Fatal Frame 2: Crimson Butterfly – Cơn ác mộng đến từ những cánh bướm đỏ thẫm

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Tôi không phải người khoái game kinh dị, nhất là game kinh dị chứa nhiều jumpscare. Bởi vậy cho nên số lượng game kinh dị mà tôi đã hoàn thành nó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói vậy để mọi người biết tôi ngán cái thể loại này ra sao, hay theo ngôn ngữ bình thường tôi hay nói khi có người gạ tôi chơi game kinh dị là “Em sợ ma lắm!”. Ấy nhưng mà một đứa dù nhát gan đến đâu cũng có lúc muốn tự thử thách bản thân mình. Lâu lâu trước đây tôi đã hoàn thành xong 20 tiếng khổ sở với Alien: Isolation, và đến nay, tôi quyết định quay lại tựa game dù bao nhiêu lần tự nhủ là nên chơi hết nhưng vẫn chưa xong nổi.

Đấy chính là Fatal Frame 2: Crimson Butterfly. Mặc dù thời lượng để hoàn thành game không dài lắm, nhưng mà quỷ thần thiên địa ơi, nó là những giờ đồng hồ ác mộng. Game thì siêu phẩm thật, nhưng mà chơi nhiều game như thế này thì… hại não lắm. Nhưng mà quả đúng phải công nhận rằng, không phải ngẫu nhiên mà nhiều người nói Fatal Frame 2 là một trong những game kinh dị tuyệt nhất từng được làm ra. Một game kinh dị với lối chơi sáng tạo, bối cảnh ghê rợn, cốt truyện kinh dị nhưng cũng hay không kém, và nhạc nền tuyệt vời. Tôi cho rằng đây là một game mà đã là fan của game kinh dị thì không nên bỏ qua.

Ban đầu tôi chơi phiên bản remake trên hệ máy Wii là Project Zero 2: Deep Crimson Butterfly bằng giả lập Dolphin. Nhưng sau khi nghe Henry Mason – một fan cứng của dòng game survival horror phân tích một số thứ thì đã chuyển sang phiên bản gốc Fatal Frame 2: Crimson Butterfly trên hệ máy PS2, chơi bằng giả lập PCSX2.

1. Phong cách đồ họa ấn tượng dù đã cũ

Fatal Frame 2 đã ra mắt từ 16 năm trước đây nên không thể nói rằng đồ họa của game sẽ phù hợp với thị trường bây giờ. Tuy nhiên, game classic có phong cách đồ họa riêng của game classic. Nhiều khi, chính vì phần cứng hạn chế nên người ta mới tạo được ra những phong cách đồ họa siêu ấn tượng, thậm chí cho đến ngày nay. Ví dụ điển hình chính là màn sương mù bí ẩn trong Silent Hill, được tạo ra do giới hạn phần cứng của PS1. Nhưng chính vì thế mà màn sương mù đã tạo được một ấn tượng rất mạnh với người chơi và trở thành thứ không thể thiếu với Silent Hill. Trong trường hợp của Fatal Frame 2, mặc dù phần cứng PS2 đã được cải thiện rất nhiều so với thế hệ đầu tiên, nhưng dù sao thì óc sáng tạo là vô hạn nên phần cứng dù mạnh đến đâu cũng vẫn là chưa đủ.

Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào Fatal Frame 2 với tôi là tăm tối, ngột ngạt và đáng sợ. Trừ đoạn cutscene đầu game còn có tí ánh sáng, còn lại toàn bộ game đều chìm trong một màn đêm. Kể cả những đoạn cutscene flashback cũng trở thành đen trắng, nó tạo cảm giác như đang xem một cuộn phim cũ kỹ vậy. Chính điều này kết hợp với cốt truyện của game đã cho Fatal Frame 2 một bầu không khí rất đặc trưng: cổ xưa, cũ kỹ và đáng sợ.

