Chơi game nhiều, thông tin về quá trình làm game cũng được giới thiệu không ít. Vậy đã bao giờ bạn được là một phần của tập thể phát triển game chưa?
Game Dev Story là một sản phẩm của hãng Kairo Soft từ xứ mặt trời mọc, một trong những cái nôi sơ khai của game đồng thời cũng là vùng đất của nhiều “ông lớn”. Thú thật lúc đầu chẳng biết gì về game này, thấy sale trên play store nên mua chơi thử. Và tin tôi đi, nó gây nghiện cực kì!
Bạn có một số vốn khởi nghiệp, trong một công ty làm game nhỏ và bắt đầu triển khai việc kinh doanh. Ban đầu kinh phí chỉ vừa đủ để phát triển những tựa game nhỏ với một số thể loại hạn chế, cả nền tảng game của bạn cũng chỉ có mỗi pc vì bạn chưa… đủ tiền mua bản quyền nền tảng máy khác!
Ngoài phát triển game ra thì làm nhạc soundtracks, phim CGI hoặc game Engine cho các công ty khác cũng là một cách kiếm tiền nhanh chóng và tiện lợi. Nó sẽ là cứu cánh trong những lúc bạn gặp khủng hoảng tài chính :))
Game có bốn thông số cơ bản bao gồm Fun (game play), Creative (sáng tạo trong cốt truyện và lối chơi), Sound (âm thanh, nhạc trong game), Graphics (đồ họa của game). Bốn thông số này sẽ quyết định game của bạn được người chơi đón nhận như thế nào. 50 điểm là mức khá cho mỗi yếu tố của game, qua 120 là xuất sắc. Khi bốn yếu tố đều trên 80 hoặc tuyệt vời hơn nữa là trên 120 thì game của bạn thuộc dạng bom tấn rồi!!!
Nhưng đây là game mô phỏng, và nó mô phỏng luôn cả những khó khăn, trắc trở ngoài đời thật.
Muốn điểm của mỗi yếu tố cao thì phải dựa vào nhân viên của bạn. Chúng ta có Coder, Writer, Designer, Sound Engineer, Director, Producer, Hardware Engineer và Hacker. Cái tên nghề nói lên điểm mạnh của mỗi người, nhưng một người có thể có từ 3 đến 4 kỹ năng khác nhau và có thể là cao hơn cả ngành nghề chính của họ. Thường thì Writer đảm nhận viết giới thiệu cho game, nhưng bạn thử giao cho Producer hoặc Director xem. Kết quả có thể khiến bạn kinh ngạc!
Muốn hay phải hỏi, muốn giỏi phải học. Khi hầu bao “dư dả” tí thì bạn có thể cho nhân viên học hỏi thêm kiến thức, gia tăng trình độ và năng suất cho mỗi dự án.
Có lần người viết dồn hết tiền bạc và nhân lực vào một dự án game, và nhìn những con số của Fun, Creative, Graphic và Sound đều vượt ngưỡng 120. Đinh ninh một bom tấn làm chấn động thì trường và giúp studio của mình ghi tên lên lịch sử sẽ ra đời thì “BLACK OUT”. Cúp điện :))
Gần một nửa dữ liệu tài nguyên bay mất và bị buộc phải ra mắt game đúng hạn. Người viết đã rưng rưng nước mắt khi các điểm số rớt xuống chỉ còn 80. Những nhà phê bình game cho điểm khá và thế là một tựa game đầy hứa hẹn đã không thành công. Còn núi xanh sợ gì không củi đốt. Như đã đề cập ở trên, lúc khủng hoảng kinh tế thì ta nhận những công việc khác. Thiết kế mini game, soundtrack, CGI, game Engine, character cho khác hãng khác để kiếm vốn. Và khi đã sẵn sàng rồi thì Samurai Path ra đời. Tựa game bom tấn đầu tiên của hãng, lọt vào Hall Of Fame và mở ra cả một series dài 6 phần đầy thành công về doanh thu.
Vì sao thành công mà chỉ có 6 phần? Vì khi hãng phát triển đến phần 6 của Samurai Path thì “BLACK OUT”. Vâng, lại là cúp điện :))
Series đầu tiên kết thúc như thế đấy. Nuối tiếc, nhưng sau đó là cả một loạt những siêu phẩm khác của hãng ra đời. Vòng thời gian của game là 20 năm và bạn có thể chơi tiếp nếu muốn. Nhưng trước khi chạm mốc 20 năm ấy thì Sudio của người viết đã phát hành kịp một tựa game online. Và doanh thu nó đạt được là hơn 10 triệu 8 trăm nghìn bản. Một con số trong mơ!
Về sau vẫn còn có thể mở rộng hơn, các sản phẩm sau này sẽ chất lượng hơn. Nhưng 20 năm với người viết là quá đủ, những trải nghiệm cảm xúc game mang lại thật tuyệt vời. Đây không phải review game. Đây là cảm nghĩ của một người được vinh dự và hạnh phúc nhìn những đứa con tinh thần của mình trưởng thành.
game này giảm giá còn có 14k trên gg play, hôm nọ vừa mua xong
Có nhiều phiên bản khác… mình thấy phần làm nhà xuất bản tạp chí cũng rất thú vị!!
mình chưa có dịp chơi những bản khác, nếu có thời gian sẽ chơi thử :3