Đánh giá – Control

Đã 3 năm rồi kể từ ngày ra mắt game gần nhất đây của Remedy – Quantum Break, hãng game Phần Lan từng làm mưa làm gió một thời với những tựa game đáng nhớ như Max Payne 1&2 hay Alan Wake, một lần nữa quay trở lại với tựa game Control. Nhưng liệu tựa game hứa hẹn này có thể giúp Remedy tìm lại bản thân mình không, sau khi mà Quantum Break đã không đạt được thành công như nhiều người mong đợi. Bài review này mong rằng sẽ trả lời được câu hỏi đó.

Đồ hoạ

Control – cũng giống như Quantum Break – là tựa game tiếp theo của Remedy sử dụng engine Northlight với một vài điều chỉnh, đặc biệt là kèm theo sự giới thiệu của công nghệ ray-tracing. 100% thời lượng chơi của game đều diễn ra trong khu The Oldest House của FBC (Federal Bureau of Control), với những bề mặt bóng loáng, nhiều góc cạnh và nhiều cửa kính giống như những gì bạn thấy ở nơi làm việc. Nghe có vẻ chán nhưng hệ thống ánh sáng kèm theo đó là những yếu tố siêu nhiên mà game giới thiệu giúp tạo nên những cảnh rất là “dị”, như là những lúc người chơi gặp phải một Altered Item làm biến đổi hoàn toàn không gian, hay là lúc người chơi đến với khu khai thác đá đen (gọi là Black Rock trong game), vời hàng tá những lớp đá phẳng đứng chổng lên bầu trời đầy sao – cảm giác như là một cảnh lấy nguyên từ phim 2001: A Space Odyssey ra vậy. Control

Control cũng là một trong những game có hệ thống vật lý chi tiết nhất mà mình được chơi. Hầu như tất cả mọi thứ đều có thể bị phá tung ra thành từng mảnh, giúp cho từng cung đoạn combat được diễn ra một cách thuyết phục, khi mà những mảnh vỡ từ tường, bàn ghế,.. tóe tung ra khắp mọi nơi. Hệ thống animation của Control không hẳn là chi tiết quá mức như là trong Red Dead Redemption 2 chẳng hạn, nhưng chắc chắn đó không hẳn là cái mà Remedy lẫn người chơi muốn khi mà Control cần có độ chính xác và quyết đoán trong từng nút ấn.

Tất nhiên chúng đều có giá của nó cả. Nếu chơi trên PC bạn cũng sẽ cần một con máy cũng kha khá để có thể chơi Control ở mức ultra 60fps. Mình đã trải nghiệm Control ở trên một con máy i5 9400F – GTX 1660ti – 16GB RAM và cũng cần phải hạ xuống các settings khá đắt như là shadows và screen space reflection xuống medium mới có thể chạy mượt được game, đó là còn chưa nói đến công nghệ ray-tracing được áp dụng rất ấn tượng của game. Ở trên console thì tình hình có vẻ tệ hơn, khi mà đến chiếc console mạnh nhất hiện tại là Xbox One X còn chật vật để giữ Control ở mức 30fps.

Gameplay

Gameplay cũng là mảng mà Control để lại ấn tượng rất tốt đối với mình, thậm chí có thể nói là đây là một trong những game third-person shooter ổn nhất mà mình được chơi trong thời gian gần đây. Bối cảnh của Control liên quan chặt chẽ đến những hiện tượng siêu nhiên, vì thế mà game sẽ cho bạn những siêu năng lực để tha hồ quậy phá. Và khi tôi đã nói “tha hồ quậy phá thì” thì nó đúng là như vậy, khi mà Control cho người chơi một sự tự do khá là ngạc nhiên về mặt combat lẫn di chuyển, đặc biệt là khi về giữa đến cuối game khi mà đã mở được thêm các năng lực khác. Có tổng cộng 5 năng lực trong game và chúng đều có tác dụng riêng và gần như không có cái nào là lãng phí. Người chơi có thể điều khiển gần như tất cả các đồ vật trong game từ lớn đến bé như một Jedi (góp công không hề nhỏ từ hệ thống vật lý của game) và dùng chúng để tấn công địch, hay là bay lượn trên không như Superman; ngoài ra người chơi còn thể điều khiển địch để chúng hỗ trợ mình, hay là dash để né tên lửa, hay là tạo nên một bức tường đá để giúp đỡ đạn. Trong những lúc hỗn loạn của combat bạn có thể kết hợp những năng lực này theo bất kỳ cách nào bạn muốn mà không có rào cản gì, và các kẻ địch ở trong game cũng được thiết kế phù hợp để ép bạn phải dùng đến những năng lực đó. Kết hợp với các siêu năng lực này là cơ chế bắn súng chắc chắn của game. Tiếng súng rất đanh và đã tai kèm theo độ phản hồi tốt càng làm tăng thêm cái chất của hệ thống combat của game.

