Có lẽ với những ai đã từng chơi Darkest Dungeon đều phải nhăn mặt mà than rằng đây là một con game RPG cực khó. Khó một cách vô lý và đi kèm cơ chế permanent death khắc nghiệt, một bước sai lầm là cả team xanh cỏ, không quick save, không hồi sinh, không thể về map cũ farm khi lv cao. Quái thì mạnh một cách vô lý và thay vì chỉ đánh vào thể xác nạn nhân, chúng còn dày vò tâm trí và gặm nhấm tinh thần nhân vật (và cả người chơi) khiến những cuộc đi thám hiểm không màu hồng như các game fantasy cùng thể loại mà u tối một cách rất đặc trưng – như chính cái tên Darkest Dungeon. Tuy nhiên ở đây tôi sẽ không nói về nó mà nói đến một truyền nhân không trực tiếp, tựa game đến từ nhà sản xuất KRAFTON của Nhật, đó là Mistover.
Sơ qua về cốt truyện:
Mistover là một game RPG với lối chơi không khác là mấy so với đề tài RPG quen thuộc. Bạn sẽ điều khiển một đám lính đánh thuê và nhận các Quest từ hội quán trong thị trấn. Thế giới trong game nhuộm một màu u ám của màn sương mờ xanh tên gọi là Pillar of Despair. Vốn xuất hiện từ hàng trăm năm trước và gần như đã quét sạch sự sống trên mặt đất, màn sương đi tới đâu thì nuốt trọn các sinh vật và đồng hóa chúng thành những quái vật. Nhưng bỗng một ngày màn sương không lan rộng ra nữa, những quái vật quay trở lại The Pillar of Despair không chút dấu vết. Và những con người (cả không phải người) còn sống sót tiến vào màn sương kia, tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra và quyết tâm lấy lại miền đất đã mất. Nội dung game tương đối đơn giản để bạn hiểu mình chiến đấu vì mục đích gì, tuy nhiên những bí mật tiếp theo thì có lẽ tôi sẽ để bạn tự tìm hiểu thôi.
Còn tại sao tôi lại nói đây là một phiên bản Anime hóa của Darkest Dungeon (viết tắt DD nhé vì lặp nhiều quá), không phải bởi vì nó là một bản Spin-off hay là một phiên bản đạo nhái rẻ tiền hơi hướng anime của DD. Mistover thực sự đã có những học hỏi nhất định từ DD và bản thân nó cũng có sự độc đáo rất riêng từ gameplay cho đến mechanic, nhưng đi kèm là chất “Dark” không nhầm lẫn đi đâu được của DD mà tôi sẽ nói đến sau này. Thứ đầu tiên ta có thể thấy khi bắt đầu game là “một sự tương đồng” với DD, những Heroes của chúng ta bị lôi vào một trận chiến đầu tiên khi tìm đường đến thị trấn, đây là lúc ta được giới thiệu gameplay và nhân vật.
Về nhân vật:
Game cho bạn 8 class tất cả và mỗi class đều có ngoại hình rất thú vị mang phong cách Anime:
Đầu tiên là Paladin, một cô bé tóc vàng mang theo một tấm khiên và thanh giáo ngoại cỡ, với tính cách rất Tsundere. Cô là một hiệp sĩ – niềm tự hào của vương quốc nhưng bị thu nhỏ lại vì một lời nguyền, và giờ cô xách khiên lên và đi tìm con quỷ ấy tính sổ cũng như khôi phục lại nguyên trạng của mình. Paladin là một class thuần tank nên thường ở tiền tuyến, có Skill Provoke khiến địch sôi máu mà tấn công nên rất hiệu quả ở vị trí Tanker bị thịt. Sở hữu Expedition Skill là phá chướng ngại vật nên cô luôn là lựa chọn tốt khi đi ải.
Shadow Blade, với bề ngoài giống Assasin Creed, đội mũ trùm và đeo một mặt nạ che nửa khuôn mặt. Cô từng là công chúa của một vương quốc giàu có nhưng bị bắt cóc và trở thành một sát thủ lão luyện. Là sát thủ và là nguồn Burst Dmg chính của team bạn, với khả năng ẩn thân và dồn Dmg kinh hoàng thì cô luôn là một lựa chọn hoàn hảo cho các đội hình dồn Dmg nhanh. Expedition Skill là tàng hình trong 15 bước.
Sister, một sơ của Giáo Hội nhưng có tuổi thơ dữ dội, thờ phụng một vị Chúa tể nhưng có trời mới biết đó là Thần hay Quỷ. Là Healer chính của cả game với khả năng hồi máu đơn mục tiêu và đa mục tiêu tốt. Tin tôi đi, đây là Class bạn không thể bỏ trong tất cả các đội hình (con bé này là Hidden Masochism, còn tại sao thì chơi sẽ biết :3 ). Expedition Skill là gấp đôi khả năng hồi phục toàn đội.
Grim Reaper – Thần chết tập sự. Đây là một Hero tôi rất thích vì vô cùng cute ♥, cô là một thần chết từ Ma giới đến trần gian để làm nhiệm vụ nhưng mà bị đãng trí nên đánh rơi mất cuốn sổ linh hồn. Không đạt đủ KPI nên giờ cô bé vẫn đang phải lưu lạc khắp nơi để tìm lại cuốn sổ thì mới trở về được. Một Class mạnh về cả tấn công và phòng ngự nhưng không xài Mana. Cô bé xài một loại năng lượng gọi là Soul, và chỉ tích được khi tiêu diệt kẻ địch (rất hợp lý). Khả năng tấn công đơn mục tiêu mạnh kèm theo Ultimate tấn công diện rộng giúp cô bé đứng vững trong các đội hình clear map nhanh mặc dù khả năng chống chịu chỉ ở mức trung bình. Expedition Skill là phát hiện toàn bộ đồ đạc và châu báu xung quanh (ờ thì em đang tìm sổ mà).
Ronin, một kiếm sĩ đồng hương với Yasuo nhưng lại không biết lốc, mang theo thanh quỷ kiếm và vô tình sát hại chủ nhân của mình, bị cả gia tộc truy đuổi nên anh đang đi trên con đường của sự bất dung thứ (tôi không hề chém gió đâu). Ronin cũng là một class không dùng Mana mà dùng Spirit. Cũng tương tự như Soul thì Spirit tích được khi hạ kẻ địch và tấn công trúng đích. Một Class thiên về khả năng di chuyển liên tục và tấn công đơn mục tiêu, có các kỹ năng hồi phục, chém tăng Crit-rate và đánh dấu mục tiêu. Ronin không trội về HP nhưng bù lại là khả năng né tránh tuyệt vời nên vẫn có khả năng đứng tuyến đầu với vai trò Semi-Tank. Expedition Skill là “lướt” thẳng về phía trước cho đến khi đâm vào chướng ngại vật.
Onmyouji, một bán yêu có năng khiếu trừ tà từ bé, đồng thời có khả năng tiên tri nhưng lại bất lực trước sự hủy diệt của quê nhà vì không ai tin lời cậu nói, đi khắp nơi để tìm ngăn cản thế giới bị hủy diệt. Là một triệu hồi sư, Supporter đa năng khi có khả năng triệu hồi ma thú để Tank và Buff cho đồng đội cũng như khống chế diện rộng. Tuy là một Class mạnh nhưng chỉ nên đi với một đội hình phù hợp. Expedition Skill là dò tìm và vô hiệu tất cả bẫy xung quanh.
Witch, một phù thủy hiếm hoi thoát khỏi cuộc săn phù thủy tại một vương quốc xa xôi. Mang trong mình dòng máu True Witch và tài năng điều khiển ma pháp, cô là kẻ mạnh mẽ nhưng vô cùng tự mãn về khả năng của mình. Một AOE tầm xa cực mạnh với khả năng rút máu theo thời gian tốt, phù hợp trong giao tranh dai dẳng và cũng là Semi-Supporter khi có khả năng Buff né tránh diện rộng cho team. Expedition Skill là Teleport cả team đi một vị trí khác và ngưng đọng thời gian 4 lượt đi (ZA WARUDO!!).
Werewolf, là đội quân được tạo nên bởi máu thịt Fenrir, sói thượng cổ từng có thành tích khủng trong quá khứ, tuyên chiến với cả thiên đàng nhưng cuối cùng thất bại. Giờ đây những chiến binh còn lại của hắn lang thang khắp nơi để tìm cách hồi sinh cho chủ nhân của mình. Class này thiên về tấn công với những đòn đánh đơn mục tiêu gây hiệu ứng và sát thương cao, tuy nhiên lại mỏng manh về phòng ngự và kém linh hoạt nên chỉ nên đi với các đội hình phù hợp. Expedition Skill là hò hét gọi hết quái xung quanh đến gần (bạn sẽ không muốn dùng đâu tin tôi đi).
Gameplay:
Gameplay chia làm 2 phần là Expedition trên map và Combat khi gặp quái. Nhưng không giống như DD khi ta di chuyển ngang và chỉ chọn hướng di chuyển trên Mini map, trong Mistover bạn sẽ di chuyển được bốn chiều xung quanh bản đồ. Nhưng với mỗi bước đi sẽ ảnh hưởng đến 2 loại tài nguyên là Fullness (lương thực) và Liminosity (ánh sáng) – ai chơi qua DD không lạ gì nữa rồi. Mỗi bước di chuyển trên bản đồ sẽ giảm 2 loại đơn vị này và bạn phải cân đối sao cho mỗi bước di chuyển không bị thừa bằng không team của bạn sẽ phải trả giá rất đắt.
Khi di chuyển thì lương thực sẽ hồi HP và Mana mỗi bước đi, nếu hết lương thực thì cả team sẽ bị trừ HP mỗi bước đi, thử tưởng tượng bạn phải đánh quái khi bụng rỗng tuếch thì biết kết quả sao rồi. Khi ánh sáng cạn thì bạn sẽ không còn thấy gì xung quanh, và gần như không thể né khi địch tiếp cận. Từng bước di chuyển sẽ phải tính toán sao cho vừa khám phá được map, tìm đường thoát ra cũng như mở được nhiều châu báu nhất có thể.
Trên bản đồ còn những rải rác những bãi đồ cung cấp máu hoặc nhu yếu phẩm, các hòm châu báu yêu cầu phải có chìa khóa, những bông hoa để tăng ánh sáng và những cạm bẫy còn nhiều hơn tiền trong ví của bạn. Ngoài ra thì mỗi Class đều có một Expedition Skill riêng để kích hoạt nên việc lựa chọn phù hợp sẽ tăng khả năng chiến thắng (và sống sót) cho toàn đội cũng như hiệu quả khi đi ải.
Một yếu tố không thể không đề cập là quái, trong Mistover thì quái sẽ spam khắp bản đồ và thay vì cơ chế Random – encounter dễ gây ức chế thì quái trong game sẽ ”hiền lành” hơn khi chúng hiện sẵn ra bản đồ và truy đuổi bạn ở một khoảng cách đủ gần. Quái chỉ di chuyển được một ô mỗi lượt tức là ngang team bạn nhưng chúng có thể di chuyển chéo. Trong game thì team chủ động tấn công sẽ có lợi thế hơn nhiều nên bạn sẽ phải tính sao cho mình là người chủ động mở combat chứ không phải địch.
Combat cần rất nhiều chất xám:
Một trận đánh trong Mistover sẽ được chia thành các ô 3×3 chia đều cho 2 phe, các bạn sẽ sắp xếp vị trí các Heroes trên các ô rồi lựa chọn các Action, mỗi Action tương ứng với một lượt.
Action khi đến lượt của mỗi nhân vật gồm Move, Skill ,Block, Analyse Status và Bag (mở balo tính là action k nhỉ??) và Escape để làm gì thì các bạn biết rồi. Mỗi lượt một nhân vật chỉ dùng được một Action với các chức năng khác nhau nhưng tôi chỉ đề cập đến 2 loại chính là Skill và Block.
Đầu tiên là Skills, mỗi nhân vật được trang bị tối đa 4 Skills cơ bản (y chang DD) nhưng thêm một skill ”đánh thường” và một Ultimate Skill. Điều kiện để dùng 4 skill cơ bản kèm đánh thường là việc nhân vật phải đứng ở vị trí mà skill cho phép thì mới có thể thi triển (lại giống DD nữa). Nhưng để dùng Ultimate Skill thì một Hero phải đứng ở vị trí liền kề hoặc trước/sau một Hero khác theo mô tả của skill. Đó là lý do mà mỗi đội hình khác nhau lại ảnh hưởng đến chiến thuật khác nhau.
Sự xuất hiện của Ultimate Skill là một cơ chế thú vị khi bạn có thể di chuyển Heroes liên tục cho phù hợp với chiến thuật, có thể một Hero ở cạnh một người khác lại xài skill hồi máu thì cùng Hero đó khi đứng cạnh một nhân vật khác lại thi triển được skill AOE diện rộng. Các chiến thuật là vô cùng biến hóa ngay cả khi game chỉ cho bạn 8 Class, nhưng mỗi class lại có tổng cộng 12 skill (không kể đánh thường) khiến bạn sẽ vô cùng đau đầu khi chọn ai ra trận (và cả chiến thuật đi kèm nữa).
Tiếp theo là Block, khi một nhân vật ở trạng thái Block sẽ được giảm 50% sát thương nhận vào và hồi 20% Mana. Mana dùng để xài Skill và ngoài Block ra thì trong combat không có cách nào tăng Mana hết, đây là lý do bạn phải liên tục dùng skill hay block cho phù hợp. Trước khi bắt đầu trận đánh thì tốt nhất nên di chuyển ngoài map liên tục để hồi đầy HP và Mana. Những Skill càng mạnh sẽ càng tốn Mana nên khi chỉ mải cast Skill mà không Block thì bạn thậm chí không thể “đánh thường” vì nó cũng tốn 15 mana. Game vô cùng bất công khi kẻ địch gần như luôn áp đảo bạn nhưng không bao giờ phải Block để xài Skill (ít ra chúng nó cũng không có Ultimate).
Một điểm đáng chú ý nữa là khi combat, bạn hay địch đánh miss thì mục tiêu sẽ được tăng 25% né tránh và CỘNG DỒN 2 LẦN. Cơ chế này tỏ ra vô cùng “khoai” với người chơi mặc dù nó cũng đem lại rất nhiều lợi ích. Khi một kẻ địch Cast Provoke khiến team bạn chỉ đâm đầu vào đánh hắn thì lại được hưởng lợi từ Miss Buff, và lên đến 50% cho một con tank là hoàn toàn khó nhai. Tương tự bạn có thể làm vậy với tanker bên mình nhưng chỉ có 70% quái sẽ đánh, cho nên nó khá là hên xui khi một class khác bị ăn đòn thay ngay cả khi Provoke đã được kích hoạt.
Các loại buff/debuff trong game rất đa dạng và cũng rất quen thuộc với những ai từng chơi RPG, gồm buff dmg, giảm dmg, buff thủ giảm thủ, chảy máu,… v.v không cần kể ra nữa. NHƯNG vì tôi đã nói đây là truyền nhân của DARKEST DUNGEON nên các bạn sẽ biết cơ chế Permanent Death không hề dễ chịu và khiến game trở nên khó nhai ra sao. Khi một Hero còn 0 HP thì sẽ rơi vào trạng thái Limbo (gần héo rồi đó) khiến debuff toàn bộ chỉ số 50%. Một hit “nhẹ” từ bên địch sẽ khiến Hero đó chết ngay lập tức, vâng chết ngay lập tức mà bạn không thể làm gì để thay đổi được. Bạn đang suy nghĩ đến việc load checkpoint để quay lại ư?
No no! game sẽ luôn autosave từng bước đi của bạn, và luôn save đè lên file trước đó. Ngay khi bạn nhận ra mình đã sai lầm thì không còn cách nào sửa chữa được nữa, một đi không trở lại. Nhân vật đó sẽ ra đi mãi mãi và giờ đây còn 4 mạng nữa đang đợi quyết định của bạn. Đây là cái giá phải trả khi bạn quá tự tin mà coi thường kẻ địch, tất cả những gì còn lại là trang bị của nhân vật đó rớt ra. Là điều mà DD đã thể hiện rất tốt, rằng bất cứ sai lầm nào cũng phải trả giá đắt, thậm chí bằng tính mạng nhân vật.
Với Mistover lại càng khắc nghiệt hơn khi đem lại cho người chơi cảm giác gần gũi của từng nhân vật, với bề ngoài rất moe và quan trọng là có Voice, mỗi khi bị đánh, tìm thấy kho báu và chiến thắng thì họ lại có cử chỉ, lời nói rất đặc trưng và vô cùng “có hồn”. Bạn hãy tưởng tượng khi 5 người đi, còn 4 người (hoặc ít hơn) trở về tàn tạ, giọng nói, cử chỉ của nhân vật ấy không còn nữa. Thật đau đớn khi những thứ làm ta vui giờ đây lại làm ta buồn hơn bao giờ hết…..
Nếu DD không cho phép Hero lever cao của bạn về đánh map cũ để train (đúng hơn là bọn nó chảnh vl, không thèm đi khi đã đủ mạnh) thì Mistover “nhẹ nhàng” hơn khi bạn vẫn có thể đánh quái cấp thấp (thậm chí tụi nó còn chủ động lao vào bạn) nhưng KHÔNG HỀ tăng một chút Exp nào (cũng đúng thôi khi mà bạn còn học được gì ở một kẻ yếu hơn hẳn mình chứ) khiến việc farm map cũ là bất khả thi. Các Quest mới thì luôn yêu cầu bạn nhảy sang map kế tiếp với độ khó kinh hoàng để thực hiện, và thông thường thì để vượt qua bạn phải chuẩn bị đồ trước khi đi thám hiểm (giống DD lần thứ mấy rồi nhỉ?).
Điều khác biệt duy nhất và tai hại nhất là khi đi bạn mang các nhu yếu phẩm như thức ăn, hoa tỏa sáng – như đuốc ấy, bandage cầm máu mà dùng thừa mang về chúng sẽ bị hỏng làm giảm 80% hiệu quả. Khiến việc cân nhắc mua bao nhiêu cho đủ là một vấn đề nan giải vì mang thiếu thì có khi chết cả đám còn mua thừa thì lại cạn sạch vàng (bọn con buôn nào chả bán đắt cho những đứa cần, nhất là khi nó còn độc quyền chứ).
Sang chấn tâm lý cũng được Mistover thừa kế của DD. Sau một trận đi ải gam go mà tùy vào kết quả, nếu team bạn thắng thì các Hero khi lên cấp sẽ học được một nội tại hữu ích và tăng chỉ số, còn nếu ngược lại thì… bạn cũng tự biết rồi. Chính Mechanic này cũng tạo ra một bầu không khí rất chân thực trong game, đánh nhau thập tử nhất sinh mà lại gặp toàn những thứ kỳ dị thì bạn làm sao còn là chính mình nữa?
Vẫn chưa hết, sau đã vượt qua được con Boss đầu game và sang ải 2 thì bạn sẽ nhận ra số lượng vàng kiếm được vô cùng khiêm tốn. Thậm chí đến mức khi giao cho bạn một Quest giết trùm, cả team gần như tan nát và dùng hết mọi thứ có thể trong balo nhưng chỉ được thưởng có 5000 Gold? (trong game thì mua nhu yếu phẩm vừa đủ để đi map dài trung bình cũng ngốn ít nhất là 3000 gold rồi). Trong khi cả game cái gì cũng cần vàng. Luyện vũ khí ư? Thêm vàng! Tuyển mộ Hero ư? Thêm vàng! Học và nâng cấp Skill ư? Tất nhiên là vàng rồi! Cái quái gì cũng cần vàng nhưng kiếm vàng rất khổ, bạn sẽ mau chóng nhận ra con trùm mạnh nhất trong game không phải quái mà là chính sự keo kiệt của game. Tuy nhiên nó lại vô hình chung lại khiến những con nghiện Hardcore như hít phải ma túy và phấn khích hơn bao giờ hết.
Và cuối cùng là một thứ vô cùng khốn nạn trong game: DOOMSDAY CLOCK. Là cái đồng hồ luôn đứng trên góc trái màn hình. Nó thể hiện khoảng thời gian còn lại đến khi thế giới bị hủy diệt (hay game over đó nhưng là do bạn) và như nhắc nhở từng giây rằng: “BẠN SẼ CHẾT NẾU CỐ GẮNG LÀM GÌ ĐÓ, KỂ CẢ KHI KHÔNG LÀM GÌ CẢ!”.
Cơ chế của cái đồng hồ này là nó sẽ chạy về hướng 12h hay End of The World khi bạn không giết đủ quái, không mở đủ hòm, không ăn đủ hoa phát sáng và không hạ được boss. Và nó cũng sẽ chạy về hướng “tươi sáng” khi bạn làm ngược lại được những điều trên. Qua 14 giờ chơi thì tôi thấy nó thực sự là một cơn ác mộng, giờ đây bạn sẽ vừa phải tính toán để qua ải, duy trì lực lượng đủ mạnh để làm Quest nhưng phải vừa đạt đủ các tiêu chí trên, nếu một trong các tiêu chí không đạt được thì kim đồng hồ cũng sẽ tiến dần về hướng hủy diệt.
Game ngoài tạo ra độ khó kinh hoàng cho người chơi thì tiếp tục “tặng”cho bạn một cái Deadline to đùng khiến mỗi trận đi ải là một lần phải căng não xem phải làm gì, việc cân đối mọi thứ là rất khó nhưng nếu bạn không làm thì bạn sẽ thua, còn khi bạn đâm đầu vào mọi thứ và nghĩ sẽ giải quyết được thì gánh nặng tiền bạc hay tệ hơn là sự hi sinh của các Hero thì bạn cũng sẽ sớm thua thôi.
Mistover không chỉ tạo ra một bầu không khí ngột ngạt .Tuy không thể hiện sự sợ hãi của các nhân vật hay tạo hình rợn người của quái vật với những Random Encounter thót tim như DD nhưng Mistover lại phô bày tất cả khó khăn ấy lên trước mặt người chơi. Đồng thời ràng buộc các điều kiện khiến bạn không biết mình phải làm cái đ*o gì, ưu tiên thứ gì trước hay tặc lưỡi bỏ qua mà đi tiếp. Mỗi chuyến đi có thể là canh bạc cuối cùng nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, và chỉ một sự đầu tư phí phạm về tiền bạc sẽ khiến bạn không còn khả năng tiếp tục. Nếu để các Hero mạnh chết bạn sẽ không thể tiến vào các ải khó hơn để làm quest, vì Hero được tuyển bằng vàng chứ không free nên đừng nghĩ đến chuyện đưa một team vào thí mạng để kiếm Gold và Equipment dồn cho team chính nhé. Ít ra còn một điều an ủi là game cho bạn chọn độ khó, nhưng cuối cùng thì sự khác biệt chỉ là cái kim của DOOMSDAY CLOCK chạy chậm đi một mà chút thôi.
Lời kết
Trong một rừng game RPG hiện nay thì hiếm có tựa game nào lại đi theo con đường giống với Darkness Dungeon. Không hề khoan nhượng cả newbie, liên tục khiến người chơi phải dùng chất xám mọi lúc mọi nơi và đem đến những bất ngờ tồi tệ nhất vào đúng thời khắc không muốn nó xảy ra. Tuy nhiên nói đi phải nói lại, game đem lại cho chúng ta những trải nghiệm rất thực tế, cũng như chính thực tại khắc nghiệt của chúng ta khi mọi quyết định sai lầm đều phải trả giá mà không thể save và load để sửa sai.
Và cũng như đời thực thì không còn cách nào khác, bạn phải thúc đẩy bản thân mình càng trở nên khôn ngoan hơn sau mỗi thất bại để vượt qua những thử thách của trò chơi. Dù game vẫn Hardcore một cách rất Darkest Dungeon nhưng đi kèm là sự khỏa mãn khôn tả khi bạn vượt qua tất cả và khó khăn cũng chỉ khiến chiến thắng trở nên ngọt ngào hơn bao giờ hết. Nếu bạn đã chán với những game RPG quá Casual và không để lại ấn tượng gì thì thử sức Try hard với một Dark-Fantasy RPG cũng không phải ý kiến tồi đâu.
DarKEST dungeon nhé
Mình cảm ơn bạn vì một bài viết vô cùng tâm huyết này.