Ở những năm đầu tiên, video game vẫn chưa phải là một ngành công nghiệp triệu đô như hiện nay, chúng được tạo ra như một hình thức giải trí đơn giản và gọn nhẹ cho mọi người qua những gameplay đơn giản và không quá phức tạp như vượt chướng ngại vật, đánh bóng bàn, xếp hình, v.v… Âm nhạc trong game lúc đó đơn thuần chỉ là những tiếng bíp phản hồi lại các thao tác trong game của người chơi, theo thời gian những nhà sản xuất bắt đầu đưa vào game những BGM (background music hay nhạc nền) nhằm đáp ứng thị hiếu của rất nhiều khách hàng thời điểm đó.
Đến hiện nay, game đã và đang phát triển rất nhanh trong mọi mặt, từ công nghệ cho đến nền tảng, tính năng, … Âm nhạc trong game cũng theo đó mà phát triển, từ những tiếng động đơn giản cho đến những bản BGM làm cho có lệ, ngày nay chúng ta được chứng kiến một thế giới game nơi việc sử dụng âm nhạc có thể gần như quyết định sự thành bại của cả một tựa game. Tiêu chuẩn của một tựa game chất lượng hiện nay phải là sự kết hợp tinh tế giữa cả lối chơi (gameplay) và cốt truyện, vì vậy âm nhạc đóng vai trò rất lớn trong việc “tạo cảm hứng” cho người chơi nhằm giúp nhà sản xuất đạt được mục đích ban đầu.
Hãy nói đến tác động của âm nhạc trong gameplay, dễ thấy nhất chính là dùng BGM khác nhau cho mỗi màn chơi, khu vực khác nhau, kỹ thuật này xuất hiện gần như đồng thời với khái niệm các level (màn chơi) trong video game, chúng ta có thể dễ thấy qua các dòng game kinh điển như Contra, Super Mario Bros, Megaman, Pokemon, The Legend of Zelda… cho đến các dòng game thời hiện đại như The Elder Scroll, Dark Soul, Final Fantasy, Persona… hay gần đây là NieR:Automata. Những bản nhạc yên bình, êm dịu khi người chơi ở các khu vực an toàn, mức độ đe dọa thấp; rùng rợn ở các khu vực tăm tối, nguy hiểm; hào hứng cho các màn đánh boss hoành tráng; hài hước cho những phân cảnh dí dỏm trong game. Vâng, có thể nói là rất rất nhiều bối cảnh và âm nhạc khác nhau đã được sử dụng cho đến nay.
Cách dùng này rất hiệu quả trong việc tạo ra một thông báo cho những sự kiện kế tiếp, đưa người chơi vào mạch game, BGM có thể kích thích thần kinh, giúp chúng ta dễ dàng nhập tâm vào bối cảnh trong màn hình, tạo cảm giác thoải mái cũng như giúp đỡ người chơi trong việc điều khiển sao cho “mượt mà” nhất. Có thể nói dòng Pokemon vận dụng điều này rất hiệu quả, chúng ta có thể tận hưởng một bản nhạc nền vui tươi, năng động và boom, âm thanh báo hiệu một cuộc chiến phát ra: Wild Rattata appeared, BGM trở nên kịch tính và gay cấn, đưa người chơi ngay lập tức vào thể sẵn sàng cho cuộc chiến.
Mặt khác, cũng như điện ảnh, âm nhạc trong game cũng đóng vai trò lớn trong việc tạo dựng bối cảnh ở một số thời điểm đặc biệt trong cốt truyện. Khiến tựa game của mình trở nên đáng nhớ và khiến người chơi nhận ra được những thông điệp được gửi gắm là mục tiêu của mọi nhà làm game, và âm nhạc chính là chìa khóa quan trọng để đạt được mục tiêu này. Ở đây chúng ta lại chia làm hai mảng, âm nhạc được cả người chơi lẫn nhân vật nghe được hay âm nhạc chỉ dành cho người chơi. Ở một số game, chúng ta sẽ bắt gặp nhân vật thưởng thức một bản nhạc của những người hát rong hay những đài radio, điều này dễ dàng giúp người chơi hiểu hơn về cá tính, nguồn gốc cũng như có cái nhìn chính xác hơn về nhân vật mình đang điều khiển, thường dễ bắt gặp ở các tựa RPG. Ở những bản nhạc chỉ dành cho người chơi, ngoài mục đích được sử dụng như những tín hiệu trong gameplay như đã nói trên, đôi khi chúng còn sẽ được sử dụng như một thứ vũ khí để đánh vào tâm lý người chơi, nhằm để lại những ấn tượng mạnh và khó quên. Ở những cutscene hay phân đoạn đặc biệt, như khi nhân vật chính đối mặt với một sự kiện bất ngờ, khi hình ảnh và không gian đã dựng sẵn cái bẫy, âm nhạc sẽ trở thành một cú đá rất mạnh, đạp người chơi vào cái bẫy cảm xúc đã được giăng ra sẵn khi nó bắt đầu vang lên. Đoạn cutscene sau của NieR:Automata là một ví dụ hoàn hảo.
Hoặc một ví dụ tiêu biểu khác đến từ Life is Strange.
Theo dòng thời gian, tựa game nào cũng sẽ trở nên cũ kĩ và đánh mất sức hút ban đầu của nó, lúc này âm nhạc lại có thêm một tác dụng phụ, nếu nhà sản xuất sử dụng tinh tế âm nhạc khi tựa game của mình còn “sống”, nó dễ dàng cấy vào đầu người chơi một ký ức. Chúng ta có thể sẽ quên nó dễ dàng với tác động của thời gian nhưng khi thời điểm đến, ký ức đó sẽ bùng phát rất mạnh mẽ, cụ thể là khi ta nghe lại bản nhạc quen thuộc đó.
Có thể thấy âm nhạc đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong kỹ thuật làm game thời hiện đại, nhưng đồng thời nó cũng là nhu cầu thiết yếu của mọi gamer. Bản thân tôi thì không hề có chuyên môn về âm nhạc cũng như đam mê với nó, nghe chùa thôi, nhưng tôi rất thích thú về tác động của âm nhạc lên tâm lý con người cũng như cách vận dụng âm nhạc hợp lý để thực hiện mục đích tác phẩm, cụ thể ở đây là video game và phải cám ơn âm nhạc vì đã giúp cho những tựa game của chúng ta hoàn hảo hơn.
Xin cám ơn ai đã đọc đến tận những dòng này! Bài viết có tham khảo một ít từ internet, mọi dẫn chứng đều là những tựa game đã được người viết trải nghiệm và đánh giá cao, rất mong nhận được ý kiến đóng góp!
Xin cảm ơn tác giả masato311vn đã gửi cho chúng tôi bài viết chất lượng này!