Mobile gaming là một cái tên mà nhiều game thủ khinh thường. Cũng thật dễ hiểu khi chúng hầu hết được dùng để giết thời gian quý báu của mọi người. Nhưng không phải game nào cũng như vậy. Ở đâu đó trên cái nền tảng này vẫn tồn tại những developer có tâm, đam mê và ấp ủ những món sơn hào hải vị cho người dùng. Và Rayark là một trong số họ. Từ Cytus, Implosion cho đến Deemo, họ đã để lại biết bao những kỉ niệm khó quên cho fanbase của mình. Nhưng đó vẫn chưa phải điểm dừng cho nhà phát triển Đài Loan của chúng ta. Hôm nay người viết xin giới thiệu với các bạn một trò chơi thể loại Gacha, Turn-based RPG đầu tiên của Rayark với cái tên Sdorica –Sunset-.
“Sdorica cuốn hút người chơi ngay từ những giây phút đầu tiên”
Tuy đây là một game gacha, thể loại mà không phải ai cũng ưa được, nhưng với chính cái hồn của mình, Sdorica vẫn là điểm đến của những fan Turn-based RPG chân chính. Ngay từ những lúc Loading screen đầu tiên, người chơi sẽ được chứng kiến quá trình hình thành của thế giới trong đây, từ sự tồn tại của con rồng Sdorica cho đến việc giải phóng nhân loại khỏi cuộc sống vô vị nhưng trường tồn của họ. Các “thám hiểm gia” chúng ta đây sẽ được hứa hẹn một bối cảnh kì diệu và đầy lí thú, kèm theo đó là những hoạt họa sinh động, đầy cá tính , cùng với những bản nhạc oanh hùng, huyền ảo. Sdorica đảm bảo sẽ mang lại cho người chơi những khoảng thời gian đáng nhớ ngay bên dế của bạn.
“Một cốc Turn-based, một thìa Match 3, và cùng với đó là một gáo muối đi kèm ”
Hệ thống gameplay của Sdorica phải nói là CÓ MỘT KHÔNG HAI. Thay vì để kiểu Turn-based như bao Jrpg khác, nó chỉ cho bạn kích hoạt Skill NẾU NHƯ bạn nối đúng những “đốm lửa” tương ứng. “Thế rốt cục nó chẳng khác gì mấy trò rẻ rúng Match 3 kia à?” có thể là điều mấy bạn đang nghĩ. Nhưng từ từ nào các giáo sư! Lúc đầu nghe cứ tưởng nhạt tênh như Dasani, nhưng hóa ra lại là chai Vodka trá hình đó. Khác với mấy game Match 3, cứ nối càng nhiều là điểm và dame sẽ tăng theo, Sdorica chỉ đơn giản dùng cái tính chất đó để rắc thêm gia vị vào một lối chơi turn-based vốn lâu đời mà thôi. Thành ra người chơi không chỉ đơn giản là chọn Skill theo một danh sách có sẵn mà bắt buộc phải động não để kích hoạt được Skill phù hợp nhất trong set 3 Skill của từng nhân vật. Set 3 Skill ở đây là 1-orb, 2-orb, 4-orb (orb chính là đốm lửa đó), với điều kiện kích hoạt là nối 1, 2 hay 4 đốm lửa theo hàng ngang, hàng dọc, hoặc thành hình vuông nếu đó là 4-orb Skill. Mỗi Skill đều có tác dụng riêng của mình, và những Skill đòi hỏi nhiều orb hơn không nhất thiết mạnh hơn những Skill còn lại. Ngoài ra, mỗi nhân vật còn có 2 Skill khác, một là advisor Skill – kĩ năng kích hoạt riêng rẽ nếu họ ở trong slot advisor, và hai là nội tại có sẵn của họ.
