Chrono Trigger, nổi tiếng hơn với cái tên gọi cũ kỹ Quả lắc thời gian ở Việt Nam, được xem là một trong những tựa game JRPG vĩ đại nhất lịch sử video game đến từ Squaresoft- Square Enix ngày nay, và dĩ nhiên là một trong những game hay nhất trên hệ máy Super Nintendo (SNES). Đây là một tựa game được tạo ra bởi ba ông trùm của văn hóa đại chúng của Nhật Bản, Hinorobu Sakaguchi- người đã tạo ra Final Fantasy, Yuji Horii- người đã tạo ra Dragon Quest, và Akira Toriyama- một cái tên cực quen thuộc với độc giả Việt Nam khi đã tạo ra series lừng danh Dragon Ball/ Bảy Viên Ngọc Rồng. Với một “Dream team” như vậy, bọn họ đã nói rằng họ sẽ tạo ra một tựa game mà “từ trước đến giờ chưa ai làm ra cả”, rồi năm 1995, sau rất nhiều công sức, những chỉnh sửa và thậm chí là cả đánh đổi bằng sức khỏe lẫn tinh thần của rất nhiều người, Chrono Trigger đã ra đời và làm khuynh đảo cả làng game với rất nhiều những điều “vượt trước thời gian” như chính cái nội dung của game này đã làm được.
Ngày còn nhỏ, thật ra tui cũng đã nghe danh của Chrono Trigger (CT, không thêm tên đằng trước giùm) từ lâu lắm rồi, và cũng có thời gian cùng anh họ bật game này lên chơi trên SNES nhưng thật sự thì cũng… chẳng hiểu gì hết, cứ chạy vòng vòng đến khi nào có thoại và cutscene xuất hiện lúc nào thì mừng lúc đó thôi. Sau nhiều bản port khác nhau (Nintendo DS và điện thoại), CT cuối cùng đã xuất hiện trên Steam và tui đã may mắn nhận được tựa game này free vì số lần tốt bụng đếm đầu ngón tay của lão bụng bia điều hành cái web này. Và hôm nay, sau bao nhiêu năm gặp lại, tui đã xem như hoàn thành CT với cảm nhận và kiến thức tốt hơn rất nhiều để hút hết tinh hoa của tựa game huyền thoại này. Hãy cùng tìm hiểu xem tại sao tạp chí Nintendo Power đã gọi đây là một tựa game mang tính cách mạng và nó đã để lại di sản gì cho thế giới game sau này.
Steam vs SNES
Trước hết thì tui xin có một chút so sánh nhỏ về phiên bản gốc trên SNES và trên Steam. Thật ra, bản port lên Steam là… phiên bản mobile được tinh chỉnh lại, chả khác gì việc Square Enix đã từng làm với Final Fantasy VI cả. Và may mắn một điều là sau 5 bản patch sửa lỗi, game đã có hình ảnh cổ điển ngày xưa chứ không phải là cái màn “HD hóa” cà nát màn hình để mất đi hạt pixel cho ra cái hình thù sprite nhân vật “trơn lán” và khung cảnh bị cắt dọc ngang xấu xí đến kinh khủng. Màu sắc của phiên bản này cũng không được rực rỡ như phiên bản cũ, dù không đến nỗi tệ. Hệ thống HUD hiển thị thông tin nhân vật khi đang chiến đấu cũng… hơi vô duyên khi bỗng nhiên cho thanh ATB và HP ngay dưới nhân vật làm cho mất đi sự immersive khi chiến đấu, không như bản cũ. Bù lại, hệ thống menu giờ đây lại tiện lợi và to hơn, thân thiện hơn rất nhiều so với bản cũ (âu vốn cũng do nó được làm ra cho người dùng điện thoại), khiến cho việc tinh chỉnh nhân vật nhanh hơn rất nhiều. Điểm cộng lớn nhất nữa là CT bản port này cũng giống với bản Nintendo DS sẽ “thưởng” chúng ta một vài đoạn cutscene đúng nét vẽ của Akira Toriyama cực kỳ đã mắt. Đúng là mất cái này được cái kia. (Và chúng ta cần một anime thật sự về Chrono Trigger!!!!!!! Pleaseeeee!!!)
Hình ảnh và âm thanh
Về mặt hình ảnh, CT có lẽ vẫn còn giữ được một phong độ quá ổn định vì cái đồ họa 16-bit đó của CT vốn dĩ đã là một thứ cổ điển và trường tồn theo thời gian, nhưng vì CT ra đời ở giai đoạn cuối của thời SNES và các nhà lập trình đã biết làm cách nào để cho màu sắc, phối cảnh, sử dụng các layer tạo sương mù mờ ảo để cho game có khả năng giúp người chơi hòa nhập cao nhất có thể, và từng địa điểm trong dòng thời gian đều mang một điều gì đó vô cùng đặc trưng chứ không hề một màu nhàm chán. Đến cả những sprite nhân vật cũng có khả năng kể chuyện hình ảnh, tạo ra các tình huống vừa cảm động vừa hài hước. Các nhân vật với tạo hình của Akira Toriyama (Hãy tưởng tượng nét vẽ Dragon Ball đi) đã được làm thành những sprite vô cùng sống động, có biểu cảm hẳn hòi mà vẫn mang được cái hồn từ nét vẽ của Toriyama càng làm chúng ta kết nối với họ tốt hơn rất nhiều. Cái này sẽ bàn thêm ở phần xây dựng nhân vật.
Về âm nhạc thì không thể nào tuyệt vời hơn với tài năng của Yasunori Mitsuda khi ông đã bỏ hết công sức để viết lên những khúc nhạc dài trọn vẹn ít loop để ta không bao giờ cảm thấy chán, chưa kể chúng còn có khả năng tạo không khí cực kỳ tuyệt vời: sự hưng phấn với bản nhạc Chrono Trigger mở đầu, sự vui tươi của Guardia Millennial Fair, sự dồn dập của Battle theme, chút buồn bã gợi nhớ của Memories of green v.vv… Hỏi sao Mitsuda đã phải cố gắng đến mức bị bệnh nặng không thể hoàn thành toàn bộ các bài nhạc của CT, và Nobuo Uematsu (yup, that Uematsu) đã phải phụ giúp hoàn thành tất cả các bài nhạc để CT có một mặt âm thanh hoàn chỉnh nhất, và nó không hề gây thất vọng chút nào, nếu không muốn nói mọi thứ đã trở thành kinh điển.
Gameplay
Nói đến gameplay thì có lẽ cần phải nói đến thứ làm cho người ta phải nhớ mãi đến CT, đó chính là cơ chế chiến đấu. Phải, nó vẫn là turn-base RPG như bất kỳ tựa game JRPG cổ điển nào khác, nhưng điều đặc biệt rằng CT có một cơ chế chiến đấu… “sống” chứ không phải “tĩnh” như các game khác. Ở Final Fantasy chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy những con quái và những nhân vật xếp thành hai hàng battle line, và thường chúng ta sẽ để các nhân vật tank hoặc gây dmg đứng hàng trước, còn healer hay cast phép sẽ ở hàng sau. Ở CT thì cả quái lẫn nhân vật sẽ luôn di chuyển, dĩ nhiên là ta không thể tự điều khiển vị trí nhân vật của mình, và nó tạo ra những tình huống hết sức sống động như các nhân vật sẽ phải đứng đấu lưng vào nhau và quái bao vây xung quanh, rất tạo không khí căng thẳng phải chiến đấu dể sống sót; cũng có lúc là ngược lại khi ba nhân vật trong party bao vây… mỗi một con thú tội nghiệp. Đã vậy, nó còn ảnh hưởng cách tấn công của nhân vật, như với những con quái ở xa thì những nhân vật sử dụng vũ khí tầm xa sẽ thật sự đánh tay bo, phải đủ xa mới bắn được, và dĩ nhiên nhân vật tầm xa cho đánh tầm gần thì dmg yếu là chắc rồi, nên chúng ta phải cho các nhân vật cận chiến “giải vây” cho họ còn các nhân vật tầm xa thì nên tấn công các con quái ở gần nhân vật cận chiến hơn. Ngoài ra còn có những đòn AOE hoặc theo một đường thẳng cần chúng phải đứng chụm vào nhau thì mới có thể gây dmg cho nhiều quái một lúc được, nên có đôi lúc phải chờ đợi và dự đoán sự di chuyển của chúng, khiến cho CT không hề là một game turn-base mà bạn có thể auto play hoặc có một nút bấm hoài mà phải có chiến thuật tính toán hẳn hoi.
Chưa hết, các nhân vật có các đòn tấn công đặc biệt, gọi là Tech, và những Tech sẽ càng ngày càng được các nhân vật học nhiều hơn khi lên level và nhận Tech point (TP). Và rồi các nhân vật sẽ phối hợp các Tech với nhau, cho ra Double Tech- hai người tấn công một lúc và Triple Tech- cả ba người trong party cùng tung chiêu, và càng cho họ chiến đấu chung party càng lâu, càng nhiều Tech chung sẽ xuất hiện. Cái hệ thống Tech này có thể nói là thiên biến vạn hóa nhất cả CT, với một nhóm 3 người khác nhau là sẽ có những Tech phối hợp dựa trên kỹ năng và nguyên tố từng người, nên chúng ta sẽ rất muốn xoay tua party chứ không phải chỉ có nhiêu đó đánh hoài không gây nhàm chán. Nếu bạn vốn là một người ghét turn-base, chơi CT có thể bạn sẽ suy nghĩ lại đấy.
Thêm một điều, các game JRPG nổi tiếng, hoặc tai tiếng, với các random battle xuất hiện không biết đâu mà lần gây không ít khó chịu với người chơi. Đây là một điều… gần như không có trong CT, vì chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy quái đang trên đường đi và có thể lựa chọn chiến bọn nó hay là không, từ một vài trường hợp được “sắp xếp” sẵn thì ở vài khu vực khi đi đến là quái sẽ nhảy ra và ta có thể chiến hoặc chạy (trừ phi trong câu chuyện chính, dĩ nhiên). Thêm một điểm cộng cho việc loại bỏ những điều gây khó chịu về JRPG rồi, hỏi sao không được yêu thích vậy. Nhưng dĩ nhiên, cũng có một vài nhiệm vụ và câu chuyện đúng là fetch quest thứ thiệt, và chúng cũng vô cùng phiền toái, may mà bản đồ không rộng lớn lắm.
Và tui đã nói cho bạn nghe, đây chính là tựa game đầu tiên mang đến cái khái niệm New Game+ chưa nhỉ? Thật ra thời đó cũng có kha khá game cho người chơi chơi lại game với độ khó và thay đổi khác game gốc, nhưng sử dụng cái tên “New Game+” thì chính CT là người đi đầu, nó thậm chí còn NG+ đến nỗi cho người chơi… mới quay lại vô boss cuối liền ngay lập tức nếu thích, và thậm chí nó còn được “công nhận” vào canon của game. CT có lẽ cũng chính là tựa game đi đầu cho cái trò “hệ thống đạo đức” trong game, vì những hành động trong game của chúng ta đều có tác động đến ít nhiều đến số phận nhân vật và cái kết.
Khi đã nói đến đây rồi, thì điều cuối cùng, và tui đã để dành nó cho đến cuối vì nó là “món ngon nhất” trong cái bàn tiệc cả về mặt hình ảnh lẫn âm thanh Chrono Trigger này, đó chính là phần xây dựng nhân vật và cách phối hợp chúng cùng yếu tố du hành thời gian để tạo nên một cốt truyện rất đặc sắc. Đây có lẽ thật sự chính là du hành thời gian theo lý thuyết được thực hành tốt nhất có thể, với rất nhiều những yếu tố quá khứ, hiện tại, tương lai được tạo ra và gây ảnh hưởng lên nhau đến từng chi tiết một, không như một phim siêu anh hùng vài tỷ đô nào đó với dàn đạo diễn “tao thích vì tao muốn vậy” phá nát bét lý thuyết du hành thời gian.
