Một bài review về series Light Novel có tựa là “Cô Gái Văn Chương”

Khách mới

  

Trước khi mọi người đọc bài viết này, tui chỉ muốn khen ADMIN ĐĂNG BÔNG ĐẸP TRAI VÀ VÔ CÙNG DỄ THƯƠNG, có gương mặt phúc hậu (chữ thường là nói thật) và một vài chú ý nho nhỏ (hay gọi là lan man) đáng-lẽ-không-nên-có-ở-đây:

  1. Người viết (tui nè) nghĩ rằng đây là bài về light novel đầu tiên trên HSBT, nên lượng kinh nghiệm thu thập được các tiền bối khác trong việc viết về thể loại này rất ít, vậy nên sai lầm là điều không thể tránh khỏi.
  2. Người viết không có chuyên môn văn học, ban đầu admin hối tui viết bài gì đấy về anime và manga, nhưng cuối cùng không có ý tưởng gì nên tui đánh võng sang Light Novel (thế mà trên web ghi viết lúc nào cũng được, CHẠY NGAY ĐI MẤY BẠN).
  3. Bài viết này không dành cho các bạn kì thị weeaboo (ngay cả tui khi viết cũng nổi da gà đôi ba lần).

Kết thúc phần lan man, giờ tui muốn đi tới bài viết rì viu về series Light Novel đầu tiên của tui, cũng là về series Light Novel đầu tiên tui từng đọc, với một tựa đề cũng rất “gì và này nọ”: Bungaku Shoujo – Cô Gái Văn Chương (từ giờ đến cuối bài viết sẽ viết tắt là CGVC).

Cần nói sơ qua trước, CGVC được sáng tác bởi Nomura Mizuki, đã có bản manga và vài tập anime cho riêng mình (tui có nghe đồn về live action nhưng tới giờ vẫn chưa biết gì về nó). CGVC được dịch ra tiếng Việt bởi Runan và một số tập được dịch bởi Vũ Phương Anh, phát hành ở Việt Nam bởi nhà xuất bản Văn Học (riêng tập cuối trong series được phát hành bởi NXB Hà Nội). Bộ truyện gồm có 8 tập chính với 4 tập phụ sau khi mạch truyện chính kết thúc, và một vài tập truyện ngắn “Tuyển tập tình yêu”. Bài viết sau đây chỉ đề cập đến 8 tập đầu.

1. Tóm tắt cốt truyện

Inoue Konoha

Tám quyển đầu là câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là Inoue Konoha và Amano Tooko. Thời sơ trung của Konoha vô cùng bình thường, có gia đình, bạn bè, crush. Mọi thứ tưởng chừng sẽ trôi qua êm đềm như thế, bỗng một ngày anh và crush của mình (Asakura Miu, tên đẹp :b) quyết định thi viết ra một câu chuyện và gửi nó tới cuộc thi “Sáng tác của năm dành cho tác giả nghiệp dư”. Và Inoue Konoha, bằng sự ngưỡng mộ của mình dành cho Miu, đã viết ra một câu chuyện phỏng theo mối quan hệ của anh và Miu ở ngoài đời thật. Và bằng tài năng của mình, anh đã giành được giải Vàng của cuộc thi đó. Và câu chuyện của anh được hàng nghìn người yêu quý, hâm mộ đến mức nó được phát triển thành manga, anime, live action và thu về cho anh một khoản nhuận bút cũng to không kém.

Miu vì ghen tị với Konoha (Miu không phải tốt lành gì đâu nhé, sau này đọc sẽ biết), và biết rằng Konoha dễ bị tổn thương, cô đã tự tử trước mắt Konoha để làm trái tim anh tan vỡ (ba chấm, nhưng sau này tập 5 có giải thích, và tui nghĩ lí do này có thể chấp nhận được). Trước cảnh tượng khủng khiếp đó, cộng với việc bị dồn nén áp lực từ NXB và người hâm mộ để nhanh chóng ra tác phẩm mới, bị nhầm lẫn là con gái (vì để bút danh nữ tính: “Inoue Miu”), Konoha đã giam mình lại trong phòng, chối bỏ tác phẩm của chính mình và tự hứa rằng sẽ không bao giờ viết nữa.

Amano Tooko. Xinh nhỉ?

Ở một chiều hướng khác, Amano Tooko, một học sinh cao trung khi ấy, “một người yêu sách đến-mức-có-thể-ăn-tươi-nuốt-sống những tác phẩm văn học”, vô cùng yêu thích tác phẩm của Amano vì nó gợi nhớ về những ngày mà mẹ chị viết những mẩu truyện ngắn làm “bữa sáng” cho chị ấy và bố, đã quyết định cố gắng liên lạc với NXB và “mồi chài” Konoha viết tác phẩm tiếp theo. Amano Tooko nhận được thông tin từ chú của mình – một nhà biên tập cũ của Konoha, rằng anh sắp quay trở lại học cao trung và ngẫu nhiên thay, chung trường với chị. Tooko đưa ra một quyết định, đó là cố tình để Konoha thấy được rằng khả năng (hay lời nguyền hay gì đấy) ăn sách và từ đó ép buộc cậu tham gia CLB Văn Học mà chị làm chủ – và cái CLB ấy chỉ có 2 người (tính cả Konoha) – để mỗi ngày được thưởng thức những câu chuyện tam đề (là một câu chuyện được viết dựa trên 3 chủ đề được cho sẵn từ trước) do Konoha viết. Từ đây các cuộc phiêu l… – à nhầm giải mã bí ẩn thì đúng hơn – của chị và Konoha bắt đầu.

Bốn quyển sau của series CGVC thì kể về tương lai sau khi câu chuyện giữa Tooko và Konoha kết thúc. Trong đó 3 quyển sẽ là về Hinosaka Nano – một cô bé mới vào trường vô tình crush Konoha và quyết tâm tham gia CLB Văn học để tán tỉnh anh (tập cuối của series 3 phần này, nói thật, sặc mùi weeaboo và có phần hơi… ba chấm), và CLB Văn Học lại tiếp tục vướng vào những mớ rắc rối và bí ẩn khác. Còn tập cuối cùng kể về một câu chuyện tương lai khi mà Tooko đã trở thành một nhà biên tập và một chút fan service của tác giả khi đề cập tới việc Tooko cưới Konoha nhưng không miêu tả rõ cảnh này.

2. Những thứ khác không bao gồm tóm tắt cốt truyện

“Tác phẩm mới của Nomura Mizuki lấy bối cảnh học đường pha chút hài hước và bí ẩn, một câu chuyện nhẹ nhàng tan ra trong miệng, với chút vị đắng đọng lại trên đầu lưỡi xin được phép bắt đầu!” – Trích từ mặt sau của mỗi tập truyện

Chuyến tàu đêm trên dải ngân hà, quyển sách được Mizuki lấy cảm hứng cho tập 5 – “Cô gái văn chương và Người hành hương than khóc”

Được rồi, sau khi đã qua cốt truyện sặc mùi weeaboo khiến-tui-nổi-da-gà mấy lần này, tui muốn nói về phong cách độc đáo của Nomura Mizuki trong xuyên suốt cả series. Đó là với mỗi tập truyện trong CGVC, chúng ta sẽ có một (hay đôi lúc là hai) tác phẩm văn học gắn liền với nó. Tức là những câu chuyện của Nomura Mizuki cũng giống như những câu chuyện tam đề mà câu chuyện sẽ được phát triển xoay quanh các tác phẩm văn học Nhật Bản và thế giới mà các bạn sẽ biết là tác phẩm nào trong quá trình đọc :b. Một số tác phẩm đã được Nomura sử dụng như nguồn tham khảo có thể kể đến như: Đồi gió hú – Emily Brontë, Bóng ma trong nhà hát – Gaston Leroux, Mất tư cách làm người – Dazai Osamu (truyện này hiện đã có ở Việt Nam với cái tên Thất lạc cõi người), Chuyến tàu đêm trên dải ngân hà – Kenji Miyazawa

Có một số người sẽ xem việc này như là “copy” ý tưởng một cách gián tiếp, không tự sáng tạo được cốt truyện riêng cho bản thân, nghèo ý tưởng,… Nhưng tui sẽ trả lời là không. Trong câu chuyện của Nomura Mizuki, dù bạn có thể biết được rằng nó dựa trên tác phẩm văn học nào, bạn sẽ không bao giờ có thể đoán trước được câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Vì câu chuyện của cô luôn chứa ít nhất một plot twist không ở chỗ này thì cũng ở chỗ kia, làm mạch truyện dường như trở nên khó đoán và hấp dẫn hơn. Và khi ta tưởng rằng ta có thể đoán được rồi thì Mizuki lại tiếp tục “tổ lái” thêm lần nữa, làm cho tui cũng sốc toàn tập và cũng chả biết nói gì với một câu chuyện.

Backstory của nhân vật, một yếu tố sẽ làm tăng phần nào giá trị của tác phẩm (kể cả game) trong tui.

Về mặt xây dựng nhân vật trong CGVC, tui cũng thực sự đánh giá cao khi mà mỗi nhân vật trong tác phẩm không hề xuất hiện để “cho vui”. Khi một nhân vật nào đấy với một cái tên hẳn hoi xuất hiện, không sớm thì muộn, quá khứ của họ sẽ dần được phơi bày qua nét bút của Nomura Mizuki. Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai, tạo nên những động cơ khác nhau dẫn đến hành động của họ. Mizuki đã rất chú tâm khai thác vào mảng này, để nhằm cho người đọc hiểu rằng họ không cố tình làm như vậy, chỉ là hoàn cảnh đưa đẩy họ mà thôi. Và việc hé lộ quá khứ này được thể hiện thông qua các đoạn văn in đậm xen giữa vào mạch truyện, nhưng không hề hé lộ cho chúng ta đoạn văn này đang nói về ai và ta chỉ có thể đoán mò.

Chỉ tới khi tới cuối tác phẩm, ta mới biết được chủ nhân của những backstory này và điều đó vô tình kích thích tui đọc lại tác phẩm từ đầu để có thể hiểu rõ hơn hơn nữa về cái nhân vật được nói đến ấy. Chỉ tiếc là những backstory này vẫn còn một hạn chế, đó là nó hơi bị “ảo tưởng”. Thật sự những backstory do Nomura Mizuki tạo ra cái nào cái nấy đều rất gì gì đó đó mà tui chả thể nào diễn tả nỗi. Ừ thì chắc là những hoàn cảnh đặc biệt trong câu chuyện này cũng có tồn tại ở thế giới thật đấy, nhưng mà quá nhiều backstory như vậy mà lại hội tụ trong cùng một ngôi trường thì tui chỉ có thể diễn tả bằng một cụm từ (xin lỗi trước, không có ý kì thị gì): “Sặc mùi weeaboo”.

Có lần Tooko đã so sánh câu chuyện của Konoha về ba đề tài: “lửa trại”, “tuần lộc” và “thi ăn nhanh” của cậu giống như một chiếc bánh Tart


Một nét thú vị khác của Mizuki là cách cô xây dựng nhân vật Tooko theo đúng nghĩa “cô gái văn chương” thật sự. Ở đâu chị cũng nói về văn chương và luôn đề cập dù ít dù nhiều đến các tác phẩm văn học trong mỗi đoạn hội thoại. Và đôi lúc, đọc lời nói của chị giống như là đọc một bài phân tích nhỏ, trong đó có đầy đủ tất cả các thông tin về tác giả cũng như tiểu sử của họ, đi kèm với việc tóm tắt cốt truyện của tác phẩm chị đang nói tới và phân tích nó theo kiểu… đồ ăn :b. Như đã có đề cập ở trên, Tooko là một người chỉ có thể ăn sách. Nếu ăn đồ ăn như người bình thường, chị sẽ không thể cảm nhận được mùi vị gì cả. Tooko chỉ “nghe” được mùi vị của món ăn như thế nào qua những lời mẹ kể hồi còn bé. Và sau này, Tooko sử dụng những “mùi vị nghe được” đó để diễn tả cho Konoha (cũng như người đọc) những cảm xúc của bản thân về tác phẩm mà chị đang nói tới.

Việc này vô hình chung vừa có tác dụng kích thích vị giác, vừa làm cho người đọc hiểu khái quát được tác phẩm đó sẽ diễn ra theo xu hướng như thế nào và cũng tạo nên một nét độc đáo cho Tooko – “cô gái văn chương”, rằng chị không hoàn toàn cảm nhận một quyển sách theo nghĩa thông thường, mà chị còn cảm nhận chúng trên đầu lưỡi. Những câu chuyện vui tươi đối với Tooko sẽ có vị khoan khoái và tươi mới, những câu chuyện tình cảm thì sẽ có vị bánh xốp ngọt lịm, và với những câu chuyện bi kịch thì với chị sẽ có vị đắng, hoặc cay đến giàn giụa nước mắt, làm cho tui cảm thấy được đây chính là “mộtt người yêu sách đến-mức-có-thể-ăn-tươi-nuốt-sống những tác phẩm văn học” thực thụ.

Ngoài ra, Tooko còn sử dụng những kiến thức về văn chương của mình để nói lí lẽ, khuyên nhủ một người nào khác (mà sẽ xảy ra rất nhiều trong xuyên suốt 8 tập), hay gọi với cái tên dân dã hơn là “thông não chi thuật”, mà đôi khi làm tui cảm thấy… xấu hổ (ai trên cái thế giới này mà lại đi xài văn học để thông não người khác hả trời?).

Về điểm tui không thích ở tác phẩm thì tiêu biểu là do tác phẩm này – một lần nữa nhắc lại – “sặc mùi weeaboo”. Đến đây tui muốn đính chính lại, rằng mùi weeaboo ở trong tác phẩm này đến từ sự phi lí đến mức không thể nào chấp nhận được. Một ngôi trường mà ở đó hội tụ toàn những người có hoàn cảnh đặc biệt: có crush tự tử, có khả năng ăn giấy, một cô bé có xu hướng khá là… weird, một tsundere với một người bạn bỗng nhiên biến mất, một tiểu thư nhà giàu thích tìm sự mới lạ,… Và rất, rất nhiều những nhân vật như thế xuyên suốt trong cả 12 tập truyện.

Tất nhiên tui không nói rằng những chi tiết phi thực tế này là đáng bị kì thị. Vì lẽ dĩ nhiên rằng có rất nhiều bộ LN/manga/anime khác cũng phi lí không kém. Nhưng chỉ khi bạn đọc vào, và tưởng tượng những chi tiết này đan xen với đời thực, bạn mới thấy có một thứ cảm xúc kì dị tràn vào bản thân, khiến bạn phải đóng quyển sách lại, tự nhủ “mình đang đọc cái quái gì thế này” và tịnh tâm một lát mới có thể đọc tiếp.

Và điểm thứ hai khiến tui không thích nằm ở lối hành văn của dịch giả (tui cũng chả biết bản tiếng Nhật ra thế nào, nên đây là tui đang nói trên bản tiếng Việt). Nó thật sự có phần hơi lủng củng mà bạn sẽ không thể nào gặp được ở bất kì một quyển sách nào khác (chí ít là cho tới bây giờ với tui). Nhưng bỏ qua nó và tập làm quen với CGVC thì bạn cũng có thể thấy được rằng đây là một bộ truyện “khá” ở một mức độ nào đấy (ngay cả với tui cũng không dám nói là nó hay đâu, cái này THỰC SỰ tùy thuộc vào mỗi người).

Tác phẩm Cô Gái Văn Chương của Nomura Mizuki với những chi tiết có phần hơi “lạ lùng và ảo tưởng”, nhưng bù đắp cho nó là nghệ thuật thắt nút và mở nút trong cốt truyện giúp người đọc cảm thấy hồi hộp, lúc tưởng chừng như ta đã bắt được nó thì hóa ra lại chưa. Dù nó có phần hơi “lạ lùng và ảo tưởng” như thế, nhưng theo tui nghĩ thì, mọi thứ cũng sẽ trở nên rất hợp tình hợp lí khi chúng ta chạm tới đoạn kết của câu chuyện. Cộng thêm với việc miêu tả các tác phẩm văn học bằng các món ăn thì theo tui không phải ai cũng có thể làm được đâu :b. Nếu bạn đang rảnh rỗi và muốn tìm một hương vị mới trong hàng ngàn các tác phẩm “na ná nhau” trên thị trường, Cô Gái Văn Chương chắc chắn sẽ là một lựa chọn không tồi, và có khi bạn sẽ yêu thích nó đấy.


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly

  • Không Hy Vọng - 01.12.2019

    “Cô gái văn chương” cũng khá hay dù đây không phải là thể loại tôi thích. Btw, lâu lắm mới có vài bài về LN nên tôi cũng hóng UwU


  • Thua Thanh Tuan - 01.12.2019

    Mong Moytra có thêm nhiều bài bên lề như LN này nữa. Cho tui hỏi ý kiến về “Tiệm sách cũ Biblia” được không?


    • Moytra - 01.12.2019

      Uhmmm…. Tui mới đọc tập 1 của series này thôi :b dạo này ko có thời gian cho LN nhiều. Nhưng ý kiến cá nhân nè: CGVC và Biblia là những tựa sách đều giống nhau về vụ “phiêu lưu”, nhưng nếu nói CGVC như một quyển sách đầy táo bạo thì Bi lia lại mang một xu hướng “cổ kính”, nếu CGVC đầy tính weeaboo thì Biblia lại có phần khá thực tế :b
      Nhưng tóm lại là tớ chưa đọc nhiều nên tớ ko viết đc nhé (sorry). Bù lại tớ sẽ viết 1 bài tiếp theo về 1 bộ manga mà tớ gọi là “thủy tổ của Isekai” (mặc dù ko biết nó có phải là “thủy tổ” hay không :b)