Sau sự thành công rực rỡ của Switch và Zelda BOTW ăn trọn luôn GOTY một cách ngon lành, bây giờ tôi sẽ nói về một con game hồi xưa, cha đẻ cho nhiều thể loại game hiện đại bây giờ. Không phải là Mario 64, không phải Golden Eye mà lần này tôi sẽ review Legend of Zelda: Ocarina of Time (Zelda OoT).
Giới thiệu chung
Zelda OoT là một trong những tựa game 3D đầu tiên đã làm điên đảo ngành công nghiệp game bấy giờ, đặc biệt với chức năng Lock on, nền tảng cho thể loại combat trong rất nhiều game bây giờ. Cùng với sự tối ưu hóa của trò chơi với console của họ là N64 lúc đó, trò chơi ban cho người dùng một trải nghiệm đầy lí thú trong thế giới mở rộng, cùng hàng loạt các dungeon mà bạn muốn vào lúc nào, theo thứ tự nào cũng được. Và với thiết kế độc, lạ mắt, con game đã gần 20 năm tuổi này vẫn chống chịu được thử thách của thời gian trong vấn đề đồ họa, kể cả những người chơi tầm trung vẫn có thể bị thu hút vào trò chơi này. Để kết thúc phần giới thiệu, tôi xin nói trước, nếu những ai có ý định chơi game này thì xin dừng ở đây. Tôi khuyên bạn đó, game tận 99/100 điểm trên metacritic, sao không triển luôn?
Về gameplay
Game Zelda nói chung đã luôn thuộc loại phiêu lưu, puzzle cùng với điểm chính luôn là dungeon của nó. Zelda OoT cũng tương tự như vậy, tuy nó là một game 3D đầu tiên trong franchise nên có rất nhiều thử thách ở trước mắt. Nhưng với cái danh là Masterpiece mọi thời đại, Zelda OoT đã tạo ra một trải nghiệm mà hiếm game nào làm được, kể cả đến bây giờ. Đầu tiên ta sẽ nói về phần chính trước, đó là dungeon. Dungeon trong Zelda là độc nhất vô nhị và không có game nào có thể đánh bại được nó trong khoản này. Lí do Dungeon của nó đặc biệt đến vậy là vì mỗi một dungeon đều mang cho mình một theme riêng, với thiết kế riêng và với từng loại puzzle riêng của nó, ít khi có sự trùng lặp, chỉ có dùng lại những thứ basic phải có trong trò chơi. Zelda không những chỉ thử thách kĩ năng đánh đấm của người chơi mà còn khiến họ phải căng não để có thể giải được những puzzle nghẹt thở trong nó. Nhiệm vụ chính của người chơi trong mỗi một dungeon là kiếm bản đồ, la bàn, chìa khóa hay các item riêng rẽ cho dungeon đó. Cùng với sự trợ giúp của những dụng cụ tìm được trong mỗi dungeon, bạn có thể tiến thẳng đến phòng boss và có thể tẩn nó. Nói về dụng cụ, mỗi dungeon sẽ cho cơ hội mở khóa một món đồ mới như là cung tên, boomerang, khiên gươm hay những chiếc áo và chiếc giày đặc biệt. Thành ra một trong những thú vui tiêu khiển trong game là mở khóa những món đồ đó, bởi vì công sức để có được món đồ như vậy không phải là ít ỏi. Chưa hết, ngoài ra còn có các món đồ khác quan trọng cho phá đảo dungeon nhưng chỉ lấy được nếu bạn đã khám phá Hyrule và tìm ra địa điểm cất giấu nó. Trở về phân tích dungeon, mỗi cái sẽ có tầm ba tầng trở lên, đều có dãy puzzle phức tạp, boss và mini boss riêng rẽ cho từng cái, khiến bạn phải luôn cắn răng suy nghĩ, kể cả đã phá đảo được tầm hơn 6 hay 7 cái dungeon rồi. Mỗi dungeon thường có ít nhất một loại quái riêng biệt trong nó, thường được sắp xếp hòa quyện với puzzle, tạo nên một gian nan đầy thách thức nhưng cực đáng nhớ. Có thử thì mới có biết, tôi xin dừng lại ở đây về phần dungeon và chuyển đến phần combat và exploration.
Như tôi đã nói ở trên, cơ chế combat của Zelda OoT là nền tảng quan trọng cho nhiều game sau này, nên để nói đơn giản nhất, kiểu loại chiến đấu của nó là phần tối giản của các trò hiện đại thời nay. Bạn có thể dùng gươm, khiên và cung hay các dụng cụ khác như bom hay hookshot để chiến đấu. Khi cận chiến, bạn có thể ra đòn, lựa chọn combo kiếm phù hợp để gây sát thương hay dùng khiên ngay tức khắc để đỡ đòn, hoặc nhào lộn và side-step ra đằng sau địch để đánh sau lưng nó. Về loại quái mình sẽ đánh thì rất đa dạng, nhưng đặc biệt nguy hiểm khi phải đối đầu với những quái mà vừa biết vung kiếm vào mặt bạn, vừa dùng khiên vừa tránh đòn giỏi, đòi hỏi tập trung cao độ để không bị tan nát cõi đời. Tất nhiên, đẩy địch xuống vực cũng là một lựa chọn. Còn về dùng cung thì chỉ dùng nó như bao trò hiện đại khác, lock on và bắn, hay vào chế độ FPS nếu bạn đủ rảnh mà làm vậy trong combat. Còn nhiều cái khác phụ thuộc vào từng món đồ nhưng để không kéo dài lê thê bài viết, tôi xin chuyển đến phần exploration.
Exploration ở đây tồn tại trong cả lúc bạn cày dungeon hay lang thang trên Hyrule Field. Vì game này có rất nhiều món đồ ẩn, cùng với những side quest chơi khó người dùng, cảm giác khi bạn phát hiện ra cái gì đó thực sự là thỏa mãn, cũng tương tự như lúc bạn lấy được những món đồ trong dungeon vậy. Và với sự trợ giúp của chú ngựa Epona, bạn có thể tung hoành thỏa sức khám phá và trải nghiệm, như đem bạn trở về những kí ức hay mong muốn thuở xưa của một đứa trẻ. Loại game Zelda nào cũng vậy, cố gắng biến ta trở lại thành những đứa trẻ, bị chính sự tò mò muôn thuở quấn hút. Nếu như Dungeon là chủ đề chính mà ai cũng bàn tán về Zelda thì Exploration chính là lí do mà ai cũng muốn ở lại và tận hưởng nó.
Về cốt truyện
Nói thật, những loại game này lấy cốt truyện làm cớ để có thể phát triển những gameplay và trải nghiệm cho người chơi nên thực sự không có gì nói nhiều lắm vì đây còn chẳng phải thứ để nói về Zelda. Ganon trỗi dậy và thống trị Hyrule, Link có nhiệm vụ là phải đánh bại Ganon, cùng với sự trợ giúp của Zelda và khả năng quay trở lại thời gian của mình. Nhưng kể cả có đơn giản đến đâu, vì lí do nào đó, những nhân vật trong game luôn để lại điểm nhấn khó mà quên được. Và nếu bạn cực quan tâm đến tựa game, bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn và sẽ biết được lore và dòng timeline của mỗi trò, gồm Link thành công và Link thất bại.
Về âm nhạc (đặc biệt)
Nói thật, một game Zelda chân chính là phải có nhạc hay, độc và lạ. Mỗi dungeon, mỗi nơi, mỗi cuộc chiến đều có loại BGM riêng rẽ cho nó. Và đây cũng là lí do chính mà Zelda OoT đã chống chịu được thời gian và vẫn tỏa sáng tới tận giờ. Lúc thì đắm mình trong những bản hùng ca, lúc thì tung tăng trong những bản nhạc đầy nhộn nhịp của một chuyến phiêu lưu kì thú không hồi kết, lúc thì chìm trong những bản nhạc đượm buồn không diễn tả được bằng lời. Một trải nghiệm đáng có sẽ không thể thiếu được những bản nhạc đậm chất riêng khắc vào đầu ta những kỉ nghiệm khó mà phai nhạt, kể cả sau khi đã rời chiếc ghế ngồi và cái màn hình đầy những nhân vật mình gắn bó hồi đó tới giờ.
Lời kết
Zelda OoT vẫn luôn là một tựa game đặc biệt với tôi. Dù có khó khăn thế nào đi nữa trong những dungeon, những khám phá mới, những nhân vật mới, những bạn đồng hành mới luôn đem lại niềm vui thật đáng trân trọng cho tôi. Kể cả tôi không hề thích dungeon, những ngôi làng, những con người coi tôi là anh hùng khi tôi cứu họ khỏi sự diệt vọng thật là đỗi hân hoan, cảm giác như một đứa trẻ vậy, đắm mình trong những câu truyện cổ tích của riêng mình.