trên), vẫn không có bản quyền đầy đủ các giải đấu lớn như Ngoại hạng Anh, LaLiga, Bundesliga. Tuy nhiên năm nay PES lại có gần đầy đủ bản quyền hai giải Serie A và Serie B của Ý (gần đủ là vì vẫn thiếu bản quyền đội Brescia của anh Balotelli, trong game có tên fake là Brutie), vẫn giữ đầy đủ bản quyền Ligue 1 và Ligue 2 của Pháp như các bản trước. Chúng ta vẫn thấy Thai League có một suất trong game (thực ra PES luôn có bản quyền của một CLB Thái mỗi năm do PES nắm bản quyền AFC Champions League, Thái Lan có một suất vòng bảng của giải này), rồi bản quyền các giải khác ở châu Âu như giải Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Nga,… Ngoài ra PES vẫn mất bản quyền Copa Libetadores (C1 Nam Mỹ) nên ai thích sang đấy du lịch sẽ phải dùng Patch để có trải nghiệm tốt nhất.
Năm nay PES có các CLB đối tác theo dạng Premium Partner như MU, Piemonte Calcio Juventus, Barcelona, Bayern Munich. SVĐ và Face cầu thủ của các đội này được Scan 3D, rất chất lượng. Các cắt cảnh trong game được thực hiện tốt hơn ở các SVĐ có bản quyền, đặc biệt là sân của các CLB kể trên.
Thực ra thì giống như FM, chả ai chơi PES mà không cài Patch cả. Ví dụ như bản quyền C1 mất tuy nhiên cài Patch rồi Sider đủ kiểu thì vẫn có đủ nhạc C1, bảng tỉ số, bảng quảng cáo, bóng thi đấu, nói chung là đừng lười cài Patch thì thoải mái thôi, đến V-League còn mang vào được! (tuy nhiên hàng Official vẫn thơm hơn, như ai fan Barca thì nhìn sân Nou Camp/Camp Nou scan đẹp thế này vẫn thích hơn chứ).
Đồ họa, cắt cảnh: Tương đối tốt
Nói chung mình không thuộc dạng thánh soi cho nên nhận xét chung thì PES năm nay được cải tiến đồ họa khá tốt, cải thiện rõ rệt so với PES 19.
Như trong hình (đã giảm chất lượng tại vì một lí do nào đó, mình không tải screenshot gốc lên được, phải chuyển đuôi file và làm ảnh bị giảm chất lượng), có thể thấy phần áo đã được làm bó vào, không bồng bềnh như trước nữa hay anh thủ môn bay người trong trận thì dù tới cảnh ăn mừng vẫn dính cả bụi bẩn trên áo, tương đối thật. Đồ họa bản năm nay được làm rất kĩ, từ việc scan 3D các SVĐ và mặt cầu thủ, đến mặt cỏ, chuyển động, tất cả đều được làm mượt hơn rõ rệt so với bản 19. Tuy nhiên vẫn còn đó một số lỗi render hay những cảnh làm chưa được vừa ý lắm, mong Konami khắc phục ở những phiên bản sau. Mình cũng chụp lại cảnh mấy lỗi đó luôn:
– Chân xuyên chân:
– Bóng xuyên đầu:
– Cái này lỗi do Patch, tuy nhiên vẫn đăng cho anh em xem:
– Phần ống quần làm hơi lỗi:
– Biểu cảm của anh bên góc phải nhìn không được tự nhiên lắm:
Đồ họa của game soi thì sẽ thấy lỗi, mong Konami tìm cách khắc phục chứ không thì đôi khi bóng xuyên đầu mất một bàn, oan!
Gameplay (trên sân): Một nửa của sự xuất sắc
Năm nay Konami có Iniesta làm trợ lý về mặt gameplay nhằm thay đổi gameplay cho thực tế hơn. Gameplay năm nay có sự thay đổi rất lớn, khiến cho anh em pro PES bao năm nay phải luyện lại từ đầu. Trước kia có thần chú ‘Jinking Run’, nhấn R2 rồi gạt LS sẽ kiểm soát bóng cực kì tốt thì giờ đã không còn hiệu quả. Chức năng ‘Jinking Run’ của phím R2 huyền thoại đã được thay bằng RS. Gameplay bản năm nay lấy RS là nút điều khiển kỹ thuật chính, thay vì các cụm phím skill kết hợp R1 L1 R2 đủ kiểu thì nay đã tập trung quanh phím RS. Mặc dù vậy combo R2 + ô vuông giúp thực hiện skill ‘Finesse Shot’ để có những bàn thắng ảo diệu vẫn có chút hiệu quả tuy đã giảm xuống so với trước.
Năm nay các đường chuyền phối hợp sẽ khó thực hiện hơn, đòi hỏi phải xem xét kĩ trước khi thực hiện. Sẽ không còn những đường chuyền sửa lưng, ban bật nghịch hướng dễ dàng, giờ mà chơi kiểu đó là auto mất bóng. Độ đàn hồi của bóng cũng được làm tốt hơn, ví dụ như nếu đứng gần mà chuyền mạnh thì bóng sẽ bật xa ra khỏi chân người nhận, không dính như nam châm giống các bản trước nữa. Đây vừa là điểm đổi mới, vừa là nhược điểm khi Konami làm hơi ẩu, đôi khi có những tình huống nhận bóng ảo diệu, đôi khi lại có những đường chuyền ‘hợp lí’, tuy nhiên vì lí do nào đó lại không thành công.
Nhưng vấn đề lớn nhất trong gameplay lại nằm ở hệ thống phòng thủ của game. Năm nay hệ thống phòng thủ trong game được rework hoàn toàn. Thủ môn giờ đây sẽ có ra vào có não hơn, tránh tình trạng chọn vị trí sai dẫn tới bàn thua. Thủ môn giờ cũng không còn ‘ngàn tay’ như trước, giờ đây sút trong game sẽ khó trúng đích hơn, tuy nhiên trúng đích thì khả năng ăn bàn lại rất cao do thủ môn tuy đứng đúng chỗ nhưng lại bay người khá ‘đần’. Ví dụ như khi tiền đạo đối phương đệm bóng nhẹ cạnh chân, thay vì giơ chân ra đỡ thì thủ môn lại hay bay người uốn xuống dưới một cách khó hiểu.
Còn một vấn đề nữa là năm nay ghi bàn từ Penalty khó hơn rất nhiều, đặc biệt là khi đá với máy vì khi đá thủ môn hay ‘ăn gian’ băng ra khép góc khiến tiền đạo khó ghi bàn hơn (sau mấy tháng cày Master League, mình vẫn chưa thắng máy một loạt Penalty nào). Tuy nhiên lỗi lớn nhất không nằm ở thủ môn mà là ở mấy anh hậu vệ. Hậu vệ giờ đây có cơ chế che chắn mới, ví dụ bóng sượt qua tầm gần thì sẽ dùng đầu ủi bóng ra ngoài hay đỡ bóng bay tới. Tuy nhiên trong các tình huống đấy, theo trải nghiệm của mình thì các anh ý lại… phản lưới nhà nhiều hơn. Đây là nhược điểm siêu to khổng lồ, khi hậu vệ chọn vị trí rất hay tuy nhiên lại có mấy pha đánh đầu phá bóng đi vào lòng gôn khiến cho người chơi chỉ muốn nhấn Alt+F4, cay không tả được.
Không chỉ đánh đầu, thậm chí còn có mấy pha phá bóng về lưới hay chôn chân trong các tình huống cố định khiến bóng đập người bay vào lưới. Như trong ảnh dưới đây thì khi đối phương hưởng phạt góc, Honda đứng chôn chân, bóng bay tới đập chân, thủ môn tự nhiên nổi hứng bay người, anh đứng ôm cột thì cũng chôn chân theo giúp anh chàng Honda có pha xử lý đi vào lưới nhà!
Hay hậu vệ lúng túng phá bóng:
Gameplay năm nay nên được nhận xét là tương đối, nhưng không hoàn thiện. Dù gì bản năm nay cũng đóng vai trò bản lề cho sự thay đổi lớn về gameplay nên việc nó gây thất vọng cũng dễ hiểu.
Master League remastered: Đột phá lớn, gần hoàn hảo
Thực ra nhiều người hay chê Master League năm nay có cắt cảnh chán, lập đi lập lại. Tuy nhiên mình thấy như thế cũng khá ổn, bóng đá hiện đại là thế, bị thương mại hóa nặng nề nên mấy cảnh chuyển nhương thấy buồn ngủ thì cũng không phải điều gì quá lỗi của Konami, mặc dù cũng có phần làm chưa tốt của họ.
Phần chuyển nhượng năm nay được làm cực kì thực tế. Giá cầu thủ đắt hơn, ai có danh hiệu là bị độn giá kinh khủng. Cầu thủ cũng kĩ tính hơn, như mình hay ngao du quanh các CLB nhỏ thì chỉ mời nổi mấy ông danh tiếng trung bình hay ngôi sao hết thời về đá. Như anh David Silva mình mua về CSKA (Ngoại hạng Nga) lúc 35 tuổi anh mới chịu về. Phần menu Master League cũng được làm gọn hơn, đôi khi có cả video mấy cầu thủ ngồi làm talkshow, khá là thú vị.
Nói thêm về cuộc phiêu lưu Master League của mình, mình bắt đầu chơi ở giải Nga, chọn CSKA (hình trên) làm CLB bắt đầu, ở đó 2 mùa. CSKA là đội mạnh nên đá khá dễ thở, chỉ khi gặp Zenit là bị hành (đội này có Malcom, Ivanovic, Kranevitter, Driussi, Zhirkov với cả Dzyuba; nếu anh em không phải loại yêu MU theo phong trào và fan 20 năm của HAGL thì sẽ biết mấy ông này thôi). Đa phần các trận đá với Zenit đều bị Dzyuba siêu to khổng lồ đánh đầu xé lưới nên nửa cuối mùa thứ hai mình rước anh về luôn.
Sau đó mình sang Lille (Ligue 1 của anh Pháp), mua một số cầu thủ như Honda, Antonin Barak (anh này sau đó gánh mấy team liền) rồi vác Dzyuba sang tuy nhiên PSG bỏ xa quá nên nửa cuối mua mình sang Lazio (Serie A của spaghetti) luôn. Lúc mình mới sang thì Lazio đứng thứ 7, mình vác Dzyuba và Barak từ Lille sang, thửa thêm Wober và Silva mua hồi còn ở CSKA và rush lên hạng 3, thắng play-off C1 với Benfica và vào được C1. Ở mùa tiếp theo thì mấy anh mình vác sang cộng với dàn cầu thủ chất lượng sẵn có của Lazio như Immobile (khả năng chọn vị trí đang trong META ở cả chế độ myClub), Savic (lãnh đạo tuyến giữa khá tốt), Strakosha (thủ môn chơi chân hay), mình đã ăn được C1, tuyên bố Juventus không có tuổi và cho CR7 vào dĩ vãng.
Sau đó mình du lịch sang Real Betis (LaLiga), lại vác Dzyuba và Barak sang, cộng thêm Dzagoev ở CSKA. Mùa đầu tiên mình đứng thứ 3, sau hai ông kẹ Barca và Real, nhưng vẫn đủ có vé C1. Trớ trêu thay là mình lại chung bảng với Lazio, thế là phải đánh bại hệ thống mình tạo ra, kết quả là thắng 1 hòa 1.
Các cầu thủ Lazio trong ảnh trên đều được tăng chỉ số mạnh do kết quả thăng hoa hồi mình còn dẫn dắt, đá khá vất vả (Fun fact: trong ảnh có Tousart áo số 6 mình vác từ CSKA sang Lazio từng làm khổ những Đức Chinh, Đình Trọng,… tại U20 World Cup). Mình không lấy được C1 cùng Betis do bị Chelsea loại ở bán kết (cầu thủ Chelsea lúc này chỉ số toàn >85, siêu khủng) tuy nhiên vẫn ăn được LaLiga, cách Real 2 điểm!
Sau đó mình chán đá mấy giải lớn lại dạt sang Thụy Sĩ dẫn dắt đội Sion (hiện đang có phốt lương cầu thủ), vô địch giải Super League Thụy Sĩ và vào đến bán kết C1 trước khi bị Barca cho về nước. Xong mùa đấy thì dạt sang giải Đan Mạch, dẫn dắt đội Hobro. Đội này kém tới mức mình chỉ hỏi mua một số cầu thủ trung bình tầm như Trossard (chắc chả ai biết) mà cũng bị từ chối. Hậu quả là giờ đây đang phải chạy Championship Round lòi mắt (giải chia Regular Season và Championship Round, Google để biết thêm thông tin chi tiết), cách đội đứng đầu 4 điểm nhưng chỉ còn 3 trận, nguy cơ hụt khá là cao.
Nói chung thì mình rất hài lòng về trải nghiệm Master League trong game, thực tế hơn và khó hơn nhiều các phiên bản trước.
*Lưu ý: một số chế độ khác như Become A Legend hay các chế độ trong Kick off mình không bàn tới vì không khác gì nhưng bản trước!
Kết bài
PES 2020 là một phiên bản cho thấy Konami đã đi đúng hướng, tuy nhiên chưa đúng đường. PES 2020 còn ‘đi lạc’ một khoảng kha khá, bị đánh giá ‘Mixed’ trên Steam và rõ ràng là cần cải thiện rất nhiều mới có thể gáy vang câu ‘The king is back’!
Cảm ơn các bạn đã đọc tới đây, bài viết này khá dài vì mình muốn nhận xét cụ thể do mình rất yêu thích series PES và mong Konami cải thiện hơn các chế độ offline như Master League chứ đừng chăm chăm vào myClub để kiếm lợi nhuận TvT.
Chào thân ái và quyết thắng!
a