Bảng 2×7 bên trên sẽ là nơi bạn điều khiển thế trận. Trong cái bảng này hiện hữu 3 loại đốm lửa. Đốm lửa trắng dùng để điều khiển nhân vật “hỗ trợ”; đốm lửa đen thì lại dùng cho nhân vật “gây sát thương” và đốm vàng thì tượng trưng cho nhân vật “đỡ đòn”. Tuy được chia ra rõ ràng với 3 vai trò riêng rẽ cho từng nhân vật như trên, tác dụng của nhân vật đó lại tùy thuộc vào set Skill của họ. Ví dụ như một số nhân vật thuộc dạng đốm đen lại mang khuynh hướng hỗ trợ, hay có mấy nhân vật đốm trắng chuyên đi dồn dame và tạo combo trong khi nhân vật đốm vàng tự hi sinh bản thân để buff cho đồng đội. Fun fact: những bộ set Skill của mỗi nhân vật phản ánh chính con người và tính cách của họ, tạo ra một chiều sâu khác mỗi khi bạn quyết định cầm Nolva đi bem chết mấy lũ mob xấu số.
Bạn đã từng bảo giờ nghe thấy cụm từ combo cho một game turn-based chưa? Bởi đó chắc chắn là một thứ tồn tại trong Sdorica. Để giúp cho các bạn liên tưởng rõ hơn với cái “combo” này, điều đơn giản nhất có thể nghĩ tới chính là mấy trò Card game của những gamer thượng đẳng. Trong những trò card game đấy, tuy được đánh theo lượt, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo và một chiến thuật khôn ngoan, bạn có thể liên kết Effect của lá bài này đến lá bài khác, tạo ra một Chain cộng hưởng, tăng gấp đôi, gấp ba hoặc phát huy tác dụng của những lá bài mà đối thủ chẳng hề nghĩ rằng là có thể. Nếu bạn tạo ra nhiều Chain cùng một lúc, một set combo sẽ được hình thành, nâng cao khả năng chiến thắng của mình. Sdorica cũng như vậy đó. Tùy từng loại đối thủ mà ta có thể tạo được một team thích ứng để đối phó với chúng. “Combo” trong Sdorica hiệu quả đến mức bạn có thể cày xong một màn chỉ với 0 lượt. Kèm theo đó là cả một danh sách dài những Buff và Debuff cũng quan trọng không kém. Thực chất thì nó quan trọng tới mức nếu bạn không biết áp dụng thì đa số trận đánh trong đây sẽ thành một chuyến khổ dâm. Mỗi Buff và Debuff có tận 3 stacks, mỗi stack tăng hoặc giảm 30% tác dụng cho Status Effect tương ứng. Ví dụ như 3 stack Enhance sẽ tăng 90% công dụng của set Skill đang có, hay 2 stack Armor Shift sẽ hồi một lượng máu bằng 60% số giáp hiện tại.
Vì vậy, kết quả cuối cùng là một con game có lối chơi RPG turn-based chặt chẽ nhưng linh hoạt, mới mẻ nhưng cũng rất đỗi quen thuộc. Một lối chơi mà “dễ làm quen nhưng lại khó làm chủ” như thế này chắc chắn sẽ không làm thất vọng người chơi, đặc biệt là những gêm mờ RPG của chúng ta. Còn nếu bạn không đủ tự tin để nắm hết các Skill hoặc cách hoạt động của hệ thống Buff/Debuff thì không phải lo, bởi Sdorica có riêng hẳn một mục Training Quest cho người chơi của mình rồi. Bạn vừa có thể tiếp cận đến gần như mọi nhân vật ở mức level cao nhất trong game, tham gia các trận đánh mà mãi về sau mình mới được trải nghiệm, và tự học hỏi cũng như làm quen với hệ thống của nó trong khi vẫn nhận được nguyên liệu để nâng cấp nhân vật vốn có của mình. Cùng với đó là cả một cộng đồng, kết hợp với hệ thống guild sẽ giúp người chơi dễ dàng hòa mình vào thưởng thức mà không hề cảm thấy xa lạ hay đơn độc. Vừa chơi, vừa học hỏi, vừa chia sẻ với người khác, trải nghiệm có một không hai này đảm bảo sẽ để lại nhiều ấn tượng không kém gì nhiều trò chơi trên những chiếc PC thượng đẳng.
“Kiểu gì thì kiểu, đây vẫn là một game Gacha”
Đối với các bạn mà may mắn thay, không biết game Gacha là gì, thì hãy cho mình xin phép giải thích. Gacha là địa ngục. Nó là thể loại mà sẽ hút hết cả thời gian, tâm hồn và có thể kèm theo cái ví đáng thương của bạn. Khi nhắc đến Gacha thì ta nhắc đến biển chết, khi mỗi ngày bạn sẽ phải dội một gáo muối thanh lọc bản thân. Và đây cũng chính là điểm yếu, cũng như điểm mạnh của Sdorica. Yếu tố Gacha của con game khiến cho người chơi khá là “mặn mà” sau mỗi đợt banner trôi qua. Vì đây là một con game về sử dụng chiến thuật, sắp xếp những đội hình thích ứng với nhiều tình huống khác nhau, nên số nhân vật mà người chơi có được sẽ là yếu tố định đoạt cho sức mạnh tổng thể của họ. Thành ra việc bạn không thể chiếm rank cao trong đợt xếp hạng lần này chỉ vì không có một con tướng cụ thể nào đó khá là ức chế với nhiều người.
“Nhưng ít ra đây là một game Gacha khá công bằng”
Nếu bạn định chơi Sdorica vì cốt truyện và các yếu tố single player khác của nó, thì xin chúc mừng, yếu tố Gacha sẽ hầu như không ảnh hưởng đến bạn. Theo như những gì mình đã diễn tả về gameplay, không nhân vật nào thực sự mạnh hơn những nhân vật khác. Mỗi nhân vật đều có điểm mạnh riêng của mình và người chơi sẽ phải áp dụng nó vào đúng thời điểm. Cũng chính vì vậy, bạn không cần phải cố đổ xô hết tiền của chỉ để có được một nhân vật cực bá trong mỗi banner như mấy game khác. Đến cả hệ thống phân cấp của Sdorica cũng công bằng không kém gì. Thường thì những trò Gacha như FGO sẽ phân cấp bậc cho mọi nhân vật, nhân vật nào cấp thấp hơn thì yếu hơn. Nhưng Rayark lại nói không với kiểu hệ thống này. Mỗi nhân vật trong Sdorica đều có thể được nâng cấp tới SSR – cấp bậc cao nhất trong game. Và những gì bạn quay được trong Gacha sẽ mở khóa và cung cấp “mảnh đá” của nhân vật bạn cần nâng cấp. Thành ra việc quay được cấp bậc cao hơn chỉ đơn giản giúp bạn tiết kiệm thời gian nâng cấp nhân vật của mình. Nên khi quay Gacha, người chơi sẽ thường mong muốn được mở khóa tới một nhân vật mới mà mình chưa có, để có thể cày “mảnh đá” của nhân vật đấy thông qua Event ngày và trong những Side Story của họ. Chính vì vậy, yếu tố Gacha trong đây chẳng khác gì một hệ thống Progression trong một trò chơi Single player. Mà cũng nhờ Gacha, việc có được nhân vật mới luôn là một trong những niềm vui lớn nhất của người chơi Sdorica, khi mà công sức của họ đã được đền đáp xứng đáng. Tuy vậy, nếu bạn không quay ra được nhân vật mà bạn thích, bất kể nó cần thiết hay không, game nó vẫn mặn như thường.
“Có thể bạn không tin, nhưng Sdorica tập trung rất nhiều vào cốt truyện và nhân vật của nó”
Nói thật số những con game có được cốt truyện hay trên nền tảng điện thoại này chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi. Và số lượng game Gacha được như vậy còn ít hơn cả, khi mà đa số chúng đều phụ thuộc vào gameplay lẫn “ngoại hình” nhân vật để thu hút người chơi. Nhưng Sdorica không hề như vậy. Tuy được bọc bởi một Artstyle tuyệt đẹp, cùng với dàn Soundtrack mang đầy âm hưởng, Sdorica lại lấy chúng để phục vụ cho cốt truyện của mình, thay vì khiến nó là điểm thu hút chính cho những người chơi mù quáng trên chính cái nền tảng bị khinh bỉ này.
Câu truyện của Sdorica được kể lại theo phương thức phi tuyến tính, hay nói đơn giản hơn, được tường thuật lại dưới nhiều cái nhìn khác nhau. Người chơi sẽ đóng vai trò là một Watcher – những người cai quản sự kiện diễn ra trên thế giới. Từng diễn biến từ nhỏ đến lớn, đều sẽ được bạn quan sát trong quá trình “hồi phục trí nhớ của mình”. Chính vì vậy con game không hề có một nhân vật chính hẳn hoi. Mỗi nhân vật đều đặc biệt, đều có cá tính và quan trọng hơn cả, họ đều là những con người/con vật có chiều sâu riêng của mình. Bạn có thể tự quyết định xem ai là nhân vật chính của câu truyện này, tùy theo sở thích của mình, cũng như mức ảnh hưởng của họ tới các diễn biến trên thế giới. Ví dụ như tôi đây, coi cô công chúa Angelia là nhân vật chính của Sdorica. Một cô gái nhân hậu, đầy lòng trắc ẩn dần bị chai sạn bởi chính thế giới nghiệt ngã của mình, Angelia là một trong những nhân vật được khai thác nhiều nhất trong season 1 của Sdorica(Yep, con game hiện tại mới chỉ có 1 season trong nhiều season sắp tới). Tuy là một cô công chúa “bé nhỏ”, Angelia đã phải đứng lên chống lại người chú đáng kính của mình. Cô phải trải qua bao nhiêu thất bại và mất mát để nhận ra lỗi lầm thảm hại lại chính là lòng nhân từ, không dứt đoán của cô. Và rồi rồi dần dần, Angelia lại trở thành chính người chú của mình, một vị lãnh đạo với trái tim giờ chỉ còn sắt đá, không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích của mình. Ngoài ra, Sdorica còn có những Side Story của từng nhân vật, nhằm phục vụ phát triển nhân vật đó, cũng như là những mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh của câu truyện. Tuy nhiên, do hiện tại câu truyện vẫn chưa kết thúc nên còn tồn đọng lại một số nhân vật chưa hề có Side Story cho riêng mình. Kể cả vậy, với chất lượng cũng như sự đầu tư cao về kịch bản, tôi cùng với nhiều người chơi khác vẫn không ngừng chờ đợi các season tiếp theo, mong rằng sẽ được khám phá nhiều thế giới tuyệt đep, nhưng đầy nghiệt ngã này.
Túm cái váy lại, Sdorica là một sản phẩm tuyệt hảo được nung nấu kỹ lưỡng bởi Rayark yêu quí của chúng ta. Cả về mặt hình ảnh, âm thanh, lẫn gameplay, cốt truyện và nhân vật, Rayark đã hoàn thành mĩ mãn nhiệm vụ của mình. Kể cả vẫn bị ảnh hưởng bởi yếu tố Gacha mặn chát biển Đông, Sdorica vẫn không làm phụ lòng fanbase của mình với chất lượng hiếm mà có được trên nền tảng mobile gaming này. Với cái đà hiện tại như thế này, chúng ta chắc chắn sẽ được thưởng thức nhiều hơn nữa những món ăn được Sdorica chế biến cho chúng ta. Nếu bạn có một chiếc điện thoại(đủ khỏe), sao không bỏ ra chút thời gian để khám phá trò chơi này nào?
Bro tôi xin tài liệu cái để làm bài nhé :v (Sao như cái meme đi chép bài thằng bạn nhỉ?)
Tuy muộn nhg ok 🙂
Mình cảm ơn bạn đã chia sẻ, bài bạn viết tâm huyết quá. Tui biết đến bài của bạn nhờ bài của ông Không Hy Vọng ở trên!!
con game siêu underated, mong bài của bạn giúp game nhận được sự chú ý mà nó xứng đáng có