Ngày 24 tháng 8 vừa qua một tựa game Việt đáng chú ý đã ra mắt công chúng toàn thế giới, đó chính là Hoa của nhà phát triển Skrollcat Studio với sự hợp tác của Kyx Studio. Đây là dự án game phiêu lưu platform giải đố được giới thiệu lần đầu tiên trước công chúng vào cuối năm 2020. Với nhà phát triển là một studio Việt Nam, Hoa nghiễm nhiên trở thành chủ đề được quan tâm trong cộng đồng game thủ nước ta. Tuy nhiên, để có thể đánh giá một cách khách quan nhất, bài viết ngày hôm nay chúng ta sẽ tạm gác lại yếu tố “Việt Nam” đó qua một bên, để xem xem, Hoa liệu có phải là một tựa game hay và đáng chơi hay không nhé
Trong bài viết đánh giá ngày hôm nay, mình cũng sẽ spoil rất nhiều chi tiết của Hoa, nên đây sẽ là cảnh báo cuối cho những ai không muốn bị phá hỏng trải nghiệm chơi game.
1. Đồ họa
Đầu tiên, hãy bàn về đồ họa của Hoa. Điểm nổi bật ở phong cách đồ họa của Hoa khá rõ ràng và hiển nhiên, đó là những nét vẽ lấy cảm hứng từ hoạt hình Ghibli Nhật Bản. Phong cách này tạo cho người chơi cảm giác dễ chịu, thoải mái, như một gợi ý về chủ đề và câu chuyện chính xảy ra trong game. Khung cảnh trong Hoa phần lớn cũng là thiên nhiên hoa lá cỏ cây, với các vật thể và nhân vật được dựng 3D trên nền màu được phối khá dịu mắt. Đồ họa của Hoa đẹp, tuy chưa đến mức xuất sắc, nhưng đủ để thể hiện được tinh thần của cả game, đó là sự bình yên và trong sáng.
Điểm trừ của phần này nằm ở một số chi tiết rải rác trong game, ví dụ như sự thiếu nhất quán trong quá trình tạo hình nhân vật, hoặc như đoạn cutscene cuối game mang một phong cách hoạt họa khác hẳn so với những gì mà nó đã thể hiện trước đó. Một số mẫu nhân vật trong Hoa dường như được thiết kế với ý tưởng độc lập và không được ăn khớp với các nhân vật khác, một số hiệu ứng hoạt ảnh animation cũng vậy. Đoạn cutscene cuối của Hoa thì rõ ràng không hề giống với tinh thần và cảm hứng Ghibli, vốn đã tồn tại gần như là xuyên suốt game. Chúng mình sẽ không spoil cảnh đó trong bài viết này, nhưng nó rất giống với những bộ phim hoạt hình Việt Nam mà các bạn có thể đã từng xem qua. Điều quan trọng không phải nó giống phim của nước nào, mà là việc nó tạo nên một trải nghiệm không tốt cho người chơi. Sở hữu nhiều hơn 1 phong cách đồ họa cho những phần quan trọng của game, Hoa đã tự biến mình trở thành một tác phẩm thiếu nhất quán và thiếu độc đáo.
2. Cốt truyện
Câu chuyện của Hoa xoay quanh nhân vật chính cùng tên, một nàng tiên bị buộc phải rời khỏi quê hương mình từ khi cô còn nhỏ. Chuyện gì đã xảy ra thì vẫn là một ẩn số, chỉ biết rằng giờ đây khi đã lớn, cô đã lên đường trở về, nơi cô sử dụng sức mạnh ma thuật của mình để đánh thức thảm thực vật cùng những cư dân của nó. Và khi đi tới cuối cuộc hành trình, bí ẩn năm xưa sẽ được hé lộ. Ý tưởng cốt truyện của Hoa được phụ họa một cách trực quan thông qua những hoạt ảnh tương tác môi trường trong game. Những nơi Hoa đi qua, hoa bắt đầu nở và lá bắt đầu đâm chồi, trong khi những chú bọ hung thì bị hấp dẫn hoặc trở nên mạnh mẽ hơn nếu ở gần Hoa.
Nhìn chung, cốt truyện của Hoa mang hơi thở của cổ tích, ngắn gọn và đơn giản, không lòng vòng mà đi thẳng vào vấn đề. Cách kể chuyện vì thế cũng không có gì phức tạp, truyền tải nội dung và ý nghĩa tốt, mà cụ thể là chủ đề bảo vệ môi trường. Đây là một lựa chọn an toàn và mình mừng vì Hoa đã làm được như vậy.
3. Âm thanh
Chúng ta sẽ tiếp tục đánh giá về âm thanh của Hoa. Bên cạnh phần hình ảnh, một lần nữa âm thanh của Hoa được chọn lọc có chủ đích và lấy cảm hứng từ hoạt hình Ghibli. Đây hẳn là định hướng phát triển ngay từ đầu của Skrollcat Studio khi muốn đặt 2 yếu tố hình ảnh và âm thanh bên cạnh nhau sao cho chúng vừa hài hòa với cốt truyện, lại vừa mang lại không khí mà họ mong muốn. Nhạc game có sự đầu tư nhất định, êm tai, và đặc biệt gợi nhớ tới nhiều giai điệu đặc trưng của Ghibli, ví dụ như bài hát The Name Of Life trong Spirited Away hay Merry Go Round of Life trong Howl’s Moving Castle.
Nhìn chung, chất lượng nhạc của Hoa rất tốt, không có gì để chê trách cả. Vấn đề về âm nhạc và âm thanh của Hoa không nằm ở chất lượng, mà nằm ở thời gian phân bổ của nó. Hoa để cho những bài nhạc của mình phát đi phát lại trong một vòng lặp không ngừng, và đây là một điểm trừ lớn. Đúng là những bản nhạc này có thay đổi cả về tiết tấu và giai điệu khi bạn đi đến những khu vực nhất định, nhưng sự phân bố vẫn chưa hợp lý. Mỗi bản nhạc được phát trong một khu vực màn chơi khá rộng, dẫn đến việc người chơi sẽ thường phải nghe đi nghe lại nó trong một khoảng thời gian tương đối dài. Hơn nữa tiết tấu và âm hưởng của chúng cũng khá giống nhau, dễ tạo ra sự nhàm chán. Âm nhạc là một yếu tố quan trọng giúp làm tăng hiệu quả cảm xúc trong game, và Hoa có thể sử dụng nó theo một hướng khác hợp lý hơn. Ví dụ như chấp nhận để game im lặng ở một số chỗ, và để âm nhạc tuôn trào dẫn dắt cảm xúc ở một thời điểm phù hợp. Lựa chọn những bản nhạc đặc sắc cho những phân đoạn game nhất định, chắc chắn sự nhàm chán của người chơi sẽ chuyển thành ấn tượng khó phai.
4. Gameplay
Hoa là một trò chơi sở hữu gameplay platform giải đố, loại gameplay cơ bản và phổ biến mà bạn dễ bắt gặp ở nhiều tựa game indie khác. Nhiệm vụ của bạn là đi từ điểm này tới điểm kia, sử dụng các bề mặt vật thể và các kĩ năng bay nhảy để di chuyển, thu nhặt các phần thưởng hoặc các mục tiêu, giải các câu đố nếu có và chuyển sang màn chơi tiếp theo. Hệ thống platforming của Hoa đơn giản, vận dụng tốt những ý tưởng cơ bản nhất của thể loại này. Theo tiến trình game, Hoa sẽ cung cấp cho bạn những kĩ năng di chuyển mới như double jump, đẩy đồ vật hay bay lượn. Các màn chơi sau đó sẽ có độ khó nâng cao dần, với những thử thách mới tương ứng với kĩ năng mà người chơi vừa được nhận. Ở một số vị trí Hoa yêu cầu người chơi phải có khả năng xử lí tình huống nhất định, nhưng nhìn chung chúng vẫn không quá phức tạp. Chỉ trừ màn chơi cuối nơi các quy luật vật lí thông thường của game gần như bị đảo ngược lại, buộc người chơi phải tự ứng biến thật khéo léo. Đây chính là màn chơi hay nhất của Hoa, và mình đánh giá cao thiết kế của màn chơi này so với tổng thể các màn chơi khác trong game. Tuy nhiên, màn chơi cuối này đồng thời cũng làm lộ rõ nhược điểm trong thiết kế gameplay chung của tựa game này.
Thứ nhất, về thiết kế platforming và giải đố, chất lượng của Hoa ở mức ổn, nhưng thiếu mất các điểm sáng và các mốc gây ấn tượng. Điều đáng tiếc nhất và cũng là điều ảnh hưởng nhiều nhất tới quá trình platforming và giải đố của người chơi, chính là việc Hoa cung cấp bản đồ quá sớm. Bản đồ này vừa thừa lại vừa thiếu thông tin. Thông thường, trong các game platform xây dựng tốt, người chơi phải trả một cái giá nào đó cho thông tin về bản đồ và vị trí các vật thể. Cái giá đó có thể là đơn vị tiền tệ trong game, hoặc tương ứng với lượng thời gian mà họ bỏ ra để tự lần mò trong màn chơi. Nhưng Hoa lại làm ngược lại, cung cấp hết các thông tin quan trọng. Hoa cho phép người chơi biết trước hình dạng tổng quát của toàn bộ khu vực, đồng thời lại cho biết cả những vị trí chứa mục tiêu cần thu nhặt, nhưng lại không thể hiện được chi tiết cấu trúc địa hình cụ thể của màn chơi. Sau màn chơi đầu tiên, người chơi sẽ hiểu rằng ở mỗi khu vực mới, họ chỉ cần đi theo điểm đánh dấu trên bản đồ là xong. Chuyện khám phá trở nên vô dụng và mất thời gian vì đằng nào các lối đi khác cũng dẫn tới ngõ cụt, và trong ngõ cụt cũng không có secret hay phần thưởng nào cả. Quá trình này lặp đi lặp lại và giết chết trí sáng tạo cùng ham muốn khám phá của người chơi. Không còn sự bất ngờ hay ngạc nhiên, không còn niềm vui thú mỗi lần tìm thấy thứ phải tìm. Sự dễ dãi và dễ đoán đã biến phần lớn thời gian chơi của Hoa trở nên nhàm chán, làm cho mối liên kết giữa game với người chơi dễ đứt gãy hơn bao giờ hết.
Thứ hai, Hoa gặp vấn đề trong nhịp độ và tiết tấu chung của cả game. Nếu phải vẽ đồ thị biểu diễn mối quan hệ giữa kĩ năng của người chơi và mức khó tăng dần trong Hoa thì nó sẽ như thế này.
Ở giai đoạn quá nửa đầu game tiêu chuẩn độ khó của Hoa đặt ở ngưỡng quá thấp, lại thêm khả năng tăng độ khó chậm và không theo kịp sự tiến triển của người chơi. Sự quá an toàn đã dẫn tới một trải game dễ dàng và thiếu điểm nhấn trong suốt 70% đầu game. Phải mãi tới khi màn chơi trong nhà máy bắt đầu, khi phần platforming kịch tính hơn và câu đố hóc búa hơn một chút, Hoa mới bắt kịp được mức khó và đánh thức người chơi khỏi giấc ngủ mơ màng để dẫn họ vào thử thách thực sự. Để rồi sau đó đẩy người chơi sang một màn chơi với những ý tưởng và quy luật vật lí đảo ngược, quá mới và quá lạ. Dù cho màn chơi đó hay, thì nó vẫn không nhất quán với các màn chơi trước, và phân bổ tiết tấu game như thế là bất hợp lí. Kể cả những tựa game có ý đồ ngay từ ban đầu là muốn nhắm tới một trải nghiệm game thân thiện và nhẹ nhàng cũng không làm như vậy. Nhà phát triển cần phải cân nhắc nâng độ khó game ở những thời điểm sớm hơn, sao cho nó phải bắt kịp được với quá trình học hỏi của người chơi, tránh rơi vào cái bẫy của sự an toàn mà khiến cho người chơi cảm thấy nhàm chán.
Một điểm quan trọng nữa mà mình cần phải nhắc tới trong bài viết ngày hôm nay chính là phần cuối màn chơi nhà máy. Màn chơi này đặt nhân vật chính vào một không gian hoàn toàn khác biệt so với môi trường quen thuộc của các màn chơi trước. Hệ thống máy móc và các cấu trúc kim loại quả là một tiền đề lý tưởng cho một màn chơi escape run như trong Ori and The Blind Forest, nơi người chơi phải vận dụng tất cả những kĩ năng di chuyển mà họ học được trong gam. Khoảnh khắc người chơi bỏ chạy thành công sẽ rất hợp cho một đoạn kết game hoàn hảo, khi cảm xúc chiến thắng vỡ òa, hòa trộn với niềm vui khi nút thắt của câu chuyện được tháo gỡ. Và quả đúng là Hoa đã để cho nhân vật chính chạy trốn một cách đầy tốc độ và kịch tính, nhưng lại dưới dạng một cutscene hoạt họa chứ không phải game! Thật sự rất đáng tiếc cho một chi tiết tiềm năng bị bỏ lỡ đến như vậy
Kết luận
Vậy xét cho cùng, Hoa là một tựa game như thế nào? Nó có hay và đáng để chơi thử hay không? Câu trả lời của mình sẽ là … không hẳn. Hoa làm tốt vai trò của mình như một tựa game indie platform bình thường, đồ họa dễ thương, âm nhạc êm tai, cốt truyện dễ hiểu và gameplay đơn giản. Sự bình thường của Hoa sẽ tồn tại cũng những thiếu sót nhất định như phân bổ độ khó, tiết tấu game, tính đặc sắc, vân vân. Với cá nhân mình, nếu phải so sánh, ít nhất Hoa đã làm tốt hơn Gris ở nhiều phương diện và không vấp phải những sai sót chí mạng của Gris. Thật lòng mà nói thì chơi Hoa thú vị hơn Gris nhiều. Nhưng tóm lại, Hoa không phải một tựa game tệ, nhưng cũng chưa đủ để được gọi là một tựa game hay. Trên thang điểm 10 thì Hoa có thể nằm ở khoảng 6.5-7 điểm, ở mức trung bình khá.
Đánh giá khách quan là thế, còn giờ hãy cùng trả lời cho câu hỏi quan trọng nhất nhé. “Bạn có nên mua và chơi tựa game này hay không”. Nếu đặt trở lại vấn đề “game Việt” trong trường hợp này, thì câu trả lời sẽ còn tùy thuộc ở gu và mục đích của bạn. Nếu bạn thích những tựa game nhẹ nhàng dễ chịu, sẵn sàng chấp nhận với những điểm trừ mà mình đã nêu ra ở phía trên, thì bạn nên mua và chơi thử Hoa. Nếu bạn đánh giá cao nỗ lực của nhà phát triển và muốn ủng hộ họ, muốn khích lệ họ tiếp tục cho ra những sản phẩm như thế, thậm chí là còn hay hơn thế trong tương lai, bạn càng nên mua và trải nghiệm Hoa. Mình đã mua và trải nghiệm, còn giờ, quyết định nằm ở các bạn!