Thế giới ngầm luôn là một đề tài hấp dẫn với hầu hết chúng ta, cách mà những băng nhóm tội phạm sống khép mình trong bóng tối và hoạt động một cách quỷ quyệt dưới sự phán xét của luật pháp chẳng khác gì hương vị quyến rũ ma mị của một ly Whisky vào giữa đêm mùa đông tĩnh mịch. Nó nguy hiểm, không đáng tin, nhưng lại có sức mời gọi khó cưỡng với những ai vẫn đang hằng ngày sống yên bình trong ánh nắng ấm áp. Nổi bật và nhiều tiếng tăm nhất (và ngầu nhất) trong tất cả các tổ chức tội phạm có tổ chức trên thế giới mỗi khi được nhắc đến chắc chắn phải là Mafia. Đó chỉ một danh từ đơn giản nhưng lại có thể khiến ngay cả một đứa bé con cũng phải nín lặng và sợ hãi khi được nhắc đến. Vậy nên việc làm một tựa game khai thác đề tài có phần “nhạy cảm” này chắc chắn sẽ là một thước đo nghiêm khắc để thử thách tài năng của bất kỳ Studio nào muốn chứng minh giá trị của bản thân mình, và với tựa game Mafia II, 2k Czech có thể tự hào mà khẳng định rằng mình đã làm nên một câu chuyện tuyệt hảo về giới tội phạm khét tiếng trong lịch sử làng Game.
Mafia II là một tựa game hành động nhập vai thế giới mở dưới góc nhìn người thứ ba được giới thiệu lần đầu vào năm 2007 tại hội chợ game Leipzig nhưng mãi đến tận năm 2010 thì mới được chính thức phát hành đến tay người chơi. Tham gia vào game, người chơi sẽ được hóa thân vào nhân vật Vito Scaletta – một cựu quân nhân Mỹ gốc Ý luôn sát cánh cùng với người anh em đồng chí của mình là Joe Barbaro trong cuộc phiêu lưu trở thành ông chủ của giới tội phạm Empire Bay – một thành phố giả tưởng mang hơi hướng của New York city thập niên những năm 50 của thế kỷ trước.
Cốt truyện của game được giới mộ điệu đánh giá rất cao khi lột tả được hầu hết những gì mà một tay Mafia thực thụ sẽ làm và phải làm y hệt như ngoài đời thực. Từ sự tàn nhẫn, liều mạng, đến lời thề son sắt khi “gia đình” phải vượt lên trên cả gia đình của một nhóm nhỏ quyền lực đều được truyền tải rất rõ nét trong trò chơi. Tựa game là chuyến hành trình một chiều nhưng rất có dư vị khi cho phép game thủ được nếm trải những lát cắt nhơ bẩn của giới tội phạm Mỹ quốc vốn luôn được che đậy một cách cẩn thận bên dưới lớp áo xa hoa và phủ phê khiến nhiều người hằng mộng tưởng và ước ao. Tất cả những nhân vật có máu mặt trong trò chơi đều là ví dụ điển hình của một tầng lớp liều lĩnh, luôn đặt lợi ích của cá nhân lên trên hết và lúc nào cũng sẵn sàng dùng những khẩu M1911 Semi hay Tommy Thompson để nói chuyện phải quấy khi có kẻ muốn đụng chạm đến quyền lợi của bản thân mình.
Tuy đặc biệt là vậy, thế nhưng Mafia II cũng có một điểm trừ tương đối khi không hề cho phép người chơi hay nhân vật chính trong câu chuyện của mình có quyền lựa chọn mặt đạo đức trong mỗi hành động, để từ đó đặt nên câu hỏi về giá trị của nhân sinh như các game thế giới mở khác sau này mà chỉ đơn giản là ràng buộc người chơi phải tuân thủ luật lệ thép của giới tội phạm Ý tại Mỹ, đó là luôn bóp cò khi cần thiết và tuyệt nhiên nói không với sự nhân từ. Bởi xét cho cùng, đó vốn là thứ làm nên thương hiệu của Mafia, lợi ích và máu, chỉ vậy.
Ngoài điểm cuốn hút là cốt truyện được đầu tư kỹ lưỡng, Mafia II còn được chăm chút rất kỹ càng về mặt đồ họa. Sau khi bắt đầu game, người chơi sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mọi thứ trong vịnh Empire hầu như đều được làm rất chi tiết. Từ tạo hình của những chiếc xe hơi đời cổ đến kiến trúc nhà cửa hay cách ăn mặc của cư dân trong thành phố đều sẽ thấm đượm hơi thở của thời đại, nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là 2k Czech thực sự đã rất chú tâm vào việc để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt như dấu chân khi nhân vật bước đi trên nền tuyết hay việc tuyết sẽ từ từ đọng lại trên xe nếu bạn lái xe ra ngoài vào mùa đông,… một điều tưởng chừng như rất hiển nhiên thế nhưng lại thường hay bị bỏ qua vì một vài lý do nào đấy trong các tựa game khác (Ví dụ như NFS Rivals chẳng hạn).
Mặc dù là một tựa game đã có tám năm tuổi đời thế nhưng đồ họa của Mafia II thực sự vẫn là rất đẹp, kể cả khi không được tô điểm bằng các hiệu ứng ánh sáng bóng bẩy hay cách đổ bóng đặc trưng như các dòng game thuộc thế hệ next-gen thì Mafia II vẫn đảm bảo chất lượng về phần nhìn của mình là hoàn toàn đủ để đáp ứng kỳ vọng của các game thủ. Tuy nhiên phần nghe trong game lại là một câu chuyện khác, mặc dù các bài hát trong game đều rất sống động, các nhân vật cũng được lồng tiếng rất tốt, âm thanh khi súng bắn cũng rất sướng tai thế nhưng nhà phát triển lại mắc phải một sai lầm chí mạng là đã quá lệ thuộc vào chính các bài hát trong game thay vì đầu tư nhiều hơn vào phần nhạc nền của Mafia II. Khi mà hết một nửa thời lượng trong game người chơi sẽ phải di chuyển bằng con xe của mình từ địa điểm này đến các địa điểm khác để làm nhiệm vụ (Không có fast-travel) thì họ thực sự sẽ chẳng có gì nhiều để làm ngoài việc nghe đi nghe lại những bản nhạc được phát rôm rả trên các kênh radio. Và chỉ cần sau bốn tiếng trải nghiệm đầu tiên thì người chơi sẽ nhanh chóng cảm thấy rằng cái đài phát thanh của mình quá lắm mồm và nhạt nhẽo. Thế nhưng, nếu phải tắt nó đi thì cả thế giới của bạn liền trở nên tĩnh mịch đến kỳ lạ, bởi vì, bạn sẽ không còn bất kỳ thứ gì hay ho khác để nghe nữa. Nếu phải hình dung thì nó cũng giống như việc bạn cùng với hội anh em dở hơi của mình đang quẩy tự do trong lớp vào tiết cuối của ngày thứ bảy thì thầy giám thị đột ngột bước vào và quát cả lớp im lặng rồi bắt đầu lấy sổ đầu bài ra điểm danh từng đứa một, những lúc như vậy bạn chẳng biết làm gì hơn là ngồi ngoan ngoãn tại vị trí của mình, suy nghĩ về việc liệu thế giới này có được hòa bình hay không và cầu cho cái chuông báo hết tiết vang lên cmn đi cho rồi.
Mafia II sở hữu một cơ chế gameplay ổn, nó đạt thang điểm bảy trên mười trong khi chỉ cần chịu khó đầu tư thêm một ít công sức nữa thôi thì hoàn toàn có thể chạm tay đến mức tiệm cận của sự hoàn hảo. Những màn đấu súng trong game về mặt cơ bản là khá hợp lý và đều tạo được cảm giác gay cấn cần thiết cho người chơi, hầu như mọi băng nhóm tội phạm từ “lởm” đến “xịn” của vịnh Empire đều đã được trải qua một khóa huấn luyện bóp cò rất bài bản thế nhưng họ chỉ thực sự tỏ ra có “nghề” khi game được chơi ở độ khó cao nhất, còn dưới đó thì sẽ chẳng mang lại bao nhiêu tính thử thách cả. Các nhiệm vụ trong game được thiết kế để phù hợp với cốt truyện vậy nên thi thoảng người chơi cũng sẽ được đổi gió bằng những màn đấm bốc như trên phim Rocky Balboa, và một lần nữa, các đối thủ của bạn sẽ chẳng đời nào dốc hết sức thể hiện bản lĩnh ra ngoài nếu như trò chơi không được setting ở mức độ khó nhất. Ngoài ra, game cũng có đưa thêm vào một hai màn chơi thuộc thể loại stealth (lén lút) để khiến game thủ cảm thấy chút hương vị mới lạ và có lẽ họ cũng… thành công ở một mức độ nào đấy (?) Một điểm cộng khác của Mafia II là game không hề để bạn nhàm chán với cái màn hình loading vớ vẩn như những gì mà Ubisoft hay làm mà thay vào đó thì trong lúc chờ đợi, bạn sẽ được đọc những câu nói rất chất như: “Tôi trở thành tội phạm vì không muốn trở thành nạn nhân” hay “Nếu bạn sống trong bạo lực thì kết thúc của bạn cũng sẽ là bạo lực, rất ít kẻ theo nghề này mà có thể được chết một cách tử tế”… Rất có tính thi vị và hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc.
Có lẽ điểm sáng nhất trong cơ chế gameplay của Mafia II là khả năng tương tác của nhân vật với môi trường xunh quanh mình. Trong thế giới của Empire Bay, bạn có thể thử giúp một người xa lạ bằng cách sửa chiếc xe đang hư giùm họ hoặc gây sự đánh nhau với bất kỳ ai mà bạn thấy chướng mắt (miễn là đừng có gây sự trước mặt cảnh sát để rồi sau đó bị mời lên đồn uống trà là được). Bạn cũng có thể mặc bất cứ thứ gì mà mình có thể mua được và tự tạo nên phong cách cho riêng bản thân, đó có thể là những bộ Suit cầu kỳ được cắt may cẩn thận trong các cửa tiệm quần áo lớn hoặc là chiếc áo da và sơ mi giản lược với tinh thần năng động đầy khỏe khoắn. Nhưng điểm khiến người viết cảm thấy hứng thú và đánh giá cao nhất chính là hệ thống A.I của Mafia II. Nó rất sinh động và đáng kinh ngạc khi đem ra so sánh với những đồng bạn cùng trang lứa đương thời. Những cư dân trong vịnh Empire hầu như ai cũng đều có một đặc tính riêng và rất có “hồn”, từ những chị em mặc váy áo lộng lẫy trò chuyện với nhau khi dạo bước trên hè phố đến phản ứng của những ông bà chủ trong các cửa hàng khi bạn ghé thăm lúc ăn cướp,…tất cả đều rất sống động chứ không hề sặc mùi giả tạo lười biếng. Bằng cách tác động vào vịnh Empire, người chơi sẽ dễ dàng cảm nhận được rằng 2k Czech đã đầu tư rất nhiều tâm huyết và đam mê của mình khi nhào nặn nên một thế giới biết phản ứng lại một cách hợp lý đối với những hành động của người chơi. Điều mà rất đáng ghi nhận và nên được đánh giá cao bởi vì thời điểm mà game được phát hành là vào năm 2010, tức là lúc mà khái niệm Realistic (thực tế) vẫn còn đang rất mơ hồ và thậm chí là ngay cả ở thời điểm hiện tại, thì cũng chẳng có bao nhiêu tựa game thuộc thế hệ next-gen dành sự chú ý đúng mực cho khái niệm này.
Thế nhưng như người ta luôn nói, ánh sáng và bóng tối song hành với nhau như đôi bạn thân chí tử. Và Mafia II cũng có mặt tối trong lối chơi của chính nó khi mà nhà phát triển hoàn toàn đã đặt cược tất tay mọi thứ mình có vào cốt truyện chính và chẳng còn bao nhiêu sức lực để bận tâm đến những thứ bên lề nhưng rất hay ho như: Game hoàn toàn không có bất kỳ nhiệm vụ phụ nào cả, người chơi chỉ có duy nhất một việc để làm khi chơi game là bám sát mạch truyện chính và theo dõi từ đầu cho đến hết câu chuyện của Vito Scaletta. Những cư dân của vịnh Empire đúng là rất sinh động nhưng lại chẳng có mấy ai muốn giao tiếp với bạn cả, mặc kệ cho bạn có là ôm trùm của băng đảng tội phạm khét tiếng nhất hay không thì cách duy nhất để bạn gây chú ý cho người lạ là chĩa súng vào mặt họ hoặc tặng họ một cú đấm âu yếm vào giữa mặt, chứ ngoài ra thì cư dân ở đây sẽ chẳng thèm đối hoài chút gì đến bạn hết. Những tòa nhà hay căn hộ trong game đều được làm rất kỹ lưỡng để đảm bảo tối đa tính chân thật hệt như những gì đã từng ở những năm 50 thế nhưng, điều đáng tiếc nhất là hết 96% trong số đó người chơi hoàn toàn không có cơ hội đặt chân vào để thử khám phá mà chỉ có thể đứng chiêm ngưỡng từ phía bên ngoài. Đây là một điểm trừ rất lớn của Mafia II bởi vì chính điều này sẽ nhanh chóng khiến cho người chơi có cảm giác hụt hẫng khi vịnh Empire đẹp đẽ hóa ra lại là một cô bạn gái kiêu kỳ, chỉ cho người chơi được phép cầm tay chứ… không được phép làm thêm bất cứ điều gì khác.
Còn một điều cuối cùng mà người viết rất thắc mắc là thành phố kiểu gì mà lại chẳng có nổi bóng dáng một đứa trẻ con chơi đùa và động vật thì chỉ có duy nhất mỗi chuột và bồ câu? (Nếu không tính thêm con mèo mướp xấu tánh xuất hiện chớp nhoáng ở chương đầu tiên). Thế quái nào mà người ta lại có thể xây nên một thành phố mà chỉ có duy nhất những người trưởng thành chơi bời và thanh toán lẫn nhau là thế nào?
Mafia II là một tựa game rất đáng để bạn bỏ tiền ra mua về chơi và nó đáng đến từng xu một trong cái giá 29.99$ của mình. Mặc dù game không đem lại được tính giải trí cao cho người chơi nhưng nếu chỉ xét riêng về tạo hình nghệ thuật hay những giá trị trải nghiệm về một thế giới luôn được ca tung là sống trong bạo lực và tàn nhẫn thì Mafia II vẫn làm rất xuất sắc nhiệm vụ của mình. Thành thật mà nói với nhau thì bản thân tựa game này giống như một thước phim nhạt màu thuộc thế kỷ trước hơn là một sản phẩm kỹ thuật số đặt nặng tính giải trí. Nó có cốt truyện thuộc hạng A của Hollywood nhưng lại được triển khai với tiết tấu chậm rãi dễ gây buồn ngủ, có cơ chế gameplay khá tốt trong khi hoàn toàn có đủ khả năng để vươn đến một đẳng cấp hoàn toàn khác, có một bộ áo lộng lẫy đủ để làm thỏa mãn đôi mắt người nhìn nhưng lại đi kèm với giọng nói khiếm khuyết không đủ thánh thót để rồi khiến người ta phải đôi chút hụt hẫng nuối tiếc… Nói tóm lại, nếu như bạn là người có cái nhìn không quá hà khắc và có một trái tim rộng mở để chấp nhận những yếu điểm kể trên của Mafia II thì đây sẽ là người tình tuyệt vời mà bạn chẳng nỡ rời xa hay xóa bỏ khỏi chiếc máy tính của mình.
P/s: Đừng mong đợi rằng Mafia III sẽ có những kế thừa và đi kèm với đó là những nâng cấp so với người đàn anh tiền nhiệm của mình. Nếu như bạn chưa chơi thì may cho bạn bởi vì nhiều người sau khi chơi xong đã không thể kiềm chế nổi thất vọng mà phải thốt lên rằng Mafia III là cả một sự xấu hổ nhục nhã trong series về Mafia, nguyên văn nhé:“Mafia III là phát súng vụng về đã kết liễu đau đớn cả một dòng game đỉnh cao từng được biết đến”. Vậy nên, nếu muốn trải nghiệm chất Mafia tuyệt vời nhất, thì hãy cứ nên chơi Mafia và Mafia II là đủ rồi bạn ạ.
Người review là 1 người có thể nói là ko biết quá nhiều về game, điều đó lộ rõ ở chỗ nói mafia 2 toàn người lớn ko có trẻ con, ai chơi game nhiều cũng sẽ nhận ra game bạo lực nào cũng vậy vì sao? Vì các nhà làm game ko dám đưa trẻ em vào để nhân vật có thể giết, nói 1 cách dễ hiểu là sẽ ko có cảnh bạo lực với trẻ em, game này có cốt truyện hoàn hảo mà lại đi chê buồn ngủ, nếu game này mà ko hay thì cái gạt ko ra cái qq gì luôn