Thật ra, cũng không đúng lắm khi gọi nó là “game” , gọi nó là một “tác phẩm nghệ thuật có thể tương tác” thì có vẻ chính xác hơn.
Vì nó là một tác phẩm nghệ thuật mà lại được gắn cái mác “game”. Hẳn phải rất tuyệt vời đúng không. Đúng vậy, hoàn toàn được vẽ bằng tay, nên tựa Gorogoa mang cho mình một phần nhìn vô cùng xuất sắc. Các khung ảnh được đặt cạnh nhau với bố cục 2×2, làm cho tựa game trở nên nổi bật. Tưởng tượng là bạn sẽ có bốn khung ảnh, bạn có thể phóng to-nhỏ và tương tác vào chúng để tạo ra một tấm ảnh hoàn toàn khác với ban đầu. Đây quả là một sáng kiến tuyệt vời của người thiết kế game.
Về cơ bản, bạn phải tìm ra bốn loại trái cây, mỗi trái tượng trưng cho một nguyên tố khác nhau – lửa xanh lá, lửa đỏ, lửa vàng, lửa tím, lửa xanh nhạt (tôi đoán thế). Để tìm chúng, bạn phải lồng ghép các bức tranh sao cho phù hợp để cho nhân vật chính của chúng ta có thể di chuyển giữa chúng và “hái” các mục tiêu của game như đã nêu trên. Ví dụ, bạn có thể kéo thả tấm ảnh “lối vào” đặt lên trên bức ảnh khác để có thể tạo nên một lối đi dẫn đến nơi mà bạn đã thả cái “lối vào” đó. Nghe thông minh vãi nhỉ.
Gorogoa kéo dài khoảng 90′, đó là nếu bạn không gặp phải bất kì vấn đề nào khi giải quyết các câu đố hóc búa của game.
Nhưng đừng lo, bạn có thể giải quyết chúng bằng cách thử đi thử lại mà chúng ta luôn dùng ở các tựa game giải đố khác thôi (hay chỉ có mình tôi nhỉ). Bởi lẽ, sự tương tác giữa các bức có một giới hạn nhất định, nên bạn không phải lo là mình phải tuột quần cởi áo ra để giải vì nó quá hóc búa đâu.
Thật ra đối với tôi, kỉ niệm duy nhất về game chắc là cái đồ họa vẽ tay vô cùng nổi bật của nó và… bỏ cả giờ đồng hồ ra để bấm đi kéo lại mấy tấm ảnh, tôi chỉ nghĩ là mình nên thưởng thức nó thay vì hardcore và tự “chơi”. Tôi dùng ngoặc kép cho từ chơi vì thiết kế của nó tuy có sáng tạo, nhưng lại quá lỏng lẻo trong phần giải đố.
Game vẽ ra cho người chơi một bối cảnh nhạt nhòa, kể về một cậu bé đi tìm năm loại quả như đã kể để giải cứu thế giới của cậu khỏi một con quái vật lạ lẫm tự nhiên xuất hiện. Tóm tắt chỉ có vậy thôi đó, cốt truyện chả có một bước đi nào đặc biệt.
Nói thế không có nghĩa là tôi không thích Gorogoa. Artstyle vô cùng ấn tượng đi cùng với cơ chế giải đố rất sáng tạo khiến tôi không thể phủ nhận là nó cũng là một trò chơi đáng để cân nhắc. Một điều nữa, chính là tựa game được thiết kế chỉ bởi một người, Jason Roberts. Nó là thành quả của lao động trong đam mê hàng tá năm trời, rõ ràng cho thấy tình yêu, nhiệt huyết, sự cống hiến mà Roberts đã phải kì công gầy dựng. Còn cho thấy anh là con người có một cái nhìn vô cùng độc đáo và có phần khác thường để có thể tạo nên gameplay giải đố bằng cách kết nối các bức ảnh với nhau, và tôi mừng là mình đã được trải nghiệm tác phẩm của anh. Phải thừa nhận, Gorogoa là một tác phẩm nghệ thuật đáng để ngưỡng mộ, nhưng công bằng mà nói thì nó lại không phải một nơi để bạn có thể thả mình vào.
CÁM ƠN CÁC HIỆP SĨ VÌ ĐÃ ĐỌC xD.
Bài được viết bởi bạn Nguyễn Bích Chi. Vô cùng cảm ơn bạn đã dành thời gian viết bài.
Tác phẩm nghệ thuật thực sự, game rất ngắn nhưng rất ngán.