*Dĩ nhiên từ phần này trở đi sẽ có spoiler nặng nề*
Cốt truyện chính và nhân vật chính
Cốt truyện chính của CT bắt đầu ở Buổi hội chợ thiên niên kỷ ở Guardia vào năm 1000, khi Crono vô tình va vào một cô gái tên Marle và kết bạn với cô. Crono sau đó dẫn Marle đi xem phát minh mới của nhà Lucca là một cỗ máy teleport! Marle hứng chí muốn thử, nhưng khi vừa bước vào thì vòng đeo cổ của Marle phát sáng và… từ teleport tạo ra cả một cánh cổng xuyên thời gian! Crono xả thân nhảy theo cứu Marle… và lạc đến một vùng đất lạ. Hỏi ra mới biết Crono đã về quá khứ tận 400 năm trước. Nữ hoàng Leene của Guardia khi đó đang mất tích, nhưng Marle lại bị hiểu nhầm là nữ hoàng Leene nên bị đem về lâu đài.
Trong phút chốc, Marle bị biến mất, Lucca kịp quay về quá khứ đã giải thích cho Crono về thân thế của Marle là công chúa Nadia vốn là cháu mấy đời sau của Leene nên nhìn giống hệt, và nếu không cứu nữ hoàng Leene thật sự, Marle có thể sẽ không thể nào tồn tại (như đã thấy). Crono và Lucca tìm hiểu thông tin, và nghe rằng nhà thờ Manolia có gì bí hiểm đã đi vào, phát hiện đây là nơi toàn quái vật ở đã bắt giữ nữ hoàng dưới âm mưu của con quái Yakra. Cũng ở đây, họ gặp hiệp sĩ ếch… Frog. Họ xông vào, phát hiện ra Yakra đã giả làm Đại pháp quan bắt nữ hoàng Leene, chiến đấu và giải cứu pháp quan thật lẫn nữ hoàng, cũng nhờ vậy giúp Marle trở lại. Nhưng Frog lại cho rằng mình không làm tròn bổn phận giúp đỡ nữ hoàng đã từ bỏ tất cả mà sống ẩn trong rừng.
Trớ trêu là khi Crono đưa Marle quay lại lâu đài ở hiện tại, Crono lại bị hiểu lầm là bắt cóc công chúa và bị tống giam (thật ra là có âm mưu hết). Crono trốn thoát được, cùng với Marle và Lucca phát hiện ra một cổng thời gian khác và lạc đến tận tương lai năm 2300, khi thế giới đã tận thế và đổ nát. Cùng với con robot… Robo, họ tìm ra được một tư liệu về ngày tàn của thế giới vào năm 1999 (hà hà, cái vụ Y2K năm nào), khi một thực thể là Lavos đã xuất hiện và hủy diệt thế giới. Cả bốn người cùng nhau nhảy vào cổng thời gian thì lại bị lạc đến The End of Time, khi thời gian đã không còn tồn tại (và làm cái cớ party chỉ có 3 người) để học phép thuật và biết thêm về Lavos. Thú vị là ở đây bạn hoàn toàn có thể nhào vào đánh Lavos luôn ở năm 1999 nếu muốn.
Xuyên suốt chuyến du hành thời gian, họ phát hiện ra Lavos vốn được gọi lên từ năm 600, biết về thanh Masamune nên đã phải di chuyển đến cả 65 triệu năm trước công nguyên để tìm viên Dreamstone giúp Melchior rèn lại Masamune. Cũng nhờ vậy mà họ gặp Ayla và bộ lạc người tiền sử trong cuộc chiến chống lại bọn bò sát thành tinh Reptite (Dù lịch sử loài người mới có hơn vài triệu năm thôi, hmmmm…). Có Dreamstone, họ quay lại hiện tại và rèn được Masamune để chiêu mộ Frog ở năm 600, tiến vào lãnh địa của bọn yêu ma dẫn đầu bởi lãnh chúa Magus và Ozzie đang quấy nhiễu Guardia cũng như đang kêu gọi Lavos phá hủy thế giới.
Chơi thử chrono cross đi cũng hay ko kém đó
Về mặt hình ảnh Field Graphic kể chuyện thì chắc phải một phần cảm ơn Matsuzo Machida
Cảm ơn đã làm những gì tôi không thể làm được là chơi trọn vẹn game này
Xứng đáng game jrpg vĩ đại nhất mọi thời đại
Bài viết hay quá, nghe soundtrack đi ngủ đây
7xvd74