Chào các bạn, mình là Tuấn, ingame FistMePapa, mình là một Doomfist main. Rank cao nhất mình từng đạt được với Doomfist là Grandmaster. Mình sẽ chia sẻ cho các bạn tất cả các tips & tricks mình có được, mong rằng qua bài đọc này các bạn sẽ phần nào cải thiện khả năng sử dụng Doomfist của chính bản
thân mình.
Vậy tại sao lại sử dụng Doomfist? Ưu và nhược điểm của Doomfist là gì?
Doomfist nổi tiếng nhờ khả năng sốc sát thương cực mạnh và độ cơ động, với một combo chuẩn xác bạn có thể dễ dàng làm bốc hơi một kẻ địch 200hp chỉ trong vòng 2s, ngoài ra nếu thành thục thì khả năng bay nhảy của Doomfist là thứ mà bất kì ai cũng phải dè chừng. Nhược điểm chí mạng lớn nhất của Doomfist chính là Hitbox khổng lồ đi kèm với bộ kỹ năng qua nhiều rủi ro của gã, nếu không ra vào giao tranh khéo léo, bạn sẽ dễ dàng bị sốc sát thương đến chết.
Khi nào thì sử dụng Doomfist?
Đội hình của đồng đội không phải là một trở ngại quá lớn với Doom. Doomfist có thể thay đổi lối chơi để phù hợp với gần như tất cả mọi đội hình, tuy nhiên đội hình mạnh nhất với Doomfist vẫn là đội hình Dive( lao vào). Đi kèm với Winston, Dva hoặc Lucio, Doomfist thực sự là một mối hiểm họa với bất cứ dàn hậu phương nào.
Thứ thật sự ảnh hưởng lớn nhất đến Doomfist chính là Map (bản đồ). Những maps lý tưởng nhất cho Doomfist có thể kể đến như: King’s Row, Hollywood, Eichenwalde và gần như tất cả cái map Control.
Kỹ Năng
The Best Defense( nội tại)
Doomfist được cộng thêm 30 khiên với mỗi một kẻ địch trúng một trong ba chiêu cơ bản của mình. Cộng 75 khiên với mỗi kẻ địch trúng Ulti. Tối đa là 150 khiên, khiến cho lượng máu của Doomfist lên tối đa 400hp. Khiên tự động giảm đi 3 điểm mỗi giây, có 1s delay trước khi bắt đầu giảm.
Có lẽ không phải nói quá nhiều về kĩ năng này nữa, là một kĩ năng tối quan trọng cho sự sống sót của Doomfist, nói đơn giản là bạn càng đánh trúng nhiều thì càng trâu. Hỗ trợ rất tốt cho nhiều pha lật kèo.
Hand Cannon (LMB – chuột trái)
Đòn đánh tầm xa duy nhất của Doomfist, bắn ra 11 tia đạn, mỗi viên 6 sát thương, tổng sát thương là 66 (không tính headshot). Có 4 viên đạn, đạn đều được tự động sạc với tốc độ 0.65s/viên.
Là thứ bị coi thường nhất của Doomfist, thế nhưng đó lại là sự nhầm lẫn tai hại, thực tế nếu như sử dụng hợp lý, chuột trái là một trong những nguồn sát thương lớn nhất của Doomfist.
Seismic Slam (E)
Doomfist nhảy về phía trước 1 đoạn và đấm xuống đất, hất nhẹ tất cả kẻ địch trước mặt lên, gây từ 0-125 sát thương tùy thuộc vào thời gian ở trên không. Cooldown: 7s
Một trong những kĩ năng combo quan trọng của Doomfist, ngoài ra còn giúp tẩu thoát trong một số trường hợp.
Rising Uppercut (Shift)
Doomfist đấm móc kẻ địch phía trước, hất hắn lên không. Gây 50 sát thương. Cooldown: 7s.
Một kĩ năng cần thiết trong combo, ngoài ra còn có thể giúp Doom lấy độ cao trong một số trường hợp.
