Hừm, nhân dịp được sếp tặng con game Alien Isolation, và cũng vì phá đảo con này khá lâu rồi mà chưa review bao giờ, nên hôm nay sẽ giới thiệu cho anh em một con game kinh dị để “giải trí” trong dịp nghỉ lễ :v :v
Chắc hẳn ai cũng biết đến hình tượng con quái vật Xenomorph trong loạt phim Alien rồi nhỉ? Một bộ phim kinh dị lấy bối cảnh vũ trụ kinh điển, loạt phim Alien đã là cơn ác mộng cho bao nhiêu người kể từ lần đầu ra mắt năm 1979. Quả là một miếng mồi béo bở cho những nhà làm game, phải không? Nhưng đáng buồn là hành trình tạo dựng tên tuổi của Xenomorph trên game lại chẳng mấy suôn sẻ, game về Xenomorph thì đếm trên đầu ngón tay, và chẳng cái nào đáng được gọi là “khá” cả. Tựa game lớn gần nhất trước Alien Isolation là Alien Colonial Marines thì là một đống hổ lốn và tạp nham hết mức (thử nghĩ coi, một tựa game có chữ ALIEN mà vào game toàn bắn nhau với robot hả?). Và thật may mắn làm sao, Alien Isolation ra mắt năm 2014 cuối cùng cũng thể hiện được sự đáng sợ của Xenomorph một cách cực kỳ hoàn hảo.
Về cốt truyện, Alien Isolation là sequel cho phần phim đầu tiên năm 1979. Sĩ quan Ripley trong phim sau khi thoát được khỏi Xenomorph đã chui vào kén ngủ đông và truyền tín hiệu đến những trạm vũ trụ gần nhất chờ giải cứu. Nhân vật chính trong Alien Isolation chính là con gái của Ripley – Amanda Ripley. Cô được Tập đoàn Weyman thuê và cho cô cơ hội tìm kiếm mẹ mình bằng cách thu thập dữ liệu được gửi tới trạm vũ trụ Sevastopol. Và khi đến đây, Amanda nhận ra có thứ gì đó trên trạm đã giết chết hầu hết những người ở đây, một thứ gì đó khủng khiếp, một cơn ác mộng đến từ vũ trụ sâu thẳm. Và sau đó là 20 tiếng đồng hồ khốn khổ khốn nạn với cả Amanda lẫn người chơi chúng ta.
Alien Isolation là một game kinh dị pha chút hành động góc nhìn thứ nhất, vì vậy, gameplay là thứ quan trọng nhất. Để sống sót, bạn phải tận dụng tất cả mọi thứ, máy dò tìm chuyển động, vũ khí, pháo sáng, hoặc đơn giản là cực kỳ cẩn trọng khi di chuyển, và quan sát thật kỹ, vì chỉ cần sơ suất một giây thôi là bạn sẽ chầu trời liền! Trên trạm Sevastopol có rất nhiều Xenomorph, nhưng luôn luôn bạn chỉ bắt gặp 1 con ở 1 thời điểm. Dễ ăn hơn à? Mơ đi, AI của lũ Xenomorph là vô cùng hoàn hảo. Chúng có thể nghe được những tiếng động mà bạn vô tình tạo ra, hay học hỏi từ những lần bị bạn đánh lừa, hoặc tìm kiếm quanh khu vực đó để chắc chắn tìm ra con mồi – là bạn. Bạn nghĩ trèo vào mấy ống thông gió là khôn ngoan ư? Một, hai lần thì bạn có thể thoát, nhưng rồi sẽ đến lúc bạn đang hú hồn vì trèo vào đó kịp thì lại đứng tim khi nghe tiếng rít ghê rợn đằng sau bạn! Đừng bao giờ ẩn nấp cùng một chỗ quá lâu, cũng như đánh lạc hướng chúng bằng một cách. Đã có lần tôi thành công khi ném pháo sáng ra chỗ khác để nhanh chóng lẩn đi, lần sau gặp lại, vừa rút pháo ra chưa kịp ném thì nó đã nhảy bổ vào và xiên cho tôi một nhát!
Đừng coi thường bọn Xenomorph, luôn cẩn trọng, thì may ra bạn sẽ thoát được… trong chốc lát. Và lũ Xenomorph không phải kẻ địch duy nhất, Amanda còn phải đối phó với lũ android bị lỗi trên trạm, luôn cố “giúp” bạn (thế quái nào bị lỗi gì mà “giúp” thành “giết” hả trời?). Ở chế độ very easy và easy, hay thậm chí normal, bạn vẫn có thể dùng súng để hạ lũ android (chứ đừng có thử với Xenomorph!), nhưng khi lên chế độ hard – nơi mà tinh túy của gameplay được phát huy, Alien Isolation sẽ trở thành một game Outlast in space! Chạy trốn, ẩn nấp là lựa chọn duy nhất! Mà cũng đừng mơ load check point tùm lum, game không có auto-save hay quick save. Bạn phải đi tìm những điểm check point được giấu rất kỹ mà không bao giờ nằm trên tuyến đường ngắn nhất đến nhiệm vụ – nghĩa là muốn save thì phải chơi liều. Sẽ có lúc bạn may mắn thoát được Xenomorph sau gần 1 tiếng chạy trốn để đến check point và a lê hấp, nó xiên bạn từ đằng sau! Load lại check point trước, công sức 1 tiếng vừa rồi vứt hết! Cực kỳ căng thẳng và cân não, cực kỳ khó nhằn, những cú jumpscare sẽ khiến bạn thót tim và chửi thể như một đứa dở người, về điểm này thì Outlast gọi bằng cụ!
Tuy vậy, hạn chế của Alien Isolation là nó quá hardcore, có thể nói tiết tấu của nó giống một bộ phim vậy. 1-2 tiếng đầu diễn ra rất chậm, Xenomorph chưa xuất hiện, bạn đi xung quanh tìm hiểu môi trường, tương tác với NPC, tìm những đoạn thông tin trong những chiếc máy tính để tìm hiểu thứ gì đã gây ra thảm họa này. Với một người thích xem Alien như tôi, cái này không thành vấn đề, bởi vì nó sẽ cho thấy sự gắn kết rất chặt chẽ với phim gốc. Nhưng ai chưa xem Alien có thể khá khó chịu và rối mắt, vì vậy, bạn có thể xem Alien trước cho dễ hiểu cũng được. Và khi ta đã tìm được máy dò chuyển động, khi Xenomorph đã xuất hiện, tiết tấu tăng dần lên đến khó thở, y như một bộ phim!
Đồ họa của Alien Isolation không hề bóng bẩy, nó tăm tối, nó rất thực, và nó mang lại cảm giác khá là “cũ kỹ” như một bộ phim thập niên 80. Nhưng đó lại là cách tốt nhất để truyền tải không khí của game. Âm nhạc cũng vậy, ma quái, căng thẳng và đôi lúc khiến bạn thót tim.
Đánh giá cuối cùng cho Alien Isolation là 9/10. Nhưng hãy cân nhắc thật kỹ trước khi bỏ ra hơn 20 tiếng căng thẳng cao độ với nó, bởi vì bạn sẽ muốn rage quit rất nhiều lần, và bản thân tôi sau khi bị Xenomorph hành xác cả chục lần thì đã phải quay sang chơi Call of Duty một chút cho đỡ căng thẳng rồi vào lại chơi tiếp. Tuy vậy, tôi vẫn cực kỳ khuyến khích bạn nên chơi, bởi vì nó quá xuất sắc! Giữa màn đêm im lặng, xa xa là tiếng rít khe khẽ của Xenomorph, bạn sẽ cầu trời khấn phật để đừng bị phát hiện, và rồi có thể la lên thất thanh khi cái đuôi của nó xiên qua người bạn! Alien Isolation, cơn ác mộng mang tên Xenomorph!