Nếu có một thể loại game dễ gây nghiện và thu hút được nhiều người chơi nhất thế giới thì đó hẳn là MOBA (Multiplayer Online Battle Arena). Giống như tên gọi của nó, trò chơi sẽ tạo ra một đấu trường hẹp và những người tham gia sẽ chiến đấu với nhau theo phe. Trò chơi sẽ trở nên rất gay cấn với những pha tham chiến của rất nhiều người chơi, thêm vào đó lại có tính chiến thuật cùng sự khéo léo cao nên nhiều game MOBA đã trở thành bộ môn E-sport. Dưới đây là 10 tựa game MOBA đang hot hiện nay mà Hiệp Sĩ Bão Táp tổng hợp.
1. Dota 2
Dota 2 là một trong những game nổi tiếng nhất thế giới với số tiền giải thưởng cho giải đấu The International tổ chức hàng năm cũng lớn nhất thế giới: khoảng 20 triệu USD. Đây cũng có thể coi là trò chơi đặt nền móng cho sự phát triển hưng thịnh của thể loại game MOBA. Cuộc chiến trong Dota có thể hiểu đơn giản là người chơi chia làm 2 phe mỗi phe 5 người. Trong Dota thì 2 phe là The Sentinel và The Scourge còn trong Dota 2 thì đặt tên lại là The Radiant và The Dire. Bất cứ bên nào phá được nhà chính cuối cùng của bên đối phương sẽ dành chiến thắng. Bản đồ trong trò chơi chia làm 3 đường đi với 1 dòng sông chạy chéo cắt qua cả 3 đường. Mỗi đường (lane) sẽ có 3 tháp trụ để phá huỷ lần lượt trước khi có thể tiến vào nhà chính của địch, nơi có 2 tháp trụ khác canh gác. Có một con boss gọi là Roshan đứng ở một cái hang trên sông mà nếu người chơi hạ được nó và dùng item Aegis of Immortal mà nó rơi ra sẽ được hồi sinh 1 lần khi chết. Hiện nay trong Dota 2 có đến hơn 100 tướng với đủ các vị trí khác nhau như Carry, Support, Tanker,… Chính vì sự đa dạng này càng làm game trở nên vô cùng cuốn hút.
2. League of Legends
League of Legends hay còn gọi là Liên Minh Huyền Thoại ở Việt Nam ra mắt từ năm 2009 với ý tưởng được truyền cảm hứng từ Dota. Tuy vậy không thể phủ nhận những sự phát triển to lớn của LoL những năm gần đây. Cũng giống với Dota, ngoài những mode chơi phụ thì cách chơi chính là chia 2 phe 5 đấu 5. Người chơi cũng phải hạ từng tháp trụ ở mỗi lane để cuối cùng có thể phá nhà chính của đối thủ. LoL cũng có chút khác biệt so với Dota ở một vài điểm. Ví dụ như khi farm creep thì trong LoL không có khái niệm deny, tức là không thể tiêu diệt creep phe mình nhằm làm cho tướng địch không ăn được quân đó như ở Dota. Đồ hoạ của LoL khá thân thiện và dễ nhìn hơn nhiều. Các kĩ năng và hiệu ứng của game không quá nhanh và rối mắt như ở Dota, người chơi sẽ dễ thao tác khi chiến đấu trong combat hơn mà không bị rơi vào tình trạng không thấy tướng của mình đang đứng đâu. Bản đồ của LoL khá giống với Dota nhưng có kích cỡ nhỏ hơn. Điều này giúp cho các trận đấu kết thúc chóng vánh hơn. Có 7 bậc rank trong game: Đồng, Bạc, Vàng, Bạch kim, Kim cương, Cao thủ, Thách đấu.
3. Smite
Smite được phát triển bởi Hi-rez Studio và ngay từ khi vẫn còn trong trứng nước, game đã được kì vọng rất nhiều. Các nhân vật tướng trong game khá đặc biệt nhờ lấy ý tưởng từ các vị thần huyền thoại trong lịch sử của mỗi nền văn hoá nên đều được gọi chung trong game là các God. Những vị tướng này có thể kể đến như Quan Vũ, Tôn Ngộ Không, Thor,… Bản đồ cũng chia làm 3 lane nhưng không còn là hình vuông như trong Dota hay LoL mà thay vào đó là hình bầu dục, 3 đường gần như song song với nhau. Về cơ bản thì nội dung và cách thức để chơi không khác nhưng game MOBA kể trên nhưng với việc sử dụng góc nhìn thứ 3 như vậy, Hi-Rez có lẽ muốn tập trung nhiều hơn vào yếu tố hành động của trò chơi hơn là chỉ chăm chăm cày tiền lên đồ. Nhược điểm của góc nhìn này có lẽ là việc gây ra nhiều khó khăn cho người chơi khi cast skill từ xa. Ví dụ bạn muốn thả một quả câu lửa từ xa về vị trí đối thủ sẽ khó căn chỉnh hơn và sẽ khó xảy ra những tình huống kiểu như canh thời gian thả skill để tiêu diệt đối thủ, thiếu tính bất ngờ cho game.
4. Heroes of the Storm
Một bom tấn MOBA khác được Blizzard coi như đứa con cưng đem cạnh tranh với những game cùng thể loại chính là Heroes of the Storm – Hiệp Sĩ Bão Táp (nghe hợp lý đấy chứ). Vẫn với lối chơi chuẩn mực 5 đấu 5 nhưng Blizzard luôn biết cách làm mới mình để game luôn có những chất riêng, không bị pha lẫn với bất cứ trò chơi nào khác. Những nhân vật trong HotS đều là các nhân vật nổi tiếng của Blizzard. Có thể đến các “anh tài” như Diablo, Illidan, Jim Raynor, Malfurion, Tyrael… Các nhân vật này có những kĩ năng tương tự với các khả năng mà họ có ở trong thế giới của họ. Bản đồ của HotS cũng chia làm 3 đường nhưng mỗi khi tạo 1 trận đấu, hệ thống sẽ sản sinh ra các map khác nhau. Mỗi map này lại có những tính chất riêng biệt và có hẳn một hệ thống nhiệm vụ của map để người chơi thực hiện và giành lợi thế trước đối phương. Thay vào hệ thống item là hệ thống cây kĩ năng mà Blizzard xây dựng sẽ giúp game thủ có thể hoàn toàn sáng tạo trong việc lựa chọn kĩ năng của nhân vật ở các level 1, 4, 7, 10, 13, 16, 20. Trong HotS cũng có quái rừng nhưng thay vì tiêu diệt để nhận được vàng như thông thường thì khi bạn đánh bại chúng, những quái rừng này sẽ trở thành đồng minh đắc lực trong việc đẩy trụ của đội bạn.
5. Strife
Sinh sau đẻ muộn khi những ông lớn Dota 2 hoặc LoL đã có chỗ đứng quá to lớn và vững chãi cho riêng mình thì một game mới như Strife phải có rất nhiều những thay đổi để tồn tại trong thế giới game đầy cạnh tranh này. Vẫn là bản đồ vuông chia làm 3 lane để đẩy trụ phá nhà chính nên những người từng chơi qua các game MOBA khác không mất nhiều thời gian để làm quen với hệ thống của Strife. Việc farm tiền trong Strife có lợi hơn cho những tướng yếu khó đánh quái vì mỗi khi có một tướng last hit được creep, các heroes xung quanh cũng nhận được tiền. Nhờ vậy mà đội hình của một team sẽ đồng đều hơn, khó có chuyện xảy ra một thành viên trong đội quá yếu, trở thành “quả tạ” làm những người khác buộc phải biến thành “vận động viên” để gánh. Người chơi cũng có thể sở hữu pet làm trợ thủ trong game khi chúng có đến 9 level cùng 3 bậc tiến hoá, sẽ rất có ích với những kĩ năng riêng biệt của chúng. Trong Strife có một con khỉ đột mang tên Krytos được canh giữ bởi một đám quái khá mạnh và khi một bên giải cứu thành công Krytos, nó sẽ thành đồng minh của đội đó.
6. Awesomenauts
Vẫn được người hâm mộ gọi vui bằng cái tên “Dota 2D”, tựa game của Romino Games thực sự đã thể hiện được cái “awesome” như cái tên của nó. Cách thiết kế rất dễ thương và thân thiện với nhiều người dùng chính là điểm lôi cuốn nhất của trò chơi này. Không cần quá hoành tráng cầu kì với những mẫu nhân vật 3D, chỉ cần tạo hình ngộ nghĩnh và hài hước như ninja thằn lằn hay khỉ cầm súng laze cũng đủ để game trở nên ấn tượng hơn bao giờ hết. Các trận chiến trong game diễn ra với tốc độ cao đòi hỏi người chơi luôn luôn di chuyển để tấn công hoặc né đạn. Có vô cùng nhiều các thể loại súng ống và trang bị cho người chơi mua mỗi trận. Bản đồ trong game rất phong phú và đa dạng, không cố định chia bao nhiêu lane làm người chơi không có cảm giác phải đau đầu suy nghĩ chiến thuật mà chỉ cần kĩ năng bản thân để tiêu diệt được kẻ địch thôi. Có rất nhiều tướng cho bạn lựa chọn và bạn cũng phải unlock một số khác bằng những phẫn thưởng cuối mỗi trận đấu.
7. Battleborn
Cùng thuộc nhà sản xuất Gearbox Software nên thiết kế của Battleborn được vay mượn từ đàn anh Borderlands khá nhiều. Cũng vì người anh cùng cha quá thành công kia mà người ta trông đợi rất nhiều vào Battleborn sẽ lại làm nên kì tích. Đây có lẽ là MOBA hiếm hoi có cả phần chơi đơn lẫn phần chơi mạng. Mặc dù thời lượng phần chơi đơn không nhiều, chỉ khoảng 8 tiếng đồng hồ nhưng về mặt cảm nhận chắc chắn bạn sẽ không thể cảm thấy muốn phàn nàn chút nào. Về phần chơi mạng, mặc dù có chút rắc rối từ khả năng sắp xếp trận đấu từ máy chủ nhưng điều đó cũng không làm nhụt chí các fan hâm mộ của Battleborn. Đơn vị tiền tệ trong mỗi ván đấu được gọi là Shard, sẽ dùng để mua vũ khí, trang bị, lính hay cả tháp trụ để phòng thủ trước những đợt tấn công của đối thủ nữa. Các nhân vật chính là linh hồn của mỗi trò chơi MOBA và trong Battleborn số lượng này lên đến gần 30 tướng, một con số không hề nhỏ để người chơi có thể thoải mái khám phá. Hệ thống Helix trong game sẽ cho phép người chơi tuỳ biến những kĩ năng của nhân vật và rất có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả trận đấu.
8. Paragon
Mới ra đời hơn một tháng nhưng Paragon đã trở thành một cái tên hiện tượng, xứng tầm làm đối thủ với bất cứ game TPS nào trên thị trường hiện nay. Điểm nổi bật nhất mà bất cứ người chơi nào mới nhìn qua cũng có thể nhận thấy ngay ở Paragon đó chính là đồ hoạ tuyệt đỉnh được làm vô cùng chi tiết từ nhân vật cho đến cành cây ngọn cỏ. Giống như Paladin của Hi-Rez Studio, Paragon cũng sở hữu cho riêng mình một hệ thống thẻ bài nâng cấp nhân vật. Mỗi nhân vật sẽ được tuỳ chỉnh để có thể set up các bộ bài khác nhau gồm những lá bài tăng các chỉ số cho nhân vật. Những lá bài này có thể coi như thay thế hoàn toàn cho hệ thống trang bị đồ sộ và đau đầu của một số MOBA khác. Mỗi lần lên level người chơi có cơ hội được mở rương báu và mở khoá cho những lá bài. Ngoài ra người chơi có thể kiếm được điểm Card XP (tương tự như gold) sau mỗi trận đấu để mua skin hoặc thẻ bài tuỳ hứng. Bản đồ của Paragon khá giống với Smite, cũng chia 3 lane và đẩy trụ như những tựa game truyền thống.
9. Vainglory
Vainglory thường được mệnh danh là LoL trên nền tảng di động bởi những tương đồng cả về mặt đồ hoạ lẫn lối chơi của 2 trò chơi. Chỉ có một vài đổi khác với thể thức chơi truyền thống: game chỉ có 1 lane và sẽ là 3 đấu 3 chứ không phải 5 nữa. Vẫn là lối chơi farm creep địch để lấy tiền lên đồ nhưng trận đấu sẽ diễn ra rất nhanh không quá 20 phút. Mỗi hero có 3 skill và những skill cần định hướng sẽ đòi hỏi người chơi thao tác trên màn hình chính xác. Điều này đương nhiên là khó hơn sử dụng chuột nhưng dù sao thì tất cả những game thủ trong trò chơi đều sử dụng điện thoại mà. Sau 15 phút sẽ có một con quái vật trung lập tên Kraken xuất hiện ở giữa bản đồ và bên nào tiêu diệt được Kraken trước thì nó sẽ tự động gia nhập thành đồng minh của phe bên ấy. Quái rừng giờ đây sẽ chuyển thành những con minion canh giữ các mine. Những gold mine này sẽ giúp tăng thu nhập cho cả đội và nếu để đối phương có lợi thế chiếm được tất cả những mỏ này thì coi như đội bạn đã thua một nửa trận đấu rồi đấy.
10. Battlerite
Battlerite mở ra một đấu trường cho người chơi với thể thức 2 vs 2 hoặc 3 vs 3 nơi một bên sẽ phải cố hết sức để tiêu diệt toàn bộ bên còn lại. Thời gian trong game diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 5 phút nên Battlerite trở thành một game cực kỳ dễ gây nghiện và có thể chơi vào bất cứ lúc nào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một khi trận đấu bắt đầu thì đấu trường sẽ rất khốc liệt với nhịp độ đánh đấm vô cùng cao, không có chút thời gian nào để bạn rời mắt khỏi màn hình đâu. Mỗi trận đấu sẽ có 3 round và đương nhiên bên nào thắng 2 sẽ giành chiến thắng. Các tướng trong game cũng chia làm những thể loại như damage dealer hoặc support, có vai trò quan trọng trong trận đấu. Ví dụ support máu yếu sẽ luôn đứng đằng sau tướng gây sát thương cao để hỗ trợ. Một khi có một tướng ngã xuống, người đó sẽ không hồi sinh lại cho tới ván tiếp theo. Vì vậy nếu bên nào có tướng bị giết trước thì bên đó sẽ gặp rất nhiều bất lợi. Cái hay của game là người chơi phải quan sát tướng địch khi chuẩn bị tung ra skill gì đó và di chuyển để tránh tầm mắt cũng như tránh bị ăn đòn oan.