Đánh giá Uncharted: Drake’s Fortune – Cuộc truy tìm El Dorado huyền thoại

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Chắc hẳn mọi người đã không còn xa lạ gì với dòng game Tomb Raider – một dòng game action/adventure pha lẫn với yếu tố giải đố, khám phá các địa danh chìm trong bí ẩn cùng cô nàng Lara Croft nóng bỏng. Cái hay của dòng game này không chỉ ở gameplay tốt hay một nhân vật chính cuốn hút, mà còn nằm ở việc khai thác một đề tài vô cùng thú vị và cũng không kém phần bí ẩn: những bí mật ở mọi ngóc ngách của thế giới, những hiện tượng siêu nhiên nằm ngoài tầm hiểu biết của con người. Chính vì vậy mà game thủ rất yêu thích những tựa game kiểu dạng như Tomb Raider. Không tính Tomb Raider đã quá nổi tiếng với nhiều thế hệ game thủ, chúng ta còn một dòng game khác, tuy sinh sau đẻ muộn nhưng cũng đã chứng tỏ được giá trị to lớn của mình, có thể sánh ngang với Tomb Raider được. Đó chính là dòng game Uncharted đến từ Naughty Dog, một dòng game độc quyền cho hệ máy Playstation của Sony.

Uncharted tính đến nay đã gần 12 tuổi với tất cả 5 phiên bản lớn, và thực sự mà nói thì mỗi một phiên bản đều được đánh giá là một tựa game xuất sắc về nhiều mặt. Trong bài review này, chúng ta sẽ cùng đến với tựa game đã khai sinh ra dòng game Uncharted, đó là Uncharted: Drake’s Fortune ra mắt năm 2007.

Các bạn có đã từng nghe kể về huyền thoại El Dorado? Huyền thoại về một thành phố chứa đựng bao nhiêu vàng bạc châu báu đang ngủ yên giữa lòng rừng rậm Amazon rộng lớn? Biết bao con người đã dấn thân vào con đường tìm kiếm El Dorado, để mong mỏi được đặt chân vào thành phố mỹ lệ này, biết bao chuyến thám hiểm, biết bao công sức, của cải đã được bỏ ra, nhưng El Dorado vẫn bặt vô âm tín, vẫn chìm trong màn sương bí ẩn. Nó có thực hay chỉ là một huyền thoại trong số vô vàn huyền thoại của thế giới? Không một ai biết được câu trả lời, người ta chỉ có thể đoán, và tin rằng, ở đâu đó giữa những cánh rừng bạt ngàn miền Nam Mỹ, El Dorado đang nằm đó, lặng lẽ đợi chờ một kẻ may mắn tìm ra.

Có thể nói rằng huyền thoại về thành phố El Dorado là một trong những huyền thoại nổi tiếng nhất trên thế giới. Chỉ cần nghe tên là bao người đã thấy kích thích và hào hứng được khám phá về huyền thoại này rồi. Do đó, thật không còn gì thích hợp cho Naughty Dog lấy bối cảnh hơn để tạo ra Uncharted phiên bản đầu tiên.

Uncharted: Drake’s Fortune theo chân ba nhân vật chính trong chuyến phiêu lưu khám phá một hòn đảo thuộc vùng biển Nam Mỹ để truy tìm sự thật về El Dorado. Trong đó, nhân vật mà chúng ta điều khiển là Nathan Drake, hay còn được gọi là Nate – hậu duệ của nhà thám hiểm lừng danh người Anh Sir Francis Drake, người được cho là đã tìm được vị trí của El Dorado. Đồng hành với anh là cô nàng phóng viên Elena Fisher, người đang muốn làm một bộ phim tài liệu về El Dorado, và cuối cùng là ông bạn già của Nate – Victor Sullivan, hay còn gọi là Sully. Lần theo manh mối có được từ cuốn nhật ký của Francis Drake, cả nhóm bước chân vào vén lên tấm màn bí ẩn của El Dorado, nhưng dĩ nhiên, họ không phải những người duy nhất muốn đặt tay vào kho báu của El Dorado. Mặc dù game cũng không có plot twist gì lớn quá nhưng dù sao thì tôi cũng sẽ không tiết lộ thêm nữa, để đảm bảo các bạn có một trải nghiệm trọn vẹn nhất về cốt truyện. Nếu như đánh giá về cốt truyện, thì tôi sẽ nói là hay, không xuất sắc nhưng đủ hấp dẫn để kéo chân người chơi, và cách sắp xếp bố cục rất giống một phim Hollywood, kết hợp thêm với cả gameplay khiến cho Uncharted: Drake’s Fortune cứ như một bộ phim phiêu lưu hành động thứ thiệt vậy.

Nét chủ đạo trong gameplay của Drake’s Fortune chính là bắn súng góc nhìn thứ ba, bởi vì xuyên suốt khoảng 5-6 tiếng thời lượng game thì phải đến 80% thời lượng là cho những cuộc đấu súng. Cũng không có gì lạ khi Uncharted đề cao yếu tố hành động. Tuy nhiên, không phải vì thế mà game thiếu đi nét đặc trưng của một game “trộm mộ” – đó là giải đố. Naughty Dog đã phân chia các trường đoạn trong gameplay của Drake’s Fortune tương đối hợp lý: đấu súng thì khá là lâu, đặc biệt nếu bạn chơi ở mức độ khó từ Normal trở lên thì một trận đấu súng sẽ ngốn kha khá thời gian, nhưng sau đó sẽ là một trường đoạn khá dài mà Nate phải tìm đường vượt qua chướng ngại, leo trèo, giải đố, đủ cả. Chính điều này đã tránh cho Drake’s Fortune dính phải cái khuyết điểm là hành động quá nhiều và dồn dập.Tuy vậy, số lượng các câu đố thì chưa nhiều và độ khó của chúng trong Drake’s Fortune cũng chưa thực sự thử thách. Có thể nói rằng giải đố chỉ là một món gia vị được thêm vào chứ chưa được nâng tầm thành một món trong bữa chính.

Tuy nhiên, cũng đừng vì thế mà lo rằng những cuộc đấu súng trong Drake’s Fortune sẽ diễn ra chóng mặt, anh chàng Nate sẽ vác đủ loại súng mà tả xung hữu đột. Ồ không đâu, những cuộc đấu súng của Drake’s Fortune diễn ra với một nhịp độ khá ổn định, bạn có thể nói là nó lặp lại cũng được, vì đa phần trình tự các cuộc đấu súng đều như sau: gặp kẻ địch, tìm cover, triệt hạ từng tên một, di chuyển giữa các cover để sống sót. Sẽ không có khái niệm rambo trong Drake’s Fortune, bởi vì chường mặt ra đấu súng thì chỉ có chết, kẻ địch chả bao giờ đi lẻ 1-2 tên cho bạn ăn đâu. Tuy có phần lặp lại trong gameplay đấu súng, nhưng cũng phải nói là chúng cũng đem đến một sự đã tay nhất định và cũng rất căng thẳng chứ không nhàm chán. Thêm việc anh chàng Nate chỉ có thể trang bị 2 loại súng duy nhất càng khiến cho việc suy tính kỹ nên cầm súng nào trở nên quan trọng hơn.

Một điểm khiến tôi thấy ấn tượng với Drake’s Fortune chính là cái phong cách của game rất giống phim, như đã nói qua. Không chỉ vì cách bố trí các trường đoạn hành động đan xen giải đố phù hợp mà còn vì Naughty Dog đã thiết kế một số phân đoạn cực kỳ đậm chất điện ảnh: ví dụ như trường đoạn lái xe trong khi đấu súng với những kẻ bám đuổi, hay trường đoạn cưỡi cano vừa lướt trên sông vừa tránh mấy thùng thuốc nổ lại phải đấu với quân địch (phải công nhận là đoạn lái cano ngược dòng chảy của sông khá khó, nhưng cũng rất đã tay). Bên cạnh đó, Naughty Dog cũng tối giản đến tối đa những thứ hiển thị trên màn hình: HUD cực kỳ ít, chỉ có số lượng đạn và tâm ngắm nếu đang nhắm bắn, còn bình thường thì sẽ chẳng có HUD luôn – khiến cho game trở nên giống phim hơn hết. Nhưng yếu tố quan trọng nhất khiến tôi đánh giá cao phong cách làm game của Drake’s Fortune chính là trong toàn bộ thời lượng game, không hề có màn hình loading. Chuyển từ cắt cảnh sang thẳng gameplay, mặc dù không được mượt mà lắm hay nghệ thuật như God of War 2018, nhưng với một game từ năm 2007 mà đã làm được điều này thì quả thực là rất đáng khen.

Nhưng, không vì thế mà gameplay không có khuyết điểm. Phải nói thật là dù animation của nhân vật khá mượt nhưng cách di chuyển lại khá tù túng, không thoải mái chút nào. Hệ thống cover-ngắm bắn cũng chưa thực sự tốt ở một số đoạn khi có núp mà vẫn ăn đạn như thường. Hệ thống vũ khí không hề đa dạng, đánh tay đôi thì nhàm chán và chẳng có gì hay ho. Những khuyết điểm trên thực sự đáng chê trách, nhưng chúng ta cũng có thể thông cảm phần nào khi game đã ra từ năm 2007, mà lại là phiên bản đầu tiên của cả dòng game nữa, nhiều thứ cần phải định hình lại. Nhưng nhìn chung, tôi vẫn sẽ cho gameplay của Drake’s Fortune là dễ chịu và lôi cuốn.

Phần đồ họa của game thì cũng chỉ có thể nói là ở mức tốt. Tôi chơi phiên bản làm lại đồ họa của game cho hệ máy PS4, trong khi game gốc là ở đời đầu của PS3 cho nên chất lượng đồ họa đã được cải thiện đáng kể (nhờ bàn tay cực kỳ mát của Bluepoint). Chất lượng texture, khử răng cưa, đổ bóng, hiệu ứng ánh sáng, mặt nước hay model nhân vật đã sắc nét hơn nhiều so với bản gốc và không kém những game chuẩn của PS4 là bao. Tuy nhiên, nếu để ý và soi kỹ những vật thể cố định trong game thì bạn sẽ nhận ra rằng chúng khá mờ và không rõ nét, vì thực sự làm lại đồ họa cũng chỉ được đến như vậy mà thôi. Nhưng nhìn chung, chất lượng đồ họa của game là tốt.

Lồng tiếng và âm nhạc của game cũng khá tốt. Từng nhân vật đều thể hiện được rõ tính cách của mình qua giọng lồng tiếng: anh chàng Nate tếu táo, hay pha trò, cô nàng Elena sắc sảo, tinh quái, ông bạn già Sully thì trải đời nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh. Tuy vậy, lồng tiếng cho các nhân vật phản diện thì lại chưa thực sự tốt lắm, mặc dù ba nhân vật chính đều để lại ấn tượng thế nhưng dàn phản diện thì lại tương đối mờ nhạt, một phần bởi lồng tiếng chỉ ở mức tròn vai, một phần là cốt truyện hơi yếu trong khoản xây dựng phản diện và mục tiêu của họ. Âm nhạc cũng như âm thanh thì cũng chỉ dừng ở mức tốt – không tệ nhưng cũng không có gì thực sự nổi trội cho lắm, dù vậy thì cũng có một vài bản nhạc khá là hay.

Tóm gọn lại, tôi vẫn cho rằng với những ai sở hữu máy PS4 thì rất nên thử qua tựa game này. Uncharted: Drake’s Fortune cùng hai phần game thứ 2 và 3 đều đã được làm lại đồ họa và ở chung trong bộ collection với tên Uncharted: The Nathan Drake collection và cũng có giá rất hữu nghị. Lời khuyên của tôi là nên chơi phiên bản cho PS4, còn phiên bản gốc cho PS3 thì có lẽ nên bỏ qua vì nó ở đời đầu của PS3 nên đồ họa cũng như optimize vẫn còn khá kém. Thời lượng để hoàn thành game cũng không hề dài, nếu chơi nhanh thì chỉ cần từ 4-5 tiếng là bạn đã có thể hoàn thành game ở độ khó Normal, một trải nghiệm chất lượng, vừa đủ cho một buổi chiều hay một buổi tối thư giãn thoải mái.

Uncharted: Drake’s Fortune (PS3/PS4): 8/10

 

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly