Factorio: Nhà máy của sự hoàn hảo

Khách mới

  

Thị trường game ngày nay thì muôn màu muôn vẻ nhưng mình xin được chia làm hai dạng là: game phổ thông nhiều người chơi, nơi để người ta so kĩ năng hay so đồ giàu (LoL, Dota 2, PUBG, Hearthstone……..) và game mang thiên hướng cá nhân, nơi mà sự cảm nhận được đặt lên hàng đầu đi kèm với những đặc điểm riêng về sở thích, cá tính hay nghề nghiệp của mỗi người. Với một sinh viên IT như mình – một dạng “dị nhân” làm bạn với đống code vô vị cả ngày, người mà những tư tưởng về các thể loại “hệ thống dữ liệu”, “lập trình hướng đối tượng” hay về một thứ đau não nào khác cũng có sở thích chơi game khá riêng. Và siêu phẩm của lòng mình chính là tựa game xây dựng nhà máy Factorio.

Factorio là một sản phẩm của Wube Software LTD ra mắt năm 2012 với đánh giá Overwhelmingly Positive trên Steam cùng những lời khen nức nở của các “bô lão” đã dành hàng nghìn giờ chơi con game này. Nó nhanh chóng rơi vào mắt xanh của mình với các tag “Base Building”, “Resource Management”, “Crafting” vì vốn là một fan của dòng xây dựng và sinh tồn qua các con game như Minecraft, Terraria, Rimworld hay Oxygen Not Included được anh Đăng Bông giới thiệu trước đây.

Cái nhìn ban đầu không mấy ấn tượng

Đập vào mắt mình và bạn ngay từ khi mới tiếp xúc với Factorio chính là nền đồ hoạ “tân tiến” từ khoảng một hai thập niên trước, lại còn sử dụng cái gam màu nâu đất tối tâm, phong cách hoạt ảnh kiểu Diablo những năm 99 – 2000, cái nhìn ban đầu là không thể nào sáng sủa hơn với một con game thập kỷ 20xx như thế này. Mình đã định là skip ngay và luôn vì mắt mình đã đủ tèm nhèm với đống code vừa đánh, mình không muốn phải giải trí bằng thứ đồ hoạ “đẹp đẽ” kia. Nhưng nhìn những đánh giá vô cùng ấn tượng trên Steam làm mình rất tò mò.

Phong cách đồ hoạ cũ kĩ đang dần quay lại ? 

Thêm một điểm trừ nữa mà đến tận giờ mình vẫn không đánh giá cao đó phần cốt truyện của game thật sự khá nghèo nàn đến nỗi mình không biết là nhà sản xuất có thực sự nghiêm túc viết cho nó một cốt truyện hoàn chỉnh hay không, cho nên tiếc là mình sẽ không thể luyên thuyên về những diễn biến hấp dẫn hay tình tiết gay cấn sẽ xảy ra trong cái game này. Thứ duy nhất giúp người chơi hiểu được chuyện gì đang diễn ra chính là một đoạn giới thiêu ngắn gọn:

“Sau khi tai nạn xảy ra, bạn rơi xuống hành tinh này và giờ bạn phải khám phá xung quanh, khai thác nguồn tài nguyên và tự động hoá việc sản xuất những vật phẩm cần thiết để sống sót”.

Tai nạn ở đây là rơi tàu vũ trụ xuống một hành tinh có tên là Nauvis, bạn rơi xuống đây trong bộ dạng một Thợ đào mõ (thật ra là Kĩ sư). Bối cảnh game là một bán hoang mạc vắng vẻ và rộng lớn với vài tán cây lưa thưa cùng các bãi tài nguyên nằm rải rác, một bối cảnh khá thường thấy ở các game lấy chủ để ngoài vũ trụ. Bản thân mình luôn muốn các game về chủ đề này xây dựng bối cảnh như thế hơn là kiểu một thành phố công nghệ cao. Đối với một nơi chưa từng được con người chạm đến trong thưc tế thì mình vẫn thích miêu tả vũ trụ ngoài kia là một nơi hoang sơ, bí ẩn và đầy nguy hiểm, cũng là lý do vì sao mà mình yêu thích Starcraft: Brood War hay No Man’s Sky chứ không phải là các thành phố tấp nập người ngoài hành tinh như Star Wars.

Soundtrack của Factorio là một phần mà mình rất tán thành, những bản phối trầm nhưng ngân nga kéo dài với nhịp điệu vang xa rất hợp với bối cảnh của game, nó làm tăng phần buồn ngủ cho người mới nhưng kích thích đầu óc cho những con nghiện như mình.

Yếu tố gây nghiện xuất hiện

Trái với những phần nhìn ban đầu về hình ảnh hay cốt truyện của game, phần gameplay có lẻ sẽ làm bạn hứng thú lên một tí. Bạn sẽ làm quen với các khái niệm ban đầu về game thông qua chế độ Campaign, theo mình đúng phần này phải gọi là Tutorial vì 99% thời gian còn lại của bạn trong Factorio là chế độ chơi Tự do. Cơ bản thì game gồm các khái niệm khá giống với các tựa game cùng thể loại như:

  • Tài nguyên: Coal (Than đá), Copper ore (Quặng đồng), Iron ore (Quặng sắt), Stone (Đá), Uranium ore (Quặng Uranium)…
  • Các loại máy móc chức năng: các máy để khai thác tài nguyên (Resource Extraction), các máy để tinh luyện tài nguyên đã khai thác (Furnaces), các máy để sản xuất sản phẩm (Production)…

Việc của bạn là khai thác đống tài nguyên đó và dùng nó để chế tạo các loại máy móc trên, khá quen thuộc và nhàm chán nhỉ. Nhưng nhưng nhưng… nét riêng của Factorio khiến nó trở nên đặc biệt với các tựa game cùng thể loại khác chính là cơ chế “Automatic” giúp bạn liên kết các loại máy với nhau và tự động hoá hoàn toàn tất cả hoạt động diễn ra trong game, cái cơ chế mà một thằng sinh viên IT như mình mê mệt. Để hiểu nó làm mình thích thú như thế nào thì các bạn phải hiểu sơ qua công việc của mình, lập trình một hệ thống phần mềm hay một hệ thống dữ liệu phải đảm bảo tính “liên thông – liên tục” từ đầu đến đuôi giữa các phần khác nhau và chỉ một lỗi nhỏ không đáng có thể gây tắc nghẽn toàn bộ. Bạn sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc và thoả mãn nếu hệ thống của bạn hoạt động một cách mượt mà. Factorio đã khiến bệnh nghề nghiệp và đam mê của mình bùng dậy. Tin mình đi, việc sắp đặt các loại máy để tạo nên một hệ thống hoạt động trơn tru nó thú vị hơn tưởng tượng, cảm giác rối loạn tâm trí khi cả hệ thống bị “sập ” vì một phần nhỏ gặp sự cố là không thể tránh khỏi.

Thông qua cây công nghệ (Tech tree) giúp bạn mở khoá các công nghệ mới hơn, bạn sẽ chế tạo được những sản phẩm như:

  • Phương tiện (Vehicle): Dạo quanh nhà máy bằng xe bốn bánh (Car) cho đỡ mỏi chân, phương tiện vận chuyên của thế kỉ – Xe lửa (Railway).
  • Robots: Đúng rồi một nhà máy tự động thì chắc không thể thiếu vắng những phụ tá đắc lực này như Logistic Robot giúp tự động hoá trong việc vận chuyển ở khoảng cách ngắn và Construction Robot giúp tự động việc sửa chữa.
  • Vũ khí (Weapon): Các loại súng (Gun) từ súng bắn tay đến súng máy hay xe Tank – to tướng và đầy sức mạnh.

Khoan đã! …………. Có vũ khí ư? Tức là phải có thứ để bắn chứ nhỉ? Vâng! Ở một hành tinh xa xôi như Nauvis bạn tưởng bạn chỉ có một mình? Không!!!!! Bạn là một kẻ lạ mặt đến tận triệt nguồn tài nguyên ở đây thì những “cư dân dễ thương” của hành tinh này sẽ không để bạn yên. Bọn Biter, Spitter và Worm sẽ liên tục thực hiện những chuyến viếng thăm “thân thiện” đến nhà máy của bạn, bạn sẽ không hề thích nếu chúng tràn vào và cắn nát máy móc của bạn đâu. May là chúng ta có thể thiết lập hệ thống phòng thủ gồm tường bảo vệ (Wall) và các loại súng máy tự động xả đạn khi có bất cứ thứ gì đến gần.

 Ổ của bọn quái vật được gọi là Nest 

Hoặc bạn cũng có thể tự xách đít đến tham quan ổ của bọn chúng để thắt chặt thêm mối quan hệ và tạo mối ngoại giao tốt đẹp 🙂 nhưng toàn mạng về hay không thì mình không chắc… nên cứ chắc chắn là luôn mang theo súng nhé.

Liệu bọn nó có tiếp đón bạn nồng hậu như này ? 

Ngoài ra game còn có một hệ thống công cụ hỗ trợ khá chu đáo mà trong đó cái làm mình mê tít chính là  cơ chế “Copy & Paste” thần thánh. Một lần tôi phải thốt lên “WOW!”, bản thân đã quá quen thuộc với những thao tác Ctrl + C, Ctrl + V mỗi khi đánh code thì đây như một món quà mà nhà sản xuất ban cho mình vậy. Ta có thể copy một hệ thống nhóm máy nào đó bằng chức năng “Blueprint” và tái sử dụng bất cứ lúc nào mà không cần lò mò xây mới lại từ đầu, đối với mình đó là một chức năng tuyệt vời vì công cuộc xây nhà máy của mình lúc này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Câu hỏi cuối cùng: Game sẽ kết thúc khi nào? Đó là khi bạn đạt được mức cao nhất của cây công nghệ là Tên lửa (Rocket) bắn thẳng nó vào vũ trụ, kết thúc viên mãn sau bao khó khăn, chỉ có một điều nhỏ không đúng lắm là nó bay đi nhưng mà không có bạn trên đó… What??? Tưởng là cái tên lửa đó phải chở ta thoát khỏi cái hành tinh này này chứ? Cái tên lửa nó bay đi đâu? Chả ai biết!

Chơi Factorio hiệu quả dưới góc độ lập trình

Thật ra khi bắt đầu viết phần này mình không biết mình có viết ra mấy thứ gì đó hàn lâm và hơi nhạt nhẽo không… Anyway

Như những gì mình đã luyên thuyên từ đầu bài viết tới giờ thì trò chơi này có rất nhiều nét tương đồng với ngành học hiện tại của mình, mình cũng đã chơi Factorio thông qua những kinh nghiệm về lập trình mà mình có được và giờ mình muốn chia sẻ với các bạn:

  • Tối đa hoá tài nguyên: Khi viết một chương trình máy tính thì việc chương trình ấy có thể hoạt động được bình thường đã là thành công với nhiều người, nhưng với những người khác giống mình thì còn một thứ nữa vô cùng quan trọng đó là chương trình ấy đã sử dụng bao nhiêu tài nguyên máy. Trong quá trình viết chương trình, mấy anh/chị đánh code hay có thói quen xuống hàng tuỳ thích làm bỏ trắng nhiều hàng và viết lung tung bừa bãi không theo thứ tự khiến máy tính khi đọc lệnh từ trên xuống phải mất nhiều thời gian hơn để xử lí, càng nhiều thời gian thì tốn càng nhiều tài nguyên máy. Ở Factorio cũng vậy, nhiều người chơi thường không để ý việc họ  đã xây bao nhiêu cái máy hay bao nhiêu dây chuyền giữa các máy, các hệ thống thì nằm lung tung chiếm diện tích khiến hệ thống mất nhiều thời gian hơn để sản xuất và vận chuyển. Tài nguyên có hạn cho nên hãy tận dụng tiết kiệm, tối đa nhất có thể.
  • Tối đa hoá công nghệ: Ngành công nghệ thông tin là ngành luôn phải chạy đua với công nghệ mới, đơn giản công nghệ mới giúp bọn mình tiết kiệm được thời gian và quan trọng là chương trình sử dụng ít tài nguyên máy hơn. Bạn thấy đấy, nó cũng vô tình bổ trợ cho phần trên, công nghệ cao dù tốn nhiều chi phí xây dựng nhưng tốn ít tài nguyên hơn để duy trì. Ở Factorio, hãy tận dụng tối đa cây công nghệ, một cái máy chạy bằng than đá sẽ vô tác dụng nếu nguồn than đá cạn kiệt, nhưng chỉ cần xây một cái khác cùng chức năng nhưng chạy bằng điện, nó sẽ chạy vĩnh viễn vì hệ thống điện chạy bằng máy bơm nước tái sử dụng nguồn nước liên tục.


Lỗi cơ bản đó, hãy tiết kiệm ! 

Tổng kết

Factorio là một con game khá khó nuốt với phần lớn những người chơi game phổ thông, nhưng nếu bạn đã thật sự “trúng thính” thì tựa game chắc chắn là một sản phẩm tuyệt vời nhất mà bạn từng được thưởng thức. Nếu bạn yêu thích phong cách xây dựng và sinh tồn, thích được động não thay vì múa phím thì hãy đến với Factorio.

Bonus:

Một phiên bản chị Kĩ sư cute hơn bản gốc gắp nhiều lần <3  Mong là các modder sẽ làm việc tích cực hơn trong tương lai UwU.

Gửi lời lời chúc sức khoẻ đến các anh em hiệp sĩ, anh Đăng Bông và gia đình.

Khách mới

  
Học IT, đánh code ít, chơi game nhiều, tương lai sẽ ngồi chơi game ở .......... ??

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly