Đánh giá Uncharted 2: Among Thieves – Hành trình đến Shangri-la

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Uncharted: Drake’s Fortune ra mắt năm 2007 là một thành công lớn của Naughty Dog về cả mặt chất lượng lẫn doanh thu. Một tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba mượt mà, kết hợp với giải đố và phiêu lưu, cùng chủ đề hấp dẫn đã tạo cho nó một sức hút đáng kinh ngạc. Và dĩ nhiên, với thành công đạt được, việc game có một hậu bản là điều không cần phải bàn cãi. 2 năm sau, anh chàng Nathan “Nate” Drake lại tiếp tục tái xuất giang hồ, đưa chúng ta vào một cuộc phiêu lưu hoàn toàn mới, và lần này, là hành trình đi tìm thiên đường nơi trần thế – Shangri-la huyền thoại, vùng đất của sự bất tử, của sự thuần khiết. Tiếp tục khai thác đề tài vùng đất bí ẩn, phần thứ hai của series Uncharted còn đánh dấu sự tiến bộ lớn trong cốt truyện và hệ thống gameplay, cho nên vì vậy, đến tận bây giờ, nhiều người vẫn đánh giá Uncharted 2: Among Thieves là phiên bản xuất sắc nhất của toàn series.

Shangri-la, Shangri-la, thánh địa của Tây Tạng, nơi con người sống với một trái tim thuần khiết, không mưu toan cá nhân, không buồn bã, đau khổ. Ở nơi đó, chỉ có tình yêu giữa người với người là thứ lớn nhất, ở nơi đó, con người với thiên nhiên là một. Shangri-la là một trong những địa điểm mang nhiều màu sắc huyền thoại nhất và đậm chất tôn giáo bậc nhất thế giới, vì ngay từ địa điểm được cho là nơi Shangri-la tọa lạc cũng đã bí ẩn tương đương rồi – Tây Tạng, vùng đất mà cho đến bây giờ vẫn có thể nói là rất hoang sơ và thuần khiết. Từ ngàn đời nay, biết bao người đã lao vào chuyến hành trình tìm kiếm thiên đường nơi mặt đất này, nhưng thảy đều không một dấu vết. Shangri-la, nó có thật hay chỉ là mộng ảo?

Ngoài đời thật, chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được câu trả lời, nhưng ít ra, Naughty Dog cũng thỏa mãn tất cả phần nào bằng Uncharted 2: Among Thieves.

Cũng giống như phần thứ nhất – Drake’s Fortune, nhân vật chính của Among Thieves vẫn là anh chàng có chỉ số may mắn gần như vô cực – Nathan Drake, gọi tắt là Nate. Dàn nhân vật phụ lần này có thêm một cái tên mới là Chloe Frazer – người mà sau này sẽ trở thành nhân vật chính của phần game The Lost Legacy. Câu chuyện của Among Thieves xoay quanh câu chuyện về nhà thám hiểm Marco Polo cùng những con tàu bị mất tích của ông sau chuyến thăm Đại Nguyên năm 1292. Tương truyền rằng ông đã được Hoàng đế Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt tặng cho vô vàn của cải, châu báu chất đầy 14 con tàu. Nhưng khi trở về quê hương 1 năm sau, chỉ còn lại 1 con tàu và 18 thủy thủ sót lại. Marco Polo không bao giờ hé lộ về số phận của 13 con tàu cùng gần 600 thủy thủ kia.

Và dĩ nhiên, không ai khác ngoài nhân vật chính Nate là người tìm được manh mối về hạm đội bị mất tích của Marco Polo. Từ những manh mối đó, một bí mật lớn hơn được hé lộ, bí mật về thánh địa Shangri-la huyền thoại, đang nằm ẩn giấu ở đâu đó. Chuyến phiêu lưu thế là bắt đầu.

Cách kể câu chuyện của Among Thieves vẫn mang đậm phong cách điện ảnh như phần đầu, không khác một phim “Indiana Jones” là mấy, và so với Drake’s Fortune thì phải nói là câu chuyện của Among Thieves hấp dẫn hơn nhiều. Thêm nhiều nhân vật được giới thiệu, mối quan hệ giữa Nate cùng các nhân vật phụ (cụ thể là với Elena và Chloe cũng được khắc họa tương đối kỹ chứ không quá hời hợt như phần đầu), kết nối câu chuyện giữa các màn chơi liền mạch hơn và có nhiều nút thắt trong câu chuyện hơn. Phản diện của game có một động cơ tuy không mới và bất ngờ nhưng ít ra nó cũng rõ ràng và thuyết phục hơn. Phần plot twist thì cũng không có gì đặc sắc và khá dễ đoán, nhưng cũng dễ hiểu khi trọng tâm của Uncharted không thiên về cốt truyện giật gân mà mang nhiều màu sắc phiêu lưu. Chính vì thế mà tôi có thể nói rằng Uncharted 2: Among Thieves có một cốt truyện xứng tầm một phim bom tấn Hollywood, và dĩ nhiên là vượt xa phần đầu tiên.

Cốt truyện đã là một sự cải tiến so với phần đầu, thì gameplay thậm chí còn tiến xa hơn. Cốt lõi gameplay của Uncharted 2 vẫn là 3 yếu tố: bắn súng góc nhìn thứ ba, giải đố và một chút platforming. Nhưng lần này, những màn đấu súng đã không còn quá nhiều như trước, dù vẫn chiếm đa số thời lượng của game. Tuy vậy, trong Among Thieves, ít ra là khoảng 2/3 game, bạn sẽ không cảm thấy các màn đấu súng quá dồn dập, bởi vì bên cạnh việc xen kẽ platforming, giải đố với đấu súng thì lần này, chất lượng của những câu đố đã cao hơn. Chúng không còn dễ nhằn như phần đầu, thậm chí sẽ có một vài câu đố khiến bạn đau cả đầu và liên tục phải mở lại nhật ký để xem manh mối (ví dụ như câu đố xoay tượng đúng hướng hoặc xoay các cột theo đúng mặt chữ chẳng hạn).

Về phần hành động, game vẫn chỉ cho phép Nate trang bị 2 loại súng một lúc cùng tối đa 4 quả lựu đạn (thế thôi chứ chỉ số luck đã cao ngất ngưởng rồi mà còn trang bị như Rambo thì game kết thúc sớm cho rồi). Tuy nhiên, cảm nhận của cá nhân tôi là những màn đấu súng khá khó vì chưa kể số lượng và chủng loại địch đã đa dạng hơn mà cách sắp xếp địa hình cũng như kẻ địch cũng là một thử thách. Sẽ không còn chuyện bạn có thể thoải mái cầm Ak-47 clear từ đầu đến cuối game như phần trước mà giờ bạn sẽ phải thay đổi vũ khí liên tục để đối đầu với nhiều loại kẻ địch khác nhau, trong khi vẫn phải tìm chỗ cover hợp lý. Do vậy, gameplay của Among Thieves đã có vẻ chiến thuật và bớt “vô não” hơn Drake’s Fortune. Thậm chí, có thể nói rằng mỗi một màn chơi là một cách chơi khác nhau, thay đổi liên tục. Ví dụ như một vài màn chơi đầu thiên về hành động lén lút, một số màn chơi thì hoàn toàn là di chuyển liên tục và chiến đấu với liên tiếp nhiều loại kẻ địch khác nhau, có màn chơi thì chỉ toàn là giải đố, chính thế mà chơi Among Thieves cảm giác rất lôi cuốn và nhập tâm chứ không bị đôi lúc chán nản vì đấu súng quá nhiều như Drake’s Fortune.

Nếu như Drake’s Fortune còn một số điểm yếu về gameplay như di chuyển nhân vật thô cứng và khó chịu, hệ thống cover nhiều lúc rất khó chịu cùng hệ thống vũ khí nghèo nàn thì Among Thieves đã sửa đổi hết. Di chuyển mượt mà và thoải mái hơn nhiều. Hệ thống cover cuối cùng cũng ổn thỏa, nhưng thực sự trong game chúng ta cũng không quá phải lạm dụng cover nên vấn đề này không lớn. Hệ thống vũ khí đã được bổ sung thêm nhiều loại, ví dụ như sniper nay đã có nhiều hơn, assault rifle thì không chỉ có mỗi Ak-47 thần thánh, chúng ta cũng có thêm súng phóng lựu, súng chống tăng, thậm chí cả nỏ bắn tên nữa. Tuy vậy, combat tay đôi vẫn… khá nhàm chán và hơi vô dụng.

Uncharted 2: Among Thieves vẫn giữ nguyên được chất điện ảnh như phần đầu nhờ những màn chơi vô cùng Hollywood – ví dụ như trường đoạn chiến đấu trên một con tàu đang chạy. Theo tôi đó là một trong những trường đoạn hay nhất của cả game khi kết hợp rất tốt giữa chiến đấu và ẩn nấp. Kẻ địch không chỉ còn là những loại lính khác nhau mà còn cả một cái trực thăng nữa! Rồi đoạn vừa phải chạy qua mưa đạn vừa tìm súng chống tăng để diệt cái xe tăng địch cũng rất xuất sắc – đoạn đó thực sự rất căng, nếu chơi ở độ khó Normal trở lên thì chắc chắn bạn sẽ phải load lại checkpoint vài lần. Naughty Dog cũng tiếp tục phong cách tối giản HUD và không dùng màn hình loading để tăng sự liền mạch trong gameplay. Điều này vẫn rất đáng khen, dĩ nhiên là chuyển cảnh giữa cutscene và gameplay không được mượt, mà đến nay cũng đâu có mấy game làm mượt hoàn toàn được, nhưng ít ra việc hoàn toàn không có loading screen là một điều đáng khen.

Phần đồ họa của game tiếp tục dừng ở mức tốt, tất nhiên là đẹp và sắc nét hơn Drake’s Fortune rồi. Phiên bản remastered cho PS4 chạy ổn định ở 60fps và độ phân giải 1080p, hiện tượng sụt khung hình là gần như không có. Chất lượng texture, khử răng cưa, đổ bóng, hiệu ứng ánh sáng, mặt nước hay model nhân vật ở mức tốt, nhưng để ý kỹ vẫn thấy mờ và hiện răng cưa ở model những vật thể cố định, nhưng đây cũng không phải vấn đề gì lớn. Thêm nữa, Among Thieves cũng gây được ấn tượng nhiều hơn về mặt thị giác nếu so với Drake’s Fortune do sự đa dạng trong địa hình các màn chơi: rừng rậm có, biển có, thành phố có, làng mạc có và núi tuyết cũng có luôn. Do vậy, cảm giác nhàm chán khi phải nhìn đi nhìn lại một dạng địa hình như Drake’s Fortune là không tồn tại.

Phần âm nhạc của game tốt, một vài đoạn nhạc quen thuộc từ phần đầu vẫn được sử dụng, ví dụ như đoạn nhạc nền của Nate. Lồng tiếng cho các nhân vật thì cảm giác là tốt hơn phần đầu, có lẽ cũng nhờ cốt truyện đã khai thác nhiều hơn về mối quan hệ cũng như tính cách của các nhân vật nên có cảm giác họ được khắc họa rõ hơn. Nate, Elena hay Sullivan thì không cần nói thêm gì vì họ vốn đã có ấn tượng từ phần đầu, nhưng các nhân vật mới như Chloe hay Flynn, Lazarevic cũng tạo được cho mình một ấn tượng riêng – Chloe tinh ranh, quyến rũ, Flynn đểu cáng và luôn tỏ ra ghen ghét với Nate, Lazarevic với chất giọng Serbian có một chút nguy hiểm và điên rồ. Tựu chung lại, dàn nhân vật của Among Thieves so ra với Drake’s Fortune thì đa dạng và hấp dẫn hơn.

Nhìn chung, Uncharted 2: Among Thieves là một tựa game hay về mọi mặt, gần như không có điểm yếu, mà nếu nói kỹ tính quá thì cũng chỉ có thể nói là cốt truyện với một motip cũ, không mới, âm nhạc chưa thật sự xuất sắc. Nhưng những ưu điểm của game lại thừa sức lấn át những điểm yếu nhỏ đó. Cốt truyện không mới mẻ? Có hề gì đâu khi tính giải trí và thư giãn của nó quá cao, mà với một game phiêu lưu/hành động như Uncharted thì như vậy là tuyệt vời rồi? Rõ ràng, với những ai sở hữu PS3 hay PS4 thì đây là một tựa game nhất định phải chơi, cho dù có vẻ phiên bản gốc trên PS3 có một hệ thống cover-ngắm bắn khá là dở, nhưng phiên bản PS4 đã sửa lại nó, và như vậy, biến Uncharted 2: Among Thieves thành một game bắn súng góc nhìn thứ ba xuất sắc. Thời lượng để hoàn thành game đã dài hơn phần đầu, nếu chơi ở độ khó Normal và chơi nhanh thì cũng cần ít nhất 7-8 tiếng để hoàn thành. Tuy không quá dài, nhưng quá đủ với một trải nghiệm thực sự thỏa mãn và có tính giải trí cao.

Còn chờ gì nữa nào, hãy cầm controller lên và phiêu lưu đến Shangri-la cùng Nate và đồng đội thôi?


Uncharted 2: Among Thieves (PS3/PS4): 9/10

 

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện