HẢI CHIẾN Ư, HÃY ĐẾN VỚI WORLD OF WARSHIP!

Khách mới

  

Nói đến nhà sản xuất Wargaming thì chắc hẳn các bạn đã từng nghe đến cái tên World of Tank. Một trong những game mô phỏng thiết giáp đồ sộ nhất đến thời điểm hiện tại, từng một thời làm mưa làm gió ở Việt Nam vào những năm 2013 và gắn với tên tuổi VTC kotek. Là một game casual nhưng có lối chơi khá cày cuốc, đồng thời với cơ chế pay2win gần như đã giết chết chính bản thân nó. Wargaming nổi tiếng là hãng làm game thiên về đề tài quân sự, và sau sự xuống dốc của World of Tank và World of Warplane khi mà sự mất cân bằng quá lớn giữa những khí tài mua bằng tiền (doublon) so với mua bằng tiền tự cày (silver) khiến player vô cùng bất mãn và đòi hỏi WG phải làm gì đó trước khi quá muộn. Thế là World of Warship ra đời, mặc dù còn nhiều khuyết điểm nhưng không thể không công nhận, lần này WG đã có một con át chủ bài rất đáng giá.

Sơ qua về sự ra đời

World of Warship (wows, đừng nhầm với warcraft nhé) là một trong 3 Trilogy của WG về đề tài quân sự xoay quanh các khí tài của các phe trong thế chiến thứ 2, và chiến tranh lạnh. Trò chơi vốn đã lên dự án từ trước 2013, tức là khoảng 4 năm sau thời điểm World of Tank ra đời, đội ngũ WG tham vọng sẽ ra mắt 3 game riêng về 3 lực lượng: Thiết giáp, Không quân và Hải quân. Nhưng sau sự xuống dốc không phanh của WoT và sự tệ hại thực sự của World of Warplane về cơ chế tính hp theo các bộ phận của máy bay khiến các player gạo cội dần quay lưng đi với sự thiếu trách nhiệm, quá tham lam tiền bạc của nhà sản xuất dẫn đến sự quá mất cân bằng của trò chơi, WG mới thực sự tập trung vào đánh cược vào canh bạc cuối cùng: Một trò chơi sẽ không đi theo vết xe đổ trước đó. Sau nhiều đợt test nội bộ, test server và các đợt Close Beta, Close Alpha thì đến tận cuối năm 2015 WoWs mới chính thức được phát hành trên nền tảng Window và sau này là Mac và PS4.

Game có gì hay?

Là một game MMO, game sẽ cho bạn điều khiển một tàu chiến và tham gia cùng nhiều người khác để chiến thắng team địch. Mỗi bên có 12 player và các chế độ khác nhau, phổ biến nhất vẫn là pvp hoặc ranked, pve dành cho các newbie hoặc khổ dâm cày tàu or làm nhiệm vụ. Có nhiều cách để thắng như đánh chìm hết tàu địch, chiếm được căn cứ chính hoặc là nâng point bar team mình lên 1000 và hạ point bar của phe địch về 0.

Các quốc gia có thể lựa chọn trong cây công nghệ gồm: Mỹ, Nhật, Đức, Liên Xô, Pháp, Trung Khựa, Anh… và trong tương lai sẽ còn thêm nữa. Mỗi quốc gia có các lớp tàu khác nhau như: Khu trục hạm, tuần dương hạm, thiết giáp hạm và tàu sân bay, nâng tổng số tàu chiến là hơn 300. Một con số khổng lồ tỉ lệ thuận với dung lượng bộ nhớ của game lên đến gần 50GB và thời gian các bạn bỏ ra cày cuốc (nếu không muốn nạp tiền). Tuy nhiên chính vì sự đa dạng ấy mà người chơi có thể tự chọn ra một nhánh hoặc lớp tàu yêu thích, phù hợp sở thích của mình (cho đến khi bạn nhận ra chơi tàu Nga quá Bias và khó bị counter nhất game)

Sơ lược về cách chơi thì game này khá dễ làm quen vì điều khiển tàu tương đối đơn giản với các phím WASD và QE, bạn chỉ cần học cách đón ngắm trúng địch. Vì không như những game FPS, đạn ở đây sẽ không bay ngay lập tức đến mục tiêu mà cần có thời gian để trúng địch, cho nên với từng con tàu, từng cỡ nòng súng sẽ cho một đường đạn khác nhau. Thậm chí là tuy chỉ có 2 loại đạn: đạn cháy và đạn xuyên giáp thì bạn cũng phải mất đến hơn 200 game để thuần thục việc chỉ ngắm bắn và chọn đạn. Với những ai đã chơi qua WoT thì có thể hoàn toàn dễ làm quen ngay lập tức vì cơ chế ngắm bắn của 2 game là khá tương đồng.

Các tàu chiến, theo đúng nguyên mẫu trong lịch sử và việc phân cấp phụ thuộc vào hỏa lực của chúng. Bạn đã từng nghe về Thiết giáp hạm Yamato với cỡ nòng 460mm, cỡ nòng lớn nhất của hải quân trong lịch sử chưa? Bạn đã nghe đến chiến hạm Missouri lừng danh của Hải quân Mỹ trong Thế chiến thứ 2 (đã từng được đánh nhau với Alien trong phim Battleship), về Trận thư hùng của Bismark với Hải Quân Anh và nhiều hơn thế hay chưa? Giờ đây chính tay bạn sẽ điều khiển những con tàu huyền thoại ấy, tham gia chiến đấu và giành lấy vinh quang.

Well, nếu bạn là một fan lịch sử và thích khí tài quân sự cũng như tàu chiến giống như tôi thì WoWs là một game đáng để chơi và nghiền. Mỗi tàu chiến đều có những đặc điểm, thông số về súng và giáp khác nhau. Và sự cân bằng ở game tuy không thể coi là hoàn hảo, nhưng tôi có thể cho sự cân bằng 9/10. WG thực sự đã rút ra kinh nghiệm khi để WoT tàn lụi là do tính pay2win đã làm mất đi giá trị thực sự giữa những người chơi hay và dở. Trong Wows vẫn có những con tàu “chỉ mua được bằng tiền thật” vốn là những nguyên mẫu huyền thoại của các lớp tàu có thể mua bằng tiền in-game như chiến hạm Missouri, tàu sân bay Enterprise hay thiết giáp Hạm Tirpitz,…

Các tàu chiến này có những ưu điểm đáng kể là ngoài cấu tạo và hỏa lực như các tàu chiến khác, chúng có thêm các Consumable đặc biệt– đại loại là giống như skill, giúp hiệu suất chiến đấu tốt hơn các tàu thông thường chỉ mang một số Consumable cơ bản. Ngoài ra không hề có sự khác biệt nào khác, có nghĩa là nếu có sự khác biệt về trình độ thì người chơi giỏi hơn xài tiền ingame vẫn có thể giành chiến thắng trước đối thủ xài tàu “tiền thật”. Bản thân tôi đã chơi game từ lâu nên nằm lòng toàn bộ điểm mạnh, yếu của từng lớp tàu nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy game bị mất cân bằng, chính vì thế nên giá trị chơi của game là rất cao.

Khi bạn chơi đủ lâu thì bạn sẽ hình thành được một giác quan thứ 6 khi chơi. Trong một trận chiến, không phải bên có nhiều tàu mạnh hơn sẽ thắng mà là bên có chiến thuật tốt và đoàn kết hơn. Một trận chiến càng có nhiều thông tin càng có lợi, khi bạn đã biết tàu địch có thể đi hướng nào, tàu địch mạnh yếu ra sao, bên ta thì thế nào, bạn có thể phán đoán và đưa ra quyết định để giành lấy chiến thằng. Và chiến thắng sẽ ngọt ngào làm sao khi không phải chỉ cần ngắm bắn giỏi và di chuyển tốt là bạn thành công. Bạn còn phải động não, phải suy nghĩ và tính toán cho những pha giao tranh, hoặc không.

Đây không phải là một game thiên về phản xạ, bạn phải lên kế hoạch, chọn vũ khí phù hợp, xoay súng vào vị trí có thể cần là bắn, và một pha click đúp của bạn vào đúng thời điểm. Tất cả pháo trên tàu đều khai hỏa vào mục tiêu, tiếng pháo với cỡ nòng lớn vang long trời lở đất và “BOOOM!”, tàu địch bị đánh chìm tan xác. Đó là kết quả của sự tính toán và quyết định vào đúng thời điểm, một cảm giác hưng phấn và quá phê luôn!

Nói sơ qua về từng lớp tàu

  • Tàu khu trục: là lớp tàu có vỏ giáp, hỏa lực và hp thấp nhất, nhưng đồng thời là lớp tàu cơ động và có ngụy trang cao, Khu trục hạm được trang bị khói giúp chúng ẩn nấp ngay trước mũi tàu địch trong một khoảng thời gian để tạo bất ngờ đồng thời trang bị ngư lôi nên đặc biệt nguy hiểm khi cận chiến. Ngư lôi là một vũ khí có sát thương cao và burst dmg cực khủng, nên một tàu khu trục tí hon vẫn có thể đánh chìm một thiết giáp hạm với pháo khủng chỉ với một loạt ngư lôi chính xác (size doesn’t matter :3), là khắc tinh của thiết giáp hạm và tàu sân bay.

  • Tàu tuần dương: Kích thước và hỏa lực kém hơn một thiết giáp hạm nhưng lại hơn khu trục hạm. Chính sự cân đối này biến lớp tàu này đặc biệt đa dụng trong mọi tình huống. Khả năng phòng không tốt giúp lớp tàu này hỗ trợ team chống lại máy bay từ tàu sân bay địch vô cùng hiệu quả, khắc tinh của các Khu trục hạm và thậm chí là thiết giáp hạm.

  • Thiết giáp hạm: Từng là niềm tự hào của Hải quân thế giới, loại tàu này mang cỡ nòng lớn và giáp khủng nhưng chậm chạp. Thiết giáp hạm hoạt động như một pháo đài di dộng chỉ với một nhiệm vụ duy nhất là đánh chìm tàu địch và gây nhiều sát thương nhất có thể. Khắc tinh của tuần dương hạm.

  • Tàu sân bay: Cái tên nói lên tất cả về vai trò của chúng, điều khiển máy bay và thả bom, ngư lôi lên đầu địch. Chúng không trực tiếp tham chiến mà sử dụng máy bay để tiếp cận kẻ địch. Đây là lớp tàu đặc biệt khi chúng là khắc tinh với mọi loại tàu nhưng lại cũng dễ dàng bị tiêu diệt khi bị phát hiện, đồng thời là con mồi giá trị hàng đầu trong mọi trận chiến, việc sử dụng cần rất nhiều kỹ năng, và cả sự hiểu ý của đồng đội.

Lời kết

Là một người có niềm đam mê đặc biệt với khí tài, chiến tranh và quân sự, ngay từ hồi còn nhỏ tôi đã từng tìm hiểu về những tàu chiến và sự huy hoàng của chúng. Về thiết giáp hạm Yamato được người Nhật chế tạo cho trận hải chiến quyết định của họ, nhưng trớ trêu thay lúc đó tàu sân bay đã chứng tỏ nó sẽ là vũ khí quyết định của tương lai. Yamato sinh ra là dành cho một trận chiến giữa những thiết giáp hạm, nhưng số phận không bao giờ cho nó một trận thư hùng mơ ước mà bị tiêu diệt bởi hơn 300 máy bay Mỹ.

Hay thiết giáp hạm Gneisenau của Đức, tuy một mình bị bao vây bởi một lực lượng áp đảo của hải quân Anh, bị bắn nát một kính ngắm điều khiển pháo nhưng vẫn kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hay là tàu sân bay Enterprise – Greyghost huyền thoại của Hải quân Mỹ với chiến tích lẫy lừng từng bị tuyên bố đánh chìm 2 lần nhưng vẫn sống sót và tham gia tiêu diệt 7 tàu sân bay Nhật. Còn rất nhiều, rất nhiều những huyền thoại khác gắn với những con tàu ấy, không chỉ là vũ khí chiến tranh, chúng còn đại diện cho một nền công nghiệp hùng mạnh và những thuyền trưởng, thủy thủ gan dạ, dũng cảm không chịu lùi bước bất kể họ là bên nào của cuộc chiến và được vinh danh trong lịch sử.

Càng tìm hiểu về chúng tôi lại càng thấy thú vị và mong muốn một ngày được chứng kiến những tàu chiến ấy chiến đấu với nhau, được tận mắt thấy uy lực của chúng.  Ngay từ khi WoWs còn đang thử nghiệm thì tôi đã tham gia và đến nay đã được 4 năm, nhiều kỷ niệm về những trận chiến một mất một còn, 1 vs 4 hoặc nhiều khi tức điên người khi team địch quá pro trong khi team mình toàn noob không biết làm gì ngoài chết và blame, v.v…

Tuy ở Việt Nam số lượng người chơi không thực sự nhiều như các game phổ thông như LOL, PUBG hay CS:GO nhưng hầu hết các player của nước ta có tỉ lệ các Unicum – những player thuộc loại tốt nhất game vào top đầu Server. Bản thân tôi cũng nằm trong số đó và không ngoa khi tôi đã gắn bó với game từ những ngày đầu tiên. Những player Việt Nam phần lớn ở độ tuổi trên 20 và thậm chí có những chú, bác gần 40 tuổi vẫn miệt mài với trò chơi này. Không phải một trò chơi nổi tiếng nhưng World of Warship vẫn có chỗ đứng riêng cho mình và là một Hidden Gem đáng giá ở thời điểm hiện tại. Nếu bạn có sở thích giống tôi thì đây là trò chơi dành cho bạn, còn nếu bạn đang chán những tựa game Fps hay Moba có tiết tấu nhanh thì một trò chơi có tiết tấu chậm rãi và cao trào từ từ, đòi hỏi sự tính toán thì thì đây sẽ là một món ăn lạ trong danh sách game của các bạn đấy.


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện