Cờ tỉ phú là trò chơi phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Mỗi đất nước (hoặc vài thành phố lớn) đều có phiên bản cờ tỉ phú riêng: Bộ cờ tỉ phú Boston hay Singapore chẳng hạn. Vậy điều gì làm một trò chơi hơn 100 tuổi có sức sống mãnh liệt như vậy?
Có lẽ vì trò chơi đã đại diện cho một suy nghĩ phổ biến về cách trở thành “tỷ phú”: đầu cơ, tích trữ, mua đất, xây nhà. Ở thời kì mà đất đai là tài sản đặc biệt (mọi thứ đều tăng nhưng đất đai không tăng) thì việc mua bán đất đai (hay một khía cạnh khác là tích trữ đất đai) sẽ sinh lợi lớn. Đây là điều dễ hiểu: các bộ luật đầu tiên trên thế giới đều dành nhiều điều luật về đất đai. Từ bộ luật Hammurabi đến Hiến pháp Mỹ đều vậy. Hãy cùng đọc qua (đọc lại) về luật trước khi chiêm nghiệm về trò chơi trăm tuổi này.
Nguồn ảnh: Boardgame.vn
Đây là phiên bản cờ tỷ phú Việt Nam. Các phiên bản khác có thêm/bớt tính năng, ví dụ như: độc quyền (bạn mua hết 3 cửa hàng bánh thì người khác đi vào sẽ phải trả gấp rưỡi tiền thuế), phân khu (giá từng ô trong khu sẽ tăng/giảm dần)… Cách chiến thắng của trò chơi là mua càng nhiều đất càng tốt, và hi vọng đối phương đi vào ô của mình để thu thuế.
Phiên bản Monopoly Disney có thêm chức năng “độc quyền” bằng các ô cùng màu
Có lẽ ít ai biết rằng, trò cờ tỉ phú được tạo ra để nói về một thứ vốn không xuất hiện trong trò chơi: thuế đất. Phần đa số chúng ta nghĩ rằng, khi mua một mảnh đất là chúng ta đã “mua” đứt nó, và từ sau nó toàn quyền thuộc về chúng ta. Tuy nhiên sự thật là với một số nước, chúng ta chỉ mua “quyền sử dụng đất” với thời hạn vĩnh viễn, một số nước khác thì chúng ta mua “quyền sở hữu đất”, với đất đai được coi là tài sản đặc biệt, được đánh thuế đặc biệt. Việt Nam là trường hợp đầu tiên còn Mỹ là trường hợp sau. Ở Việt Nam thuế đất tương đối rẻ (so tỉ lệ với giá đất).
Ở Mỹ thì khác. Câu chuyện về thuế đất nên là kiểu nào vốn rất phức tạp, các chuyên gia đã tranh cãi nhiều thế kỉ. Ví dụ điển hình là Tây Ban Nha: Thế kỉ 16 17 kinh tế Tây Ban Nha lên rất mạnh, nhưng nhanh chóng suy yếu về sau. Nguyên nhân mà các chuyên gia chỉ ra đó là thuế đất. Colombus mang tiền về Tây Ban Nha, biến Tây Ban Nha thành quốc gia giàu nhất thế giới. Sau đó, thay vì đầu tư vào công nghiệp (như nước Anh sau đó), dân Tây Ban Nha lại đầu tư vào bất động sản, đẩy giá nhà đất ngày càng cao. Cha truyền con nối, thế hệ trước cứ truyền lại thế hệ sau ngôi nhà có giá trị (bất động sản) ngày càng cao, rồi theo một cách nói vui vẻ: “cứ nghĩ thế là hay, là đủ rồi”, và rồi “ăn chơi nhảy múa”. Thuế đất “kiểu Tây Ban Nha” triệt tiêu động lực kiếm tiền, còn thuế đất “kiểu Anh” hay “kiểu Mỹ”, vốn giá đất dễ chịu nhưng đánh thuế đều đặn hàng năm thì kiểu khác: Ở đây, không ai được ngừng kiếm tiền, và sự sở hữu không nằm trong văn tự và nằm trong sức lao động mỗi người.
Rõ ràng và dễ hiểu: Ở Mỹ bạn có thể mua nhiều đất, nhưng mỗi miếng đất sẽ có một “sức ỳ – thuế” và bạn phải trả đều để sở hữu. Còn ở Việt Nam hay Tây Ban Nha, “sức ỳ” tương đối bé, nhưng miếng đất lại rất đắt so với thu nhập. Có vẻ như, cờ tỷ phú không hề đề cập đến thuế này. Điều đó dẫn đến hệ lụy rằng mỗi người chơi chỉ cần giữ một khoảng đủ để trả phí (tránh phá sản), còn lại vung tiền vào càng nhiều mảnh đất càng tốt. Điều này hạn chế đi tính chiến thuật của trò chơi.
Một bài dịch hay mà mình xin trích dẫn ở đây về cờ tỷ phú:
“Hãy mua đất đi – không ai tạo ra nó nữa đâu”, Mark Twain từng viết. Đó là câu châm ngôn mà bạn cần nhớ khi chơi một trong những board game phổ biến nhất hiện nay là cờ tỉ phú: mua đất, xây khách sạn, sau đó là thu tiền từ những kẻ không may đi vào khu đất của bạn.Ít ai biết đến người sáng chế ra trò chơi này là Elizabeth Magie, và có lẽ bà sẽ tự mình vào tù nếu như bà vẫn còn sống để biết được rằng phiên bản bị bóp méo của trò chơi đó có sức ảnh hưởng như thế nào. Tại sao vậy? Vì trò chơi này khuyến khích người chơi làm những thứ đi ngược lại với những giá trị ban đầu mà bà Elizabeth Magie muốn nói tới.Sinh năm 1866, Magie là một người phụ nữ luôn lên tiếng phản đối những quy ước xã hội và chính trị thời bấy giờ. Bà ấy độc thân kể cả khi đã trên 40 tuổi, sống độc lập và tự hào về điều đó, bà đã có màn tuyên bố táo bạo trước công chúng. Bằng cách viết một đoạn quảng cáo trên báo, bà ấy chào bán chính bản thân mình là “một nữ nô lệ Mĩ trẻ tuổi” dành cho người đưa ra giá cao nhất. Bà ấy nói với những độc giả bị sốc rằng mục tiêu của bà ấy là nhấn mạnh vị trí thấp kém của phụ nữ trong xã hội. Bà ấy nói rằng, “Phụ nữ không phải máy móc. Chúng tôi cũng có trí tuệ, ham muốn, hy vọng và khát vọng.”Ngoài việc phản đối sự bất bình đẳng giới, bà còn thách thức cả hệ thống sở hữu tài sản của chủ nghĩa tư bản – nhưng lần này không phải là một tuyên bố công chúng mà là dưới dạng một board game. Cảm hứng của bà bắt nguồn từ một quyển sách mà cha bà, nhà chính trị gia chống độc quyền James Magie, đã tặng bà. Khi đọc những trang sách của tác phẩm kinh điển Tiến bộ và nghèo đói (Progress and Poverty, 1879) của Henry Geogre, bà ấy đã tiếp nhận được ý chí của tác giả rằng “quyền bình đẳng sử dụng đất của mọi người cũng rõ ràng và hiển nhiên như quyền hít thở không khí của họ vậy – đó là quyền cơ bản khi họ sinh ra.”Trong những năm 1870 khi đi trên khắp mọi miền đất nước Mĩ, Geogre đã chứng kiến sự nghèo đói luôn hiện diện ngay cả khi sự thịnh vượng càng lớn mạnh, ông ấy tin rằng sự bất bình đẳng trong sở hữu đất đai đã gắn kết hai mặt trái ngược này – tiến bộ và nghèo đói – với nhau. Vì vậy, thay vì kêu gọi người dân mua đất như Mark Twain, ông yêu cầu chính phủ đánh thuế đất đai. Bởi vì sao? Bởi vì giá trị của một mảnh đất không dựa vào việc cái gì sẽ được xây trên đấy mà dựa vào tài nguyên thiên nhiên nằm ẩn sâu bên dưới hoặc dựa vào địa thế của nó với các vùng xung quanh: gần đường bộ và đường sắt, một khu kinh tế phát triển và an toàn, hay gần bệnh viện và trường học tốt chẳng hạn. Ông nhấn mạnh rằng tiền thuế thu được cần được dùng để đầu tư phục vụ cộng đồng.Bà Magie quyết tâm chứng minh lợi ích của đề nghị của Geogre bằng cách sáng chế ra và đăng kí bản quyền Trò chơi chủ đất (Landlord’s Game). Trò chơi gồm một cái bảng có vẽ những con đường và địa danh được bày bán (một điểm mới của trò chơi thời đó). Tuy vậy, điểm nhấn của trò chơi nằm ở hai bộ luật chơi mà bà đã viết.Trong bộ luật chơi “Thịnh vượng”, mỗi người chơi sẽ đều nhận được một khoản tiền khi một người chơi khác mua một tài sản nào đó (minh họa chính sách của Geogre về việc đánh thuế đất đai), và trò chơi kết thúc (với phần thắng thuộc về tất cả mọi người!) khi người chơi có số tiền ban đầu ít nhất đạt được gấp đôi. Ngược lại, trong bộ luật chơi “Độc quyền”, mọi người chơi cạnh tranh nhau bằng cách mua các tài sản và thu tiền thuê khi họ chẳng may đi vào tài sản của các người chơi khác, và kẻ thắng cuộc là kẻ làm tất cả những người chơi còn lại phá sản (bạn có cảm thấy quen quen không?).Mục đích của hai bộ luật chơi này, theo Magie, là để người chơi trải nghiệm “minh họa thực tế của hệ thống mua đất hiện tại cùng với những hệ quả thường thấy của nó” và giúp người chơi hiểu rằng những cách tiếp cận sở hữu tài sản khác nhau có thể dẫn đến những tình trạng xã hội hoàn toàn khác biệt. Magie nhận xét rằng, “trò chơi này cũng có thể được gọi là Trò chơi cuộc sống (The Game of Life) bởi vì nó có đủ các yếu tố của thành công và thất bại trong thế giới thực và mục tiêu của trò chơi cũng tương tự như mục tiêu thường thấy của con người, đó là tích trữ tài sản”.Không lâu sau đó, trò chơi trở thành cơn sốt trong giới trí thức cánh tả, trong khuôn viên các trường như Wharton School, Harvard và Columbia cũng như trong những cộng đồng Quaker, một vài trong số họ đã sửa đổi luật chơi và vẽ lại bảng với những tên đường trong thành phố Atlantic. Một trong những người chơi ở trong cộng đồng Quaker là một kẻ thất nghiệp tên Charles Darrow, một khoảng thời gian sau đó anh ta đã bán phiên bản sửa đổi của trò chơi này cho công ty Parker Brothers như thể đó là trò chơi do chính anh ta sáng chế vậy.Khi tìm ra được nguồn gốc chính xác của trò chơi, Parker Brothers đã mua lại bản quyền của Magie, nhưng sau đó đã phát hành trò chơi này với tên gọi đơn giản là Monopoly cũng như chỉ đưa ra công chúng một bộ luật chơi duy nhất: đó là chỉ có kẻ giàu nhất mới là kẻ thắng cuộc. Tệ hơn nữa, họ quảng cáo trò chơi này cùng với tuyên bố rằng Darrow là người sáng chế, kẻ đã nghĩ ra nó vào những năm 1930, sau đó bán cho Parker Brothers và trở thành tỉ phú. Đó là một câu chuyện đổi đời bịa đặt mà, mỉa mai thay, càng minh chứng rõ nét về giá trị ẩn giấu đằng sau của trò chơi: làm giàu và đè bẹp những người khác để là kẻ đứng đầu.Lần tới nếu có ai đó rủ bạn chơi cờ tỉ phú, có lẽ bạn nên áp dụng ý tưởng này: Khi bạn xếp tiền thu được từ ô Cơ hội và Hòm công ích, hãy đặt ra thêm luật để dành một khoản tiền cho Thuế giá trị đất đai mà tất cả người chơi đều phải đóng góp khi họ thu tiền thuê từ người chơi khác. Nên đặt thuế đất là bao nhiêu? Số tiền thuế đó nên được chia như thế nào? Chắc chắn những câu hỏi đó sẽ dẫn tới tranh cãi nảy lửa xung quanh bàn cờ – nhưng đó chính là điều mà bà Magie đã mong đợi.