Bad Day L.A. – Kẻ nổi loạn nhầm thời

Khách mới

  

Đầu những năm 2000, khi mà khi mà chúng ta được chứng kiến sự phát triển thần tốc của nền công nghiệp game; song song đấy, các nhà sản xuất phải đối mặt với vấn đề khan hiếm ý tưởng mang tính đột phá. Có quá nhiều trùng lắp ý tưởng giữa các trò chơi cùng thể loại, đặc biệt trong thể loại hành động. May mắn thay,”ông già”lập dị American McGee không thuộc tốp các nhà đạo diễn dễ bị cạn kiệt ý tưởng khi từng thành công với “Alice lạc vào xứ thần tiên”, tự tay xây dựng một thiên đường Scrapland dành cho robot… Với tựa game Bad Day L.A (BDLA), American McGee tiếp tục đưa người chơi trở về thực tại giữa lòng bang Los Angeles (Mỹ) để ra tay giúp đỡ các cư dân đang phải hứng chịu thảm họa của tự nhiên như động đất, sóng thần và những cơn mưa thiên thạch…

Hài hước là yếu tố cốt lõi của game này, nhầm giúp giảm bớt không khí căng thẳng cũng như tăng thêm sức hút trong trò chơi. Ngay cách chọn nhân vật chính cũng toát lên nét dí dỏm, trái ngược hoàn toàn quan niệm là người hùng phải thuộc dạng “vai u thịt bắp”, trí tuệ phi thường,không trang bị vũ khí siêu việt cũng chẳng có phép thuật hay năng lực gì đặc biệt. Người chơi sẽ được nhập vai vào Anthony Williams chỉ là một anh chàng vô gia cư lắm mồm, không có gì ngoài hai bàn tay trắng cùng một mớ kỹ năng mưu sinh góp nhặt sau nhiều năm lăn lộn ở thành phố Los Angeles. Tuy nhiên với cái đầu tinh ranh, đầy mưu mẹo đã giúp gã có thể sống sót sau những trận thảm họa kinh khủng. Trong lúc, hắn đang tìm cách đến chân trời mới, thì trớ trêu thay, cơ hội chưa kịp tới thì Anthony thấy mình mắc kẹt giữa những cơn sóng thần, động đất… và bất đắc dĩ phải ra tay giúp đỡ người bị nạn.

Do đó cũng đừng ngạc nhiên nếu bạn bắt gặp Anthony trong bộ quần áo xộc xệch, hăng hái xông vào căn nhà đang cháy để cứu một đứa bé, trong khi miệng không ngừng rủa thầm khi chẳng may bị bé tè lên người, không ít lần người chơi sẽ nghe Anthony buông tiếng chửi thề vì tốn quá nhiều thời gian mà chưa cứu xong một người nào đó, hay vì quá chậm tay mà nạn nhân đó đã lên đường trước mắt gã.

Chính vì lấy bối cảnh dựa theo thành phố Los Angeles hiện đại, nên BDLA có vài địa điểm được “sao chép” từ các địa danh du lịch nổi tiếng trong thành phố như: bãi biển Venice thơ mộng, phim trường Hollywood, ngọn đồi Beverly Hills… (đã được thay đổi tên để tránh bị trùng với thực tế). Vì rất khó mô phỏng thật chi tiết toàn bộ thành phố nên đồ họa của BDLA được vẽ lại trên nền cel-shading 2D họat họa (tương tự trò chơi XIII). Thật trùng hợp, nhờ ý tưởng này mà game trở nên độc đáo do mang phong cách của một quyển truyện tranh sặc sỡ nhiều màu sắc, giảm màu sắc bạo lực. Mặt khác, việc giảm đi số lượng đa giác đồng nghĩa với việc sẽ có ít lỗi về mô hình hơn, và cấu hình máy không ít thì nhiều cũng trở nên “nhẹ nhàng” hơn ở thời điểm đấy.

Đồng hành với Anthony là cậu bé”zombie”Sick Kid, một cậu bé bị nhiễm bệnh, nhưng thực chất là đặc vụ sinh vật học chính phủ, có khả năng tấn công đối phương bằng cách… nôn mửa(nghe như Spitter vậy <(“) ); Thợ xưởng người Mễ Tây Cơ – Juan hay mắc bệnh đãng, chuyên sử dụng cưa máy rất phù hợp khi chiến đấu với zombie; Beverly, một ngôi sao Hollywood không khác gì bản sao của nữ minh tinh Paris Hilton, luôn bị ám ảnh về thời trang, sắc đẹp và thèm khát một chuyến đi nghỉ mát tại Hawaii có khả năng huấn luyện chó; Sergent, một viên chỉ huy quân đội cường tráng, mang vóc dáng đồ sộ và luôn trích dẫn những lời phát biểu của Tổng thống Mỹ George W. Bush, thuộc tuýp nhân vật thích sử dụng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề phát sinh, có khả năng dụ hàng đối phương. Trong mỗi màn, người chơi chỉ có thể chọn một nhân vật đi chung. Nếu chọn đúng, nhân vật này sẽ giúp bạn vượt qua nhiệm vụ rất nhanh chóng.

Trong khi các tựa game hành động phiêu lưu đưa bạn vào lối mòn bắt người chơi phải trang bị thật nhiều loại vũ khí và tìm mọi cách hạ gục đối phương, thì BDLA lại đưa mô-típ này xuống hàng thứ cấp và đẩy nhiệm vụ cứu người lên hàng đầu với hệ thống karma độc đáo(chắc hẳn những ai từng chơi Fallout sẽ biết đến hệ thống này). Do vẫn thuộc dạng game hành động nên không thể không có các đối thủ, cho dù chúng chỉ mang tính “điểm xuyết” cho nhiệm vụ cứu người cao cả. Tất nhiên đối phương của bạn ở đây không phải là thiên tai, mà là những tên cướp có vũ trang, khủng bố, tù nhân vượt ngục và những thây ma di động. Nhìn chung gameplay khá là đơn giản, không phức tạp, bạn chỉ việc di chuyển từ nơi này sang nơi khác, chạy nhảy, bắn, và sử dụng đồ vật. Thỉnh thoảng bạn sẽ được tiếp cận hàng”nóng”bắn xả sướng tay lên kẻ thù như xe tank, HMG, Rocket, etc,… Tuy nhiên, đây không phải là game bắn súng đơn thuần, Thay vì phải cầm vũ khí chạy vòng vòng tiêu diệt kẻ địch thì trong tay người chơi chỉ là những vật dụng thông thường trong cuộc sống hàng ngày như: bình chữa cháy, bông băng, ống nước, v.v.. Và trên đường thoát thân khỏi những thảm họa đang dí sát sau lưng, Anthony phải dùng những vật dụng đó để cứu giúp các nạn nhân đang hốt hoảng la hét inh ỏi dọc đường. Mỗi vật dụng có một công dụng cấp cứu riêng như: bông băng để chữa thương, bình cứu hỏa để dập tắt các đám cháy hoặc xịt thẳng vào mặt zombie để… chúng trở lại thành người bình thường. Ngoài ra, còn có các món đồ trợ giúp khác như túi thức ăn nhanh McDonald để hồi phục máu,”tạp chí”có công dụng tăng gấp đôi lượng máu của Anthony trong thời gian ngắn.

Hệ thống nhiệm vụ rất đơn giản, khá đa dạng, độc đáo và đậm chất hài hước như game yêu cầu người chơi phải nhảy rầm rầm lên ngực của một người đàn ông đang lên cơn đau tim để giúp nhịp tim ông ta trở lại bình thường. Nhiệm vụ trông thì đơn giản nhưng trong game mọi chuyện phức tạp hơn rất nhiều, do người chơi còn phải tìm cách né tránh các tai họa đến từ khắp nơi. Đi trên đường thì có nguy cơ giẫm lên các bãi chất độc nguy hiểm, không cẩn thận còn có thể bị xe hơi tông trúng, thiên thạch va vào đầu, chưa kể đến việc có thể bị trúng đạn của bọn cướp nhà băng, thậm chí những cư dân trong tâm trạng hoảng loạn cũng có thể ném lon, gạch đá về phía người chơi. Cũng may, các thảm họa không dồn lại một lần mà được phân ra thành nhiều màn. Có tất cả 10 màn tương ứng với những thảm họa khác nhau. Đầu mỗi màn, game sẽ chiếu đoạn phim giới thiệu trước nhằm minh họa sức công phá của chúng mãnh liệt như thế nào. Từ tai nạn tàu điện ngầm cho đến sóng thần, từ ăn cướp cho đến khủng bố, tất cả đều đem lại cho người chơi những thử thách hấp dẫn.

Hệ thống NPC khá đồ sộ ở thời điểm đó, 120 nhân vật khác nhau, để biểu đạt các trạng thái tình cảm: giận dữ, sợ hãi, kích động, la ó…, đảm bảo đem lại cho người chơi tâm trạng như lạc giữa một đám đông hoảng loạn thực sự.

Âm thanh cũng tạo nên điểm nhấn khác lạ ở BDLA, bởi nó tạo được không khí hỗn loạn cần có ở thảm họa. Âm nhạc nhẹ nhàng, mang tính châm biến vì luôn”lạc trôi”với hoàn cảnh trong game. Tuy nhiên chất lượng lồng tiếng khá là tệ, không thể thể hiện được cảm xúc, tính cách của nhân vật, không tạo được điểm nhấn.

Khuyết điểm lớn nhất trong game là hệ thống AI rất í ẹ, địch ngu, đồng đội … ngu nốt và nhiều lúc gây ức chế cho người chơi. Mỗi lần người chơi được phép điều khiển hai nhân vật thì y như rằng hai nhân vật này phối hợp không ăn ý với nhau, rất dễ khiến người chơi rơi vào thế bí, nếu không muốn bị tiêu diệt hết thì chỉ có cách thay đổi qua lại hai nhân vật liên tục, lâu dần sẽ khiến người chơi mệt mỏi và mau chán, dẫn đến giá trị chơi lại của game xuống thấp cực độ. Hay những lúc mình”xịt”zombie trở thành người dân, những người dân này sẽ quay lại, tuy nhiên AI quá ngu nên sẽ dễ dàng ngay lập tức trở lại thành zombie, gây khó chịu cho người chơi; hoặc người dân chạy toán loạn dễ khiến người chơi bắn”nhầm”.

Nhìn chung, lời thoại của Anthony đều rất vui nhộn, phù hợp với tiêu chuẩn hài hước đặc trưng của nhà sản xuất, mà nếu người chơi chịu để ý thì Anthony luôn phàn nàn tất cả mọi thứ trong game. Ngoài ra, vì sự hài hước cũng là yếu tố chủ đạo, cho nên xuyên suốt 10 màn chơi của game, người chơi sẽ thấy thích thú khi khám phá những trò châm biếm của tác giả được lồng vào đôi khi khéo léo, có lúc lộ liễu nhằm giễu cợt những nhân vật nổi tiếng, cứ sau mỗi màn chơi thì người chơi sẽ cứu được một nhân vật và họ sẽ đi theo người chơi để giúp đỡ(thực chất gây thêm phiền toái thì đúng hơn). Tuy nhiên vì khuyết điểm quá lớn, công với ý tưởng đi ngược với chuẩn mực xu hướng game bấy giờ, BDLA bị chỉ trích thậm tệ từ phía nhà phê bình lẫn người chơi trái ngược hoàn toàn với các đồng sự: Scrapland, Alice, Quake, Doom.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện