[Review] Green Lantern Earth One Vol.1 – Vũ trụ bao la

Khách mới

  

Tên truyện: Green Lantern Earth One Vol.1

Tác giả: Gabriel Hardman, Corina Bechko

Lời mở đầu

Vũ trụ, một khoảng không gian bao la, rộng lớn, sâu thăm thẳm như đại dương ở Trái Đất, chờ đợi con người chúng ta khám phá ra những điều mới lạ.

Tôi tuy không phải là fan của thể loại vũ trụ, nhưng những tác phẩm như Star Wars, Star Strek, hay thậm chí là cả The Martian luôn là sự thú vị, kích thích trí tò mò của tôi về vũ trụ, tạo niềm cảm hứng và ước mơ được bay vào vũ trụ khám phá những điều mới lạ trong tôi. Thế nhưng vũ trụ trong tôi đã thay đổi kể từ khi xem xong Predator, The Thing hay kinh điển hơn là Alien. Vũ trụ giờ đây không chỉ còn là một miền đất đầy hứa hẹn nữa, mà nó còn là không gian bao la ẩn chứa biết bao điều bí ẩn, cùng với đó là những nguy hiểm tiềm tàng mà con người chúng ta vẫn chưa hề hay biết tựa như dưới đáy biển sâu kia.

Và trong bài review, cũng như đánh giá và cảm nhận comic của tôi ngày hôm nay, hãy cùng tôi theo dõi chuyến hành trình đi vào không gian rộng lớn bao la, nhưng cũng ẩn chứa đầy nguy hiểm và cả những bí mật đầy đen tối đằng sau chuyến hành trình, của cựu phi công NASA Hal Jordan trong Green Lantern Earth ONE Vol.1.

Để bắt đầu một bài review. Vẫn như mọi khi, tôi thường đi tìm cho mình một nguồn cảm hứng nhất định để có thể từ đó triển khai những ý tưởng, của cá nhân, bản thân mình đến với bài cảm nhận, và với Green Lantern Earth One đây là cơ hội tốt để tôi tìm hiểu thêm về vũ trụ, và những gì gọi là thám hiểu vũ trụ.

Thám hiểm vũ trụ

Vũ trụ hay hàng không không gian, vốn không còn quá mới mẻ với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng với nhiều nước, việc phát triển, hay tiếp cận với nền công nghiệp này vẫn còn là một điều gì đó quá mới mẻ, nếu không muốn nói là sự xa vời với nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có cả Việt Nam của chúng ta. Kinh phí để có thể lắp ráp một vệ tinh, hay xa hơn là lắp ráp một con tàu đưa người vào không gian là không hề nhỏ chút nào, và với những quốc gia đang phát triển thì việc này là điều quá xa với. Vậy nên nếu muốn tìm hiểu về ngành này, hãy cũng tôi quay lại vào thời kì chiến tranh lạnh, thời điểm chạy đua vũ trang và công nghệ. của 2 ông lớn Liên Xô và Hoa Kỳ, cụ thể mọi chuyện bắt đầu từ sau năm 1945.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ và Liên Xô bắt đầu tham gia vào Chiến tranh Lạnh với các vụ do thám và tuyên truyền. Thám hiểm không gian và kỹ thuật vệ tinh có thể cung cấp cho Chiến tranh Lạnh ở cả hai mặt trận này. Các thiết bị đặt trên vệ tinh có thể do thám các quốc gia khác, trong khi các thành công trong vũ trụ được dùng để đánh bóng cho sự phát triển khoa học ở nước đó cũng như các ứng dụng vào quân sự. Tên lửa có khả năng đưa người vào vũ trụ hay hạ xuống một điểm nào đó trên Mặt Trăng cũng có thể mang bom hạt nhân tới một thành phố của đối phương.

Các phát triển kĩ thuật phục vụ du hành vũ trụ có thể được ứng dụng trực tiếp vào các tên lửa thời chiến như tên lửa liên lục địa (ICBM). Cùng với các khía cạnh khác của chạy đua vũ trang, phát triển trong khoa học không gian là dấu hiệu của sự thống trị về kĩ thuật và kinh tế, biểu hiện dấu hiệu của siêu cường quốc. Nghiên cứu không gian lúc này có hai mục đích: phục vụ hòa bình và đóng góp vào các mục tiêu quân sự. Đến năm 1957, Liên Xô đã phóng thành công Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào quỹ đạo Trái Đất, khởi đầu cuộc chạy đua vào vũ trụ. Vì các tiềm năng quân sự và kinh tế, Sputnik đã gây nên hoảng sợ và các tranh luận về chính trị ở Hoa Kỳ, làm cho chính quyền Eisenhower đưa ra một số chương trình, trong đó có cả việc thành lập NASA. Cùng lúc đó, sự kiện Sputnik được nhìn nhận tại Liên Xô như một dấu hiệu quan trọng về khả năng khoa học kỹ thuật của quốc gia.

Ở Liên Xô, vụ phóng Sputnik và chương trình thám hiểm vũ trụ kế tiếp đã thu hút được sự ủng hộ của công chúng. Đối với một đất nước chỉ vừa hồi phục sau chiến tranh đó là một điều quan trọng và đầy khích lệ để thấy được sức mạnh khoa học kĩ thuật trong thời đại mới.

Trước sự kiện Sputnik, người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ là vượt trội trong mọi lĩnh vực kĩ thuật. Để đáp lại Sputnik, Hoa Kỳ đã bắt đầu một cố gắng vượt bậc để lấy lại thế thượng phong về khoa học kĩ thuật, kể cả việc cải cách chương trình giáo dục. Các thành công của Liên Xô trong việc đưa lên không gian một vệ tinh viễn thông nặng 184 pound và ngay một tháng sau, một tên lửa nặng nửa tấn mang theo chó Laika lên vũ trụ đã buộc Hoa Kỳ phải hành động ở tầm cỡ quốc gia.

Chỉ trong một năm, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Giáo dục Quốc phòng (National Defense Education Act), một chương trình giáo dục liên bang có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử của quốc gia này. Đạo luật này đã cho phép chi ra hơn một tỷ đô la cho các cải cách giáo dục khác nhau, bao gồm việc xây dựng thêm nhiều trường mới, các học bổng và các khoản tiền cho mượn để các học sinh giỏi có thể học lên cao hơn, những cố gắng mới trong giáo dục ngành nghề để đáp ứng những nhu cầu về nhân lực của ngành công nghiệp quốc phòng, và nhiều chương trình khác. Và đến gần bốn tháng sau vụ phóng Sputnik 1, Hoa Kỳ đã tiến hành phóng vệ tinh đầu tiên Explorer I như một đòn đáp trả lại dành cho Liên Xô.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, đến năm 1961, con tàu Vostok 1 của Liên Xô, đưa nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin vào không gian, chính đánh bước chuyển mình của Liên Xô. Khi lần đầu tiên họ đưa thành công con người vào trong không gian. Điều này chả khác gì một gáo nước lạnh tát thẳng vào mặt một siêu cường quốc như Mỹ, và khi họ bị tát nước vào mặt. Cái tôi cao ngút trời của người Mỹ sẽ chẳng thể nào ngồi yên một chỗ được, và điều này dẫn đến sự kiện năm 1969, người Mỹ tung ra đòn đáp trả lại phía Liên Xô. Khi lần đầu tiên trong lịch sử loài người, họ đã thành công trong việc đưa con người lên mặt trăng.

Sau thành công này, hàng loạt các tác phẩm, sản phẩm, ăn theo đề tài vũ trụ được ra đời. Thậm chí vào thời điểm đó xu thế phim ảnh lúc đó cũng bị ảnh hưởng theo, khi từ những thập niên 70-80 cả một dòng phim về những chàng cao bồi dần bị rơi vào quên lãng, để dần nhường chỗ cho thể loại khoa học viễn tưởng, đặc biệt là (điều này đã từng có một easter eggs trong Toys Story 2 mà các bạn có thể xem lại) thể loại phiêu lưu vũ trụ, những sản phẩm như Star Wars, Star Trek đã ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ trên thế giới, cho người xem thấy một vũ trụ đầy ắp những điều hấp dẫn đang đợi chờ con người chúng ta khám phá.

Tuy nhiên vũ trụ đến năm 1979 vũ trụ trong mắt chúng ta đã thay đổi với Alien. Vũ trụ giờ đây đã không còn là một không gian vô tận và an toàn nữa, nó là một khoảng không gian vô tận, tăm tối, ẩn chứa đầy mối đe doạ, chực chờ con mồi xấu số xa vào. Và Green Lantern Earth One chính là một vũ trụ như vậy.

Câu chuyện của Green Lantern Earth One, bắt đầu bối cảnh Trái Đất tại một tương lai không xa với hiện tại cho lắm. Khi mà trong truyện, con người giờ đây đã có thể ra ngoài không gian để khai thác các tài nguyên, khoáng sản bên ngoài vũ trụ, và đứng trước một ngành đang có đầy tiềm năng như vậy, không quá khó hiểu khi các doanh nghiệp, các nhà tư bản sẽ nhanh chân đầu tư vào ngành công nghiệp này, nhằm có thể khai thác hết mức tiềm năng mà nó mang lại.


Tuy nhiên bất cứ sự phát triển nào cũng có hai mặt của nó, và công nghệ hàng không không gian cũng không phải ngoại lệ. Còn nhớ khi Mikhail Timofeyevich Kalashnikov tạo ra súng trường AK-47 với mục đích ban đầu là giúp cho những người đồng đội của mình có thể chiến đấu tốt hơn trên chiến trường, nhưng khi nó rơi vào tay của những kẻ khủng bố, AK dần trở thành hình ảnh xấu trong mắt con người, nó dần trở thành một vũ khí đại trà của các quân nổi loạn, quân khủng bố,… mà khi nhắc đến AK-47, người ta chỉ nghĩ đến một thứ vũ khí chết chóc, biểu tượng của khủng bố chứ quên đi mất mục đích ban đầu của nó là để bảo vệ hoà bình.

Ngành công nghiệp vũ trụ trong Green Lantern Earth One cũng vậy, ban đầu việc phát triển khoa học vũ trụ là nhằm mục đích khai phá vũ trụ, đi tìm những chân trời mới, những hành tinh mới trong vũ trụ bao la rộng lớn này. Thế nhưng sự phát triển của ngành này kéo theo những việc làm sai với mục đích ban đầu, khi mà những người ở cấp trên thay vì khai thác nó đúng cách, họ lại sử dụng những quả tên lửa phóng vào không gian để sát hại người dân, vài kẻ lợi dụng cái gọi là sự cố “tên lửa” đó để kiếm cho mình một ít quyền lực.

Cảm thấy ghê tởm trước những điều này và bản thân mình cũng chả thể thay đổi được điều gì, cựu phi hành gia Hal Jordan đã bỏ chạy, và quyết định đi làm thuê cho một công ty khai thác mỏ tư nhân ngoài không gian, đơn giản anh chỉ muốn ở ngoài không gian nhằm trốn tránh cái Trái Đất đã quá chật hẹp, cái nơi mà con người giờ đây thay vì phóng tên lửa để khám phá, tìm hiểu những điều mới lạ ngoài không gian, họ lại dùng nó để làm những chuyện tầm phào, đơn giản, nhằm đạt được ham muốn tầm thường của họ. Chán nản với chính điều này, Hal chỉ muốn trốn chạy khỏi cái Trái Đất nhàm chán chết tiệt đó để bước ra ngoài vũ trụ kia, dù nó giờ đây đã thu hẹp lại với anh, nhưng ít nhất, vũ trụ không phản bội anh và cũng sẽ chẳng có sinh vật không gian, nào phản bội lại anh như cách mà người Trái Đất đã làm với anh, ít nhất là cho đến lúc anh phát hiện ra con tàu bị bỏ hoang trên một hành tinh trong một buổi khai thác mà anh quyết định không trở về Trái Đất nữa.

Việc khám phá ra con tàu bỏ hoang, kèm theo đó là chiếc nhẫn và cái đèn lồng với ánh màu xanh lá đầy bí ẩn, nó đã thôi thúc bản thân Hal đến và tìm hiểu nó.

Green Lantern Earth One xây dựng một cốt truyện hấp dẫn, lôi cuốn đủ để cả những độc giả khó tính nhất, hay thậm chí là những người chưa từng đọc qua về Green Lantern cũng có thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra trong truyện, bởi Earth One được các writter của DC viết lại câu chuyện của các siêu anh hùng như Batman, Superman, Wonder Woman,… bằng một cách khác, mới mẻ hơn và dễ tiếp cận với người mới đọc hơn. Câu chuyện của Green Lantern được viết giống như một hành trình thám hiểm vũ trụ mà tôi vẫn thường được xem trên các bộ phim thám hiểm vũ trụ xưa. Một motif quen thuộc, nhưng chưa bao giờ lỗi thời cả. Một nhân vật vốn rất bình thường, tình cờ hay bất đắc dĩ tìm kiếm được một món abcdxyz gì đó, nó giống như một lời mời gọi đến một thế giới mới, nhân vật chính đứng trước hai lựa chọn, một là chấp nhận cuộc sống an nhàn, ung dung tự tại. Hai là bước vào một cuộc hành trình mới, tràn đầy những hiểm nguy thách thức, đang chờ đợi ở phía trước. Và dĩ nhiên là với niềm đam mê thám hiểm phía trước, Hal chả có lý do gì để mà từ chối nó cả.

Qua cuộc hành trình đó anh gặp được những người bạn, những người mới để từ đó họ dạy cho anh những bài học và không quên cả những hậu quả nếu anh tiếp tục dấn thân vào cuộc hành trình này, nhưng với ý chí của mình, Hal vượt qua những rào cản đó để vươn lên, vượt qua những thử thách trong hành trình đó và dần làm được điều mà anh ban đầu cho rằng là bất khả thi, ánh sáng xanh lục lại một lần nữa được thắp sáng trên thiên hà. Hal Jordan đã tìm ra một hành trình mới cho bản thân mình, một hành trình mà anh yêu thích và hằng mong muốn. Nhưng nếu nó chỉ kết thúc như vậy thì quá lãng xẹt, vậy nên với motif a hero’s journey, khi anh hùng kết thúc một hành trình ở đây là Hal Jordan, một hành trình mới, khó khăn mới đã đến với Jordan, và những âm mưu mới, những thế lực mới cũng từ đó xuất hiện.


Tổng kết lại Green Lantern Earth One là một câu chuyện với motif tuy không mới mẻ, nhưng vẫn tạo được sự hấp dẫn, sự lôi cuốn đến với người đọc về cuộc hành trình của một anh hùng tuy không mới nhưng được kể với một nguồn gốc mới trở nên hấp dẫn, thú vị hơn bao giờ hết. Và tôi sẽ còn cảm thấy vui hơn rất nhiều nếu bộ phim Green Lantern của DCEU dựa theo bộ truyện này, vì các bạn biết đấy Man Of Steel của Zack Snyder cũng dựa theo Superman Earth One (có cả American Alien và tầm 5-6 đầu truyện nữa) vậy nên chả có lý do gì mà DC lại không khai thác Green Lantern theo lối Earth One cả.

Chấm điểm: 9.5/10 (cực phê)

Berserker

Khách mới

  

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện

Đọc thêm