Hiện nay trên nền tảng mobile có không ít các tựa game bóng đá đã hoặc đang được phát hành. Anh em nào chơi game trên Nokia, thời mà game nào cũng có giá 15k thì chắc hẳn sẽ biết đến Real Football. Khi iOS và Android ra đời thì series PES cũng bắt đầu đổ bộ lên mobile mà phiên bản mình thấy thích nhất đến giờ là PES 2012. Tuy nhiên khác với giai đoạn đầu, về sau các tựa game bóng đá kể trên đã bị lu mờ dần bởi một thế lực mang tên FIFA của EA. Series FIFA trên nền tảng mobile từng rất hay với những phiên bản như FIFA 12, FIFA 14 (bê luôn chế độ career mode lên nền tảng mobile nên mình cực thích bản 14 này), FIFA 15 Ultimate Team (tuy chế độ Ultimate Team đã có ở bản FIFA 14 nhưng ở bản FIFA 15 thì chế độ này được cải thiện rõ rệt) hay FIFA 16 với nền đồ họa xuất sắc cho một game mobile.
Tuy nhiên, sau đó FIFA Mobile đã làm lu mờ đi hết những giá trị xuất sắc của những người tiền nhiệm, cho ra một tựa game bóng đá pay to win nặng nề chả khác gì các game của VNG hay VTC. Vì vậy hôm nay mình sẽ đi “bới móc” những nhược điểm (mà cũng chả có ưu điểm nào) của tựa game này.
Lưu ý:
– Bài viết chống chỉ định các em cấp 2 nạp cả triệu vào game.
– Bài viết này đánh giá game từ bản 17 đến 20 luôn, vì vốn các phiên bản này không có quá nhiều khác biệt, có chăng chỉ thay đổi theo kiểu “bình mới rượu cũ” mà thôi.
– Do mình đã bỏ từ năm 2018, mỗi khi ra mùa mới (roster update) chỉ vào chơi thử xem có gì mới hay không nên có thể sẽ bỏ qua một số tính năng bổ sung mới, anh em đừng soi quá.
– Nói thẳng ra thì mình là fan PES, sẽ không ưa FIFA, tuy nhiên bài viết vẫn sẽ đảm bảo tính khách quan.
Gameplay: Free-to-play, Pay-to-win
Khi game chưa ra mắt, lúc đấy ai cũng sẽ nghĩ rằng phiên bản tiếp theo sẽ có tên là FIFA 17 Ultimate Team, vẫn duy trì chế độ Ultimate Team và Campaign song song như FIFA 16. Tuy nhiên càng đến gần lúc ra mắt lại càng rộ lên nhiều thông tin rằng phiên bản tiếp theo sẽ có tên là FIFA Football hoặc FIFA Soccer (như nhau cả), tách biệt khỏi bản PC, lược đi hết các chế độ như career mode hay campaign, chỉ chú trọng vào PvP online. Lúc đấy mình rất kỳ vọng vào tựa game này, mong chờ nó sẽ làm tốt hơn những gì FIFA 16 từng làm được. Rồi khi game ra mắt, mình rất bất ngờ vì một series FIFA với các phiên bản đều mang dung lượng 1.x GB nay lại chỉ còn vỏn vẹn 300MB. Rồi khi vào game, mình thực sự không chuyện gì đang xảy ra, kiểu như “Đây là đâu? Tôi là ai???” vậy. Cái giao diện quen thuộc từ bản 14 đến giờ lại bị thay đổi hoàn toàn.
Giao diện qua các bản 15-16-FF Mobile
Mọi thứ đúng như tin đồn từ trước, game không có career mode và campaign. Tuy nhiên lại xuất hiện 2 chế độ đấu mới là VS Attack (Attack Mode) và Leagues (giống như các clan/bang hội, đua rank với nhau). Và cả 2 chế độ mới này đều đem đến sự thất vọng tràn trề. Một tựa game bóng đá mà bạn còn không thể chơi một trận đấu 90 phút, thật “chuối”. Nói sơ qua cho các bạn chưa biết thì Attack Mode là chế độ đấu theo lượt. Cụ thể là bạn sẽ được ghép trận với một người chơi khác, tuy nhiên không cầm hai đội 11 người đấu một trận 90 phút mà sẽ chơi theo một tình huống tấn công được sắp xếp trước.
Tình huống tấn công này có thể là khi tiền vệ bên bạn đi bóng gần biên, một tình huống tấn công 3 chọi 3 hay 4 chọi 4 hay đôi khi là đá phạt, phạt góc và thậm chí là cả… phạt đền. Nghe thì có vẻ vui nhưng thử chơi tầm 3-4 trận sẽ thấy rất nhàm. Vấn đề lớn nhất của Attack Mode là độ nguy hiểm của một tình huống tấn công được cấu thành bởi tương quan lực lượng giữa hai bên. Độ nguy hiểm được xếp theo 3 mức: Basic, Good, Great (thứ tự tăng dần) và có cả mức Counter Attack (bị phản công, phải phá bóng ra biên hoặc qua nửa sân bên kia). Và nếu hai bên có OVR (chỉ số trung bình cả đội) ngang ngửa nhau thì độ nguy hiểm được sắp xếp rất công bằng (ví dụ như 10% Basic, 75% Good, 5% Great hay đại loại thế).
