Grand Kingdom: đánh thuê khắp 4 cõi

Khách mới

  

Trong máy game của tui lúc nào cũng sẽ có một cái game kiểu chả-bao-giờ-kết-thúc. Tức là cái game ấy gần như không có khái niệm gameover, các bưởi có thể chơi xong hết một mạch story line của nó xong lại tiếp tục chơi hoài chơi hủy để sưu tầm nhân vật hay đồ chơi, chơi tới khi mọc râu dài như cụ Dum hay đơn giản là bỏ nó đấy vài tháng lâu lâu lại lôi ra giải trí. Những kiểu game nhâm nhi như kiểu Pokemon, Yugioh, Final Fantasy Tactic, vưn vưn và mây mây.

Trước đây thì tui chơi series Disgaea, một series game dạng theo lượt, nói về thế giới Netherworld, nơi được thống trị bởi những con Demon hết sức bựa bẩn và hài hước. Sau này khi bắt đầu làm quen với Grand Kingdom (GK), tui liền chết dí chết dị với cái game này, tính đến nay cũng được gần 3 năm.

 

Cái đầu tiên vả bộp bộp vào mắt tui là phong cách đồ họa Cel-Shading của game. Ông bà mình nói tốt gỗ hơn tốt nước sơn nhưng với tui cứ phải hợp nhãn hợp gu cái đã, gỗ giếc tính sau.

Tuy nội dung GK nói về các chiến trường thời trung cổ nhưng nền đồ họa của nó lại hết sức tươi tắn, không quá ảm đạm hay đen tối như cách thể loại này cần có. Từ các nhân vật trong team người chơi đến tổ đội quái thú chờ bị làm thịt đều được vẽ một cách sống động và màu sắc. Cho nên chúng ta sẽ không cảm nhận thấy có bao nhiêu không khí chiến chinh sát phạt ở trong từng màn chơi. Nó đúng như kiểu game nhởn nhơ dạo phố không cần phải lo lắng gì.

 

Bên cạnh đồ họa hạp gu tui hết cỡ thì story-line của game lại càng đơn giản đến bất ngờ. Có thể nói GK hoàn toàn bỏ qua story-line để tập trung vào cách chơi. Việc này rất thích hợp cho một game no-end như GK, vì tui sẽ không cần ghi nhớ story-line của game mỗi lần thích chơi lại, nhưng dĩ nhiên đồng thời cũng sẽ khoác cho game này một cái áo hời hợt thiếu chiều sâu. Nói chung là tùy vào lựa chọn của các bưởi thôi há, cái này thì khó mà nói được là hay hay là dở.

Ngay từ lúc bắt đầu game mọi thứ đều hết sức rõ ràng. Bưởi sẽ start-up một guild lính đánh thuê, bị ném vào giữa chiến trường của bốn vương quốc. Việc các bưởi phục vụ vị hoàng đế nào, đi theo ngọn cờ nào, thật ra không hề quan trọng mà cũng chả có mục đích gì sâu sắc, bởi tất lẽ dĩ ngẫu những đội lính đánh thuê khác của ba nước còn lại sẽ quây đánh một mình bưởi.

Lòng trung thành cũng không phải là cái gì đáng phải để tâm lắm trong GK. Các bưởi có thể dễ dàng rời bỏ đội ngũ, đào tẩu sang một vương quốc khác để bắt đầu lại từ đầu. Hoặc các bưởi có thể chơi trò đu dây giữa bốn vách núi, cùng một lúc phục vụ cho cả bốn vị hoàng đế và đống thời đánh nhau với cả bốn. Tất nhiên lựa chọn nào cũng có cái lợi và cái hại, bốn vị hoàng đế cũng không phải là đồ ngu cho các bưởi lừa bịp.

 

Việc đầu tiên sau màn giới thiệu là các bưởi sẽ là chiêu mộ bốn anh lính cho squad chính của mình.

GK có tới 17 class khác nhau cho các bưởi chọn. Thoạt đầu khi thoáng nhìn qua các bưởi sẽ cảm thấy có nhiều class ôi sao giống i xì nhau vậy, bộ tạo ra cho vui hay gì?

Chẳng hạn như Fighter – Noble, Paladin – Lancer, Shaman – Witch. Thế nhưng khi bước lên chiến trường, các bưởi sẽ dần dần hiểu được mỗi một class đều có vị trí riêng của nó. Support ở đâu, healer như thế nào, damage chính là ai và tank chính cần những gì. Với 17 class này các bưởi sẽ có đến cả trăm cách kết hợp trong squad của mình. Tui đã từng mất cả ngày để sắp xếp 1 squad chuyên dùng đi quest, bởi lẽ nó sẽ có chiến thuật khác hẳn 1 squad chuyên đi war hay 1 squad chuyên đi lượm đồ.

Các bưởi có thể vào đây để nghía sơ các class của game: https://nisamerica.com/games/grand-kingdom/class/

 

Và dĩ nhiên đi kèm với các class khác nhau là các chỉ số cực kỳ quen thuộc với fan nhập vai: tốc độ, sức mạnh, máu, phép thuật, kháng phép, … Việc nâng chỉ số nào cho con lính chiến còn ngốn thời gian của các bưởi nhiều hơn nữa, nhưng không sao chúng ta may mắn có một item để reset chỉ số khi lên cấp he he. Việc tùy chọn các skill (tui sẽ nói ở phần sau), giúp cho các bưởi có thể tạo ra một anh Dark Knight chuyên đi hồi máu, hoặc một cô bác sĩ sát thủ chiến tranh.


Mỗi một con lính chiến mà các bưởi chiêu mộ, sẽ có chín chỉ số phân hạng khác nhau, cái mà tui gọi là chỉ số tài năng, chia ra từ E tới S. Khi guild của các bưởi có vị trí càng cao, danh tiếng càng to, thì lính chiến mà các bưởi có thể chiêu mộ lại càng tài năng.

Tuy nhiên các bưởi vẫn có thể đi lên từ nghèo khó với một đội lính chỉ toàn chỉ số E và up-class lên dần dần cho đến khi có 1 đội full S. Tất nhiên cách này thì hơi khổ dâm và mất rất nhiều thời gian.

 

Bên cạnh hệ thống vũ khí và giáp trụ khá là cũ kỹ và đặc trưng của dòng game theo lượt, thì GK còn chôm cả hệ thống material của game Final Fantasy 7. Trên vũ khí các bưởi sẽ thấy có những lỗ để khám “ngọc” tăng chỉ số hoặc tăng kỹ năng vào. Mỗi một viên ngọc có thể tăng một chỉ số kỹ năng nhất định và có thể chuyển từ vũ khí này sang vũ khí khác hoàn toàn miễn phí.

 


Và sau khi đã set-up hòm hòm mấy con lính chiến cho squad của mình, các bưởi sẽ đụng đầu vào một hệ thống khác còn khó nhằn hơn, hệ thống skill.

Về lý thuyết, mỗi một class sẽ có 8 skill chính để học tập, tuy nhiên khi ra chiến trường các bưởi chỉ được gắn tối đa 4 skill chính và 2 skill phụ, hoặc 3 skill chính 3 skill phụ. Hệ thống skill này cũng không phải để chơi cho vui, mà nó gắn chặt với một hệ thống khác, hệ thống combo.

Tuy là một game dạng đi theo lượt với thanh timeline quen thuộc, nhưng khi tới lượt chiến đấu của các class cận chiến, các bưởi sẽ nhấn nút pad theo thứ tự để tạo ra combo như kiểu game song đấu. Việc gán các skill chính vào nút pad giúp các bưởi tạo ra một combo độc nhất vô nhị của riêng mình.

 

Các skill sẽ có độ giật đối thủ lên cao và đẩy đối thủ ra xa khác nhau, nên các bưởi gán skill như thế nào để tạo thành một combo liên tục vô cùng quan trọng. Đồng thời đối thủ sẽ có kẻ nặng cân như một con rồng heo, có kẻ nhẹ nhàng như một nàng tiên rừng, có người luyện công phu hạ bàn siêu vững, có tên cước bộ phập phù, tất cả những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến việc combo của các bưởi có trôi chảy hay không. Bởi lẽ chỉ cần lỡ một nhịp hoặc đánh hụt một chiêu, combo sẽ dừng ngay lập tức đồng thời lượt đi cũng sẽ cạn.

Cho nên các bưởi đừng ngạc nhiên khi con Dark Knight của người ta chơi một combo 24 skill rút gần 90% cây máu, trong khi con Dark Knight của mình đồ xịn hơn, ngọc ngon hơn mà chỉ đánh có 3 skill đã tắt tỵ đần mặt ra đứng dòm.

Sát thương khủng của những class cận chiến vô cùng quan trọng, nhất là về late game, có thể dễ dàng lật bàn trong nháy mắt. Nên chiến thắng của các bưởi còn phụ thuộc vào việc múa tay bấm phím có dẻo hay không nữa chứ không phải cứ có lính chiến đồ ngon là ăn.

 

Đối với những class tầm xa hay phép thuật thì combo không còn quan trọng nữa. Thế những mỗi một skill mà các bưởi mang theo lại có giới hạn số lần dùng. GK không có đồ tiếp tế giữa trận đấu, cũng như không có chuyện bơm lại số lần đánh skill, nên các bưởi sẽ phải cân nhắc mang theo skill gì, sử dụng như thế nào để có thể hoàn thành quest trong game.

Để kết hợp thêm tùy biến cho GK, các bưởi sẽ được mang theo một số dụng cụ hỗ trợ, chiếm 2 trong 6 slot của squad. Đó có thể là một tấm khiên chắn để tạo công sự cho cung thủ, hoặc một cái máy ném đá dùng để ném em Paladin của các bưởi vào giữa đội hình địch. Hoặc đơn giản chỉ là một lá cờ tăng morale của toàn squad lên. Điều này góp phần tạo ra những chiến thuật cực kỳ đặc dị và độc đáo cho các squad.

 

Ngoài ra GK còn làm cho cuộc chiến trở nên đa dạng hơn nữa khi ngẫu nhiên cho mỗi một nhân vật hai kỹ năng bất kỳ khi chiêu mộ. Một skill gọi là Ability, có hiệu quả khi chiến đấu chẳng hạn như tăng EXP cho cả team, hồi phục thêm 10% máu khi bị đánh chết, khi đồng đội chết hết thì tăng 50% chỉ số. Một skill khác chỉ dùng được khi di chuyển trên chiến trường, gọi là Field Skill. Chẳng hạn như khóa chết đối thủ năm lượt đi, bơm 5% máu trong mỗi bước chân, tăng 10% lực chiến của toàn squad cho trận kế tiếp. Điều này giúp cho tính chiến thuật của GK trở nên cực kỳ đa dạng và mang đậm tính tùy biến cá nhân. Sẽ không bao giờ có 1 squad giống nhau trên chiến trường, cũng sẽ không bao giờ có một squad chiếm ưu thế mạnh tuyệt đối trong các trận giao tranh, khi luôn có những yếu tố tương sinh tương khắc ở đó.

 

Ở trên tui đã nói đây là một game không có kết thúc. Cuộc hành trình của các bưởi sẽ kéo dài mãi mãi theo một vòng tuần hoàn. Thuê những lính chiến phù hợp với mình, chiến đấu trong các nhiệm vụ cho sẵn, lượm đồ trang bị và lên level, nhảy vào chiến trường chính của các đế quốc, lại chiến đấu miệt mài để đem tiền về phát triển các thế hệ đàn em.

 

Phần công việc hàng ngày của các bưởi sẽ chỉ xoay quanh trại đóng quân, thực hiện quest, lên chiến trường. Thỉnh thoảng khi trong túi rủng rỉnh tiền, tui sẽ du lịch đến thủ đô của một vương quốc đồng minh để săn lùng những nguyên liệu hiếm, hoặc để rèn một thanh vũ khí cực khủng.

Khi vào quest, các bưởi sẽ bị giới hạn bởi một hệ thống bước đi, trên một bản đồ tương tự như board game. Hoàn thành quest trong số bước đi thấp nhất thì phần thưởng sau đó sẽ càng cao.

 

Grand Kingdom đã cố gắng thoát khỏi lối mòn tuyến tính của các game TBS bằng cách xây dựng hai phần online và offline riêng biệt. Hệ thống offline với các quest cho sẵn có thể xem như một cách để các bưởi huấn luyện và xây dựng đội quân đánh thuê của mình.

Sau khi đã có trong tay một lực lượng “hòm hòm”, đó là lúc các bưởi bước vào chiến trường online – war. Mặc dù nghĩa online ở đây đã bị hạn chế rằng các bưởi sẽ không thực sự chiến đấu với người chơi khác theo thời gian thực. Các bưởi sẽ đấu với các “clone squad” với level tương đương squad của mình. Những clone squad này mang theo đầy đủ vũ khí và hệ thống skill của người chơi khác, dĩ nhiên không thể so sánh với lối tư duy người thực, nhưng cũng đủ khiến các bưởi trầy vi tróc vảy.

Như tui đã nói, không bao giờ có hai squad giống nhau trên chiến trường, và cũng không có một squad bất bại.

Nếu phải so sánh với những series game TBS huyền thoại như FFT, Disgaea hay Fire Emblem thì có lẽ GK không để lại dư vị sâu sắc bằng, chủ yếu do phần story-line hơi đuội. Thế nhưng trong những game theo lượt ra mắt trong 5 năm gần đây, tui đánh giá GK nằm trong top những game tốt nhất về lối chơi và phong cách.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện