Bình thường người ta chơi game kinh dị không phải để phá đảo hay kiếm achievement/badge trên steam. Bằng chứng là theo thống kê thì Outlast mới có 23% người chơi hoàn thành nó. Nhớ lại hồi chơi Fatal Frame 3 trên PS2 mình mất gần 2 tháng để hoàn thành trò chơi. Từ đó đến nay tuy vẫn chơi đều tay các game kinh dị nhưng cũng vài tháng mới xong một game. Nhiều hôm “yếu lòng” nấn ná mãi cuối cùng quyết định ra chơi Hearthstone hoặc Dota 2 cho “nhẹ nhàng”. Vì thế nên khi Layers of Fear và phá đảo nó trong vòng nửa ngày thì mình có chút gì đó ngạc nhiên. Kinh dị thì vẫn kinh dị đấy nhưng trò chơi không có cái “ám ảnh” như những bậc kì cựu khác của dòng game này.
Layers of Fear – Kinh dị và nghệ thuật
Như mọi game kinh dị khác, cảnh mở đầu luôn là mưa gió bão bùng. Bạn tiến vào một ngôi nhà và thấy mọi thứ bên trong thật ấm cúng, đối ngược hoàn toàn với khung cảnh “chảy nước” bên ngoài. Ngôi nhà này xịn vãi ra, nhìn là biết ngay nhà của quý tộc. Từ tượng bán thân đến tranh treo tường, từ tấm thảm trải sàn đến những bộ đèn cổ điển, tất cả đều toát ra cái vẻ nghệ thuật cao sang. Tuy nhiên cái gì quá cũng bất thường, bạn nhanh chóng nhận ra những bức tranh ở đây có gì đó không ổn. Cảm giác người viết bài là những bức tranh này có gì đó bệnh tật. Toàn tranh chân dung phụ nữ mà màu sắc rất nhợt nhạt. Hãy thử tưởng tượng bạn treo một chục bức tranh Mona Lisa lên tường nhà mình. Bảo đảm khách khứa bạn bè đến thăm nhà bạn sẽ có những phen giật mình. Đây là lí do người ta không treo tranh chân dung hoặc tranh người trong nhà riêng. Có thờ có thiêng có kiêng có lành, đừng cố gắng thể hiện mà có ngày mất ngủ oan.
Theo cốt truyện thì dần bạn nhận ra mình là họa sĩ và đây chính là… nhà mình. Và cả trò chơi bạn sẽ đi quanh ngôi nhà này và “thưởng thức” hết các tất cả các tác phẩm nghệ thuật ở đây. Dụng ý của Bloober Team SA rất rõ ràng: sự kinh dị được ẩn dấu qua các tác phẩm nghệ thuật. Phải nói là ý tưởng này khá mới mẻ và hiệu quả ở nửa đầu trò chơi. Bạn sẽ đi qua từng căn phòng, tìm kiếm đồ vật, giải đố đồng thời “thưởng thức” hết những cái được sắp đặt trong đó. Bạn sẽ không biết cái gì chờ mình ở căn phòng tiếp theo: một đồ vật chuyển động thành hình “kì cục”, một bức tranh đổi màu, một cái bóng mờ ngoài cửa sổ… Sẽ không có những pha hành động thót tim như Resident hay căng thẳng như Outlast, ở đây bạn chỉ đứng im “thưởng thức” chúng thôi. Đúng chất nghệ thuật, Layers of Fear có một thứ kinh dị rất tao nhã. Phải là người có trí tưởng tượng phi phàm lắm mới nghĩ ra những màn thử tim người chơi như ở đây. Thử tưởng tượng mọi thứ đang sáng sủa bình thường thì đèn điện xoẹt xoẹt mấy cái. Cảnh sắc chao đảo và màu sắc biến đổi liên hồi. Trong vài giây “như phê cần” đó bạn kịp nhìn thấy “cái gì đó” ở bức tranh xa xa. Đèn sáng lại bình thường và bạn suy nghĩ là có nên tiến lại gần bức tranh ấy không? Khi gom đủ can đảm và tiến lại gần thì mọi thứ có vẻ bình thường, bức tranh vẫn “cười” với bạn. Tuy nhiên khi vừa quay mông ra nhìn cái khác thì bạn nghe được “cái gì đó” ở sau gáy. Bảo đảm 90% người bình thường không dám quay đầu lại…
Nói đến đây phải nhắc đến màu sắc của trò chơi. Nói là sống động hay nổi bật thì không đúng, ở đây phải nói Layers of Fear có một gu màu sắc rất riêng. Những pha hù dọa về sau dù lặp lại nhưng vẫn giữ được cái thần của trò chơi. Tức là trùng lặp nhưng không gây nhàm chán. Chính yếu tố này đã cứu vớt nửa sau của trò chơi, khi mang thêm yếu tố chiêm nghiệm và cảm giác thật vào. Nhân vật chính của chúng ta là họa sĩ nên ngẫu nhiên cái màu sắc của bức tranh (hay sâu xa hơn là màu sắc tình cảm của bức tranh) ám vào từng khung cảnh của trò chơi. Ở những cảnh gần cuối bạn sẽ dần dần hiểu vì sao lại có những bức tranh và câu chuyện đằng sau nó. Hóa ra đằng sau những hình ảnh lộng lẫy ấy là những kỉ niệm buồn. Màu sắc là tâm hồn của bức tranh. Người ta hay nói một bức tranh “có hồn” là vậy. Tuy nhiên có vừa đủ dùng thôi, nhiều quá đêm dễ mất ngủ lắm.
Layers of Fear – Bài luyện tim cơ bản
Nét kinh dị trong Layers of Fear phụ thuộc nhiều vào những pha chuyển cảnh. Cơ chế giải đố khá vô duyên khi bạn chỉ cần click bừa để qua màn. Tuy nhiên hãy click cho cẩn thận kẻo click nhầm vào “nghệ thuật” sẽ bị đứng tim đơ não. Đến một mức độ nào đó thì câu hỏi duy nhất trong đầu bạn là “nó” sẽ đến như nào và ở đâu. Và bạn có thể tập luyện và chuẩn bị cho “nó”. Giả sử bạn đi qua một cái hành lang mà ấn đủ thứ chưa thấy gì thì bảo đảm cái tay vịn cuối cầu thang có vấn đề. Lúc này chỉ việc nhắm mắt hít thở (nếu “yếu lòng” quá thì bỏ tai nghe ra) và đi tiếp. Nhiều người có thể thấy nhàm chán với điều này nhưng cá nhân người viết bài lại thấy “hay hay”. Chắc tại bản thân mình có thiện cảm với câu chuyện và cách truyền tải trong trò chơi nên vẫn vui vẻ “chịu đựng” để đi tiếp. Layers of Fear có thể kém sâu sắc so với Fatal Frame, kém gợi mở hơn con quái thú trong Alien, không thách thức như Outlast… Điều này đúng, Layers of Fear không được như thế. Nhưng ít nhất Layers of Fear làm được một điều quan trọng: đó là kể một câu chuyện mới về sự sợ hãi. Đôi khi bạn không cần quá kinh dị để “phiêu”, cái bạn cần là một chút kinh dị mới lạ để có thể ngẫm nghĩ và suy tư về cuộc sống.
Tạm kết
Layers of Fear đang giảm giá trên Steam còn 5$. Với 5$ thì bạn nào là fan của dòng game kinh dị hãy mua ngay đi. Hãy thể hiện độ hardcore của mình bằng cách phá đảo nó trong một lần chơi rồi mua ngay vài tấm chân dung trong đó về treo nhà. Bảo đảm bạn sẽ có thêm nhiều đêm đáng nhớ trong đời.