Rocket Punch (RMB – chuột phải)
Sau khi gồng, Doom đấm về phía trước hất kẻ địch ra đằng sau, gây thêm sát thương nếu kẻ địch đụng vào tường. Gây 50-100 sát thương trực tiếp và 50-150 sát thương khi đụng vào tường tùy theo thời gian gồng (tổng 250 sát thương). Tổng thời gian gồng để gây sát thương tối đa: 1s. Cooldown: 4s
Kĩ năng làm nên thương hiệu Doomfist, với một phát gồng vừa đủ, Doomfist có thể oneshot gần như bất kì Hero không phải Tank nào.
Meteor Strike – Ultimate (Q)
Doomfist bay lên trời, biến mất khỏi bản đồ, sau đó mất 1s trước khi đấm xuống gây sát thương. Tổng 300 sát thương ở tâm vòng tròn, càng cách xa tâm sát thương càng giảm dần.
Ulti của Doomfist, hỗ trợ combo và trong một số trường hợp có thể dùng để tẩu thoát.
Cơ chế và combo
I/ Cơ bản
The Punch Jump (Đấm nhảy)
Kĩ năng tối cơ bản của Doomfist, sẽ cần nó cho nhiều kĩ thuật phức tạp hơn.
Làm thế nào:
Chỉ cần bấm nhảy trên đường bay, nó sẽ đưa bạn đi thêm 1 đoạn nữa
Khi nào sử dụng:
.Để chạy từ nhà ra nhanh hơn
.Để tăng quãng đường đi được
Tip nhỏ: Có thể dùng kĩ thuật này để nhảy lên 1 số nơi mà nhảy bình thường không lên được.
II/ Nâng cao
The Turning Punch Jump (Đấm nhảy rẽ)
Một kĩ năng nâng cao của đấm nhảy
Làm thế nào:
Trên đường bay, nhanh chóng xoay chuột sang trái hoặc phải và bấm nhảy, quán tính sẽ giúp bạn bay thêm được một khoảng theo hướng bạn rẽ.
Khi nào sử dụng:
.Giúp di chuyển giữa các góc rẽ nhanh hơn
.Tấn công mục tiêu theo 1 hướng bất ngờ
Surprise madafaka
The Super Punch Jump (Siêu đấm nhảy)
Chỉ có thể sử dụng ở một số vị trí nhất định, thường là những thứ có độ dốc để trượt hoặc những vật thể nhỏ (mái nhà, hòn đá hoặc những góc cạnh)
Làm thế nào:
Căn thời gian là quy tắc vàng ở đây, xem lại đoạn GIF, bạn phải đấm vào những vị trí cụ thể như vậy và bấm nhảy vào đúng khoảnh khắc chuẩn bị va vào vật.
Cần kha khá thời gian để có thể thành thạo kĩ năng này, nhưng về cơ bản thì tất cả đều là vấn đề căn thời gian.
Khi nào sử dụng:
. Để lên những nơi cao mà không thể lên được bằng Uppercut (Shift)
. Để bay lên highground mà không cần sử dụng Uppercut (Uppercut cần 7s cooldown, Rocket Punch (RMB) chỉ cần 4s, ngoài ra giữ Uppercut còn dùng để combo). Dưới đây là 1 ví dụ điển hình.
Tip nhỏ: Bỏ 1 ít thời gian ra tìm hiểu những spots( vị trí) có thể dùng được, có thể xem trên Youtube hoặc tự tìm trong game. Một kênh mà mình recommend nếu bạn muốn tìm hiểu các spots là kênh của Brandito.
The Air/Ground Seismic Slam (Seismic Slam trên không/dưới đất):
Kĩ năng Seismic Slam(E) có hai hướng để thực hiện. Hướng thứ nhất là “Seismic Slam trên không” (81 sát thương) và thứ hai là “Seismic Slam dưới đất” (106 sát thương)
Đây là sự khác biệt:
Có thể nhắm vào nhiều vị trí khác nhau
Nhanh và thẳng (sát thương thấp)
SS dưới đất
Cần phải được tính là trên mặt đất
Chọn hướng chứ không chọn được tầm đi
Chậm và cong (sát thương cao)
Khi nào sử dụng:
.Nếu như bạn cần tấn công nhanh với đồng đội hoặc chỉ đơn giản là kẻ địch đã nhìn thấy bạn thì “SS trên không” sẽ là lựa chọn tốt hơn, vì nó đi nhanh và chính xác hơn.
.Nếu như kẻ địch không để ý và ở gần, dùng “SS dưới đất” để tối đa hóa sát thương.
Tip nhỏ: nếu như bạn muốn di chuyển xa hơn, hãy nhảy ra ngoài để bản thân được tính là trên không để dùng “SS trên không”.
III/ Combo
Combo 1:
E + LMB + Shift + LMB
Combo cơ bản và hiệu quả nhất, combo này có độ chính xác và khả năng thành công cao nhất. Một combo này đủ để hạ bất kì hero 200hp nào.
Combo 2:
E + LMB + RMB
Combo này cực kĩ hữu dụng ở các trường hợp mà combo trên không dùng được, ví dụ như các góc hẹp làm kẻ địch không bay thẳng lên sau Uppercut hoặc đơn giản là để counter Genji (vì Genji thường sẽ Deflect khiến bạn không thể dùng combo trên được).
Combo 3:
RMB + Jump + LMB + Shift + LMB + (E) (Nếu cần tẩu thoát)
Combo mạnh nhất của Doomfist và cũng khó thực hiện nhất, điểm mạnh nhất của combo này là cho phép bạn tùy biến khoảng cách tấn công (đặc biệt khi đối thủ vượt ngoài tầm E của bạn) và giữ lại E để nhanh chóng tháo chạy.
Ngoài ra bạn có thể kết hợp với đấm nhảy rẽ để tấn công kẻ địch 1 cách bất ngờ hơn
Tip nhỏ: đây cũng là combo chính để tiêu diệt Pharah, bạn chỉ cần kiếm 1 highground ngang tầm với pharah và sử dụng combo này (hoặc có thể sử dụng Ulti để lên highground như trong GIF)
Combo 4:
RMB + Jump + E + LMB + Shift + LMB
Là combo để tấn công từ xa, khi kẻ địch ở sâu sau hậu phương, bạn chỉ nên sử dụng combo này khi có phương án chạy trốn thích hợp như Ulti vì nó sẽ dùng hết kĩ năng của bạn.
COUNTER
Do hitbox khổng lồ và dàn kĩ năng all-in luôn đặt bản thân vào nguy hiểm nên Doomfist có nhiều Heroes counter hắn hơn những Heroes mà hắn có thể counter được. Có rất nhiều Heroes counter Doomfist nhưng mình chỉ liệt kê 1 số gương mặt tiêu biểu nhất.
DOOMFIST YẾU VỚI:
Mccree
Một trong những counter cứng nhất của Doomfist, một trái Flashbang của gã đủ sức hủy mọi kĩ năng của bạn, bất kể bạn đang bay đang nhảy hay đang làm gì, chỉ cần bạn ăn Flashbang của tên này thì gần như 80% là bạn sẽ đột tử. Không chỉ vậy sát thương ở khoảng cách tầm trung của tên này cũng thuộc hàng khủng, với cái hitbox khổng lồ của mình mà đi lạng quạng với tên này thì đừng hỏi sao máu tụt không phanh. Cách duy nhất để đối đầu với Mccree là đánh lén, team có các diver mạnh như Winston hoặc Dva để ép hắn dùng Flashbang hoặc đơn giản hơn là đổi hero đi.
Roadhog
Đi kèm với Mccree, Roadhog sẽ trở thành bộ đôi ác mộng với Doomfist (đến lúc đổi hero rồi), tuy không counter cứng bằng Mccree do Hook của hắn khó sử dụng hơn hẳn Flashbang. Tuy nhiên nếu vào tay người biết chơi thì với cái hitbox khổng lồ của Doom thì cũng không khác mấy đâu. Tương tự như Mccree, bạn ăn Hook thì 80% là bạn đột tử, xớ rớ lại gần tên này thì máu cũng tụt không phanh do cây shotgun của hắn. Cách đối đầu với Hog cũng tương tự như Mccree, đánh lén hoặc nhờ team đánh gây xao nhãng, ngoài ra còn có 1 tip nhỏ là bạn có thể dễ dàng hủy thuốc lắc (E) của hắn dễ dàng với RMB của mình, thấy hắn nốc thuốc là đấm ngay đừng chần chừ.
Sombra
Sau bản update vừa rồi thì có lẽ Sombra là ác mộng với rất nhiều heroes chứ không chỉ riêng Doomfist, nhưng có lẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả vẫn là Doomfist. Với cái hitbox đồ sộ như vậy mà lết bộ thì chết chắc. Một số mẹo khi đối đầu với Sombra là hãy LMB khi ả đang Hack để ngắt quá trình hack, đừng dùng gì cả chỉ LMB thôi và sau đó là vắt đít lên chạy. Đừng cố đánh trả, bạn sẽ không tung kịp chiêu gì trong 0.65s ngắn ngửi đâu. Khi bị hack bạn không chỉ bị cấm sử dụng kĩ năng mà kĩ năng đang sử dụng cũng bị hủy ngay lập tức.
Orisa
Theo như lore thì Orisa được tạo ra để counter Doomfist, và điều đó cũng áp dụng trong game. Nếu bạn bị dính Halt! (RMB) của Orisa trên đường bay thì nó sẽ hút bạn lại và khiến bạn sử dụng kĩ năng ngay tại chỗ (lỡ mà đang đấm thì đấm tại chỗ ấy, trông cũng vui nhỉ), nếu đang trên đường tẩu thoát mà dính cái chiêu quỷ quái này thì chúc mừng, bạn sắp có 8s để nghỉ tay rồi. Ngoài ra thì Fortify(Shift) của Orisa cũng sẽ khiến combo của bạn gần như vô dụng nhờ khả năng giảm sát thương và kháng khống chế của nó. Cách tấn công Orisa duy nhất là lúc ả hết kĩ năng của mình.
Widowmaker
Ở bậc pro thì Widowmaker là ác mộng với mọi hero bởi khả năng oneshot từ cách cả kilomet của ả, thế nhưng đối với cái hitbox của Doomfist thì có khi plat Widow hoặc thấp hơn cũng có thể gây khó dễ với hắn được. Vì luôn ở sâu sau hậu phương nên Doomfist thường phải sử dụng Combo 4 mới có cơ may hạ được Widow, mà thường có hạ được thì bạn cũng không thoát nổi cả team địch đằng sau đâu.
Ana
Ana luôn là một trong những Healer có khả năng Anti-flanker mạnh nhất, một chai “Mắm tôm” (E) của bà già gân này đủ để khiến bạn phải rút lui ngay lập tức, ngoài ra nhờ vào hitbox của Doomfist nên việc Sleep được hắn cũng dễ dàng hơn cho Ana nhiều. Lỡ mà nằm ngủ giữa lòng team địch thì bạn biết kết cục của mình rồi đấy. Đối đầu với Ana thì cách hiệu quả nhất là đánh lén, thường thì nếu combo chuẩn thì Ana sẽ không thể phản ứng kịp trong vòng 2s.
Brigitte
Được sinh ra để counter Dive meta, không lạ gì khi cô con gái bé bỏng của Torbjörn cũng counter Doomfist, shield khiến cho combo của bạn hoàn toàn vô hiệu, lỡ mà đứng gồng đấm gần đó thì bạn chuẩn bị tinh thần ăn 1 cái Shield Bash(RMB+LMB) vào mặt là vừa. Nói chung là gặp Brigitte thì tốt nhất đừng lại gần.
Bastion
Ở dạng Sentry (Shift), tương tự với Orisa, Bastion giảm sát thương và vô hiệu với mọi kĩ năng của bạn, chỉ khác là bạn sẽ bốc hơi ngay lập tức sau đó bởi cây sáu nóng thương hiệu của hắn. Cách duy nhất để bạn có thể đối đầu với Bastion là canh lúc hắn về dạng Recon để tấn công, nhưng thường thì bạn nên đổi hero đi nếu không muốn bị report.
DOOMFIST MẠNH VỚI:
Soldier: 76
Soldier luôn là một con mồi béo bở của Doomfist, không có khả năng sốc sát thương mạnh, không có kĩ năng khống chế, cũng không có kĩ năng để chạy trốn. Trừ khi bạn quá tệ, còn lại một khi đã lao trúng vào Soldier thì 90% là bạn sẽ có mạng.
Zenyatta
Tương tự như Soldier, Zenyatta luôn là mục tiêu hàng đầu của không chỉ Doomfist mà bất kì flanker nào. Lù đù, hitbox to do lúc nào cũng dạng chân ra, không còn con mồi nào béo bở hơn.
Winston
Chỉ cần đấm Winston trúng tường và bồi thêm Combo 1 là bạn dễ dàng có món gỏi khỉ trong nháy mắt, mà dù có hụt thì với cái cây súng điện đó thì Winston cũng không có đủ khả năng để gãi ngứa bạn đâu.
Reinhardt
Reinhardt chỉ có tấm khiên của mình để che thân bù cho sự lù đù của mình, vậy mà một thằng da đen cứ thích là đấm ông già te tua, bất kể ông có giơ khiên hay không.
THAM KHẢO THÊM CÁC PRO PLAYERS:
Ngoài những thứ trên thì các bạn cũng nên tham khảo thêm gameplay của các streamers, xem cách họ di chuyển, xử lý tình huống để học hỏi, hai streamers mà mình recommend là Chipsa và Brandito.
Lời kết: Doomfist là một hero dễ làm quen, dễ trúng thưởng. Nhưng để thực sự phát huy hết tiềm năng cũng như sử dụng ở những trận đấu rank cao thì lại không hề dễ dàng chút nào. Mong rằng sau bài viết của mình các bạn có thể phần nào cải thiện kĩ năng Doomfist của mình để hành tẩu giang hồ, phá đảo top 500. Chúc các bạn thành công!!
Góc Q&A: Đây là nơi tổng hợp những câu hỏi thường gặp nhất, nếu các bạn có câu hỏi gì có thể để lại comment ở dưới, mình sẽ trả lời và có thể cập nhật lên đây
Câu hỏi 1: -DPI và sens của bạn là bao nhiêu?
– Mình để DPI là 1600 và Sens là 3. Bạn chỉ cần chọn tốc độ chuột mà mình cảm thấy thoải mái nhất là được, miễn là nó đừng quá nhanh sẽ ảnh hưởng đến aim.
Câu hỏi 2: -Skin Doomfist yêu thích của bạn là gì?
– Trước đây là Blackhand, bây giờ là Talon.
cảm ơn bạn
cám ơn nha có ích lắm
cố gắng nha
Em gengu main dùng 1600 dpi 10 sens vì thấy vừa nhưng gần đây nghe mn nói sens dpi cao quá aim khó, giảm đi thì thấy phải di chuột xa quá,ko biết có nên giảm đi ko ạ, hay độ phân giải màn hình có liên quan tốc độ chuột ko ạ, em dùng 1920 1080,
Trong OW độ phân giải màn hình không ảnh hưởng bạn, 1600 10 sens thì hơi cao thật, blade thì ok chứ aim tốc độ đó khó chuẩn lắm. Nếu bạn có vùng di chuột đủ rộng thì nên giảm lại để tăng chính xác
Thank bác, em giảm đi thấy ngon hơn rồi 😀