Tuy nhiên, EA rất biết cách làm tiền, nếu OVR hai bên chênh lệch thì độ nguy hiểm cũng thay đổi theo, ví dụ khi cầm một đội OVR 8x đi đấu một đội OVR 9x, bạn sẽ ăn Counter Attack ngập mặt và các tình huống đều ở mức Basic, bị hậu vệ đối phương ép và thua với tỉ số tầm 0-6 hay 0-7 gì đó. Và từ cái lẽ đó, người chơi sẽ nạp tiền để nhanh có một đội hình giải ngân hà với OVR 9x siêu khủng và EA lại có tiền.
Cộng đồng người chơi ban đầu hưởng ứng vui vẻ và hiến máu đều đặn cho EA, tuy nhiên khi họ nhận ra sự nhàm chán của chế độ Attack thì EA đã phải ăn một đống gạch đá từ cộng đồng fan. Và thế là 2 chế độ mới ra đời: Domination và Head to Head. Ơn trời! Cuối cùng cũng đã được chơi một trận đấu 90 phút, một điều đáng lẽ game bóng đá nào cũng phải có thì FIFA Mobile bắt người chơi phải đợi đến tận khi update mùa 18 mới chịu ra mắt. Chế độ Head to Head là một chế độ PvP thuần túy, nơi bạn ghép trận rồi đấu một trận 11v11 90 phút. Còn chế độ Domination là chế độ đá các trận với máy để nhận được các phần thưởng và 2 cầu thủ: Neymar và Manolas (chế độ này giống như một event để lấy cầu thủ xịn, không nhắc đến nhiều).
Đến bản 19 thì EA đã mang chế độ Campaign trở lại, tuy nhiên cũng nhận gạch đá nhiều vì phần thưởng bèo bọt, tốn thời gian cày. Sau đó họ đều đặn ra event hơn như event C1/C2, TOTW, chủ yếu đá lấy Token đổi các cầu thủ OVR 8x. EA còn thêm cả Scouting Mode, tuy nhiên cũng là một chế độ thêm vào cho game bớt bão hòa vì cũng như Campaign Mode, bạn phải đá với đội máy OVR cao vót để đổi những cầu thủ OVR 8x dễ dàng mua được trên Market.
Và các chế độ trên đã cho thấy rõ yếu tố Pay-to-win nặng nề của game. Đồng ý là nếu cố cày bừa thì bạn cũng sẽ có một đội OVR 87-88 gì đó nhưng khi vác đi đá Attack Mode hay Head to Head thì kiểu gì cũng bị mấy đội OVR 9x đề đầu cưỡi cổ. Game không phải là nơi ‘Thành bại tại kỹ năng’ mà là nơi ‘Thành bại tại ví tiền’, không nạp lấy đội hình giải ngân hà thì đừng mong lọt top ranking, đó là chưa kể đi đá máy ở các chế độ như Campaign hay Scouting thì cũng bị đội 9x của máy đè thôi. Nói chung, muốn clear được hết content của game thì phải nạp tiền. Các đội 9x đều ban bạt ảo diệu, miễn nhiễm handicap, sút xa ảo như Adriano sút chéo trong PES 6, có cố phòng thủ mấy cũng thủng lưới cả thôi.
Đồ họa: Một bước cải lùi
Quay lại với người tiền nhiệm FIFA 16 thì phiên bản này sở hữu nền đồ họa tuyệt vời, chính vì thế đòi hỏi phải có máy xịn mới chơi được nên dẫn đến kết cục là số lượng người chơi ít. Vì vậy trong FIFA Mobile, đồ họa đã được cải lùi đáng kể với mục đích là để dễ tiếp cận người chơi hơn (để các em cấp 1, cấp 2 chơi máy cũ của phụ huynh vẫn cống hiến đều đều, đúng là EA).
Dòng chữ ‘Grafikvergleich’ nghĩa là đồ họa, không phải tên youtuber gì đâu.
Ở bức ảnh (chôm trên mạng) trên, anh em sẽ thấy được rằng đồ họa của FIFA Mobile như thế nào so với FIFA 16. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng game 300MB đòi hỏi gì, nhưng có ai yêu cầu EA làm thế đâu. Họ có thể cho chỉnh mức đồ họa (thực ra trong game có, tuy nhiên đặt mức high vẫn đau mắt) lên đẹp như FIFA 16 song song với mức low bằng với FIFA 14/15, tuy nhiên EA lại không làm thế. Có thể nói đồ họa bị kéo xuống là nằm trong chiến lược hái tiền của EA.
Lời kết
FIFA Mobile, tuy là một bước cải lùi nhưng lại được thiết kế kỹ càng để phổ biến rộng, với đích đến là hái được nhiều tiền hơn từ những người chơi – những cây ATM di động. Bài viết này không nêu lên ưu điểm nào của FIFA Mobile vì nó tệ một cách toàn diện, có chăng là dễ phổ biến hơn, nhưng nếu xét trên khía cạnh ‘chuyên môn’ của một tựa game thì đấy không phải ưu điểm. EA vẫn đang chạy server của FIFA 16, họ chỉ mới shut down server của FIFA 15 gần đây. Hãy tận hưởng nốt những ngày vui vẻ còn lại với FIFA 16, trước khi họ shut down nốt server phiên bản ấy.
– Lời tác giả: Mình là writer mới của trang HSBT. Bài viết này mình đánh giá một tựa game anh em đọc trang sẽ không quan tâm lắm, chủ yếu là để lấy ý kiến anh em trong quán để cải thiện hơn các bài viết sau, rất mong anh em đọc qua và cho mình xin ý kiến. Chào thân ái và quyết thắng!
Cái gì với Ea cũng có thể là atm :v