Đánh giá The Long Dark

Khách mới

  

THE LONG DARK

 

“What am I living for and what am I dying for are the same question.” – Margaret Atwood

 

1. Giới thiệu

The Long Dark là game đầu tay của Hinterland Studio, bản thân người viết là fan của thể loại game sinh tồn nên hầu như game sinh tồn nào cũng cố gắng sờ thử ít nhất 1-2 lần. The Long Dark tuy không phải game sinh tồn hoàn hảo nhưng có một trải nghiệm rất khác biệt về tựa game này mà người viết nghĩ các game khác có thể học hỏi. Trong The Long Dark, bạn phải sinh tồn giữa cái khắc nghiệt của thiên nhiên hoang dã Canada trong một thế giới hoàn toàn không còn năng lượng điện.

2. Tổng quan game

Như đa số các game sinh tồn khác, bạn sẽ phải ăn đủ, uống đủ, ngủ đủ và giữ ấm đủ trong quá trình chơi. Game không dạy bạn bất kỳ một cái gì trong quá trình chơi mà bạn phải tự mày mò tất cả, bản thân người viết cũng không thích việc cầm tận tay hướng dẫn. Điểm đặc biệt nhất của The Long Dark là sự chậm chạp của mà trò chơi mang lại. Tất cả mọi thứ trong game diễn ra: Vô cùng chậm.

Người viết dám chắc không có một game sinh tồn nào chậm hơn trò chơi này, cụ thể ở đây là: Nhịp chơi. Đơn cử nhất là việc chạy. Trong game bạn có thể chạy nhưng bạn hầu như không muốn chạy vì sẽ làm giảm thanh lực stamina, khiến bạn mau buồn ngủ hơn. Khi bạn bắn trúng một con nai hoặc sói, nó sẽ để lại vết máu khiến bạn phải lần theo nó cả tiếng đồng hồ. Hay việc bạn phải di chuyển giữa các khu vực khác nhau mất tới gần tiếng đồng hồ chỉ để lấy được item mà bạn cần. Bạn có thể chết rét vì không mặc đủ ấm nhưng cái chết trong trò chơi này luôn đến một cách từ từ. Bạn không có gì để ăn thì thanh máu của bạn cũng sẽ tụt dần dần chứ không phải bạn chết ngay lập tức. Bạn không ngủ đủ thì bạn sẽ kiệt sức, mất máu từ từ, và hệ lụy của điều này sẽ là bạn không chạy được và số trọng lượng tối đa mà nhân vật được mang theo cũng sẽ giảm đi. Bạn ăn thịt động vật thì có khả năng bị giun sán và nếu điều đó xảy ra, game buộc bạn mất 10 ngày mới có thể chữa hoàn toàn được. Có nhiều mối nguy hiểm đến từ các loài động vật, từ thiên nhiên hoang dã mà bạn phải trải qua nhiều lần chơi mới thấm hết được không khí mà game mang lại.

Sinh tồn trong thế giới của The Long Dark cần nhiều thời gian để mày mò. Để trải nghiệm tốt nhất, người viết khuyến cáo nên chơi ở cấp độ Stalker hoặc Interloper.

3. Trải nghiệm

UI tốn giản là một trong những thứ các bạn có thể dễ dàng nhận thấy ở The Long Dark, hầu như màn hình của bạn không có bất kỳ một thanh trạng thái nào trừ khi bạn nhấn nút hiện lên để kiểm tra. Kết hợp với nhịp game chậm cùng khung cảnh thiên nhiên, giữa những núi tuyết, khiến bạn rất dễ “nhập hồn” vào thế giới đầy băng tuyết này.

Game hoàn toàn không có chế độ bản đồ và UI được thiết kế tối giản khiến bạn hoàn toàn phải định hướng theo một cơ chế hoàn toàn khác với những game sinh tồn khác. Bạn phải tự vẽ lại bản đồ hoặc dựa trên những cảnh vật xung quanh để định hướng. Nhưng kể cả là bạn một người chơi The Long Dark cả trăm giờ thì bạn vẫn có thể lạc đường trong một trận bão tuyết khủng khiếp. Định hướng là điều tối quan trọng trong The Long Dark, bạn phải định hình rõ mình muốn làm gì trước khi bạn xách ba lô lên và đi. Bạn có thể bắn bị thương một con thú nhưng trong quá trình bạn lần theo vết thương của nó thì gặp bão tuyết, khiến bạn buộc phải bỏ con mồi mà mình đã mất công săn được. Nếu nhân vật của bạn trong game đang chịu cái lạnh cắt da cắt thịt thì bạn cũng rùng mình vì rét dù chơi game giữa mùa hè. Thực sự bản thân người viết nhận định trải nghiệm là điểm sáng nhất của game.

 

UI cực kỳ tối giản, bạn chỉ có thể thấy biểu tượng đang mang quá tải trọng ở góc dưới bên phải và bạn đang đứng ở khu vực chắn gió ở phía trên.

4. Gameplay

Đường cong học tập hay còn gọi là Learning curve là một khái niệm được người viết nhận thấy ở khá nhiều game sinh tồn nói chung. Đa phần những game sinh tồn thường khó ở giai đoạn đầu khi người chơi chưa biết gì nhiều và dễ dần khi người chơi đã bắt đầu có vốn kiến thức kha kha và tích lũy được một cơ số kinh nghiệm sau quá trình chết đi sống lại. The Long Dark cũng không phải ngoại lệ, game có một learning curve trung bình, người viết nghĩ nếu ai chịu khó rành thời gian chú ý quan sát và quen thuộc địa hình map từng khu vực trong game thì việc sống sót trong game không phải là khó.

Game sinh tồn thường không thể thiếu yếu tố crafting, công việc tạo ra item mới từ những item nguyên liệu trong The Long Dark không phải là quá phức tạp nhưng chúng thường mất thời gian. Như đã nói đầu game, game rất chậm, bạn săn một con sói xong khi lấy được da hoặc ruột của chúng thường phải đem phơi từ 5-7 ngày trong game mới có thể sử dụng chúng làm item mới. Tuy nhiên có một sự thực là item trong game ngoài mục đích tăng độ ấm khi di chuyển thì chúng hầu như không có tác dụng gì khác. Cả game cũng chỉ có loanh quanh vài chục item để bạn chế tạo, thế nên sẽ chỉ mất khoảng 30 đến 40 giờ chơi để bạn trở thành một player chắc tay trong The Long Dark. Sau đó, nội dung của game không còn nhiều bởi bạn không thể xây dựng 1 base hoành tráng như các tựa game sinh tồn nổi tiếng như Don’t Starve Together hay 7 Days to Die. Bạn bắt buộc phải sống ở một khu vực tạo sẵn trong game và những gì mà trò chơi cho phép bạn tạo ra thật sự rất hạn chế nên có thể nói trong quá trình cuối game, trò chơi khiến bạn rơi vào trạng thái: Không có gì để làm. Đây có lẽ là điểm trừ lớn nhất khi thời lượng end game content của game thấp. Tuy nhà sản xuất vẫn tung ra update cho game nhưng với mật độ khoảng 2 update lớn 1 năm thì game vẫn có giá hơi cao so với số tiền bạn bỏ ra. Chủ yếu trong The Long Dark, bạn chơi trong chế độ sandbox mode thay vì story mode. Thực sự với một game đã ra mắt lâu như vậy mà vẫn chỉ có chế độ sandbox mode, story mode làm 2-3 năm vẫn chỉ được 2 chapter thì đây là có vẻ như game này nhịp độ chậm cả từ lúc chơi tới lúc… update.


Các trang bị trong game hầu như đều na ná nhau. Dù có nhiều điểm thông số nhưng đa số trường hợp bạn chỉ quan tâm tới một điều duy nhất là chúng ấm cỡ nào và nặng ra sao.

5. Hình ảnh, Âm thanh

Phần âm thanh trong The Long Dark được Cris Velasco và Sascha Dikiciyan đảm nhiệm. Sascha Dikiciyan từng sản xuất nhạc cho Quake II, Tomorrow Never Dies và Hellgate: London nên bạn có thể yên tâm về phần âm thanh. Trong khi Cris Velasco đã nổi tiếng với những bản soundtrack của God of War. Thế nên không ngạc nhiên khi điểm nhấn của trò chơi là phần âm nhạc tạo cảm giác cô đơn, trống trải, hoang vắng, tĩnh mịch. Phần lồng tiếng nhân vật mỗi khi họ uống, ngủ, ăn hay bị tấn công bởi gấu, bởi sói hay sau khi thắp lửa thành công cũng khá chân thật

Hình ảnh không phải điểm mạnh lắm của The Long Dark nhưng nếu bạn là người yêu thích ngắm cảnh thiên nhiên thì thật sự cũng có thể chấp nhận được. Đồ họa của game không phải là quá xuất sắc nhưng vẻ đẹp của thiên nhiên thì lại đi vào lòng người.

6. Lời kết

The Long Dark là một trải nghiệm mới đối với những ai muốn thử thể loại sinh tồn mà ở đó thiên nhiên làm trọng tâm, game không phải quá xuất sắc nhưng cũng là một những điểm đáng để học tập cho những người muốn thử một thể loại sinh tồn một cách chậm rãi, kiên nhẫn mà hiếm có game sinh tồn nào làm được trong khoản thời gian gần đây. Thật sự người viết cảm thấy nếu game có nhiều nội dung hơn thì đây thực sự đã có thể trở thành một trong những game sinh tồn ăn khách nhất của Steam.


Tuy không phải xuất sắc, nhưng The Long Dark có thể là một game đáng để trải nghiệm nếu bạn đã chán với những game sinh tồn khác đang nhan nhản trên thị trường.

Cùng tác giả

Cùng tác giả

Fanacia

Khách mới

  

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện