Sau thành công của phần đầu tiên thì Evolution 2 nhanh chóng được phát triển và cho ra lò ngay đúng năm 2000, chỉ 1 năm sau phần đầu tiên của game. Trò chơi tiếp tục cóp nhặt những thứ tồn tại từ phần trước và cố gắng nâng tầm trải nghiệm lên ở phần tiếp theo này, STING! tiếp tục tự tin và bén rễ theo đúng tất cả những cái công thức mà họ học được ở cái thể loại. Trò chơi duy trì cái phong thái tươi vui yêu đời của nó chỉ giá như nếu máy Dreamcast không ngã ngựa sớm thế thì biết đâu Sting! sẽ chịu làm sequel tiếp cho cả series. Và no, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình là bạn đừng động vào cái bản port Gamecube Evolution World đó đâu ! Thật sự không đáng đâu.
Gameplay: Không thay đổi gì quá nhiều so với phần 1, bạn vẫn làm quen với các công thức như tổ đội 3 người, yếu tố vị trí đội hình, kĩ thuật móc lốp để ăn trạng thái pre-emptive strike… Nói chung là tôi đã giải thích ở bài viết về phần đầu của game và nếu như bạn đã chơi Evolution phần đầu thì sang phần này bạn không khác gì con hổ được thả về rừng vậy. Cái yếu tố điều chỉnh và cải thiện ở đây như thường lệ được cài vào vấn đề chỉ số. Khi mở đầu game, các nhân vật được cho mặc định ở luôn level 3 4 5 của game trong khi quái các thứ vẫn lẹt đẹt level 2 3 4 nên bạn đập chúng ra bã kể cả khi chỉ biết spam mỗi một lệnh tấn công bình thường. Sự điều chỉnh chỉ số đến từ việc giờ đòn đánh thường cơ bản của các nhân vật trông có lực và có critical chuẩn chỉnh hơn là người yếu người mạnh như ở phần đầu. Nó không quá mất cân bằng nhưng bạn sẽ không phải lo là Linear cầm 1 cái chảo mà chỉ gây được 20 30 damage ở các level đầu. Cô ấy ít nhất giờ gây 50 60 và có thể nhảy 100 nếu critical. Hệ thống items và đồ dùng tiếp tục được mang từ phần đầu ra nhưng cũng được bổ sung cực kì đáng kể ở chỗ giờ các items hồi máu có thể là đồ ăn, bạn có thể mua chúng giá rẻ hoặc stack nhiều để dùng nhiều, nhờ cái ưu điểm là giá rẻ nên không giống phần đầu là khi bạn quá yếu hoặc quá nghèo đến mức không dám nghĩ đến chuyện mua bình hồi máu. Có 2 cấu trúc Dungeon chính trong game đó là Dungeon Story mode – thứ mà bạn cứ chơi qua bình thường thôi, với cái này thì họ đã loại bỏ yếu tố Random procedure generate nên như thường lệ lại học thuộc map và học thuộc layout của nó. Còn cái thứ hai là Tower Of Despair là một cái dungeon cho bạn luyện nhân vật lấy điểm lên skills, khác với Dungeon Story mode, cái này sẽ chỉ tập trung vào luyện skills nên lượng Exp lên level ở đây khá là lẹt đẹt, đổi lại lượng TP cày cho skills nhảy lên 9999 rất nhanh tha hồ cho bạn lên skills mới cho các nhân vật. Cái Tower Of Despair này tuy nhiên sẽ lại là Random generate nên không lần chơi nào giống lần chơi nào đâu, nó có tối đa 50 tầng mở khóa theo cốt truyện và tùy theo level hay cấp độ sở hữu skills của bạn, tôi để ý là Tower Of Despair khó hơn Dungeon story mode rất là nhiều, không chỉ bởi kẻ địch trong dungeon này sẽ toàn level cao tương đương hoặc thậm chí là hơn bạn, chỉ số của chúng cũng kinh khủng hơn hẳn so với quái thường và chuyện stun lock spam hiệu ứng xảy ra như cơm bữa – đây vẫn là game JRPG theo design của 2, 3 thập niên trước nên họ chưa nghĩ nhiều đến chuyện cân bằng trong vấn đề hiệu ứng khi đó cho lắm. Mặc dù chơi đi chơi lại nhiều thì bạn vẫn có thể nói game dễ thôi nhưng chả ai thích thú chút nào khi gặp phải cái tình cảnh cứ 2 lượt, gần đến lượt bạn rồi và con quái cho bạn ăn hiệu ứng sleep ( đi ngủ ) và bạn chả làm được gì mấy, giải pháp như thường lệ lại bị lock vào cái kiểu đó là bạn buộc phải có skills chữa hiệu ứng hoặc đồ dùng chữa hiệu ứng.
Về vấn đề tích lũy items các kiểu thì vẫn giống với phần đầu: Trong này bạn vẫn chỉ có thể kiếm tiền bằng 2 cách chính đó là: Bán các items bạn có thể nhặt được từ Dungeon đi và chơi theo Dungeon Story được thưởng tiền. Để tăng giá trị chơi lại hơn so với phần trước thì hệ thống kho báu trở nên độc đáo hơn, và lần này được tách hẳn ra thành 1 phân khúc riêng nên bạn không phải lo tốn diện tích hòm đồ. Kho báu sau khi tìm thấy cũng có cái rất hay là có thể kết hợp (combine) với nhau cho ra kho báu mới giá tiền cao hơn. Trên thực tế nhiều món đồ không chỉ mỗi kho báu trong game đều ghép được và bạn sẽ cần chú ý điều này bởi vì Mag bắt đầu game với một túi đồ khoảng 30 ô thôi, chả mấy chốc mà lại full hòm đồ và phải đến giữa game gần cuối game bạn mới được cho thêm các túi đồ side pack để mà cầm được nhiều đồ hơn. Trong game sẽ lại có 1 thằng cha NPC người của đám hội bảo tàng từ phần trước, thằng cha này có nhiệm vụ là thống kê và giải mã kho báu cho bạn, kết hợp kho báu và thông báo tổng giá trị tiền nong, có các sự lựa chọn trong tư duy cho bạn chẳng hạn như bán luôn ăn tiền hay chờ đi khám phá tiếp lấy thêm đồ rồi ghép ghép cái này cái nọ cho trị giá cao hơn. Và kể cả sau khi đã chạy xuyên một phân khúc Dungeon hay xong cả Dungeon rồi thì bạn vẫn có thể quay lại để cày tiếp, những cái kho báu đã nhặt hoặc đã confirm là có spawn ra vẫn sẽ spawn ra và bạn có thể kiếm chác thật nhiều tiền kể từ khi việc nâng cấp cyframe cho các nhân vật vẫn rất tốn kém như ngày nào. Game không có cơ chế import save từ phần đầu bất chấp thực tế là cấu trúc engine các thứ vẫn giữ nguyên phần lớn nên sẽ khá là cay cú với cái cảm giác đó là bạn cày được Full level 99, lấy một đống đồ và skills để rồi sang phần 2 này mọi thứ auto reset lại hết. Tin tốt là game tiếp diễn từ phần đầu, mọi thứ được giả định là Mag đã thanh toán hết nợ nần của gia đình nên không phải lo cái chuyện làm con nợ tư bản như ở phần đầu nữa, tuy nhiên nếu bạn vẫn mời Chain hay Pepper đi phiêu lưu cùng cho nó tình cảm thì họ đếch care đâu, vẫn tính giá cho mấy phi vụ cùng bạn chát như tôm tươi. Yếu tố gian lận từ phần trước ở đây vẫn còn tùy theo cách bạn muốn nghĩ đó là giữa dungeon hay gần cuối bạn vẫn có thể teleport ra ngoài rồi xin switch người để tránh phải chia tiền các kiểu con đà điểu, game dễ thở hơn ở khâu này đó là kể cả khi bạn không đi cùng người này hay người kia, họ vẫn có thể tự auto lên level ít nhất đến một mức bằng level bạn hoặc hơn kém chênh bạn 2 3 level xét theo logic hiểu của game là nếu bạn có cày level hoặc không.
Một số nâng cấp đáng kể và bổ sung cho Gameplay đến từ việc các nhân vật trong khi bạn vẫn nhận ra được, họ cũng phần nào có nhiều cái mới mẻ ví dụ như Mag cầm được nhiều cái vũ khí còn Out Of Context hơn chẳng hạn như loa phóng thanh nâng cấp, boomerang, đèn pha gây mù lòa… Chain có thêm Jet Pack nâng cấp và các lưỡi dao kiếm thêm skills, Pepper có thêm các skills vũ khí từ tên lửa đất đối đất, laze cắt dát hơn hay bom chùm, bom bẩn kiểu tội phạm chiến tranh =))), có thêm một nhân vật mới là Carcano nhưng cảm tưởng lão này quá thừa thãi bởi vì phải đến mãi gần cuối game rồi bạn mới được sờ tay vào lão. Carcano cũng có bộ Cyframe độc và các nâng cấp của riêng lão với các chức năng như khoan máy, cưa chùm, phóng lao hay cần móc. Cần móc của Carcano là cần thiết cho 1 số trường đoạn để chơi trò móc từ đầu này trèo sang đầu kia. Và quỷ tha ma bắt đó là Carcano cũng tốn tiền để nâng cấp đấy mà nếu bạn đã chơi đến gần cuối game rồi thì hãy ước là bạn có ít tiền dành dụm còn cho lão bởi vì họ không cân bằng Carcano cho bạn đâu, lão cũng khá yếu ở trạng thái mậc định và phải ít nhất 1 2 lần nâng cấp Cyframe bạn mới để ý thấy chỉ số tấn công hay skills của lão tăng lên chút.
Tổng quan chung thì trò chơi vẫn mang lại cảm giác phiêu lưu hứng thú như phần đầu, thêm một số sự thay đổi một chút vào nhiều design chẳng hạn như bạn để ý quá trình cast phép hay dùng skills, animation của nhiều thứ đã được đẩy nhanh lên đáng kể, giới hạn của đồ họa cũng đẩy lên một chút ví dụ như lượng polygon count trên màn hình có cao hơn tí so với phần đầu, phối màu đẹp hơn, hoạt cảnh của Dungeon story đã đa dạng và nhét được thêm nhiều thứ linh tinh hơn, màu sắc, đồ họa cho đến cấu trúc gameplay bên trong đó kể từ khi chúng đã được thiết kế lại theo một kiểu cố định thẳng tuột như tôi đã bảo, Tower Of Despair có cấu trúc phân lớp 10 tầng với cứ 10 tầng này thì đều có một màu sắc ,lớp kẻ địch hay những thứ riêng để tránh tình trạng lặp lại Assets. Trên thực tế vì Evolution mang theo cấu trúc random procedure generate từ Baroque nên hiển nhiên với giới hạn của công nghệ thời đó, chuyện lặp lại assets hay nhìn một cái hành lang nhiều hơn 10 lần trong 2 3 tầng là liên tục. Và để tăng phần đau đầu thì Dungeon bây giờ còn có cả Secret wall. Bạn nhớ tìm kiếm Secret Wall ở Doom đau đầu và áp lực bởi vì tường toàn một assets giống nhau, nó ít khi lộ ra để bạn nhìn mà biết nên tình trạng cứ chạy rồi cho Mag tương tác với tường để đấm nó khá là phiền – kiểu tìm và thử này sẽ kéo thời gian chơi game và khám phá của bạn dài ra cực đại kể từ khi Dungeon là rất dài mà họ còn biên chế tường bí mật không theo logic nào cả, nó có thể lệch lòi pha so với Map hay đặt ở một chỗ siêu kì dị mà bạn lắm lúc chả để ý. Cách duy nhất để biết nếu như Dungeon có bí ẩn gì không đó là cái VMU của máy Dreamcast có thể báo hiệu cho bạn kể từ khi VMU được thiết kế theo mỗi game riêng biệt. Tuy nhiên bạn cũng phải rất để ý đấy, vì lắm lúc tín hiệu chỉ nhảy nhịp rất nhanh thôi hay bạn phải trải qua combat trong một tầng nhiều. Game có đưa vào một cơ chế may rủi có lập trình kiểu đầu tiên mà bạn được thấy trong các game kiểu này. Đó là trò chơi xổ số – mỗi khi bạn mua một vé xổ số ( tỉ lệ là 1 ăn 3 kể từ khi có 3 vé cho mỗi phiên ), hãy làm như cô nàng bán xổ số bảo bạn đó là Save game lại sau khi mua vé, out game ra rồi load vào để chuẩn bị tinh thần lĩnh giải. Cá nhân tôi thấy cái này khá là hay ho bởi vì bạn có thể mua xong, tắt máy đi nghỉ ngơi đi ngủ hay làm gì rồi đến lúc dậy, bật máy load vào game và trò chơi tự động tính toán trả thưởng cho bạn.
Cốt truyện tiếp tục diễn biến theo sau các sự kiện ở phần đầu. Nếu bạn nhớ ở đoạn phá đảo của Evolution The World Of Sacred Device thì Linear để lộ ra phần sức mạnh thật sự của bản thân để cứu Mag, điều này cảnh báo các rắc rối còn dài kể từ khi bối cảnh game là tương lai sau hậu tận thế của nền văn minh trước, các thế lực tìm cách nghiên cứu về các sức mạnh hay nguồn gốc của Linear vẫn còn đó. Game giới thiệu cho bạn một thằng cha phản diện mới là Yurka với quả style ăn mặc cứ làm tôi liên tưởng đến Hàn Quốc – không hiểu game có dụng ý gì đây. Thằng cha Yurka này cộng tác với tên giáo sư Whitehead dụ tất cả mọi người lẫn hội bảo tàng đến với thị trấn Museville trong phần 2 này. Gia đình Mag và đám bạn hiển nhiên là cũng đến rồi vì muốn nhân cơ hội kiếm chác tiền nong cũng như gây dựng lại danh tiếng sau một thời gian dài chôn chân ở thị trấn Pannam trong phần đầu. Linear trong phần này khác với phần 1 là đã bắt đầu nói nhiều hơn, thoại cho thấy cô ấy vẫn chưa thoát hẳn ra khỏi cái vỏ Introvert của bản thân… Trong khi đó Mag thì vẫn phớ lớ và phong cách như ngày nào, vẫn thỉnh thoảng chọc tức Chain hay mê mẩn Pepper, Gre thì được thư giãn hơn kể từ khi gia đình đã được trả hết nợ với Mag cùng Linear cũng tự lập hơn nhiều rồi, ông chỉ phải tập trung lo việc nhà thôi. Thị trấn Museville sẽ cho bạn một cảm quan Semi Open World truyền thống với nhà nào cũng vào được, NPC có chút tính cách hay shop đồ mọc lên nhan nhản quá cả phần đầu. Hội bảo tàng từ phần đầu cũng thả lỏng hơn rất nhiều, vì không còn nợ nần gì chúng nó nên bạn đỡ phải lo về việc bị cắt tiền trong những cuộc phiêu lưu. Trò chơi sẽ đi sâu hơn vào nguồn gốc của Linear ở quá khứ và thêm một chút vào settings về thế giới cổ đại của game. Để tránh plot twist cuối game có lẽ tôi sẽ ngậm mồm luôn ở đoạn này nhưng vẫn phải cảnh báo rằng thằng cha Yurka lươn lẹo này là một cái ví dụ của NTR đời đầu lươn lẹo xỏ lá với waifu của bạn. Bạn được cảnh báo rồi đấy, và tôi biết bạn đang nghĩ gì… Game thực ra vẫn rất trong sáng tuy nhiên họ không ngần ngại làm vài cái trêu ngươi ở đây chẳng hạn như cô ả nhân viên của hội bảo tàng khi xay xỉn sẵn sàng lột hết đồ khỏa thân – thứ mà Pepper thề thốt với Mag rằng may là hội mình không ở đó, hay Chain mỗi khi vào Bar để tán trai và tự nhiên nhận được câu: ” Xin lỗi anh bạn, tôi không hứng thú với đàn ông “…. Và cả một tá những thứ khác đến mức bản Evolution World có censored cả một đống thứ ngớ ngẩn như quán Bar thành quán uống sữa hay mấy câu Joke liên quan đến 3 vòng hay body khỏa thân bị cut đi…
Vì ở trên tôi đã nói về tình trạng tái lặp lại hay tái sử dụng Assets nên không may là cái khâu âm nhạc của game là khâu hứng chịu nặng nhất. Nó dùng lại rất nhiều các track nhạc từ Evolution 1, thậm chí còn quá đáng hơn khi đổi tên track đi làm bạn tưởng là nhạc mới và chỉ đến khi chơi game và bạn nhận ra hết, nói thế không có nghĩa là ông composer của game lười đến mức đó, vẫn có các track nhạc mới chủ yếu phân bố trong Dungeon tuy nhiên những cái mới là khá ít mà cái cũ thì nhiều. Trừ bài Kaze ga fuku hoshide vì cái này như là main theme của game rồi, nếu có phần 3 4 5 tôi nghĩ là vẫn dùng được. Cái hay ho mới là giờ mọi nhân vật đều có Full Voice Acting luôn: Nó vừa trẻ con mà vừa mang nét nào đó hài hước kiểu Voice Acting của thập niên 90s vậy. Mag nói thế này: ” Lin Nea Ahhhhh “, Pepper khi bị thương nói giọng trông giống tiếng Trung: ” Ni Cái Sì ma ” – điều mà tôi luôn không hiểu. Gre có câu cửa miệng ” Woooooo Su “… Và nói thẳng luôn thêm một lí do mà tôi khuyên bạn tránh thật xa Evolution World, vì bản đó chơi hẳn localize thay vì để nguyên voice Nhật nên Voice tiếng anh nghe không toát hết lên cái cảm xúc và tính cách của các nhân vật, trong khi đó Evolution 2 nguyên gốc trên Dreamcast cho dù là US, Eur hay JP thì voice acting sẽ được giữ nguyên, chỉ có thay đổi và biên dịch text hay các chức năng khác.
Đánh giá chung: Phần 2 của game tiếp diễn những gì ở phần đầu và như thường lệ mang lại một trải nghiệm độc đáo. Kể từ khi bản chất của thể loại Dugeon Crawler mà lại full cày cuốc với lặp lại như thế này sẽ rất khá kén người chơi nhưng tôi tin nếu bạn yêu thích thể loại thì chơi tốt cân tốt thôi. Game cũng có hệ thống unlockables và tính Rank vào cuối game, which khá là kì quặc khi nó thật sự tính Rank theo đúng kiểu của game Survival Horror và sau tất cả cảm xúc, kết thúc vẫn là một nốt thăng dễ đoán khi mọi người vẫn lại có hậu… À mà đó là ngoại trừ gia đình Launcher đấy nhé bởi vì đoán xem chuyện gì xảy ra vào lúc chúng ta lên tàu trở lại thị trấn Pannam nào ? TIÊN SƯ CÁI LŨ MẤT DẠY ! Đám hội bảo tàng bỏ bom chúng ta khi chúng nó cố tình lắt léo là ” bọn tôi sẽ tài trợ cho chuyến phiêu lưu này ” và rồi chúng nó cố tình nhét chúng ta vào một cái khách sạn dời ôi đất hỡi không có tí sao kê minh bạch nào cả. Gre là người nhận được hóa đơn cuối cùng và số tiền nợ là: 300000 ! Bạn biết thế này nghĩa là gì đấy, lại quay về làm con nợ tư bản cày tiền bục mặt mà lo trả nợ ! Bạn có thể bắt đầu trả nợ luôn trong lần playthrough thứ hai để lấy 100% game, game cho phép giữ lại nhiều thứ và tiền nong các kiểu bạn tích góp được ở lần chơi đầu hoặc nếu số đen đủi trong tương lai game có sequel và nợ được tính vào đó. Tổng kết lại bài học cuối cùng: ” Đừng bao giờ tin mồm bố con hội bảo tàng ! ”
HenryMason AKA TranVietBach
1to6ml