Tuy nói là đồ họa không bóng bẩy, sắc nét như bây giờ nhưng nếu đánh giá dưới góc nhìn của một game PS2 năm 2003 thì Fatal Frame 2 thực sự có một đồ họa ấn tượng. Ánh sáng leo lét từ những ngọn đèn ở góc phòng hắt lên tường tạo thành những cái bóng kỳ dị. Việc lấy bối cảnh ở một ngôi làng truyền thống Nhật Bản càng khiến cho game mang một sự sợ hãi mơ hồ, đến từ khung cảnh trong game, rồi những vật dụng có vẻ như rất bình thường nhưng dưới màn đêm và không khí u tối, tịch mịch thì nó lại ma quái một cách kỳ lạ.

Tạo hình của kẻ địch trong game – ở đây là oan hồn của dân làng còn đáng sợ hơn. Bình thường thấy ma đã sợ rồi, nhưng ở đây còn cả những hồn ma bị biến dạng theo nhiều cách không ai nghĩ ra nổi là họ đã chết như thế nào. Ôi thôi thì muôn hình vạn trạng: gãy cổ, máu me đầy người, mất tay hay chân gì đó, luôn miệng rên rỉ những âm thanh ai oán đến nổi cả da gà. Hơn nữa, game còn đáng sợ ở chỗ dù trước mặt bạn không có ai cả, nhưng hiệu ứng âm thanh và phong cách đồ họa của game sẽ khiến bạn luôn tự hỏi: “Đằng sau mình có ai không?”, hệt như ngoài đời thật.

Tôi sẽ không bao giờ quên được những lúc tìm đường đến vị trí tiếp theo của game mà luôn nơm nớp lo sợ xem có cái gì bám theo mình hay không. Và tôi tin rằng kỷ niệm khó phai nhất với bất cứ ai đã từng chơi Fatal Frame 2 chính là hình ảnh một cô gái mặc bộ kimono trắng, đứng giữa một căn phòng đầy xác chết và cười từng tràng ghê rợn.

2. Gameplay độc đáo

Một điều khiến series Fatal Frame ấn tượng nữa chính là gameplay khá độc đáo của nó. Thường thì trong game, nếu có yếu tố chiến đấu, người ta sẽ thường nghĩ đến những thứ như súng ống, gươm giáo hay phép thuật, chẳng ai nghĩ rằng máy ảnh cũng có thể dùng làm vũ khí. Ấy nhưng mà đúng thế đấy, trong Fatal Frame 2, vũ khí của chúng ta chính là một cái máy ảnh, và “đạn dược” chính là những cuộn phim, còn đồ nâng cấp thì là các loại lens khác nhau. Motip này dựa vào ý tưởng một chiếc máy ảnh có thể chụp được những thứ không thuộc về thế giới này, hay nói nôm na là máy ảnh chụp được ma. Cơ bản là như vậy, còn hệ thống các loại film cho máy ảnh, rồi các loại lens có công dụng ra sao, các vật phẩm hỗ trợ như thế nào thì khá là rắc rối và đa dạng mà chính tôi cũng còn chưa biết hết được.

Bên cạnh phần chiến đấu thì phần giải đố cũng rất được chú trọng và ôi trời ơi nó khó một cách kinh hoàng, dù là tôi chỉ chơi ở độ khó Normal. Bối cảnh của game là cả một ngôi làng rộng lớn nên việc tìm các đồ vật để giải đố khó khăn hơn nhiều. Hơn nữa, game đưa ra rất ít chỉ dẫn trên bản đồ nên bạn bắt buộc phải chú ý đến những mô tả của câu đố, rồi manh mối đến từ các vật phẩm. Nếu chơi theo kiểu skip hết thoại hoặc chả thèm đọc mô tả thì 100% bạn sẽ phải lên youtube xem walkthrough để tìm đường.

Chính vì bắt buộc phải nhập tâm như vậy nên nỗi sợ hãi khi chơi sẽ càng tăng lên và game sẽ cho bạn cảm giác như thể chính mình đang lang thang trong ngôi làng kinh hoàng này vậy. Hơn nữa, cách thiết kế góc camera cố định một cách rất tài tình ở bản gốc trên PS2 càng gia tăng sự sợ hãi khi khám phá môi trường trong game. Nhiều lúc camera bị ẩn ở những chỗ rất điệu nghệ và khiến ta phải tự hỏi: “Liệu ở đó có gì hay không?”

Hệ thống collectibles của game phải nói là cực kỳ nhiều, chúng là những mẩu nhật ký, ghi chép của nhiều nhân vật khác nhau về ngôi làng. Đại đa số collectibles trong nhiều game không có nhiều ý nghĩa cho lắm ngoài việc thử thách người chơi, nhưng với Fatal Frame 2, collectibles cực kỳ quan trọng. Chúng đóng vai trò là những mảnh ghép cho tổng thể câu chuyện kinh hoàng về ngôi làng, chúng giúp ta hiểu sâu hơn và rõ hơn về cốt truyện của game.

Chính vì thế nên để cảm nhận hết cái ma mị, cái kinh dị trong cốt truyện của Fatal Frame 2, bạn cần phải thu thập càng nhiều collectibles càng tốt. Nói là như vậy nhưng tôi cũng chả thể thu thập hết được (sợ quá chỉ muốn xong game càng sớm càng tốt) và tôi nghĩ là với hệ thống collectibles dày đặc như vậy thì muốn thu thập đủ chắc phải chơi khá lâu, có khi lâu hơn gấp đôi thời lượng bình thường.

3. Âm thanh ấn tượng và âm nhạc tuyệt vời

Như đã nói qua, hiệu ứng âm thanh góp phần không nhỏ tạo nên cái ma mị trong không khí game. Từ những tiếng rên rĩ, than khóc của các oan hồn văng vẳng trong không trung đến những tiếng gào thét, kêu la của các thể loại ma quỷ khi chúng tấn công. Và tất nhiên ta không thể không kể đến tiếng cười đầy “duyên dáng” của cô gái mặc kimono trắng đẫm máu được rồi. Trong tất cả những thể loại gào rú, kêu la, than khóc, rên rỉ đầy ai oán của game, tiếng cười kinh dị đó chính là thứ ám ảnh tôi nhiều nhất. Cũng thực sự phải ngả mũ kính phục với đội ngũ thực hiện âm thanh của game khi đã tạo được một hệ thống các thể loại âm thanh ám ảnh như vậy, ám ảnh đến cái mức dù chả có tiếng động gì sất mà tôi vẫn gai người như thường.

Đó là âm thanh bình thường trong game, vậy còn âm nhạc thì sao? Fatal Frame 2 có một bộ OST thực sự ấn tượng, đến mức nếu chỉ nghe nhạc mà không biết đó là game kinh dị thì bạn vẫn sẽ cảm thấy có chút gì đó ma mị trong những bản nhạc của game. Nhưng một khi bạn đã chơi game và rồi nghe lại những bản nhạc nền như “Sae”, “Kusabi” hay “Mourner”, “Kiryu Family Altar”, trong đầu bạn tự động sẽ nghĩ đến những trải nghiệm kinh hoàng trong quá trình chơi game, ấy thế mà bạn vẫn sẽ thấy những bản nhạc đó hay, thế mới tài!

Còn bài hát kết game, Fatal Frame 2 có hai bài hát kết thúc khác nhau. Bản Fatal Frame 2 gốc sử dụng bài “Chou” còn bản remake Project Zero 2 thì dùng bài “Kurenai”, cả hai đều của nữ ca sĩ Amano Tsukiko. Dĩ nhiên cả hai bài đều hay và ấn tượng, nhưng cá nhân tôi vẫn thích “Chou” hơn, một phần vì giai điệu của nó, một phần vì tựa đề bài hát khiến tôi liên tưởng đến một bộ anime cũng khá ma mị là “Jigoku Shoujo” với bài hát opening season 1 là “Sakasama no Chou”. Đây là một bộ anime cũng lấy đề tài ma mị với một cốt truyện hay, tôi nghĩ các bạn đã thích dạng kinh dị kiểu thuộc về văn hóa truyền thống Nhật Bản thì nên xem.

Còn dưới đây là hai bài hát kết thúc cho hai phiên bản của game, tôi thích “Chou” hơn, nhưng “Kurenai” cũng rất đáng nghe.


4. Cốt truyện tuyệt vời – đầy ám ảnh và đáng nhớ (spoiler alert)

Bây giờ ta nói đến phần cốt truyện, một thứ quan trọng, quyết định một game có đáng nhớ đến mãi về sau hay không. Lâu lắm rồi, kể từ cái ngày phá đảo Silent Hill 2 hồi cấp 3 mà tôi mới được chơi một game kinh dị với cốt truyện ấn tượng cũng như đáng sợ thế này.

Câu chuyện của Fatal Frame 2 xoay quanh hành trình “đáng nhớ” của hai cô bé Mayu và Mio Amakura khi đi lạc trong rừng và được “ma đưa lối quỷ dẫn đường” đến làng Minakami. Một ngôi làng bí ẩn, đã biến mất từ lâu và trở thành một địa điểm đáng sợ. Toàn bộ game là hành trình tìm đường thoát khỏi ngôi làng đáng sợ này và qua đó, hai chị em khám phá được chuyện gì đã thực sự xảy ra ở làng Minakami.

Ngay từ cái motip của ngôi làng đã khiến chúng ta phải gai người đôi chút rồi. Làng Minakami là một ngôi làng nằm biệt lập ở một xó trên núi, sống tự cung tự cấp bằng nông nghiệp, chẳng giao du nhiều với thế giới bên ngoài. Chính sự khép mình đó đã tạo nên một không khí ma mị bao trùm khắp làng. Cũng chính lối sống biệt lập đó đã tạo nên một tín ngưỡng quỷ dị mà nghe đã sợ hết cả hồn. Theo tư duy của người làng Minakami, ngay ở phía dưới ngôi làng là một vực sâu thăm thẳm được họ gọi với cái tên là Quỷ Môn Quan – cánh cổng dẫn tới địa ngục. Để duy trì sự sinh tồn của làng, người dân ở đó đã đặt ra một nghi lễ bí ẩn để kìm chế Quỷ Môn Quan.

Nghi lễ đó có tên là Crimson Sacrifice – Huyết Tế. Vật tế của nghi lễ này không gì khác chính là một cặp song sinh, những con bướm đỏ chính là linh hồn của những vật tế, vai trò của chúng là hộ mệnh cho làng Minakami. Huyết Tế là một nghi lễ diễn ra khá thường xuyên, khoảng 10 năm một lần. Nhưng nếu Huyết Tế thất bại, làng sẽ thực hiện một nghi lễ khác đóng vai trò câu giờ để có thể thực hiện thêm một Huyết Tế nữa. Nghi lễ kia được gọi là Shadow Ritual – Nghi lễ bóng tối, với vật tế là một Kusabi. Trong trường hợp tệ nhất, nếu cả Huyết Tế và Nghi lễ Kusabi đều thất bại, Quỷ Môn Quan sẽ rộng mở và tai ương sẽ giáng lên đầu cả làng. Chính vì niềm tin này mà làng Minakami đã bị ám ảnh với Huyết Tế hằng bao nhiêu thế hệ.


Mỗi khi đến thời điểm cần thực hiện Huyết Tế, nghĩa là cái lúc mà dân làng Minakami tin rằng Quỷ Môn Quan sắp rộng mở, họ sẽ đưa cặp song sinh đã được lựa chọn từ trước xuống mật đạo bên dưới ngôi nhà của gia tộc Kurosawa – gia tộc đứng đầu làng để thực hiện nghi lễ. Vậy vì sao nhất định phải là một cặp song sinh? Lý do là vì người dân làng Minakami tin rằng những cặp song sinh có một sức mạnh kỳ lạ. Họ là hai nửa chưa hoàn thiện của một linh hồn bị phân tách lúc chào đời. Hơn nữa, làng Minakami cho rằng người nào sinh ra trước sẽ nắm giữ phần linh hồn nhỏ hơn, nghĩa là sinh ra trước lại là em. Người sinh ra sau nắm giữ linh hồn lớn hơn, nghĩa là sinh ra sau nhưng lại là anh/chị.

Mục đích của Huyết Tế chính là hợp nhất linh hồn của hai người để kìm chế Quỷ Môn Quan. Khi thực hiện Huyết Tế, người em sẽ phải tự tay bóp cổ chết người anh/chị của mình và ném xác người đó xuống vực sâu làm vật tế cho Quỷ Môn Quan. Sau đó, người còn sống sẽ trở thành một tư tế góp phần bảo hộ làng, linh hồn người đã chết sẽ biến thành một con bướm đỏ thẫm, đóng vai trò là linh thần của làng. Đó là lý do vì sao làng Minakami có nhiều bướm đỏ như vậy. Nghi lễ này vừa tàn ác lại vừa tồn tại rủi ro, đó là nếu như cặp song sinh quá yêu thương nhau thì sẽ rất khó để một trong hai giết người còn lại. Thậm chí mọi việc sẽ còn tệ hơn nếu một trong hai biến mất và dân làng phải tự tay giết người còn lại.

Theo cốt truyện của Fatal Frame 2, Huyết Tế đã thất bại hai lần liên tiếp. Sau khi thất bại lần thứ nhất và trong lần thứ 2 có trục trặc xảy ra (đó là khi cặp song sinh được lựa chọn bỏ trốn và dân làng chỉ bắt được 1 người trở lại), làng Minakami đã thực hiện Nghi lễ Kusabi nhằm kéo dài thời gian để tìm nốt người kia. Nạn nhân của nghi lễ Kusabi chính là một học giả truyện dân gian đã tìm đến làng để tìm hiểu về lối sống và nghi lễ của làng. Vận đời thật trớ trêu khi thứ ông ta muốn tìm hiểu lại chính là thứ ông ta được trải nghiệm.

Ông bị bắt và bị trói và treo lên bằng rất nhiều sợi dây thừng. Khi đã trói chặt, chủ tế sẽ bắt đầu thực hiện nghi lễ bằng cách hành hạ nạn nhân theo nhiều kiểu, có thể là đánh đập hoặc đâm chém. Tuy nhiên, điều đáng sợ ở đây là toàn bộ nghi lễ diễn ra khi nạn nhân vẫn còn sống và bắt buộc phải sống đến khi bị vứt xuống vực sâu.

Tuy vậy, nghi lễ Kusabi này chỉ có thể kéo dài thời gian chứ không thể thỏa mãn Quỷ Môn Quan. Do đó, Huyết Tế bắt buộc phải diễn ra. Nhưng dân làng không thể tìm được người kia nên họ quyết định thực hiện Huyết Tế với chỉ một người trong số cặp song sinh. Dân làng đưa cô đến chỗ thực hiện nghi lễ, treo cổ cô đến chết và ném xác cô xuống vực, mong rằng Huyết Tế sẽ thành công. Tuy nhiên, mọi chuyện lại hoàn toàn trái ngược. Huyết Tế tiếp tục bị thực hiện sai cách nên đã thất bại, oan hồn của cô không thể siêu thoát. Sự căm giận vì bị giết chết tàn nhẫn và vô ích, cộng thêm nỗi cô đơn và đau buồn vì người chị em của mình không quay lại đã biến cô thành oan hồn và cô kéo theo cả oan hồn Kusabi quay lại. Kusabi tàn sát toàn bộ dân làng Minakami trong tiếng cười điên loạn không dứt của cô ta. 

Như vậy, câu chuyện của Fatal Frame 2 là tấn thảm kịch đến từ lòng tin mù quáng và quỷ dị của một ngôi làng nằm biệt lập. Nó khiến cho ta có cảm giác sợ hãi, sợ hãi vì những gì xảy ra đã đành, nhưng ta còn sợ hãi vì tư duy ma quái của quá nhiều người về một thứ không biết có thật hay không. Chính niềm tin sai lệch đó đã tạo nên biết bao thảm kịch tại làng Minakami và cuối cùng quả báo đến với cái chết của toàn bộ dân làng. Cũng chính vì thế nên hai chị em Mio và Mayu đã bị dụ đến làng, vì những oan hồn ở đây tin rằng nếu thực hiện được Huyết Tế, họ sẽ được siêu thoát.

Fatal Frame 2 có tổng cộng 6 kết thúc khác nhau, 2 trong số đó được thêm vào trong bản remake của hệ máy Wii nhưng chúng là non-canon ending nên tôi không quan tâm lắm. 4 cái kết còn lại đều được coi là canon, trong số đó có 1 cái kết là true ending. Tuy rằng có 1 cái kết trong số đó có thể coi là happy ending khi cả hai chị em đều thoát được khỏi làng mà không bị gì, nhưng nó lại chả phải true ending. True ending là khi Huyết Tế của Mio và Mayu thành công, Mio phải tự tay giết chết Mayu. Rõ ràng nó chẳng “happy” chút nào cả. Âu cũng là đặc trưng của game kinh dị và tôi nghĩ chính cái kết không happy cũng khiến cho game tạo được ấn tượng sâu đậm đến vậy.

Suy cho cùng, mọi thứ lúc nào cũng không thể có hậu, và muốn việc gì thành công thì cũng phải trả một cái giá. Ở đây, để siêu thoát cho bao nhiêu oan hồn ở làng Minakami, Mio đã phải tự tay giết chết Mayu, đó là cái giá phải trả. Nhưng mà, vậy thì vòng lặp vô tận của Huyết Tế có chấm dứt ở đây, hay là ở một nơi nào đó, ở một ngôi làng nào đó giữa núi, vẫn sẽ có những thảm kịch xảy ra như ở làng Minakami? Câu hỏi này, không ai có thể trả lời.

Kết

Fatal Frame 2: Crimson Butterfly là một trải nghiệm đáng sợ mà cũng thật đáng nhớ. Tôi không chắc là tôi có dám chơi lại game lần nữa để tìm thêm collectibles hay mở khóa một ending khác hay không, nhưng có lẽ là thôi vì chơi một lần đã sợ vãi cả linh hồn rồi thì chơi lần nữa chắc chết. Đây là một game tôi nghĩ đã là fan của game kinh dị thì chắc chắn nên chơi, mà những ai ít chơi game kinh dị cũng nên thử, để biết rằng một game kinh dị gần như hoàn hảo là thế nào. Fatal Frame 2 không chỉ có những pha hù dọa đứng tim mà còn có cả một cốt truyện thực sự hay, thực sự đáng nhớ. Halloween cũng sắp đến rồi, chơi Fatal Frame 2 vào đêm đáng sợ nhất năm với đèn đóm tắt hết thì còn gì bằng, nhỉ?

Và dĩ nhiên, Fatal Frame 2 còn có cả những bản nhạc tuyệt vời nữa chứ. Tôi đang vừa viết bài này vừa nghe đi nghe lại “Chou” của Amano Tsukiko đó chứ.

Fatal Frame 2: Crimson Butterfly – 9/10.

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly