Trong thời điểm đang bão hòa những game dàn trận thời gian thực (Real-Time Strategy) về chiến tranh thế giới thứ 2 (WW II) thì Company of Heroes (CoH) mang đến cho người chơi một hình thái hoàn toàn mới về thể loại chiến thuật, lấy bối cảnh Thế Chiến II.
CoH là một sự kết tinh hoàn hảo của Relic Entertainment và THQ, đồng thời cũng được thừa hưởng những tinh túy nhất của Warharmmer 40000: Dawn of War. Thành công của CoH lớn đến nỗi Josh Mosqueira, thiết kế trưởng của Relic đầy tự tin tuyên bố: “Trước Company of Heroes, chúng tôi chỉ đứng thứ 3 sau Blizzard và Westwood. Nhưng từ bây giờ, mọi game chiến thuật đều sẽ phải so sánh với CoH.” Nếu như “Giải cứu binh nhì Ryan” (Saving Private Ryan) là bản hùng ca về người lính trong ngành công nghiệp điện ảnh, thì Company of Heroes là bản hùng ca về người lính trong ngành công nghiệp game vậy.
Nội dung bắt đầu vào những năm 1944, khi quân Đồng Minh đổ bộ lên bờ biển Normandy – nơi bị quân đội Đức chiếm đóng – bằng những cuộc chạm trán nảy lửa với bộ binh và thiết giáp. Không khác xa về nội dung so với các loại game chiến thuật khác, người chơi được giao “trọng trách” xây dựng căn cứ, đánh chiếm cứ điểm quan trọng nào đó, hay phòng thủ những nơi trọng yếu… Để có khả năng thích ứng nhanh với CoH, người chơi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt chiến lược, hành động cực kỳ nhanh chóng, xử lý thông tin gọn gàng; cơ hội giành chiến thắng trước những binh đoàn “tinh quái” của máy (AI) không ngon xơi đâu bạn ơi. Hơn “một tá” nhiệm vụ có thời lượng chơi khá dài, tạo cơ hội cho người chơi mặc sức tung hoành, thể hiện tài thao lược với hàng loạt trận đánh có nhịp độ nhanh “chóng mặt” và phức tạp. Bạn không dễ gì “từ bỏ chiến trường” khi đã đặt chân vào CoH. Bạn cũng đừng trông mong vào các chiến thuật quen thuộc như đã từng áp dụng vào các game cùng thể loại trước đây, như tuyển mộ nhiều lính, tăng cường hệ thống phòng thủ hay tìm cách khai thác các nguồn khoáng sản nhanh chóng… với CoH chuyện đó hầu như không thể. Người chơi cần phải có sách lược hợp lý thì mới có thể hạ gục AI đầy mưu mô.
Nếu ai đã từng chơi qua Warhammer 40000: Dawn of War thì mới có thể dễ dàng bắt được lối chơi, vẫn là cơ chế điều khiển đội . Và tất nhiên là dev đã cải thiện lối chơi, quy tắc từ game cũ cho hợp với bối cảnh mới. Thay vì bạn phải đi khai thác tài nguyên, và xây dựng các nhà máy năng lượng, thì người chơi chỉ việc chiếm cứ điểm capture points nhằm để tăng giới hạn quân số và sản lượng nhân lực (một dạng tài nguyên), kho đạn và kho xăng.
Điều thú vị ở đây là ba dạng tài nguyên (nhân lực, đạn, xăng) được sử dụng ở nhiều mục đích khác nhau: nhân lực để xây nhà, gọi lính, khí tài, chi viện; đạn để gọi pháo kích, nâng cấp vũ khí, độ xe, không kích, hoặc kích hoạt khả năng đặc biệt của đơn vị (ném lựu đạn, thả khói, bắn panzerfäust, bắn áp chế địch, gây địch hoảng loạn rút quân); xăng để xây nhà, nâng cấp nhà cửa, gọi thiết giáp, cơ giới, Blitz. Bản đồ phân bố cứ điểm dàn trải, độc đáo kết hợp với địa hình, khiến cho người chơi có thể kiến tạo được nhiều lối chơi khác nhau.