Một điểm bất ngờ nữa của Control, đó là không giống như các tựa game khác trước đây của Remedy, Control lại là một game metroidvania. Đúng vậy, toàn bộ tòa nhà FBC được liên kết với nhau rất chặt chẽ, và trong quá trình chơi khám phá người chơi sẽ dần dần mở ra toàn bộ các khu vực của game một cách rất tự nhiên. Phần thưởng của sự tò mò và khám phá đó là những thùng loot với những upgrade khác nhau cho cả vũ khí lẫn nhân vật chính của game, hay là những collectibles giúp người chơi hiểu sâu hơn về thế giới siêu nhiên của Control. Nhưng việc này đồng nghĩa với việc là bạn có thể thi thoảng bị lạc vào những chỗ có kẻ địch cấp cao, và khi người chơi chết thì họ sẽ phải quay lại điểm “control point” gần nhất, giống như là những chiếc ghế trong Hollow Knight vậy.

Một cái nữa mà Control làm khá tốt đó là cách mà game khiến người chơi phải chú ý đến môi trường xung quanh của mình trong quá trình khám phá. Tuy rằng với một bối cảnh khép kín nhưng Control vẫn có những khu vực riêng biệt với cách thiết kế khác nhau, kèm theo đó là những biển chỉ dẫn to và rõ giúp người chơi làm quen với môi trường của game.

(nguồn: GameInformer)

Tất nhiên gameplay của Control cũng chưa phải là hoàn hảo. Điểm yếu lớn của game đó là hệ thống AI của địch chưa được tốt, đặc biệt là những lúc đầu game khi mà địch còn yếu và chưa xuất hiện đông.  Người chơi có thể gần như đứng yên tại chỗ mà chúng nhiều lúc không thể bắn chúng bạn một phát nào. Số lượng súng của game, tuy là có 4 loại súng khác nhau người chơi có thể tạo, nhưng game chỉ cho phép sử dụng 2 cái cùng một lúc, khá là bất tiện khi mà bạn lại phải bật menu lên để đổi lấy khẩu súng bạn muốn sử dụng. Hay là có một cái khá là khó hiểu nữa là tại sao Remedy lại quyết định nhét hết những màn đấu boss ấn tượng vào các side quest, trong khi đó ở main quest thì gần như các màn đấu boss đều hết sức tầm thường đến nỗi thất vọng, thậm chí cho đến tận level cuối của game. Không hẳn là một điểm yếu nhưng khá là kì lạ khi mà bạn hoàn toàn có thể bỏ qua những side quest này một cách dễ dàng.

Cốt truyện

Ở bề mặt thì Control có một cốt truyện không đến nỗi là quá khó hiểu: Jesse Faden, nhân vật chính của game, tìm đến trụ sở FBC khi mà một nhân tố bí ẩn trong người cô đã chỉ cô đến đây, với mục đích tìm lại người em trai đã thất lạc nhiều năm sau 1 vụ phản ứng siêu nhiên ở nơi cô sinh sống. Vừa bước chân đến nơi, cô phát hiện rằng director của FCB nằm chết dưới sàn, cạnh một khẩu súng, và khi vừa nhặt nó lên thì cô đã lập tức được phong làm director mới của FCB. Cũng lúc đó, một thế lực siêu nhiên tên là “Hiss” đã chiếm lấy gần hết cả khu The Oldest House của FCB, và nhiệm vụ của Jesse là tìm nguyên do của chúng và tiêu diệt chúng. Control bắt đầu.

Đáng buồn mà nói thì bản thân mình thấy Control không có nhiều điểm nhấn ở mảng cốt truyện như là game đã làm ở mảng gameplay. Game có một cái kết thật sự mà nói thì không hề thỏa đáng và vẫn còn quá nhiều thứ chưa có câu trả lời, một điều mà mình không rõ rằng Remedy cố tình hay đơn giản là họ không làm. Các nhân vật trong game cũng không tạo được điểm gì đáng nhớ cho lắm, kể cả đối với nhân vật chính Jesse, một điều khá đáng tiếc khi mà nghĩ Remedy đã từng tạo ra một “icon” như là Max Payne trước đây. Để bù lại với những thiếu sót này thì Remedy đã tạo nên một thế giới phải nói là khá là lôi cuốn, một sự kết hợp giữa yếu tố siêu nhiên và môi trường quan liêu, đầy bí ẩn và sự che dấu, như là để ám chỉ đến những yếu tố có thật ngoài đời. Control cảm giác như là một bài “thực hành” của Remedy, một game mà họ muốn thử nghiệm cách tiếp cận gameplay mới, cũng như là một phong cách kể truyện mới, thay vì chỉ đơn giản như là một game tiếp theo trong kho tàng của họ vậy, ít ra đó là cái mà tôi cảm nhận được sau khi chơi Control.

3.5/5 – Đáng để chơi.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện