Không, chắc chắn đây không phải là câu chuyện về Ngự đệ chàng ơi từ Đông Thổ đại đường sang Tây trúc thỉnh kinh luôn chửi bọn yêu quái cha mi ngu mà giờ vẫn thấy trên VTV2 đâu. Mà là về một soái ca khác tuổi thơ cưỡi bạch mã phượt khắp miền Tây cơ. Tên chàng là Lucky Luke với biệt danh kẻ bắn nhanh hơn cái bóng của chính mình.
Sẽ thế nào khi nhắc về Lucky Luke nhỉ, với tôi là mường tượng ra ngay một khung cảnh như trên, thong dong yên ngựa tiến về phía xa xa nơi thiên nhiên miền Tây hùng vĩ đang được nhuộm lên sắc đỏ vàng của hoàng hôn. Tôi tưởng tượng rằng anh sẽ nhả từng đợt khói nhè nhẹ, hắng giọng hát câu quen thuộc, hai tay giữ chắc yên ngựa tiến về trước một cách từ từ, để lại một khung cảnh ngầu hơn bao giờ hết. Với tôi nó giống như kiểu Altair quay mặt lại nở nụ cười mà hòa vào dòng tu sĩ, Agent 47 phủi sạch quần áo, đàng hoàng tiến về lối ra, khuôn mặt vẫn nghiêm nghị không cảm xúc mặc kệ phía trong đang nháo nhào về một vụ tai nạn đã được lên kịch bản từ trước.
Lucky Luke cưỡi ngựa đi về hoàng hôn.
Hoàng hôn, hay chiều tà luôn đem lại cho chúng ta một cái cảm giác gì đó rất khó tả, nó cảm giác như sau một ngày dài ta thấy vui vì mọi thứ đã qua và sắp được nghỉ ngơi, thế nhưng chợt nhận ra mình chưa thể làm được gì nhiều hay mọi thứ sẽ vẫn đến vào ngày mai. Nó kết thúc một cách trang hoàng và lộng lẫy, chứng kiến cái chết dần của mặt trời để nhường lại một màn đêm êm dịu và lấp lánh. Hoàng hôn luôn cho tôi một cảm giác thi vị, có gì đó vui vui nhưng lại pha lẫn nét đượm buồn. Hoàng hôn với tôi cũng là lúc ba chân bốn cẳng chạy về nhà sau giờ học, bật VTV3 và tận hưởng những giây phút thi vị và đắm chìm cảm xúc ấy. Tôi ngồi xem Lucky Luke mà không dám bỏ lỡ một giây phút nào, từ những đoạn nhạc mở đầu cho đến kết thúc phim nên có lẽ cái hình ảnh này cứ thế mà in đậm mãi về sau. Có thể coi như tôi đang tận hưởng ánh hoàng hôn trong ánh hoàng hôn cũng được nhỉ.
Cái kết của mỗi tập phim vẫn không hề thay đổi. Chàng Lucky LuKe của chúng ta tiến về phía xa dưới ánh hoàng hôn để thư giãn sau những gì đã trải qua, từ việc các ông bợm gây nhau ở quán rượu, người da đỏ chạy nhảy hú hét cầu mưa cho đến việc gặp tứ quái vượt ngục có trí thông minh tỉ lệ nghịch với chiều cao mà ai cũng biết là ai ấy. Có một nét gì đó trầm buồn, có chút gì đó cô quạnh phảng phất nhưng lại đen xen những giây phút thi vị. Anh chàng sẽ đi về phía xa, sẽ lại đặt chân đến vùng đất mới, sẽ lại là một hành trình đầy thú vị nữa, sẽ tạm thời chia tay anh ấy thôi rồi ngày mai ta lại gặp nhau lần nữa.
Hành trình Tây du
Nhắm mắt tôi thấy thiên nhiên, thấy đường ray xe lửa, những gã cao bồi, còn bạn thì sao
Miền Tây của xứ cờ Hoa luôn là một đề tài bất tận từ phim ảnh đến thơ ca nhạc họa. Nghĩ đến miền Tây là nghĩ ngay tới bản nhạc huyền thoại của bộ phim The good, the bad and the ugly, mường tượng ra ngay một nơi đầy nắng gió, sa mạc và đồi núi, nơi những người da đỏ sinh sống, nơi bước chân ngựa dồn dập, tiếng xe lửa rền vang không dứt và tiếng súng không một chút nào nghỉ ngơi. Miền Tây luôn hiện hữu trong mắt tôi là những chuyến hành trình dài bất tận, là chuyến đi tìm công chúa của Thành Long trong Shanghai Noon, nơi vó ngựa không dứt của những tay cao bồi cô độc tìm đến với nhau trong The Magnificent Seven hay những cảnh vật biểu tượng dù thế nào cũng không đổi trong Logan, nơi anh và Laura cùng giáo sư X đi tìm sự bình yên. Với game thì không có gì khác ngoài Red Dead Redemption khi Rockstar luôn làm nên một thế giới chân thực và tàn nhẫn, rong ruổi trên những con đường, phân vân đấu tranh giữa các lựa chọn đạo đức hoặc trong Assassin’Creed III tôi cảm nhận được cách sống, tính cách, linh hồn của con người da đỏ thông qua hành trình trưởng thành, phiêu lưu của anh chàng Ratonhnhaké:ton. Nơi đây tàn nhẫn và khắc nghiệt về khí hậu, thời tiết, nơi nằm ngoài luật pháp hay sự hiện hữu của nó ở đây thật mỏng manh. Mỗi tấc đất, ngọn cỏ đều có bóng dáng những người du mục. Bóng dáng xe lửa đêm ngày nhưng vẫn chưa cứu vẫn tình thế hỗn loạn nơi đây. Nơi nói chuyện với nhau bằng những khẩu súng, cướp bóc, phân biệt chủng tộc, rối ren và bạo loạn. Nơi đây con người du mục phải mạnh mẽ, tay nắm chặt súng để bảo vệ bản thân và gia đình, nơi những người da đỏ bảo vệ từng tấc đất của quê hương
Còn miền Tây trong Lucky Luke thì sao, vẫn là một chuyến hành trình bất tận của anh chàng cao bồi, vẫn luôn hiện hữu những rắc rối, vẫn là sự bất đồng giữa người da trắng và da đỏ, các chuyến cướp xe lửa, ngân hàng, sự yếu kém của chính phủ trong việc ngăn chặn những tên cướp hay hình ảnh những kẻ tự cho mình là cao bồi lại say xỉn và đánh nhau. Tất nhiên mọi thứ được tiết chế lại dưới góc độ hài hước mà mãi sau này khi có điều kiện tiếp cận truyện tranh này, tôi mới cảm nhận được.
Và soái ca cưỡi bạch mã…
Giữa một thời kì rối ren và loạn lạc như thế con người phải tự mạnh mẽ lên mà đối chọi. Những gã cao bồi trên yên ngựa sẽ phải làm gì để sống. Họ có thể trở thành những tên cướp man rợ, sống bất cần không tuôn theo luật pháp, những tên săn tiền thưởng làm việc vì đồng tiền bất chấp đạo đức hay làm kiếp du mục đúng như những gì cái tên cao bồi có thể giải nghĩa. Soái ca cưỡi bạch mã của chúng ta là như thế. Trên yên ngựa tiến về miền Tây xa xôi, có lúc anh giúp ảnh sát bắt những tên cướp, có lúc anh đứng ra giải quyết bất đồng giữa người da trắng và da đỏ, lắm lúc lại ngồi cạnh già làng mà nghe ông kể về những thứ thay đổi nơi đây, liệu những sự tiện nghi, tiến bộ của những kẻ mang danh tư bản mang đến có giúp ích gì cho mảnh đất này.
Anh đứng ngoài cuộc vui của những kẻ say xỉn tự xưng cao bồi, vẫn lặng lẽ bước vào quán rượu, điềm nhiên gọi cho mình một ly siro chanh bạc hà và tận hưởng, anh không tham gia vào những cuộc sát phạt đỏ đen hay làm nô lệ cho đồng tiền trong những lần săn bắt tội phạm. Với anh là niềm vui thú rảo bước qua các vùng đất, nơi mỗi dấu chân ngựa anh đi là những vấn đề, rắc rối nhưng được thể hiện một cách hài hước và dí dỏm. Mà mỗi khi kết thúc những rắc rối hay sự kiện gì đó, trong lúc mọi người tổ chức các bữa tiệc ăn mừng hay các màn cảm ơn hoành tráng thì anh lại rời đi một cách âm thầm mà tiến về phía xa.
Anh là một sự khác biệt ở cái nơi hỗn loạn như thế này, là hình tượng tiêu biểu cho những anh hùng thầm lặng nơi yên ngựa, không phô trương, không nhiều lời, thoải mái sống theo cách riêng của mình, độc hành trên những con đường, khi xong việc sẽ lại phiêu du về miền Tây hoang sơ ấy. Có lẽ vì vậy mà tôi thấy anh đặc biệt, thấy anh cao cả và thích lắm những lúc anh lặng lẽ một mình với chú ngựa Jolly hay thư thái ngồi nói chuyện với các già làng người da đỏ mà mặc kệ những nơi ồn ào như thế. Không phải ngẫu nhiên mà những người da đỏ tôn trọng anh, cảnh sát vui mừng khi thấy anh xuất hiện, những tên tội phạm cảm thấy run rợ khi đối diện, người dân cảm giác yên tâm khi có anh ở bên. Với tài năng và danh tiếng ấy anh có thể giàu có chứ, nhưng không, anh vẫn ung dung tự tại không màng vật chất, thoải mái mà cất tiếng hát, mà rảo bước trên những cung đường. “Ta là gã cao bồi nghèo đơn độc, phiêu du trên những con đường xa xa”