So tôi vẫn nhớ mang máng về thời PS1, khi đó có vẻ thể loại Card Games chưa hẳn là một thứ gì đó nổi cộm cho lắm (Không liên quan gì Yu Gi Oh ở đây đâu nhé). Vì thế mà Battle Hunter ra đời và tận dụng luôn yếu tố này… theo những cách kì quặc nhất….
Tên: Battle Hunter
Phát hành: Agetec và Midas Interactive (một trong số hiếm hoi những game tử tế mà Agetec phát hành)
Phát triển: Success
Gameplay: Tựa game áp dụng thể thức thẻ bài cộng Full Combo Gambling =))). Nó là thế này, để thực hiện bất kì hành động gì trong game từ di chuyển, tấn công, phòng thủ, chạy… bạn sẽ phải tung xúc xắc, tổng điểm 2 con xúc xắc của bạn sẽ đấu với tổng điểm của 2 con xúc xắc địch với phần thắng nghiêng về bên đổ ra được nhiều điểm hơn (Tối đa 12 điểm) – bạn có thể được cộng thêm lợi thế nếu như 2 con xúc xắc mà bạn đổ ra đều có chung điểm (2 con 3-3, 4-4,5-5… chẳng hạn). Bài thông thường sẽ chỉ mang tính chất hỗ trợ chẳng hạn như bài cam sẽ là bài AT cộng thêm điểm tấn công cho lực công có sẵn của bạn, bài vàng sẽ là cộng điểm phòng thủ cho lực thủ có sẵn. Thẻ bài xanh nước biển sẽ là cộng nước đi trong đợt di chuyển của bạn và thẻ xanh lá là bài bẫy (cho phép bạn đặt một cái bẫy ở 1 ô mà bạn chọn, gây bất lợi cho kẻ địch)…
Khởi đầu game, bạn bắt đầu như thường lệ bằng việc đặt tên cho nhân vật, sau đó thì chọn kiểu nhân vật thợ săn mà bạn thích (cả nam và nữ và mỗi người có một kiểu Animation cũng như các động tác khác nhau, vũ khí là khác nhau và react cũng vậy…). Chẳng hạn như anh chàng security với bộ áo quần tiêu chuẩn cầm súng lục, cô nàng security ngược lại có một khẩu Shotgun, tay Fake Blade cầm Katana dĩ nhiên, gã… hay là cô nàng hay là Trap Military có khẩu Uzi – tôi không biết đó là gã hay cô? Tên Big Punk có hẳn cánh tay máy rất chất, Hip Hop girl có thể đánh Karate,… khá là đa dạng. Cứ chọn người mà bạn thích và không cần bận tâm bởi sau đó thì bạn sẽ được tự điều chỉnh chỉ số cho bạn.
Có 4 chỉ số bao gồm: Move (ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của bạn và nếu tăng ô này thì hiển nhiên bạn sẽ được cộng thêm khoảng cách di chuyển sau khi tung xúc xắc ra một số bất kì), Attack là chỉ số tấn công, Defend là chỉ số thủ và Health… Sau đó bạn sẽ làm quen với lão gian thương chết tiệt và cô y tá. Y tá có nhiệm vụ ở viện và chăm sóc bạn khi bạn bị thương (hồi máu) và dĩ nhiên là cô ấy có thể cho bạn tham gia chương trình huấn luyện (cho phép bạn cộng điểm tiếp cho các chỉ số khi lên Level) với một cái giá nhất định. Lão Merchant giao nhiệm vụ cho bạn và ngoài ra lão cũng thu mua những đồ lặt vặt mà bạn kiếm được, và giải phẫu một số món đồ cực lạ khác…
Map của game hoàn toàn là Random và cứ mỗi một lần bạn chơi thì địa hình, các khúc đường và từng góc là random generated cho nên bạn đừng nghĩ đến chuyện học thuộc rồi load lại – không có ích đâu. Tất tần tật các thứ khác cũng vậy – vị trí của bẫy sẽ luôn là vô hình, các thùng đồ và cờ bonus sẽ được rải rác một cách không đồng đều… Một con dao hai lưỡi chính của game chính là vấn đề Spawn những người chơi – vì nó là ngẫu nhiên nên sẽ xảy ra tình huống chẳng hạn như nếu bạn được spam gần vị trí của một thùng có chứa mục tiêu của nhiệm vụ thì hiển nhiên là bạn sẽ lấy được nó sớm hơn và chiếm mọi ưu thế. Tuy nhiên kẻ địch và A.I cũng có thể như vậy và có những lúc vị trí quá sát và gần với ô Exit nên thành ra bạn – người chơi sẽ chưa thể cảm nhận được cả màn chơi, chưa được combat trong trạng thái tử tế và như vậy khá là bất công.
Đồng thời đó là chưa kể việc bẫy treo Booby Trap được cài rải rác khắp nơi và bạn sẽ không thể có cách nào để biết được vị trí của chúng mà tránh. Bạn có thể dùng bài Defend và di chuyển để tăng chỉ số Evade của bạn song nói thật là tôi thấy cách này vẫn khá là xác suất chứ không hiệu quả mọi lúc đâu – cái thốn nhất đó là khi dẫm phải Trap Empty và bạn sẽ bay sạch mọi lá bài bạn đang sở hữu… Để tránh sự nhàm chán thì thỉnh thoảng, bạn sẽ phải lo đến việc có những con quái vật – Creep được spawn ra khắp Map và chúng sẽ tấn công bất kì người chơi nào không theo quy luật và chỉ số của chúng cũng ngang ngửa một số player cho nên sẽ rất đáng lo ngại nếu như bạn đang ở trong tình thế một chấp số đông… Nếu như bạn đánh bại được một thợ săn khác thì họ vẫn có thể respawn lại nhưng sẽ bị giảm một nửa máu gốc, chưa kể đó là bạn sẽ được quyền lột một món đồ ở trên người họ như là chiến lợi phẩm. Ngoài ra thì nếu như đầu hàng thì bạn vẫn có thể bảo toàn các chỉ số cũng như máu gốc xong vẫn sẽ phải tự thí một món đồ của bạn như là chiến lợi phẩm cho kẻ chiến thắng…
Để thúc ép người chơi thì bọn họ đưa vào một bộ luật cực kì kì quặc – Thay vì cho người chơi một deck bài riêng như một số game thì tất cả player sẽ đều dùng chung một deck, ai tốn bài nhiều hay ai dùng nhiều không quan trọng. Ngay sau khi deck hết sạch bài (tối thiểu là 80 lá và tối đa là 100). Và khi hết bài – nhạc OST bắt đầu thay sắc và sau đó nó thả ra một quái thú: GON – đây là một BOSS cực kì nhanh và có chỉ số Move cực cao, chỉ mất chưa quá 1-2 turn để nó nhanh chóng tìm đến bạn. Những đòn đánh của nó là cực đau đớn, có thể tiễn thanh HP của bạn xuống còn vài đơn vị cũng như chỉ số phòng thủ của nó khiến nó rất khó để bị đục (trừ khi chỉ số AT của bạn đã lên đến hàng chục). Và một cái có thể khiến bạn thêm phần khóc thét đó là kể cả nếu như bạn có diệt được GON đi chăng nữa thì chắc chắn cái giá phải trả cũng là khá đắt và chỉ mất đúng 1 turn sau khi GON bị diệt, nó sẽ lại auto được respawn trở lại và lần này tiếp tục đi săn người chơi.
Trải nghiệm của game ở phần chơi đơn có thể nói là ở mức vừa phải thôi, nó có cuốn đấy, nhưng tôi chỉ cảm thấy như có lẽ mình chỉ nên làm khoảng 1 đến 2 trận một ngày là căng còn sau đó thì dừng lại bởi game vẫn còn khá nhiều khuyết điểm. Trước tiên đó là hệ thống nhiệm vụ trong game có vẻ không quá đa dạng kể từ khi mô típ vẫn cứ chỉ xoay quanh việc đi tìm kho báu, nếu kho báu ở trên người của một đứa khác thì hiển nhiên là bạn phải hạ chúng và đoạt lại kho báu rồi cho nên đến khoảng trận thứ 4 hay thứ 5 thì nó trở nên khá là nhàm chán nhanh chóng. Điểm yếu thứ hai đến từ chính cốt truyện của game, nó khá là confuse, lộn xộn, mạch truyện tuyến tính cũng như không có gì bất ngờ nhiều nên cũng chẳng bận tâm. Nó chỉ kiểu như: “Ok cậu đã hoàn thành nhiệm vụ, tốt lắm, để thưởng cho công sức vất vả của cậu chúng tôi thưởng cậu mấy cái poster…”.
Và cốt truyện có vẻ như bị lock vào với Level của chính bạn nữa, nếu như bạn chưa đủ level thì cốt truyện sẽ tạm dừng một chút ở đó và lão Merchant sẽ liên tục giao cho bạn nhiệm vụ phụ để cho bạn cày tiền để tham gia chương trình huấn luyện. Ngoài ra để cải thiện yếu tố RPG trong game thì như thường lệ, bạn có thể equip một số item chuyên dụng cho nhân vật của bạn chẳng hạn như đeo vũ khí (súng, dao, găng) để tăng chỉ số AT và mặc giáp tăng chỉ số DF. đi giày để tăng khả năng Move…. Bạn cũng sẽ phải quản lý hòm đồ rất gay gắt bởi trữ lượng tối đa của bạn là 6 món (có tính cả trang thiết bị equipable). Dĩ nhiên thì game bù lại cho bạn một phần Multiplayer qua cơ chế Lan (vẫn khá là hạn chế kể cả so với thời đó), và cơ chế tối đa 4 người 1 máy – Nói thật là tình trạng server của game sau 20 năm ra sao rồi thì tôi cũng không thể rõ được…
Âm nhạc bất ngờ lại là một điểm sáng của game, có những track kể ra nghe khá bắt tai kể cả cho dù phần lớn âm nhạc của game vẫn là theo lối Arcade music là chính, cái hay của nó đó là những giai điệu điện tử cố tình bắt chước nhạc Jazz cổ điển tạo ra cái kiểu âm thanh mà gần như ăn vào đầu ngay lập tức. Thêm nữa đó là cái lối kiểu Synth Wave trong từng nốt khiến cho âm nhạc của game không hề bị Outdated một chút nào kể cả gần 20 năm nhìn lại. Cái mà tôi ưa thích nhất ở game đó là ngay sau khi con Gon được tung vào sàn đấu, cái nhạc chết tiệt đó nổi lên và bạn sẽ kiểu như… Crap… Nhanh chân đến chỗ Exit trước khi bị nó ngoạm được. Kể cả một số lúc trong battle bạn cũng có thể cảm thấy cái giai điệu biến thiên và Upbeat lên một cái khi bạn bắn một phát cực rát vào người đối phương… Nó giống như thể thập niên 8x và 9x vậy. Không nhiều lời nữa và đây là âm nhạc của game.
Đánh giá chung: Kể ra thì so với một game đã có tuổi, khi tôi chơi lại tôi vẫn thấy khá vui – yếu tố Fun là chắc nịch. Cá nhân tôi cho rằng đây có lẽ cũng nên là một game được tiếp tục – thật đấy. Mechanic gần như là ok rồi kể cả so với thời điểm bây giờ, luật chơi đơn giản nhưng thực hành thì chắc chắn vẫn là những thử thách căng thẳng, chỉ cần chú trọng vào việc bổ sung thêm content, nhiệm vụ đa dạng hơn, các loại card có lẽ cũng nên được sửa lại, ít nhất là viết lại một cái plot đàng hoàng hơn… Khá nhiều thứ. Có lẽ đây là một phần lí do tại sao sau khi clear game bạn cảm thấy có vẻ cũng hơi trống trải, bạn dĩ nhiên vẫn có thể quay lại game làm vài ván để tìm niềm vui nhưng vẫn có một sự hụt hẫng đó là giá như nhiều thứ có thể nhiều và tốt hơn nữa thì game chắc chắn tuyệt hơn rất nhiều – và nếu như bằng cách nào đó nó quay trở lại thì chắc chắn SWITCH sẽ là hệ máy lí tưởng (đó là tiền đề trước tiên cái đã). Ok so good bye for now… Tôi ngồi làm vài ván đã.
HenryMason AKA TranVietBach
As your service.