Kratos đã trở lại sau 5 năm vắng bóng, với một diện mạo hoàn toàn mới ở gần như mọi khía cạnh, từ thế giới thần thoại Bắc Âu cho đến hệ thống combat hoàn toàn mới, cho đến chính bản thân Kratos cũng đã thay đổi. Đây là một canh bạc lớn của NSX Santa Monica và mình cảm thấy họ đã thành công trong những sự thay đổi này, đem đến một làn gió mới cho seriesss đã kéo dài được 13 năm với 6 phiên bản khác nhau.
Vào mảng đồ họa trước, God of War (GOW) giờ đã không còn theo dạng tuyến tính như các phần trước, mà thay vào đó game cho người chơi một semi open-world để tự do đi lại, khám phá. Tuy vậy nhưng đồ họa vẫn rất tuyệt với texture sắc nét, màu tươi và hệ thống ánh sáng rất tốt, đem lại một thế giới thần thoại Bắc Âu chân thực và huyền ảo lẫn lộn. NSX Santa Monica còn áp dụng kiểu quay one-shot từ đầu đến cuối (nếu người chơi không chết lần nào cho đến cuối game), tạo cảm giác rất cinematic, nhưng vì thế các cutscene không có cách nào để skip được. May sao là những đoạn cutscene của GOW không bao giờ kéo dài quá lê thê, mà vẫn truyền được nội dung mà nó cần truyền tải cho người chơi.
Về combat, thì như mình đã nói, và nhiều người cũng đã biết, đã được thay đổi gần như toàn bộ. Không còn có fix camera nhìn bao quát như là các phần trước nữa, thay vào đó là một camera gần sát sau lưng, khiến cho những cung đoạn combat có thêm sức nặng cần thiết, đặc biệt là những pha finisher close-up, khẳng định ngay rằng Kratos trông có già đi nhưng độ tàn khốc thì chẳng thễ lẫn vào đâu được. Tất nhiên là camera như vậy nên đôi lúc đang combat máu lửa thì lỡ bị lùi vào tường nên camera bị vướng, nhưng rất may là điều này ít khi xảy ra vì NSX rất khéo léo để bày ra những cung đoạn combat ở những không gian mở, người chơi có thể tha hồ ra đòn mà không cần phải lo lắng quá về camera.
Chiếc rìu Leviathan, vũ khí mới của Kratos là một lựa chọn hoàn hảo cho sự thay đổi về góc nhìn này. Hơn nữa về mặt combat nó cũng đem đến cho người chơi sự tính toán cần thiết. Ví dụ như người chơi có thể ném chiếc rìu vào một con quái ném projectile ở đằng xa để đóng băng nó, nhằm dễ dàng nhảy vào đánh tay đôi với những con quái khác (đúng, Kratos có thể dùng tay không đấm quái ở GOW này), hay là giả vờ ném rìu ra đằng xa, đợi 2-3 con quái đứng thẳng hàng rồi gọi cái rìu về như Thor, quét qua một phát và gây damage cho cả ba con. Về sau khi đã mở ra được nhiều skill mới hơn thì những khoảnh khắc khi mà bạn chain lại những combo với nhau trông rất đã mắt và thỏa mãn.
Atreus, con trai của Kratos cũng là một yếu tố đáng nói đến ở hệ thống combat. Atreus (boy) có thể trợ giúp cha mình bằng cung tên của mình, hoàn toàn được người điều khiển chứ không phụ thuộc vào AI (tất nhiền vẫn có vài hành động mà AI tự làm). Boy cực kì hữu dụng về late game khi mà các skill upgrade giúp tăng khả năng gây stun lên quái để Kratos có thể tung ra các pha finisher, hay là gây shock và damage rất trâu với bộ cung điện của mình. Tự AI của boy cũng có thể choke quái để giữ chân chúng, giúp Kratos đưa ra những đòn hiểm một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt là những lúc combat với số đông thì độ linh hoạt của boy với Kratos được thể hiện rất mượt mà. Những lúc mà boy nhảy lên cổ một con Draugr để vô hiệu hóa nó, rồi người chơi giữ R2 để tung ra đòn quyết định, chém đứt đôi người nó ra trông rất tuyệt và đã mắt.
Hệ thống RPG đã là một phần của seriess GOW từ đầu rồi, nhưng được áp dụng rất nhẹ. Phần GOW mới này đã nâng cấp hệ thống RPG lên rất nhiều, với skill tree cùng vô số kĩ năng có thể mở khóa dành cho cả Kratos và Atreus, tạo nên rất nhiều sự sáng tạo trong lối chơi. Hơn nữa, GOW còn đưa thêm hệ thống craft đồ vào game để nâng cấp các chỉ số có trong game. Độ chi tiết của nó khá là ngạc nhiên đối với một người đã chơi qua 5 trong 6 bản GOW trước đây như mình, khi mà nó tạo cảm giác rất là nghiện. Thú thật lần đầu chơi thì trông có vẻ rối rắm, nhưng bắt đầu từ lần walkthrough thứ 2 thì mình cảm thấy mọi thứ nó mới vào khuôn khổ. Nó khiến mình phải chịu khó mày mò, tìm ra các hòm được giấu kĩ để có thể lấy được các nguyên liệu để craft ra bộ giáp thật đẹp hoặc thật mạnh, hay là các viên enchantment để nâng cấp thêm nữa cho bộ giáp của mình. Nhưng đáng tiếc ở chỗ là GOW không có new game+, cho nên việc kiếm các bộ giáp top tier về cuối game bỗng trở nên vô nghĩa, trừ khi bạn muốn quất sạch 9 nàng Valkyrie trong game, vì sidequest trong game không phải là nhiều. Mong rằng NSX sẽ update thêm new game + về sau để mình có động lực chơi Give me God of War (chế độ tởm nhất của game), và tìm ra hết những gì mà game muốn cho người chơi thấy.
Gameplay của GOW tất nhiên vẫn có những điểm sạn hơi đáng tiếc. Các pha finisher như mình đã nói, trông rất đã mắt, nhưng chúng đều lặp lại đúng 1 animation ở mỗi một loại quái, cho nên những đoạn combat nào có nhiều quái cùng loại xuất hiện cùng một lúc thì những pha finisher sẽ nhanh chóng mất đi giá trị. Các sidequest của game tuy rằng về nội dung thì GOW đem đến những mẩu chuyện khá là hay về những sự kiện đã xảy ra trước đây ở Midgard, nhưng về mặt gameplay thì chúng chỉ gói gọn trong mô típ đi đến điểm A rồi làm việc B, hay thu thập cái C cái D… khá là đơn giản. Thế giới thần thoại Bắc Âu của GOW có tổng cộng 9 realms, nhưng chỉ có 5 realms là người chơi có thể đến được, 4 realms lại là vì lí do của cốt truyện nên đã bị khóa. Kể cả thế thì có đúng Midgard là nơi tập trung nhiều sidequest và các hoạt động chính nhất. Các realm còn lại là Muspelheim, Niflheim, Helheim và Alfheim thì chỉ để phục vụ các nhiệm vụ chính các challenge thôi nên không có nhiều thứ để tìm tòi và khám phá, rất tiếc ở khoản đó. Các boss fight chính của game cũng thực sự không quá khó khăn (mình chơi ở chế độ Give me a Challenge, tương đương với Hard), vì level của chúng thường ngang hoặc thấp hơn so với người chơi. Độ khó thực sự là nằm ở các challenge và các optional boss, và ở GOW đó là 9 nàng Valkyrie nằm rải rác ở game, được thiết kế dành cho late game khi mà người chơi đã được trang bị kĩ gear và skill.
Tóm lại, những sự thay đổi trong mảng gameplay của GOW đem đến một làn gió mới cho seriesss này. Tuy vẫn còn chút sạn nhỏ có thể bỏ qua nhưng về mặt bằng chung gameplay mới của GOW đã được thực hiện rất tốt, hoàn toàn có thể nâng cấp và làm tốt thêm nữa cho các phần tiếp theo với lối chơi tương tự.
Sang đến cốt truyện của game. Mục tiêu chính của hai cha con Kratos và Atreus rất đơn giản: đó là tìm đến đỉnh núi cao nhất ở cả 9 realm và rải tro của người vợ đã quá cố của mình trên đó. Tuy là thế nhưng nó chỉ gần như là một nhánh phụ của cốt truyện, khi mà điểm sáng của story chính là cuộc phiêu lưu của Kratos và Atreus, những hiểm nguy mà họ phải đối mặt và những cung bậc cảm xúc họ trải qua cùng nhau.
Điểm đáng khen đầu tiên của phần story đó là các nhân vật của GOW. Tuy khá là ít, nhưng mỗi nhân vật có mặt trong game đều có một mục đích rất riêng và có ảnh hưởng nhất định đến cốt truyện của game, không hề có một nhân vật thừa thãi nào. Ngoài Kratos và Atreus ra thì còn có hai anh em dwarf là Brok và Sindri. Hai người họ ngoài mục đích làm nơi để người chơi có thể craft đồ ra, thì còn được được dùng như là một comic relief (giải nghĩa nôm na là để giải tỏa sự căng thẳng cho người chơi/người xem bằng những cung đoạn hài hước). Sau mỗi cuộc chiến căng thẳng đi kiếm tài nguyên về để craft đồ mới, người chơi có thể tán gẫu với Brok hoặc Sindri để nghe những đoạn hội thoại hài hước (tùy vào khiếu hài của mỗi người). Nói đến comic relief thì cũng có Mimir, người theo chân hai cha con Kratos từ giữa game cho đến cuối cùng. Ngoài tác dụng gây cười ra, Mimir còn có một kho tàng những câu truyện thần thoại Bắc Âu để kể cho người chơi những lúc cần phải di chuyển trên The Lake of Nine. Freya, một nữ phù thủy ở Midgard, cũng đóng một vai trò rất lớn trong story của GOW, nhưng vì tránh spoilers nên mình không muốn nói đến.
Nói đến câu chuyện của Kratos và Atreus, thì mình chỉ có thể nói NSX đã làm rất tốt để kể một câu chuyện về tình cha con. Qua thời gian tầm 15h của phần cốt truyện chính, hai con cha họ dần hiểu nhau hơn, và quan trọng hơn đó là sự tha thứ và cảm thông cho một quá khứ bi kịch của Kratos. Sự có mặt của Atreus như là một cái gì đó để nhắc nhở Kratos về quá khứ đó, và nhiệm vụ của hắn tự giao cho mình đó là làm mọi giá không để người con bị tổn thương từ những bi kịch đó. Sự gắn bó của hai cha con như là một phần thưởng dành cho người chơi sau cuộc phiêu lưu dài hơn 20h của game vậy.
Tóm lại, God of War thật sự rất đáng để chơi, với một hệ thống combat chất lượng, và một story có sức nặng đi kèm bối cảnh thần thoại Bắc Âu với nhiều thứ để tìm hiểu. Tuy là còn những điểm yếu hơi đáng tiếc nhưng GOW thực sự là một làn gió mới đến với seriess đã 13 năm tuổi này.
Nếu phải chấm thì mình sẽ cho God of War điểm 9/10.