The Good Fellas: Hảo cộng sự và bức màn giới “Găng-xtơ”

Khách mới

  

Nếu đặt lên cán cân về những bộ phim xuất sắc nhất về Mafia, “Goodfellas” chắc chắn sẽ không thể nào so bì được với tượng đài “The Godfather”, tuy nhiên bộ phim đã tạo được tiếng vang đủ lớn để được gọi là ‘á quân’ dòng phim tội phạm này. Được ra mắt vào năm 1990 trong thời điểm Hollywood tràn ngập những tác phẩm nói về giới gangster như The Godfather IIIMiller’s CrossingKing of New York hay Men of RespectGoodfellas vẫn tách biệt hẳn với phần còn lại để đứng chung hàng ngũ với hai phần đầu The Godfather trong danh sách những phim về tội phạm hay nhất mọi thời đại.

Tuyệt tác chuyển thể, đẳng cấp mới của “anh hùng tù tội”

Giống như The GodfatherGoodfellas cũng là một tác phẩm chuyển thể. Nếu The Godfather được mô tả một cách lãng mạn hóa qua ngòi bút của Mario Puzzo về giới gangster như những kẻ nghĩa khí, thanh toán địch thủ để bảo toàn danh dự thì Goodfellas lại trần trụi hơn rất nhiều. Thực ra, các nhân vật trong The Godfather được tán dương như những người hùng, những kị sĩ bóng đêm, nó không thật như các nhân vật gangster trong các phim của Scorsese: lạnh lùng, tàn nhẫn, man rợ. Vốn được dựa trên quyển Wiseguy: Life in a Mafia Family, với nội dung xoay quanh sự thịnh suy của gia đình Lucchese – tổ chức Mafia khét tiếng bậc nhất tại New York trong những năm 60 -70, qua những mẩu chuyện người thật việc thật, được chia sẻ từ chính một cựu thành viên của băng: ông Henry Hill, cộng thêm phần kịch bản được Martin Scorsese cùng tác giả cuốn sách – Nicholas Pileggi chăm chút đến từng câu chữ, qua tận 12 lần chỉnh sửa, bộ phim Goodfellas đã gần như đưa người xem ngược dòng thời gian, trở về thời kỳ cực thịnh của thế giới ngầm tại Hoa Kỳ.

Câu chuyện được kể dưới góc nhìn thứ nhất về tên giang hồ nổi tiếng một thời, Henry Hill. Khán giả sẽ được biết nhều hơn về con người và cách suy nghĩ của một bậc tay chơi thứ thiệt. Hill vốn tiếp cận với những tay anh chị khi mới chỉ lên 11 tuổi và trưởng thành, va vấp trong thế giới của tiền, rượu, súng và gái đẹp. Ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, Hill vẫn khao khát một ngày mình sẽ trờ thành một tay chơi chính hiệu:

“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn muốn trở thành một tay gangster. Với tôi, làm gangster còn sướng hơn làm tổng thống Mỹ”. 

Chứng kiến được những gì mà các tên mafia ấy có được, cách bọn chúng xoay chuyển thế cờ và làm vấy bẩn công lí thực thụ, ta sẽ chẳng cảm thấy bất ngờ mấy mà ngược lại, sẽ đồng cảm với tâm lí và suy nghĩ của nhân vật. Từ đây, đã mở ra cho chúng ta một góc nhìn mới, một góc khuất mà nhiều người vẫn ngó lơ hay tặc lưỡi chấp nhận: một thế giới của những tên mafia bất tuân luật lệ, coi tiền như rác và xem mạng người như cỏ rác.

Được biết, lúc ấy đạo diễn Martin Scorsese – “ông trùm” của thể loại phim gangster – đã thề sẽ không làm một bộ phim trộm cướp nào nữa, cho tới khi ông đọc một bài bình luận về cuốn Wiseguy. Bài bình luận này đã truyền cảm hứng cho ông tìm đọc, trong khi vẫn đang làm việc trên phim trường Color of Money năm 1986. Ông lập tức bị cuốn sách của Pileggi thu hút, và bị mê hoặc một lần nữa bởi lối sống giang hồ. Scorsese cho rằng, đây là cuốn sách khắc họa một cách chân thật nhất về giới gangster mà ông từng đọc.

Hãy bất ngờ thêm một lần nữa, không phải vì câu chuyện mà Scorsese muốn kể mà là cách ông muốn kể chúng. Scorsese thuyết phục Pileggi rằng bộ phim sẽ không đi theo cấu trúc kể chuyện ABC truyền thống (Linear), mà ông muốn chinh phục câu chuyện gangster này theo kiểu đảo lộn các tuyến sự kiện (Non-linear). Scorsese áp dụng lối dẫn chuyện như cảnh mở màn của bộ phim kinh điển Jules and Jim (1962), đồng thời tất cả những thủ pháp cơ bản trong những bộ phim Làn Sóng Mới của Pháp ở thập niên 1960, sẽ được áp dụng cho Goodfellas.

Từ đây, một bước tiến lớn đã xảy ra không chỉ với dòng phim tội phạm nới riêng mà là cả Hollywood nói chung. Nó liên kết quá khứ và tương lai theo một số cách quan trọng. Nếu đúng là mọi tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời đều kết thúc một thể loại này và mở ra một thể loại khác, thì Goodfellas có thể được coi là đỉnh cao của truyền thống mà The Godfather đại diện và là mối liên kết quan trọng giữa nền điện ảnh Hollywood mới của những năm 70 và những gì chúng ta nghĩ bây giờ như thời kỳ hoàng kim của TV. Nó đưa cái nhìn của khán giả về góc nhìn của họ với thể loại phim cũ – sự căng thẳng giữa việc xác định cảm xúc của chúng ta với các nhân vật và sự phán xét đạo đức của chúng ta về hành động của họ – đến một góc nhìn đa diện hơn, khi mà chúng ta lại chính là nhân vật trong bộ phim đó và hóa ra những gã lưu manh hoang dã có thể là người đàn ông tử tế với gia đình hắn, những linh mục đáng kính có thể bị tha hóa dễ dàng.

Từ đời lên phim có khác biệt??!

Henry Hill

Theo bước Henry Hill, con đường trở thành tội phạm của anh chưa bao giờ lại được khái quát rõ ràng hơn thế. Đầu tiên chỉ là giao hàng cho lão Paul “Paulie”, ghi số đề rồi phá hoại theo yêu cầu là được tiền. Đối với một đứa trẻ, làm những công việc đơn giản thế mà được tiền tiêu thả ga, được đặc cách tại mỗi nơi anh đến, được thị uy, giễu võ dương oai với bất kì ai mà mình không thích thì chẳng phải là quá sung sướng hay sao? Chưa kể đến lại còn được một ông rùm Brooklyn bảo kê thì còn gì bằng.

Dần dà anh được móc nối với hai “hảo huynh đệ ” của mình là Jimmy Conway (Robert Del Niro) và Tommy DeVito (Joe Pesci). Từ đây cả ba bắt đầu rơi vào vòng xoáy tình, tiền, tù, tội. Nói ra để thấy, môi trường sống có tác động đến con người ra sao. Sống ở khu phố mà tại đó cướp của, hối lộ là một hành động quá bình thường, tại nơi mà một ông chủ nhà hàng Ý hóa ra lại là một gã tay chơi sừng sỏ có tiếng thì mong muốn, khát khao trở thành Gangster hơn làm tổng thống là chuyện quá bình thường. Rồi những vụ “chơi lớn” xảy ra và quan trọng hơn là một điều không thể tránh khỏi trong giới giang hồ cũng xảy đến: giết người và ma túy.

Việc đổi góc nhìn ấy cho thấy sự tài tình của Scorsese, khi ông thể hiện rằng hấp lực của thế giới gangster đủ sức thay đổi cả những con người tưởng như “lành” nhất! Ông tái tạo đúng cái thế giới bạo lực, đen tối nhưng cũng rất mời gọi với quyền lực và tiền bạc ấy lên màn ảnh, để khán giả tự phán xét về những nhân vật và hành động của họ thay vì cố giảng giải đạo đức hay truyền thông điệp. Diễn viên đóng vai Henry Hill đã có một màn trình diễn xuất sắc khi không chỉ lột tả hết nhân vật của mình mà còn cho thấy tất cả mọi người thấy anh hợp với vai diễn ấy ra sao. Sau khi được giao vai chính, Liotta đã nghe băng cassette thu lời của Henry Hill từng ngày trên đường tới trường quay đến mức thuộc nằm lòng cách nhả chữ của nhân vật này!

Jimmy Conway

Là người hợp tác với Scorsese nhiều nhất, diễn viên gạo cội Robert De Niro đã cùng làm việc với ông qua 9 phim, bắt đầu từ phim Mean Streets khi đạo diễn Brian De Palma giới thiệu De Niro cho Scorsese. De Niro đã giành tượng vàng Oscar cho vai nam chính trong phim Raging Bull, tên tuổi của ông gắn chặt với những vai trùm mafia. Có lẽ, khi xem Goodfellas, ai nấy đều phải ấn tượng với phong cách của nhân vật Henry Hill hay sư phụ của hắn: Jimmy Conway – một gã giang hồ với phong thái cực kì lịch thiệp do Robert De Niro thủ vai. Được biết, ban đầu Al Pacino được mời vào vai Jimmy Conway, nhưng ông từ chối do sợ bị “chết vai” gangster. Điều mỉa mai là cũng vào năm ấy Al Pacino lại đi nhận một vai gangster khác – vai Big Boy Caprice cổ quái trong phim Dick Tracy (1990) của Warren Beatty. Sau này Al Pacino thú nhận mình hối tiếc về quyết định này.


Dễ thấy, nhân vật của ông nổi bật với sự cáo già, tàn độc và sẵn sàng thực hiện mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, từ phản bội đại ca đến tiêu diệt bạn bè, đàn em. Và quả thật vậy, Robert De Niro đã một lần nữa khẳng định mình phù hợp với những vai diễn tội phạm thế nào. Chúng ta sẽ không ít lần bị đánh lừa bởi sự cáo già của hắn. Kẻ có thể thản nhiên giết người chỉ vì không ưa nổi hắn, thủ tiêu mọi kẻ tham gia vào phi vụ của mình vì đơn giản là không muốn ăn chia với chúng. Đáng sợ hơn ở hắn chính là việc sẵn sàng tiêu diệt đàn em trung thành của mình ngay khi gặp bất lợi. Làm gangster mấy ai có thể hưởng được 4 năm ở tù như ông hoàng như hắn, để rồi ra tù lợi hại và hiểm ác thêm gấp bội lần. Phải nói nhân vật Jimmy Conway không chỉ là một tên đại ác mà còn là một thế lực ghê gớm mà chúng ta sẽ không thể nào tưởng tượng được sự ghê rợn của hắn nếu không phải do Robert De Niro thủ vai.

Tommy DeVito

Trái ngược với Hill, nhân vật Tommy của Joe Pesci lại là một gã khùng đúng nghĩa khi hắn ta sẵn sàng nổi cáu và giết người bởi những việc nhỏ nhặt nhất. Pesci vốn được biết tới nhiều trước đó với tư cách một diễn viên hài nhưng trong Goodfellas, ông đích thực là một gã “quỷ lùn” đáng sợ. Hiếm ai từng xem Goodfellas mà có thể quên cảnh gã dọa đồng bọn “Mày nói tao hài hước là ý gì?”. Năm 1991, Joe Pesci đã được trao giải Oscar nam diễn viên phụ xuất sắc nhất nhờ màn trình diễn đầy ngẫu hứng ấy. Một gã vô nhân tính sẵn sàng ra tay giết người chỉ vì những việc vô cùng vô lí, không biết kiềm chế cơn nóng giận của mình đến độ giết chết một tên Mafia Ý máu mặt để rồi nhận lấy kết cục thảm khốc.

Đây là một sự phân vai táo bạo của Scorsese, bởi Pesci có ngoại hình thấp bé không giống với Tommy thật ngoài đời, gương mặt và phong cách của Pesci lại phù hợp với vai hài chứ không phải một gã máu lạnh tàn bạo, xem giết người như trò chơi. Nhưng Pesci đã nhập vai tuyệt vời đến mức sau này khi Henry Hill xem phim, hắn cũng phải công nhận, nếu không tính vẻ ngoại hình thì Joe Pesci khắc họa tính cách của Tommy DeVito chính xác đến 99%.  Bài phát biểu nhận giải Oscar của Joe Pesci là bài phát biểu ngắn thứ ba trong lịch sử giải Oscar. Pesci chỉ nói: “Đây là một vinh dự và một đặc ân, cảm ơn quý vị”. Sau này Pesci thú nhận rằng ông không nghĩ mình sẽ chiến thắng, nên chẳng chuẩn bị bài phát biểu! Tạp chí Premiere xếp nhân vật Tommy DeVito của Joe Pesci vào hạng thứ 96 trong danh sách 100 Nhân vật điện ảnh hay nhất mọi thời đại, và gọi Tommy “… có lẽ là nhân vật khó cải tạo nhất từng được đưa vào điện ảnh!”. Bên lề một chút, Joe Pesci cũng chính là diễn viên đóng vai gã trộm trong phim Ở nhà một mình nổi tiếng của tuổi thơ chúng ta đó.

Xứng đáng siêu phẩm Gangster.

Goodfellas lôi cuốn khán giả bởi nhiều đoạn thoại vừa hay lại vừa bỗ bã, tục tĩu rất “đời”. Không ít trong số những câu thoại đó được các diễn viên “tự biên tự diễn” khi ngồi tập kịch bản với nhau và được Scorsese ghi lại. Tháng 06/2008, Viện Phim Mỹ công bố danh sách “Ten Top Ten” – mười phim hay nhất trong mười thể loại phim Mỹ kinh điển – sau cuộc bình chọn của 1.500 người từ giới sáng tạo nghệ thuật. Goodfellas được công nhận là phim hay thứ hai trong thể loại phim gangster (sau The Godfather).


Vào năm 1986, Scorsese đã gọi điện cho tác giả Pileggi sau khi đọc xong cuốn Wiseguy và bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Tôi đã chờ cuốn sách này cả đời rồi”. Pileggi đã mỉm cười đáp lại: “Còn tôi cũng đã chờ cuộc điện thoại này cả đời!”. Với Goodfellas, Martin Scorsese tự hào nói với các đồng nghiệp của mình rằng: “John Ford làm phim miền Tây, còn tôi làm phim đường phố”. Và khán giả thì cảm ơn duyên số đã đưa hai cao nhân này tới với nhau, để rồi bốn năm sau đó dòng phim gangster đón nhận một kiệt tác mang tên Goodfellas.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện