Đánh giá Hi-Fi RUSH: Khi game thực sự để giải trí.

Khách mới

  

Mở đầu

Chúng ta chỉ mới bước sang năm 2023 chưa đầy 2 tháng nhưng thị trường game trên thế giới đã đầy những biến động. Từ những ý kiến trái chiều, những video bị leak của Hogwarts Legacy, từ sự thành công của Dead Space remake cho đến sự thất bại thảm hại của Forspoken. Giữa lúc “thời thế loạn lạc” thì Hi-Fi Rush – một tựa game tới từ nhà phát triển Tango Gameworks bất ngờ được cho ra mắt mà trước đó không hề có một thông báo, một teaser hay bất kì ai bàn tán về nó cả. Vậy tựa game này có gì đáng chú ý đến thế? Hãy cùng mình tìm hiểu và đánh giá nhé.

Giới thiệu

Trước tiên hãy nói một chút về Tango Gameworks. Đây là nhà phát triển game tới từ Tokyo – Nhật Bản. Đứng đằng sau những siêu phẩm nhập vai sinh tồn kinh dị The Evil Within hay Ghostwire Tokyo. Công ty này được thành lập bởi Shinji Mikami vào 1/3/2010 tại in Odaiba, Tokyo, Nhật Bản. Vào tháng 10/2010 công ty được ZeniMax Media mua lại sau khi gặp các khó khăn về tài chính. Sau đó công ty cho ra mắt The Evil Within vào năm 2014, hậu bản The Evil Within 2 năm 2017 và Ghostwire Tokyo vào năm 2022. Có thể thấy cả 3 tựa game của hãng đều rất nổi tiếng. Chúng đều thuộc thể loại sinh tồn kinh dị và được đón nhận với các đánh giá rất tích cực từ phía người chơi.

Trở lại với Hi-Fi Rush, trong một bài phỏng vấn hồi tháng 3/2022, founder của Tango Gameworks là Famitsu và chỉ đạo sản xuất Shinji Mikami đã nhắc đền việc họ muốn thoát ra khỏi thể loại sinh tồn kinh dị và đào tạo một thế hệ các nhà làm game trẻ hơn. Họ cũng “thả thính” về một tựa game mới với đạo diễn John Johanas của The Evil Within 2 cho rằng sẽ đối lập hoàn toàn với thể loại kinh dị. Johanas cũng cho biết Hi-Fi Rush là một ý tưởng game “trong mơ” của anh ấy từ rất rất lâu rồi. Hi-Fi Rush bước vào giai đoạn sản xuất vào năm 2018 song song với Ghostwire: Tokyo. Bùm một cái tựa game được công bố tới công chúng bởi Xbox và Bethesda Developer_Direct và được cho ra mắt cùng ngày 25/1/2023 trước sự ngỡ ngàng của vô số game thủ.

Cốt truyện

Hi-Fi Rush đưa người chơi nhập vai vào một nhân vật tên Chai – người tự xưng là “ngôi sao nhạc rock tương lai”. Chai có cánh tay phải bị khuyết tật cùng với ước mở trở thành ngôi sao nhạc rock. Anh đến với đại học Vandelay Technologies để tình nguyện tham gia vào dự án có tên Project Armstrong – Một chương trình thử nghiệm thay thế các bộ phận bằng máy móc. Với âm nhạc luôn ở trong tim – theo nghĩa đen… Bởi chiếc máy nghe nhạc của anh ta vô tình được cấy ghép thẳng vào tim sau khi bị CEO Kale của dự án vứt bỏ. Chính vì “sự cố như ý muốn của tác giả” này đã “giúp” Chai cảm nhận được giai điệu của thế giới xung quanh. Tuy nhiên Vandelay Technolgies cho rằng anh là một thí nghiệm thất bại và ra lệnh cho những người máy ở đây truy bắt anh.

Ngoài việc “cảm thụ âm nhạc”, Chai phát hiện ra cánh tay máy của anh có thể biến hoá thành một chiếc gậy hút nam châm điện. Chai dùng cánh tay hút các phế liệu kim loại và “hợp thể” chúng thành một loại vũ khí có hình thù của một cây đàn ghi-ta.

Trên hành trình chạy trốn khỏi Vandelay Technologies, Chai gặp một chú mèo máy (tất nhiên không phải là Doraemon rồi) tên 808 và được trợ giúp bởi Peppermint giao tiếp thông qua chú mèo này. Peppermint và 808 chỉ dẫn Chai tới “hang ổ” của họ và đề nghị giúp Chai trốn thoát nếu anh ấy đồng ý giúp điều tra âm mưu thật sự đằng sau Project Armstrong. Và từ đây cuộc phiêu lưu đầy thú vị bắt đầu.

Có thể nói cốt truyện của Hi-Fi Rush rất kinh điển, hoàn toàn đơn giản, dễ hiểu. Tuy nhiên người viết cảm thấy đôi khi có phần quá dễ đoán. Đối với những game thủ khó tính yêu cầu một cốt truyện top-tier thì Hi-Fi Rush khó có thể đáp ứng được.

Các đoạn hội thoại được Tango Gameworks làm cẩn thận và chỉn chu. Chúng thể hiện được tốt tính cách của các nhân vật. Mỗi nhân vật trong Hi-Fi Rush đều mang tính cách riêng và mình thực sự ấn tượng với cách mà Tango thiết kế họ. Từ chú mèo 808 dễ thương, chú robot CNMN (đọc là Cinnamon) nhí nhố, chị cả Korsica ngầu lòi cho tới Macaron to con cục súc nhưng lại cực kì hiền lành dễ mến. Ngay cả các con trùm cũng có cá tính rất riêng, đặc biệt với Zanzo làm chúng ta liên tưởng ngay tới bộ truyện JoJo. Các câu bông đùa cũng được NSX thêm thắt hợp lý khiến bối cảnh thêm phần thú vị mà không gây khó chịu cho người chơi. Các câu thoại, lối xây dựng nhân vật, cốt truyện mang màu sắc tươi sáng và hài hước khiến người viết cảm thấy Hi-Fi Rush giống các bộ phim hoạt hình ngày xưa, các bộ truyện tranh từ những Teen Titans cho tới TMNT.

Quả thực với lối xây dựng này chúng ta hoàn toàn không nghĩ rằng Hi-Fi Rush tới từ nhà sản xuất của toàn những game kinh dị đúng không? Giữa hàng tá những game mang sặc mùi tư tưởng chính trị thì rõ ràng Hi-Fi Rush thực sự là một quãng nghỉ, là một sân chơi giải trí sôi động và vui vẻ.

Hình ảnh vui nhộn/Âm thanh xuất sắc

Trái ngược với đồ hoạ siêu thực của game quen thuộc của hãng, trái ngược với những The Evil Within tăm tối, u ám; những Ghostwire Tokyo ma mị bí ẩn, Hi-Fi Rush mang phong cách đồ hoạ hoạt hình /truyện tranh rất tươi sáng.

Nét truyện tranh đầu tiên là ở sự phá cách của UI hệ thống, cho tới các khung hội thoại nhân vật thay vì chỉ là những dòng chữ phụ đề nhàm chán. Các model nhân vật, quang cảnh thế giới xung quanh tuy là 3D nhưng phong cách đồ hoạ khiến chúng ta như đang ở trong chính những khung hình truyện tranh vậy.

Những hiệu ứng hình ảnh như hiệu ứng đòn đánh, hiệu ứng của các vật thể, hiệu ứng cháy nổ,v.v… đều mang đậm nét của thế giới truyện tranh. Tựu trung lại từ phong cách phối màu, các nét vẽ kết hợp nét thanh nét đậm cho đến lối thiết kế ngoại hình các nhân vật, hiệu ứng đặc biệt,… đều mang một nét rất riêng và cũng rất hoài cổ và vô cùng tươi sáng, sinh động.

Nói tới âm thanh thì theo người viết đây là thứ góp công đến 90% sự thành công của game. Mọi thứ trong game đều xoay quanh âm nhạc và những giai điệu. Các hiệu ứng giai điệu được lồng ghép hợp lý mọi lúc mọi nơi, mọi hành động mà người chơi làm.

“Các bản nhạc trong game được sáng tác bởi Shuichi Kobori, Reo Uratani – 2 cựu soạn nhạc cho Konami, Capcom và của Tango Gameworks’ – Masatoshi Yanagi. Hi-Fi Rush cũng sử dụng 9 bản nhạc có bản quyền và có hẳn một playlist đàng hoàng trên Spotify cho anh em muốn thưởng thức.

Ngoài ra để tránh các vấn đề bản quyền trên YouTube và các nền tảng khác, trò chơi cũng có tuỳ chọn thay thế các bản nhạc bản quyền thành các bản nhạc gốc của nhóm The Glass Pyramids. Ngoài các bản nhạc, các giai điệu cực kì bắt tai thì hiệu ứng âm thanh cũng được làm rất cẩn thận, mang đậm chất “arcade” nhằm tăng thêm sự hào hứng thú vị cho người chơi.

Gameplay

Hi-Fi Rush là một game hành động nhịp điệu. Nó có lối chơi tương tự với những series đình đám như Devil May Cry, Bayonetta. Tuy nhiên điểm khác biệt ở đây chính là hai chữ “nhịp điệu”.

Như mình đã chia sẻ, âm thanh góp phần lớn trong sự thành công của trò chơi này và mọi thứ người chơi làm đều xoay quanh âm nhạc và những giai điệu. Nhân vật chính của chúng ta có khả năng cảm nhận được giai điệu của thế giới xung quanh. Chính vì vậy từ những tiếng xì khói của ống khói, tiếng platform gập lên xuống, hay tiếng vật thể vụn vỡ khi người chơi tác động vào đều tạo nên những giai điệu nhất định.

Điều đó tạo nên một thế giới cực kì sôi động và không hề gây nhàm chán cho dù số lượng các NPC không quá nhiều. Tuy chỉ là game đi cảnh tuyến tính, không phải thế giới mở nhưng với sự kết hợp giữa môi trường xung quanh và giai điệu âm nhạc khiến người chơi sẽ luôn luôn “động tay động chân” để hoà vào bản hoà âm chung đó. Về cơ bản, Hi-Fi Rush vẫn là một game hành động giải đố, chặt chém với những chuỗi combo đẹp mắt. Nhưng với việc kết hợp cùng tiết tấu âm thanh khiến việc ra đòn, “đánh quái” trở nên cuốn hơn bao giờ hết.

Mặc dù game luôn xoay quanh tiết tấu và giai điệu tuy nhiên người chơi không cần thiết phải canh chính xác từng giai điệu để ra đòn. Các hành động của người chơi được tự động “”đồng bộ”” với âm nhạc. Điều này khiến cho các thao tác combo trở nên mượt mà hơn ngay cả khi bấm trượt nút hay tấn công hụt. Ngoài các đòn tấn công cơ bản, game cũng có cơ chế parry bằng cách bấm đúng lúc đối phương ra đòn.


Bên cạnh đó trong lúc thực hiện các chuỗi combo sẽ có những QTE (Quick-Time Event) mà khi người chơi bấm đúng lúc sẽ ra đòn đánh có sát thương lớn hơn, đồng thời nhận được phần thưởng nhiều hơn sau khi hạ gục. Hệ thống combo cũng được làm khá tốt, tương tự như các game Beat ’em up/Hack n Slash khác. Cũng sẽ có hệ thống phân hạng combo từ D, C, B, A, S.. Chuỗi combo càng cao, lượng XP và tiền người chơi nhận được càng lớn.

Ngoài các màn chơi beat-em-up cổ điển, game cũng có các màn minigame để thay đổi không khí. Từ việc né các tia laser theo nhịp cho đến bấm chuỗi nút theo giai điệu cho sẵn giống Audition.

Việc thiết kế các màn chơi là hoàn toàn khác nhau dù một số màn sẽ có cơ chế na ná nhau. Tuy nhiên với môi trường xung quanh, cách bố trí các platform, các vật thể, hướng đi là hoàn toàn khác biệt. Người chơi không hề có cảm giác như đi lại một màn chơi nào đó. Mỗi màn chơi sẽ là một địa điểm trong khuôn viên của tập đoàn phản diện trong trò chơi. Mỗi khu vực sẽ dựa trên một phong cách âm nhạc khác nhau, tạo sự mới mẻ và sôi động cho người chơi. Thời điểm đấu trùm thông thường sẽ được đặt ở cuối các màn chơi tuy nhiên với Hi-Fi Rush thì việc đấu trùm sẽ khác nhau với mỗi màn.

Ngoài ra Hệ thống nâng cấp của game được mở khoá sau khi nhân vật chính được Peppermint “rước” về hang ổ của mình. Tại đây người chơi có thể mở khoá các kĩ năng mới, chuỗi combo mới, các “perks” mới. Tất cả đều có thể mua bằng “gears” – một loại tiền in-game kiếm được thông qua chiến đấu hoặc khám phá các màn chơi.

Game cũng có cơ chế thu thập các vật phẩm để mở khoá những nâng cấp đặc biệt. Các món đồ thu thập được sẽ nâng cấp vĩnh viến thanh máu và thanh kĩ năng đặc biệt cho Chai. Khi người chơi hoàn thành game lần đầu tiên sẽ mở khoá thêm vài tính năng khác ví dụ như chơi lại các màn chơi hoặc các địa điểm chưa đến được trong lần chơi đầu tiên, các độ khó mới và Rhythm Tower – một chế độ sinh tồn giống với Bloody Palace của DMC, nơi người chơi sẽ chiến đấu với từng đợt tấn công của kẻ địch sao cho lâu nhất có thể.

Cuối cùng, Hi-Fi Rush mang gameplay thuần giải trí. Không hề đặt nặng vào bất kì điểm gì. Chơi theo cách bạn muốn, “quẩy” theo cách bạn muốn, game sẽ tự động điều phối các giai điệu cho phù hợp. Người chơi sẽ không cần phải lo lắng về việc trật nhịp. Kể cả việc giải đố hay vượt platform trong game cũng hết sức nhẹ nhàng. Cộng thêm việc gameplay luôn kết hợp cùng các bản nhạc sôi động – các bạn sẽ không muốn dừng lại chút nào đâu.


Những điểm cần cải thiện

Như mình đề cập, một số màn chơi có cơ chế na ná nhau, đôi khi người chơi sẽ cảm thấy khá nhiều. Thứ hai là ở một số phân cảnh, động tác hay hoạt ảnh của nhân vật chính sẽ tạo cảm giác không được…chính xác so với nút người chơi bấm cho lắm.

Ngoại trừ các con boss, các loại kẻ địch cũng chưa thực sự tạo nên quá nhiều khác biệt, vẫn còn sự lặp lại trong thiết kế ngoại hình cũng như move-set của chúng, trái ngược với sự đa dạng của các nhân vật chính/phụ.

Phần kết    

Tổng kết lại giữa vô vàn “sóng gió” làng game gần đây thì Hi-Fi Rush thực sự là một quãng nghỉ, một nơi xả stress đúng nghĩa. Chúng ta tìm đến game để giải trí và Hi-Fi Rush đã làm đúng vai trò của nó là một game thuần tính giải trí. Tango Gameworks đã rất thành công khi bước ra khỏi “vùng an toàn” khi trước đây họ chỉ làm về thể loại kinh dị. Quả đúng như lời vị đao diễn John Johanas nói, đây chính là tựa game “mơ ước” của anh ấy.

Hi-Fi Rush có một cốt truyện đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận nhưng không hề gây ra nhàm chán. Người chơi không hề cảm thấy căng thẳng khi bước vào thế giới của Hi-Fi Rush. Với đồ hoạ bắt mắt, gameplay giải trí, các cơ chế chính được làm chỉn chu, tối ưu rất tốt. Vừa được chặt chém combo đã tay, vừa được hoà vào những giai điệu sôi động của những bản nhạc rock, bên cạnh đó là những cuộc hội thoại giữa các nhân vật rất hài hước, thú vị, không hề gây cảm giác “cringe”. Hi-Fi Rush thực sự là một món hời nếu các bạn đang tìm một trò chơi để giải trí sau những giờ làm, giờ học căng thẳng. Liệu đây có phải là một trong những ứng cử viên nặng kí sớm cho danh hiệu Game of the Year không nhỉ? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Sinanju23

Khách mới

  
Muốn thử sức viết lách. Thích viết fan-fic cho riêng mình. Thích game, vẽ và mô hình Gunpla. Có cả một bầu trời tưởng tượng.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện