Game đối kháng là một trong những thể loại game kén người chơi nhất. Không chỉ đòi hỏi kĩ năng tốt của người chơi để ra được những đòn combo đẹp mắt, các trò chơi kiểu này cũng không được chú trọng nhiều về cốt truyện mà chủ yếu dựa vào gameplay khi đánh đấm có tốt không hoặc chơi online, co-op với bạn bè ra sao. Một số dòng game đối kháng thậm chí ít hỗ trợ cho PC vì tay cầm console có thể sử dụng combo thuận tiện hơn nhiều mà thị trường PC cũng có vẻ không mặn mà với dòng game này lắm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều fan hâm mộ trung thành với thể loại game này, cùng Hiệp Sĩ Bão Táp điểm qua vài tựa game được fan ưa thích nhất nhé.
1. Mortal Kombat
Món đặc sản làm cho MK nổi tiếng không chỉ ở mặt đồ hoạ hay những đòn đánh combo vi diệu mà ở các chiêu Fatality. Một khi bạn chiến thắng đối thủ trong màn chơi, trong một thời gian ngắn khi kẻ thua cuộc đang bị “lắc lư” trên màn hình, bạn sẽ quyết định ra Fatality như thế nào để kết liễu đối thủ. Các đòn kết liễu này có thể nhìn cực kì máu me và tàn bạo như làm nổ đầu đối thủ, xé xác đối thủ làm đôi,… nhìn không khác gì một tựa game kinh dị. Nhưng chính điều này lại gây phấn khích cực độ cho người chơi. Không chỉ phải đợi đến cuối mỗi màn chơi mới có những cảnh máu me, cơ chế X-ray và Slow Motion đôi khi cho phép chúng ta nhìn thấy ảnh hưởng của đòn đánh trên những bộ phận dưới lớp da của đối thủ. Cơ chế chiến đấu của MK cũng rất tinh tế đòi hỏi rất nhiều kĩ năng của game thủ như căn thời gian chuẩn xác để né hoặc ra đòn tấn công, đỡ đòn với tư thế phù hợp.
2. Guilty Gear
Sử dụng đồ hoạ 2D với phong cách nhân vật được vẽ theo hoạt hình anime của Nhật Bản, Guilty Gear từng có một thời hoàng kim của mình nhờ đồ hoạ đẹp, lối chơi thú vị và hơn cả là những bản nhạc rock sôi động vô cùng kích thích người chơi. Kĩ năng của người chơi là một phần rất quan trọng nếu bạn muốn chơi được game và đó là lý do mà không phải ai muốn cũng có thể chơi được GG. Nhà phát triển Arc System Works đã cố gắng khắc phục vấn đề này bằng cách tạo ra phần tutorial khá dễ hiểu cho người chơi. Từ việc bấm nút di chuyển ra sao đến cách combo thế nào để không làm người chơi cảm thấy lạ lẫm. Đa số các bản của GG có thể chơi trên PC đếu dùng được combo bằng bàn phím khá tốt mà không nhất thiết cần đến tay cầm.
3. Bloody Roar
Bloody Roar còn được game thủ Việt Nam biết đến nhiều hơn dưới cái tên “Đấu trường thú”. Phiên bản đầu tiên của Bloody Roar ra đời năm 1997 và nhanh chóng chỉ 1 năm sau phiên bản thứ 2 ra đời. Kĩ năng của các nhân vật trong Bloody Roar tạo nên hiệu ứng các đòn thế rất đẹp mắt, đảm bảo bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi chơi. Gameplay chính là điểm ấn tượng và cuốn hút nhất của Bloody Roar mà cho tới tận bây giờ vẫn nhiều game thủ cảm thấy trò chơi này rất hấp dẫn. Đặc sản phân biệt Bloody Roar và các tựa game đối kháng khác đó chính là cơ chế biến hình từ người thành thú. Chỉ cần tạo ra một chuỗi các combo làm đối thủ không kịp trở tay, sau đó hoá thành linh vật với các combo khác và sát thương cũng mạnh hơn rất nhiều, bạn sẽ đè bẹp đối thủ. Thanh năng lượng tăng dần nhờ các đòn combo liên tiếp sẽ cho bạn sử dụng đòn kết liễu với sức mạnh khủng khiếp. Mỗi nhân vật đều có thể hoá thành một linh thú khác nhau như: thỏ, báo, hổ, sư tử, mèo, chuột, sói, dơi… nên tính đa dạng của game là khỏi cần bàn.
4. Street Fighter
Cho tới thời điểm này Capcpm đã mang SF đi một chặng đường dài với phiên bản thứ 5 vừa được ra mắt đầu năm nay. SF cũng thể hiện sức hút của mình bằng cách thường xuyên xuất hiện các giải đấu có giải thưởng lên tới nửa triệu đô. Xét về mặt đồ hoạ, SF có bước đột phá từ phiên bản 4 với hình ảnh nhân vật 3D rất đẹp mắt dù chưa đến mức chân thực realistic. Phiên bản 5 hầu như không có cải tiến nhiều so với đồ hoạ của bản 4 nhưng dung lượng lại giảm đáng kể. Thêm nữa, kể từ bản 5, gameplay được đơn giản hoá đi nhiều với mục đích giúp người chơi mới dễ dàng tiếp cận hơn, nhưng các đòn tấn công combo vẫn cần phải có kĩ năng điêu luyện mới thành thục được. Hệ thống nhân vật của SF từ trước đến nay vẫn luôn rất đa dạng và đặc biệt là cân bằng trong lối chơi. Đây là điểm rất quan trọng nếu như trong tương lai SF muốn những giải đấu của mình lớn mạnh hơn nữa.
5. Injustice God among Us
Một trong các điểm cuốn hút nhất của Injustice nằm ở cốt truyện của nó. Ít khi nào một tựa game đối kháng lại có bối cảnh game ấn tượng như vậy. Game xoay quanh việc các anh hùng chia làm hai thế lực: một bên theo phe Superman dùng đủ mọi thủ đoạn để lập nên chế độ riêng của mình, khống chế thế giới và ngăn chặn chiến tranh; bên kia do Batman đứng đầu lại không muốn điều đó xảy ra. Về mặt combat, thanh năng lực của người chơi sẽ tăng dần sau mỗi đòn tấn công hoặc bị tấn công và cứ qua 1 vạch kẻ thì bạn có thể sử dụng khả năng đặc biệt của nhân vật bạn đang chơi. Với chiêu cuối cùng sẽ có một đoạn phim ngắn thể hiện nhân vật thi triển kĩ thuật đỉnh cao của mình và đối phương chỉ có cách chịu đựng chứ không thể né tránh chiêu này. Nói một cách công bằng thì Injustice không cần nhiều kĩ thuật khó để chơi như Street Fighter hay Mortal Kombat nhưng cốt truyện hấp dẫn, đồ hoạ đẹp mặt và sức hút của các siêu anh hùng cũng đã đủ để tựa game này có rất nhiều fan.
6. Tekken
Cùng với Rồng đen và Đấu sĩ đường phố thì Tekken là bộ 3 có lịch sử game thuộc dạng lâu đời nhất. Series game đã có tuổi đời trên 20 năm do Namco Bandai phát hành đã giành được cảm tình của người chơi ngay từ những phiên bản đầu tiên. Năm 1995 phiên bản đầu tiên của Tekken ra mắt. Đây là tựa game đi tiên phong trong thể loại trò chơi đối kháng sử dụng công nghệ 3D. Vì là tiên phong nên không thể tránh khỏi nhiều lỗi vụn vặt nhưng dù sao ở thời điểm ấy Tekken cũng được đánh giá cao vì đã thoát khỏi cái bóng của ông lớn Street Fighter. Có một điểm chung là các phiên bản của Tekken đều được bán trên các hệ máy console. Mãi đến năm ngoái khi nhà sản xuất nhận ra rằng hệ PC rất cần được thoả mãn sự thèm khát một game so găng bom tấn thực sự thì Tekken 7 mới được lên kệ máy tính. Cốt truyện của Tekken xoay quanh việc tranh giành quyền lực nội tộc Mishima giữa 2 cha co Heihachi và Kazuya.
7. Dead or Alive
Những nhân vật nữ quyến rũ là miếng “thính” khổng lồ lôi kéo các game thủ đến với DoA nhưng không có nghĩa là gameplay của trò chơi này không có gi đặc biệt. Điểm khác biệt so với hệ thống chiến đấu của DoA với các game đánh đấm khác là tính năng phản đòn. Một khi đối thủ tấn công bạn thì bạn có thể nhấn nút thủ cùng với phím điều hướng ngược với hướng tấn công của đối thủ. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để căn thời gian thật chuẩn xác tạo ra chiêu thức phản đòn thành công thì cần rất nhiều thời gian tập luyện đấy. Một cơ chế khác khi chiến đấu là khả năng tác động đến môi trường trong trận đấu. Sẽ có một số điểm gọi là Danger Zone như chỗ đó có thể bị nổ hoặc dễ rơi ngã. Ai mắc kẹt trong vùng này sẽ phải nhận nhiều sát thương hơn từ các đòn đánh và cũng dễ bị knock out hơn bởi đòn đánh thường. Các bản DoA từ 2 và 3 trở lên đều có thể chọn đánh đội với tính năng khá thú vị là bạn có thể bấm nút chuyển nhân vật để né đòn.
8. Dragon Ball Xenoverse
Khác với các tựa game DB khác người chơi sẽ phải chọn 1 trong số các nhân vật trong truyện tranh để chơi thì với bản Xenoverse, bạn hoàn toàn có thể tạo ra cho riêng mình một nhân vật. Người đó có thể thuộc chủng tộc Trái Đất, Saiyan, Namek, Majin hay Frieza. Trải qua các trận chiến cày kinh nghiệm để tăng dần sát thương cho nhân vật mỗi khi lên cấp, bạn có thể đạt đến level 80 tối đa. Các nút kĩ năng của Xenoverse khá đơn giản, tạo điều kiện tối đa cho người chơi trải nghiệm những trận chiến khốc liệt với đủ những chiêu thức mang sức mạnh dời non lấp biển. Đấu trường của Xenoverse không còn là một khoảng màn hình nhỏ như các game đối kháng thông thường mà rất rộng lớn đủ để người chơi thoải mái bay nhảy. Đồ hoạ của Xenoverse có thể nói là được nhà phát hành Dimp đầu tư đẹp miễn chê. Từng hiệu ứng của những đòn đánh đều được chăm chút kĩ lưỡng, thêm vào đó là hiệu ứng cháy nổ hay rung chuyển màn hình.
HAY KHÔNG KÉM
Dragon Ball Xenoverse 1
Lối chơi của game mang hơi hướng MMO với sự góp mặt của hơn 80 nhân vật cùng những kĩ năng mô phỏng theo truyện tranh nhưng đã được cân bằng sức mạnh làm cho trận đấu hấp dẫn hơn.
9. Naruto Shippuden: Ultimate Ninja Storm
Trong số rất nhiều tựa game về Naruto thì Naruto Shippuden: Ultimate Ninja được đánh giá tốt nhất. Mặc dù một số mặt vẫn không được hoàn thiện cho lắm như mình đã nói ở trên nhưng nhìn chung, việc được cập nhật thường xuyên cùng nhiều cải tiến đột phá đã biến phiên bản này thành tựa game Naruto tốt nhất trên thị trường. Số lượng nhân vật của game phải nói là cực kì nhiều so với bất cứ một game đối kháng nào. Ở phiên bản 4, có tới hơn 120 nhân vật với các chiêu thức nhẫn thuật riêng biệt cho người chơi thoả sức lựa chọn. Các chiêu thức được mô tả hoàn toàn giống với trong truyện nên các fan của bộ Naruto hoàn toàn có thể tin tưởng mình sẽ được trải nghiệm lại những cuộc đại chiến thế giới nhẫn giả trong game một cách tuyệt vời nhất. Naruto Shippuden: Ultimate Ninja cũng hộ trợ các mục chơi như online hay free battle để giúp người chơi có dịp so tài với bạn bè hoặc luyện tập sử dụng combo chuẩn xác hơn.
10. The King of Fighters
The King of Fighters có lẽ là tựa game được phát triển dài hơi nhất với tổng số lên bản cho đến nay đã là 14 chưa kể các game spin-off xoay quanh nó nữa. Phiên bản mới nhất của King of Fighters có tổng cộng 50 nhân vật khác nhau. Nếu muốn thuộc nằm lòng số chiêu thức của các nhân vật này thì chắc chắn là phải mất rất nhiều thời gian nên hầu hết người chơi chỉ có thể chọn vài nhân vật ưa thích để luyện tập thôi. Sử dụng hiệu ứng giả 3D trên nền 2D và hỗ trợ khá tốt với tốc độ khung hình 60 FPS chắc chắn sẽ làm vừa lòng các fan hâm mộ. Đối với một trò chơi đòi hỏi việc căn thời gian chuẩn xác khi ra hoặc đỡ đòn thì tốc độ khung hình mượt mà luôn là ưu tiên số một của người chơi. Hầu hết các bản KoF không hỗ trợ đầy đủ cho người chơi PC ngoại trừ bản 13 có phiên bản Steam Edition rất thuận tiện với các fan không có điều kiện chơi console. So với những trò chơi đối kháng khác thì hình ảnh của KoF cũng không mấy thua kém nhưng cấu hình đòi hỏi lại không cao nên game vẫn được nhiều người yêu thích đặc biệt với phần chơi mạng.
Trong phần Street Fighter, nhân vật trong ảnh là nhân vật mới tên là Necalli và thực chất là Evil Ryu chứ không phải Devil Ryu
Rất cảm ơn bạn đã chỉ ra sai sót trong bài viết. Mong rằng chúng mình sẽ nhận được nhiều đóng góp từ bạn hơn nữa trong tương lai để cải thiện chất lượng bài viết. Cảm ơn bạn 1 lần nữa 😀
Kenshi vs Kotal Kahn nhưng đó là bản mobile và mình thì thấy nó khá mất cân bằng khi tập trung việc tap màn hình và không yêu cầu khả năng xử lí skill như trên PC