Với ba loại cứ điểm khác nhau, kết hợp với tất cả vùng chiếm đóng đều có hình dạng khác nhau, đã tạo nên một cấp độ chiến lược hoàn toàn mới trong tất cả hình thức trò chơi. Các nguồn tài nguyên sẽ xuất hiện từ khi bắt đầu mỗi nhiệm vụ, được thể hiện rõ ràng trên bản đồ, không cần phải tốn thời gian đi “săn lùng”. Tuy nhiên để chiếm được các “mỏ” này, bạn phải tốn kha khá về quân số bởi địch phòng thủ rất cẩn mật, luôn sẵn sàng đánh chiếm lại bất cứ lúc nào người chơi tỏ vẻ “lơ là”. Nét mới của CoH là cho phép xây dựng thêm các căn cứ trên nền tài nguyên đó nhằm tăng khả năng phòng thủ đồng thời tăng khả năng thu nhập tài nguyên. Đặc biệt, mỗi vùng đất chứa tài nguyên cần phải nối liền với đại bản doanh (Head Quarter) thì mới có thể đem lại “thu nhập”, chỉ cần một vùng đất bị “cắt mạch” coi như các vùng khác cũng “mất điện” (giống như trò chơi xếp hình mà người chơi cần phải xếp liền nhau, không thể thiếu một mảnh nhỏ nào!).
Chế độ singleplayer campaign – sử thi, bi tráng, hào hùng
Vì là đứa con của Relic với THQ cho nên phần chiến dịch chơi đơn hoành tránh, hào hùng, cũng đầy bi thương không kém gì những bộ phim điện ảnh kinh điển như: Stalingrad, The Thin Red Line, Letters from Iwo Jima, Downfall, v.v… vậy. Ở chế độ campaign gồm có 3 chương chính và 3 phụ (nếu bạn mua full), ngoài ra có một số bản mod, patch có chất lượng cũng không thua kém gì của nhà sản xuất. Tuy nhiên nhà sàn xuất chỉ gói gọn ở mặt trận phía Tây, nên đây cũng là điều đáng tiếc vì ta không thể được thưởng thức mặt trận phía Đông và Thái Bình Dương.
1. Invasion of Normandy – Cuộc tiến công vào Normandy
Chương đầu tiên ta sẽ được theo chân đại đội bộ binh Able chỉ huy bởi đại úy Sam MacKay, và thượng sĩ Joe Conti tiến hành cuộc một trong những cuộc đổ bộ vĩ đại trong ngày D-Day – chiến dịch Operation Overlord đổ bộ vào biển Omaha. Sát cánh với đại đội Able là đại đội bộ binh cơ giới hạng nặng Dog, và đại đội lính dù Fox vào sinh ra tử với các chiến dịch khóc liệt như trận Cherbourg, Cobra, Lüttich, Falaise Pocket. Mỗi đại đội đều có một thanh kĩ năng (tech-tree) vô cùng độc đáo, có thế mạnh và điểm yếu khác nhau. Người chơi phải vận dụng kéo léo đặc điểm quân mình, phối hợp nhịp nhàng giữa các binh đoàn, binh chủng, tận dụng tốt địa hình mới có thể làm chủ cuộc chơi.
Và đây hẳn là chương được Relic ưu ái nhất khi mà có những 15 chap nhiều nhất trong 3 chương chính và mở màn là một cinematic vô cùng hoành tráng, khốc liệt về cuộc vào biển Omaha trong chiến dịch Overlord, bạn sẽ được chứng kiến dưới góc nhìn hành trình đổ bộ vào bãi biển của một đại đội vô danh đổ bộ đầu tiên làm bàn đạp cho các đại đội sau.
Câu nói hẳn mà tôi ám ảnh nhất là ”Come on men don’t stop” của vị trung úy chỉ huy đại đội ấy, khi ông ta liên tục giục lính mình tiến lên vào kéo mấy anh lính ”gà mờ” vào chỗ nấp, chạy không ngừng nghỉ.
Hệ thống nhiệm vụ được xây dựng rất hợp lí, bài bản, giúp người chơi dần làm quen với cơ chế game, ưu khuyết, làm quen với địa hình, tech-tree dù đã có hẳn 1 mục hướng dẫn hoàn chỉnh, chi tiết (chắc dev đã tính luôn trường hợp mấy thánh skip hướng dẫn) thay vì mở khóa hết tất cả và vứt người chơi vào chiến trường và phải tự mò; chẳng những thế nó còn ăn rơ với cốt truyện, điều kiện hoàn cảnh mà không hề lạc tông.
Hệ thống màn chơi(chap/mission) liền mạch, xuyên suốt kết hợp với tạo điểm nhấn với những nút thắt & nút mở nghẹt thở khiến cho người chơi cuốn theo cốt truyện khi nào không hay.
Ví dụ như trận Carentan, mở đầu sẽ là khung cảnh đổ bộ hỗn loạn của đại đội Fox vào làng Vierville – phía sau phòng tuyến địch, nhiệm vụ của bạn phải giúp đại úy Taggart tập hợp quân của mình, hạ các khẩu A-A và giải cứu đại đội Barker.
Vì hoạt động phía sau lòng địch nên tài nguyên và nhân lực có hạn, bạn phải vận dúng khéo léo địa hình, phối hợp nhịp nhàng nhuần nhuyễn giữa các đơn vị, vận dụng triệt để kĩ năng của đơn vị một cách hợp lí, cũng như ưu điểm của đơn vị và khí tài thu được, nếu không bạn sẽ không thể vượt qua được màn này, hoặc thương vong sẽ rất lớn.
Sau đó khi trời sáng bạn sẽ cùng với đội Fox và đội Barker tiến quân vào Carentan, và bị phục kích liên tục bởi lính bắn tỉa, MG, và StuGIII; bạn phải luôn đề cao cảnh giác, di chuyển thật cẩn thận nếu không sẽ bị lọt vào ổ phục kích và bị tiêu diệt.
Sau khi chiếm được Carentan, ngay lập tức bạn phải thiết lập hệ thống phòng thủ, giữ Carentan bằng mọi giá cho tới khi đại đội Able tới, tuy nhiên dù bạn có phòng thủ vững chắc cỡ nào, kẻ địch rất đông và hung hãn, mọi tuyến phòng thủ của bạn đều bị phá vỡ, và quân bạn sắp sửa bên bờ bị quét sạch, gần như tuyệt vọng nhất thì cứu tinh kịp thời tới – đội Able cùng với sư 2nd thiết giáp tới ứng cứu, giúp bạn giải vây.
Viện binh đã tới rất đúng lúcSau đó bạn sẽ có tình huống khá bi hài, bạn sẽ điều khiển đại đội bộ binh cơ động Able làm một trận đấu tank nho nhỏ để giải vây cho đại đội thiết giáp hạng nặng Dog.
Tuy nhiên ấn tượng nhất của tôi về chương này lại là trận chiếm đồi 192 trong chiến dịch Cobra. Đây chắc hẳn là chiến dịch mang đến cho người nhiều cung bậc cảm xúc nhất, và có lẽ mọi tinh túy nhất của chương này đều được phô diễn hết ở chiến dịch này. Mở đầu chiến dịch, sẽ cho thấy sự khóc liệt của chiến dịch bằng cảnh chứng kiến những gì còn sót lại của Charlie. Trận 192, là một trong những trận đánh thảm khóc nhất, gay go nhất, và cực kì khó nhằn nhất; bị giới hạn về thời gian, bất lợi về địa hình, thua thiệt về khí tài, đòi hỏi bạn phải vận dụng tất cả mọi thứ một cách nhuần nhuyễn ở hai mặt trận không thì sẽ chuốc lấy một kết cục thảm khốc như đại đội Charlie.
Môi trường ở trận này tạo hiệu ứng rất tốt, hợp lí, tạo cho người chơi có cảm giác nặng nề, ưu tối, xác chết đồng đội la liệt, bom đạn khắp mọi nơi, mặt đất gần như bị cày nát; mặt khác cũng như cảnh báo những chỗ đánh sẽ rất ác liệt, những cạm bẫy cho người chơi nhận biết để chuẩn bị, tuy nhiên gần như lúc nào mình cũng rơi vào tình trạng: địch bắn khắp mọi phía, mà địch thấy mình, mình không thấy địch, vũ khí địch lúc nào cũng ưu thế hơn.
Cũng may khi nhà NPH đã giảm độ khó bằng cách cho người chơi một chiếc Crocodile và một chiếc Calliope giúp chúng ta dễ thở hơn, và ”vô tình” trùm cuối đi bảo dưỡng (không chắc chúng ta cùng chung số phận với đại đội Charlie mất).
Sau khi chiếm đồi xong, chúng ta phải chạy trối chết, bán sống bán chết vượt qua mưa pháo kích, rocket để vào giải phóng thị trấn Saint-Lô.
Cảm nghĩ của mình về trận đánh này là: chạy, chạy nữa, chạy mãi, chạy tới hộc máu thì thôi, bạn phải luôn di chuyển quân của mình để tránh những”cục gạch từ trên trời”, di chuyển bảo vệ cứ điểm, thọc sườn địch, cũng như tránh mũi tấn công mạnh của kẻ địch. Sau khi chiếm được Saint – Lô, chúng ta sẽ tiến hành truy đuổi tàn dư của sư đoàn Panzer Lehr dưới sự chỉ huy của đại tá Joseh Schultz tại thị trấn Hebecrevon. Nếu như chúng ta từng chạm trán nhẹ ở trận Montebourg (trận giải cứu đại đội Brake), chạm trán hụt ở trận chiếm đồi 192, thì đây sẽ đưa ta vào các trận đánh quy mô lớn đúng nghĩa với cấp đại đội thực sự.
Chúng ta sẽ được làm quen triệt để với cơ chế đấu tank, giáp, vũ khí chống tank, cỡ nòng, loại đạn, lớp tank (chắc hẳn WG đã học hỏi cơ chế từ đây để tạo ra World of Tanks). Và đây là chiến dịch mình thích nhất, vì được tiếp cận gần như toàn bộ khí tài cũng như có những trận đánh hoàng tránh cũng không kém phần cân não, và tất nhiên có những trận đấu tank nghẹt thở nữa chứ, kẻ địch lúc nào cũng ưu thế hơn, rất thử thách.
Hãy cẩn thận, vì xe tank Đức vượt trội hơn Mỹ, nên lúc nào khí tài quân ta cũng dưới cơ hơn địch, và 1 chiếc Panther/Tiger có thể dễ dàng quét sạch quân ta nếu chúng ta chỉ biết chơi trò lấy thịt đè người một cách không não, AI địch rất là khôn luôn pinned lính của mình và tập trung tấn công vào những chiếc pháo chống tank của mình trước, và những chiếc Panther là những cỗ máy sát thủ, dù bị thương, chậm chạp, bị động nhưng”vuốt sắt”của nó vẫn có thể gây thiệt hại đáng kể lên quân mình, chưa kể đừng quên những con Goliath nhỏ bé này, nó tuy nhỏ bé, trông vô hại nhưng có thể quét sạch đội mình trong vài nốt nhạc, chưa kể nó nấp rất kỹ và có xuất hiện tự vô định nhảy vô giữa đội mình như một nhẫn giả và ”bùm”, mình bay màu vài tiểu đội khiến không kịp trở tay.
Tuy nhiên vị chỉ huy tài năng, dũng cảm của chúng ta – đại úy Sam MacKay đã hi sinh tại trận đánh này bởi sự trả thù hèn hạ của đại tá Joseh Schultz.
Dù biết là chiến tranh thì không có quy tắc, người ta có thể là bất cứ điều gì thậm chí mánh khóe để đạt được mục đích với thiệt hại, thương vong nhỏ nhất có thể, tuy nhiên hành động của đại tá Schultz lại đi ngược lại. Tinh thần hiệp nghĩa, thượng võ của những hiệp sĩ Crusader với châm ngôn: ”Sống với danh dự, chết trong vinh quanh” cũng như là lá chắn, chỗ dựa vững chắc cho đồng đội, và khiến kẻ địch phải kiêng nể.
Không có thời gian để đau buồn, trung úy Joe lên thay cho đại úy Sam của chúng ta chỉ huy đại đội Able ra tiền tuyến, và thay phiên cho đại đội Dog phòng thủ tuyến đồi 317 ở thị trấn Mortain. Cứ tưởng đây sẽ là 1 ngày “nghỉ”, vì các quân đoàn của Đức ra rút lui, nhưng không nó là một cú lừa, quân Đức giả bộ rút quân, nhưng thật chất bí mật tập kết thực hiện một cuộc phản công bất ngờ chớp nhoáng nhằm mục đích đánh bật lại quân Đồng Minh ở mặt trận phía Tây; mặt khác, khiến cho cuộc chiến kéo dài thêm hai năm nữa, hoặc chí ít câu thời gian lâu nhất có thể (tầm vài tháng) cho các quân chủ lực rút quân an toàn. Đây là một chiến địch hết sức khó nhằn và cực kì gai góc. Kẻ địch rất mạnh, đông và cực kì hung hãn, và ta vừa mới chuyển tới ngồi chưa kịp ấm đít nói chi tới chuẩn bị, tuy kẻ địch không thật sự quá vượt trội nhưng vì chúng ta bị cô lập tứ phía, địch ở khắp mọi nơi và phải dàn trải hàng phòng ở khu vực quá rộng lớn, và trên hết chúng ta tự thân vận động chứ không có cứu tinh như trận Carentan. Dường như thông qua trận này, Relic đã “tạt một gáo nước lạnh” vào người với một tuyên bố về việc không có khái niệm phòng thủ bị động, không có tuyến phòng thủ nào gọi là bất khả xâm phạm dối với dòng game CoH này, mọi thứ đều có thể dễ dàng bị thủng, và vỡ đội hình dù cho bạn có bố trí dày đặc hay tính toán kỹ lưỡng thế nào đi chăng nữa, chỉ cần 1 tính toán sai lầm cũng có thể trả một cái giá rất đắt. Chính vì thế bạn cần phải canh mắt trên bản đồ, lợi dụng địa hình, hướng tấn công của địch, và phải đồng thời phải kiểm soát tốt nhiều mặt trận liên tục một cách bình tĩnh. Cũng may, Relic cũng không làm người chơi phải choáng hơp khi mà “hào phóng” cho hẵn những 5 phút để chuẩn bị và 3 phút dạo đầu, nhẹ nhàng thoải mái (dẫn tới người chơi dễ mất cảnh giác), và đùng một cái làm vài phen khiến người chơi phải căng não và toát mồ hôi hột.
Sau một hồi cò cưa không hồi kết từ cả hai phía, cả hai đều bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, Đức chịu tổn thất, thương vong lớn hơn, nên buộc lòng phải rút quân để bảo toàn sinh lực. Thế là kế hoạch tái chiếm đồi 317 cũng như “giải phóng” thị trấn Mortain, đánh bật quân Đồng Minh một cách chớp nhoáng trong đêm tối coi như phá sản hoàn toàn, cả hai bị rơi vào thế thủ. Tuy nhiên, tới sáng, không quân của Đồng Minh tới giải vây phá vỡ hoàn toàn vòng vây của quân Đức, chưa kể sư xe tăng thiết giáp từ đại đội Dog tới chi viện cho. Chớp lấy thời cơ, đội Able ngay lập tức tiến hành phản công khi quân địch còn đang “nhốn nháo” bởi không quân Đồng Minh, tái chiếm lại thị trấn và đánh bật lũ cầm chân, để có thể tiến nhanh vào Berlin trước người Nga; và qua chiến dịch này Relic càng thêm khẳng định về “tuyên bố” không có một tuyến phòng thủ nào bất khả xâm phạm, mọi thứ đều có thủng. Dù kẻ địch lúc này đang rất yếu thế và hỗn loạn, nhưng những cỗ pháo Pak 8.8 vẫn là những cơn ác mộng đối với Đồng Minh, và kẻ địch vẫn còn rất mạnh, chỉ cần chủ quan có thể nhận lấy cái kết đắng. Và đây là chiến dịch duy nhất khi ta có thể điều khiển được những đơn vị ưu tú, đặc trưng của ba đại đội. Tuy nhiên không phải mình chúng ta có chi viện, kẻ địch cũng có chỉ có điều… tới trễ hơn. Nếu chúng ta không tái chiếm nhanh chóng, và ổn định đội hình, chủ quan, thì kẻ địch sẽ tái phản công, đánh bật chúng ta một cách chớp nhoáng.
Sau khi chúng ta giữ vững được thị trấn Mortain và đẩy lui được quân Đức, chúng ta nhận được thông báo về từ trinh thám: đại tá Schultz vẫn còn sống sau những đợt oanh kích, và những cuộc truy đuổi, và hắn ta tình nguyện ở lại án ngữ tại thị trấn Autry, chặn đường truy kích của quân ta lâu nhất có thể để các quân đoàn khác có thể rút lui an toàn, càng nhiều càng tốt. Chẳng những thế tàn quân của hắn ta trong lúc trấn giữ đã tiêu diệt hoàn toàn đại đội Barker, khiến cho quân Đồng Minh thiệt hại rất nhiều khí tài trong lúc truy đuổi. Kế hoạch truy đuổi tàn quân của ta phá sản hoàn toàn (cứ như Trương Phi trấn cầu Trường Bản vậy). Để có thể tiếp tục tiến công, ta buộc phải chọc thủng được hàng phòng thủ đó, và tiêu diệt đám sư tăng của hắn.
Chớp lấy cơ hội “vàng” để trả thù cho vị đại úy quá cố, đại đội Able đã tình nguyện thực hiện chiến dịch tiến công vào thị trấn Autry, tiêu diệt sư tăng của đại tá Schultz, chặn đường rút của quân Đức.
Để có thể lấy lại được cán cân, quân Đồng Minh đã cung cấp một con quái vật vô cùng mạnh mẽ M26 Pershing (lỡ tặng rồi sao tại sao không tặng hẳn luôn con T26E4 Super Pershing cho oách nhỉ, chứ con M26 đâu có đã lắm).
Nếu như ở trận Hebecrevon cho chúng ta làm quen với cơ chế đấu tank, chống tăng, quy luật kéo-búa-bao, chống bộ binh, cũng như thiết giáp, pháo cối. Thì đây đưa tất cả lên tầm cao mới, thử thách mới và kết hợp với đấu trùm cay cấn, những màn đấu tank nghẹ thở với những tình huống cực kì bất ngờ (từ cả hai phía). Đây là trận đánh có quy mô lớn nhất trong toàn bộ chương này, và gần như là chiến dịch đầu tư kỹ nhất.
Sau khi hạ được Schultz, trả được thù, tưởng chừng như mọi chuyện kết thúc, nhưng không, cuộc chiến còn lâu mới kết thúc, còn đường tới Berlin vẫn còn xa lắm. Lúc này, chúng ta cần phải chạy đua với thời gian ngăn chặn những đại đội “lạc trôi” của địch chưa kịp rút. Chiến dịch này nhằm quyết không cho kẻ địch kịp phục hồi, khiến cho cuộc chạy đua với Soviet tiến về Berlin dễ thở hơn, rút ngắn cuộc chiến (rất tiếc là mấy anh USSR rush B ghê quá).
Trận đánh này thực chất chỉ là màn tổng hợp lại để kiểm tra lại kiến thức, không còn hướng dẫn, không còn rằng buộc ngoài thời gian, người chơi hoàn toàn tự do lên kế hoạch cho chiến dịch. Và điều thú vị đây là nó khiến ta nhớ về cuộc chạy đua về Berlin, đồng thời làm cho người chơi làm quen cảm giác CO-OP là như thế nào, và quen với việc gánh tạ khi chơi multi. Ở trận này chúng ta bị giới hạn về thời gian cũng như phải chạy đua với nó; ta đồng thời vừa phải phòng thủ và tấn công liên tục ở một chiến dịch cực kì lớn, kẻ địch cực kì mạnh và rất đông, phải thiết lập vòng vây và giữ vững nó. Đây phải nói là một trận cự kì thử thách, và chúng ta phải vận dụng hết tất cả những gì mình biết, cũng như đầu phải “nảy số liên tục” thì mới có thể làm chủ được cuộc chiến. Điều thôi không thích lắm ở chỗ là thiết kế đơn vị đội bạn Anh/Canada dù đã có đơn vị riêng nhưng vẫn lấy là đơn vị của Mỹ. Và có một sự thú vị nữa là ở phần sau chúng ta cũng sẽ được gặp lại trận này nhưng dưới góc nhìn người Anh/Canada.
Dù cho trận chiến vẫn còn phía trước với đầy chông gai, hành trình tới Berlin vẫn còn xa vời vợi, nhưng có vẻ như đối với đại đội Able thì cuộc chiến đã kết thúc, và cuối cùng họ có thể về nhà nghỉ ngơi thoải mái, và đoàn tụ với gia đình, quay trở về cuộc sống bình thường.
(còn tiếp)
Hay phết, ông có game máy bay nào dạng tactical thế này không ? Hoặc spaceship chẳng hạn.
thể loại này mình phải nói khá là hiếm. Spaceship mình thấy có: Battlestar Galactica Deadlock, Starpoint Gemini Warlords, Endless Space.